“GẶP MẶT ĐẦU XUÂN - LỄ HỘI QUÊ EM”
“Mùa xuân ơi! Ta nghe mùa xuân hát bên kia trời. Đồi núi xanh ngời, đâu đây tiếng đàn buông lả lơi…”. Những câu hát vang lên với giai điệu vui tươi, rạo rực cũng như tâm trạng của biết bao người trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Đất trời như được khoác lên mình một chiếc áo mới, đem đến cho con người sự ấm áp, tin yêu.
Mùa xuân cũng chính là mùa khởi đầu cho một tương lai mới đầy hy vọng và thành công. Dù ở nơi nào, chúng ta cũng có thể đi du xuân, đến với những lễ hội đặc sắc và ý nghĩa. Hòa chung với không khí tết đến xuân về của ba miền Bắc - Trung - Nam, các bạn học sinh của “Câu lạc bộ bạn gái” trường PT Vùng Cao Việt Bắc sẽ có dịp giới thiệu với mọi người về những lễ hội đặc sắc của quê hương mình.
Lễ hội Ná Nhèm - Lạng Sơn
Một bạn ở Lạng Sơn đã đem đến cho mọi người một lễ hội kì lạ bởi cái tên “Ná Nhèm”. Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm. Ná Nhèm theo tiếng Tày có nghĩa là “Mặt nhọ”.
Theo lời kể của các cụ bô lão thì xưa kia có 12 tên giặc Tấc Tài Ngàn hay còn gọi là giặc “Răng đỏ” đến chiếm đóng tại ngôi miếu thờ Thành hoàng Đức Cao Sơn ở sườn đồi Khau Dạ Háy. Chúng quấy nhiễu, cướp bóc dân lành. Trước sự phá phách của bọn chúng, dân làng đã bày mưu tính kế để giết 12 tên giặc rồi bỏ xác chúng vào bì và vứt xuống dòng suối. Xác của 12 tên giặc trôi từ Khau Dạ Háy đến ngã ba Phai Lý xã Trấn Yên ngày nay thì bị mắc phải đá và được người dân chôn tại đó.
Một thời gian sau, dân làng thấy xuất hiện một tổ ong chúa lớn. Hễ người và gia súc đi qua đều bị ong đốt chết. Vì thế người dân đã lập một cái miếu thờ 12 tên giặc này tại Miếu Xa Viên để chúng không làm hại dân lành.
Để chống lại chúng, người dân đã tổ chức một lễ cúng gọi là “Ná Nhèm”. Trong lễ cúng này, người dân bôi nhọ nồi lên mặt, đeo mặt nạ, hóa trang thành những hình hài trông dữ tợn với đủ kiểu dáng khác nhau.
Theo những người cao tuổi, người dân làm như vậy để quỷ không phân biệt đâu là người thật, đâu là muông thú cho nên chúng sẽ không làm hại dân lành. Lễ hội “Ná Nhèm” được ví như lễ hội hóa trang của người Tày xã Trấn Yên.
Lễ hội Yên Tử - Quảng Ninh
Đến với quê hương Quảng Ninh, mọi người sẽ không thể nào từ chối đến với lễ hội Yên Tử. Cứ hàng năm vào ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch), người dân Việt Nam lại nô nức về với Quảng Ninh để trẩy hội Yên Tử.
Chùa ở độ cao 1068m so với mực nước biển, Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp cổ, chùa chiền mà còn là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Để leo lên núi Yên Tử, du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc cáp treo, kinh nghiệm du lịch Yên Tử mùa lễ hội cho biết các bạn không nên bỏ qua những địa điểm như: chùa Đồng, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, suối Giải Oan, chùa Giải Oan ...
Lễ hội Đền Hùng - Phú Thọ
Tạm thời xa lễ hội Yên tử ở Quảng Ninh, chúng ta sẽ đến với vùng đất Tổ thiêng liêng Phú Thọ để tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương. Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc huyện Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng không nên bỏ qua. Được tổ chức kéo dài 6 ngày từ ngày mùng 5 đến 10/3 âm lịch. Lễ hội là dịp tưởng nhớ lòng biết ơn công lao to lớn của các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Nghi lễ bao gồm 2 phần chính là lễ rước kiệu Vua và lễ dâng hương. Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như hát Xoan, thi đấu vật, thi bơi, thi kéo co…
Hội Lim - Bắc Ninh
Nếu một lần được đến với Nội Duệ, tiên Sơn, Bắc Ninh, hẳn các bạn sẽ không thể từ chối đến với lễ hội Lim. Diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng giêng, Hội Lim thu hút hàng ngàn du khách khắp nơi nô nức đến dự bằng những làn điệu quan họ Bắc Ninh vô cùng đặc sắc.
Hội Lim bao giờ cũng gồm 2 phần tách bạch: Lẽ và Hội. Các làng Duệ Khánh, Đình Cả, Lộ Bao, Lũng Giang hội tụ thành một đoàn rước từ từ tiến vào trung tâm Hội thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của đông hội. Đây là tâm điểm của phần Lễ. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc.
Quả thực, trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này, có biết bao lễ hội đặc sắc và ý nghĩa. Mỗi một vùng quê là một nét đẹp để tự hào, gắn bó.
Với chủ đề Lễ hội quê hương, các bạn nữ của Câu lạc bộ bạn gái đã mang đến cho bạn đọc những hiểu biết sâu hơn về những lễ hội độc đáo của dân tộc, làm ta thêm yêu hơn và có ý thức gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Hy vọng trong chủ đề tiếp theo, Câu lạc bộ bạn gái có thể đem đến nhiều điều bổ ích và ý nghĩa hơn nữa tới bạn đọc nói chung và tới các bạn học sinh trường Phổ Thông Vùng Cao Việt Bắc nói riêng.
Dưới đây là một số hình ảnh của câu lạc bộ bạn gái trong chương trình “Gặp gỡ đầu xuân - Lễ hội quê em”:
Bạn Thu Hà - một trong những nhân tố tài năng của CLB vừa hoàn thành xong tác phẩm của mình
Bạn Thoa chia sẻ về Lễ hội Ná Nhèm -Lạng Sơn
Bạn Linh chia sẻ về lễ hội Yên Tử - Quảng Ninh
Các bạn đang vui vẻ chia sẻ về lễ hội ở quê hương mình
Tập thể CLB bạn gái