Giới thiệu bài viết tham gia chương trình Giới thiệu sách số 2 tháng 11 của CLB Giới thiệu sách trường PT Vùng cao Việt Bắc:
Cảm xúc của học sinh Kiều Thị Như Quỳnh - 12A5 khi đọc cuốn nhật kí
“Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Maxin Gorki từng tâm sự: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”. Có những cuốn sách đọc xong người ta quên ngay, nhưng có những cuốn sách để lại mãi trong ta những dư âm chẳng thể xóa nhòa. Và “Mãi mãi tuổi hai mươi” là một cuốn sách như thế!
“Nhật ký” Tôi đã từng nghĩ đó chỉ là sự ghi chép đơn thuần những sự kiện diễn ra trong ngày của bản thân mỗi người. Thế nhưng khi đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi” tôi chợt nhận ra: Nhật ký chẳng phải sự sao chép giản đơn cuộc sống mà còn là nơi con người ta trải lòng mình với những cảm xúc, suy tư, những bộn bề suy nghĩ. Tôi cảm phục biết bao người trai Hà Nội mang tên Nguyễn Văn Thạc, bởi tấm chân tình của anh qua trang nhật ký.
Là sinh viên xuất sắc khoa Toán-Cơ, trường đại học tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Văn Thạc đã từng xếp vào diện đi đào tạo tại Liên Xô. Nhưng trong những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt, anh đã quyết tâm ở lại để tham gia quân đội với lí tưởng cao đẹp “Nước còn giặc thì con đi đánh giặc, đánh đến cùng mới thôi”.
Tuy chỉ sống cuộc đời người lính trong khoảng thời gian ngắn ngủi (từ 2/10/1971-24/5/1972) nhưng Nguyễn Văn Thạc đã gửi vào trang nhật kí tất cả những tâm tư, tình cảm của mình, khi phơi phới niềm vui lên đường, khi buồn nản chán chường, khi nhớ thương quê nhà. Anh đã ghi chép rất kĩ những điều mắt thấy, tai nghe và những điều anh cảm nhận được. Đó là chuyện gia đình người dân nơi anh đóng quân, chuyện về anh lính cùng đơn vị, hay dòng cảm xúc khi nghĩ về người con gái anh yêu…Dưới cái nhìn tinh tế của người lính trẻ, tình quân dân, tình đồng chí keo sơn… hiện lên rõ nét, thật sâu sắc.
Ai đã đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi” chắc hẳn sẽ chẳng thể nào quên lời trăng trối cuối cùng của Nguyễn Văn Thạc “Mình tính thế này chắc là sắp chết rồi … chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa … bao dự định còn dang dở”. Đáng trân trọng biết bao trước tấm gương cao đẹp đó…!
Cuốn nhật kí đã cho tôi thấy được thế giới tâm hồn của người lính Hà thành một thời lửa đạn, để tôi thêm hiểu và cảm phục những con người đã ngã xuống trên chiến trường năm xưa.
Những tấm ảnh lưu niệm chỉ cho ta thấy sự hiên ngang, bất khuất của người lính trong chiến đấu, còn thẳm sâu trong những tâm hồn kia, có bao nỗi niềm tâm sự, có mấy ai hiểu được? Những trang nhật kí tuy ngắn ngủi nhưng lại là trang đời tươi đep nhất cho thế hệ hôm nay thấm thía sự hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ. Có những nỗi niềm nhớ quê, có những mối tình chớm nở của tuổi 20 đầy khát vọng, các anh đã lưu giữ trong sâu thẳm trái tim mình, vượt lên những ước vọng của bản thân để chiến đấu, hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Còn gì đẹp hơn thế? Phảng phất đâu đây lời thơ của thi sĩ Thanh Thảo:
“ Chúng tôi đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao chẳng tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi
Thì làm chi còn tổ quốc”
Đã có bao thế hệ thanh niên ra đi chiến đấu với lí tưởng cao đẹp đó? Và đã có bao người ngã xuống tô thắm màu cờ tổ quốc, để lại những trang nhật kí còn dang dở…? “Mãi mãi tuổi hai mươi” như nhắc nhở mỗi người hãy biết tôn trọng, biết ơn quá khứ, hãy sống, học tập, làm việc và ra sức bảo vệ quê hương, đất nước tự do, để có được nền hòa bình như hôm nay, ông cha ta đã phải đánh đổi rất nhiều.
Giữa bộn bề cuộc sống, mỗi người hãy dành chút thời gian ngồi nghỉ để lật dở từng trang nhật kí “Mãi mãi tuổi hai mươi”, để đồng cảm, tri ân đối với người lính trẻ Nguyễn Văn Thạc.