Giới thiệu bài viết tham gia chương trình giới thiệu sách số 2 tháng 11 của CLB Giới thiệu sách trường PT Vùng cao Việt Bắc:
CẢM XÚC CỦA HỌC SINH MA THỊ THƯƠNG - A9K56 KHI ĐỌC CUỐN NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM.
Chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm, bao mất mát đau thương của một thời máu lửa đang dần chìm trôi vào dĩ vãng. Hòa bình từng là khát vọng mãnh liệt của bao thế hệ người Việt Nam đã được lập lại trên đất nước, dân tộc Việt Nam đang hồi sinh mạnh mẽ như mầm cây nhú lên từ lòng đất mẹ sau cả thập kỷ chết đi trong đạn lửa khói bom. Chiến tranh qua đi nhưng hình ảnh những người anh hùng liệt sĩ sẵn sàng ngã xuống vìnền độc lập tự do của dân tộc vẫn còn đó, hằn sâu trong từng tấc đất, in sâu vào hồn thiêng dân tộc, họ hi sinh mà như sống mãi với những tượng đài bất tử.
Thời chống Mỹ từng có một bác sĩ - một con người mang tên Đặng Thùy Trâm. Một con người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho mùa xuân của dân tộc, một con người tận tụy yêu thương, kiên cường bất khuất như một anh hùng. Cuộc sống của chị, suy nghĩ của chị, rồi những niềm vui, những mất mát ... Tất cả những gì về người bác sĩ -Người anh hùng ấy đều được ghi lại trong cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Cuốn nhật ký không đơn thuần là những suy cảm riêng tư của một bác sĩ trẻ tận tụy yêu nghề mà nó là bằng chứng cho cả một thời đại hào hùng bất diệt. Cuốn nhật ký không bị đốt đi mà được giữ lại bởi lẽ “Ở trong đó có lửa”.
Phải, trong nhật ký có lửa. Ngọn lửa ấy nhen lên rồi dần dần bùng cháy trong tôi khi lật giở từng trang nhật ký. Đọc cuốn sách ta như băng ngược thời gian trở về với những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt và hiện lên trong tâm trí ta là hình ảnh một là nữ bác sĩ còn rất trẻ với đôi mắt sáng ngời và nụ cười luôn thường trực trên môi.
Ngay từ khi lật giở từng trang nhật ký đầu tiên, ta đã bắt gặp dòng chữ nắn nót : “Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”, phải chăng đó là phương châm sống để chị vượt qua những tháng ngày gian khổ? Có dễ dàng gì đâu khi công việc tại bệnh xá luôn căng thẳng đón từng đợt thương binh từ chiến trường cam go? Khó khăn biết mấy khi phải chỉ huy cả bệnh xá chống chọi lại với những trận càn khủng khiếp của kẻ thù. Và đau đớn thay khi những người thân yêu xung quanh đến và đi quá nhanh, mới ngày hôm qua còn cùng trò chuyện vậy mà hôm nay đã vùi sâu dưới ba tấc đất ! Nhưng với ý chí nghị lực phi thường chị đã luôn vững vàng vượt qua mọi khó khăn luôn cố gắng vực dậy khỏi vũng lầy bi quan. “Có hoa thơm nắng đẹp thì cũng có đám mây đen vẩn đục bầu trời”, “Cố lên Thùy ơi ”! Chị đã tự động viên mình như thế. Những dòng nhật ký ngắn gọn mà tha thiết, chứa đựng toàn bộ ý chí bất khuất, kiên cường của một người con gái căng tràn nhiệt huyết tuổi hai mươi, lý tưởng sống của chị đập chung nhịp với lý tưởng của một lớp thế hệ trẻ đương thời: Tất cả vì nên độc lập tự do của dân tộc. Khát vọng của chị cũng là khát vọng của hàng triệu con người VN. Mong một ngày đất nước thôi quằn quại dưới bom đạn quân thù, ngày hòa bình lập lại trên quê hương. Bởi vậy chị luôn tận tụy với công việc, chăm lo bệnh nhân từng ly từng tý, luôn lo các thương binh bị đói bị rét. Mỗi lần có một ca tử vong lòng chị lại đau đớn quặn thắt, bất lực “Như tên lính bại trận giơ hai tay để kẻ thù cướp vũ khí ”.
Nhưng nếu chỉ có thế, ngọn lửa trong nhật ký Đặng Thùy Trâm đã không thể cháy mãi. Ngoài những trăn trở trong cuộc sống của một chiến sĩ cách mạng thể hiện lý tưởng và khát vọng sống cao đẹp, những ghi chép của chị còn trải rộng ra tình cảm bao la “Trong trắng kỳ lạ”. Tình người - Phải chăng trong đạn lửa ác liệt, khoảng cách giữa sự sống và cái chết mong manh làm cho con người ta gần nhau hơn, dễ hiểu nhau hơn và hi sinh vì nhau nhiều hơn. Trước những số phận như Bốn, Khiêm, Đường … Và nhiều bệnh nhân không ghi tên khác, Thùy luôn tìm được sợi dây đồng cảm sâu xa. Người bác sĩ trẻ ấy như đau thay cho những bệnh nhân của mình, và với những người không may hi sinh, chị cũng như một lần chết đi buồn vô hạn!
Dù sống giữa ranh giới của sự sống và cái chết, chứng kiến cảnh những người mình yêu quý – những người đồng chí, đồng đội ngã xuống nhưng chị vẫn luôn giữ cho mình niềm lạc quan cùng niềm tin bao la. Chị vẫn rung cảm trước “Những cơn gió xào xạc” hay “Những buổi ban mai dịu mát”, ngồi dưới bom đạn chiển tranh, chị ước mơ về một ngày hòa bình, lại nhớ về những năm tháng bình yên bên cha mẹ thủa trước. Trong chị luôn nuôi nấng “Niềm lạc quan, tin tưởng vào nhựa sống, niềm hy vọng mát xanh trong tâm hồn”. Đọc đến đây tôi tự hỏi: Tại sao trong hoàn cảnh tốt như hiện nay, tôi lại chẳng có được niềm lạc quan tin yêu bao la như chị? Người con gái Hà Nội ấy quả thực trong sáng đến thánh thiện, mang một tâm hồn trong trẻo quá đỗi, thật đáng khâm phục!
Đọc xuôi về cuốn nhật ký, biết về những gì đằng sau nhật ký, tôi thực không khỏi xúc động. Chị đã chỉ huy trạm xá chống lại kẻ địch đến gan lỳ kiên cường bất khuất cho đến khi ngã xuống như một người anh hùng. Chị hy sinh, cuốn nhật ký kết thúc nhưng lòng ta vẫn còn đọng lại nỗi xao xuyến, xót xa, trăn trở khuôn nguôi. Hình ảnh người con gái Hà Nội - Nữ bác sĩ anh hùng ấy vẫn vương lại trong tâm trí ta đẹp như loài hoa bất tử.
Đọc cuốn nhật ký, ta được dịp soi mình để thấy lối sống của giới trẻ hiện nay có gì khác so với cách sống của lớp người trẻ của những thập niên trước, để từ đó ta học tập được bao điều.
Cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” mang đến trong tôi một trải nghiệm mới lạ, giúp tôi nghiệm ra nhiều điều từ lối sống thẳng thắn cương nghị mà “trong sáng lạ kỳ” của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Gấp lại cuốn sách, tôi có cảm giác là lạ. Có lẽ ngọn lửa trong cuốn nhật ký đã truyền trong tim tôi và truyền cho bao độc giả khác nữa, để bùng cháy thành ngọn lửa bất diệt tới tận mai sau.