CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM KHI ĐÓN HỌC SINH KHỐI 10
Cao Thị Thu Hà
Công tác của người giáo viên trường dân tộc nội trú có rất nhiều khác biệt so với các trường THPT khác và một trong những điểm khác biệt đó thể hiện ngay từ việc đón tiếp học sinh khối 10, là công việc đặt nền móng cho việc xây dựng tập thể lớp sau này. Do vậy, công tác khi đón học sinh khối 10 cần được đặc biệt chú ý. Tôi xin trình bày một số vấn đề giáo viên chủ nhiệm cần làm khi được phân công đón các em lớp 10 như sau:
1) Tạo sự tin tưởng cho học sinh, gia đình học sinh đối với giáo viên và nhà trường:
Ngay từ khâu đón tiếp học sinh thái độ người giáo viên chủ nhiệm phải hết sức cởi mở nhiệt tình, hướng dẫn tỉ mỉ những yêu cầu cần nhập học, hướng dẫn về nơi ăn chốn ở cho phụ huynh học sinh, giải đáp nhiều thắc khi có yêu cầu, khẳng định về truyền thống và uy tín của nhà trường, tạo nên sự tin tưởng của phụ huynh học sinh vào giáo viên và nhà trường.
2) Ổn định tâm lý:
- Khi mới nhập trường, yếu tố gây xáo động nhiều nhất chính là tâm lý của học sinh, chỉ cần một tác nhân rất nhỏ cũng có thể dẫn đến những vấn đề lớn trong sinh hoạt của học sinh. Do vậy, dự đoán những vấn đề có thể xảy ra người giáo viên chủ nhiệm cần có những giải thích, hướng dẫn kịp thời, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh và gia đình tránh gây ra tâm lý hoang mang, thậm chí lo sợ trước những vấn đề không rõ ràng.
- Có thái độ cởi mở, thân thiện, thường xuyên thăm hỏi nắm bắt tình hình của học sinh trong lớp tạo khoảng cách gần gũi giữa cô và trò.
3) Phổ biến chi tiết nội quy nhà trường, xây dựng quy định của lớp:
Song song với việc học tập nội quy do Phòng CTCT tiến hành, người giáo viên chủ nhiệm rất cần đi sâu phân tích cho học sinh hiểu rõ nội quy của nhà trường, tác dụng của những nội quy đó, nhiệm vụ của học sinh là phải chấp hành. Bên cạnh đó phải xây dựng ngay những quy định của lớp, trên cơ sở phù hợp với nội quy của nhà trường, để có thể đánh giá được hoạt động của học sinh, uốn nắn sửa chữa những sai phạmngay từ những ngày đầu.
4) Nghiên cứu hồ sơ học sinh:
Đây là việc làm rất quan trọng của giáo viên chủ nhiệm khi học sinh mới nhập trường để nắm bắt khái quát tình hình học sinh trong lớp:
- Tình hình học tập (Học lực, sở trường….)
- Hạnh kiểm (Tình hình đạo đức)
- Năng khiếu (Học tập, văn nghệ, thể thao….)
- Học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng chính sách….
- Học sinh đã làm cán bộ lớp
Mục đích của việc nghiên cứu hồ sơ học sinh nhằm phân loại học sinh và tổ chức, điều hành bước đầu hoạt động của lớp.
5) Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp:
- Kinh nghiệm chủ nhiệm ở trường Vùng Cao Việt Bắc cho thấy: Thành công trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ lớp cũng là một thành công của giáo viên trong công tác chủ nhiệm bởi lẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ lớp có phương pháp làm việc tốt cũng là xây dựng được ý thức tự quản của học sinh, cho nên càng ổn định lựa chọn chính xác đội ngũ cán bộ lớp bao nhiêu thì tỷ lệ thành công trong công tác chủ nhiệm càng cao bấy nhiêu.
Việc lựa chọn đội ngũ cán bộ lớp theo tôi phải dựa trên 4 tiêu chí:
+ Học tập tốt
+ Hạnh kiểm tốt
+ Có khả năng tổ chức và điều khiển các hoạt động tập thể, uy tín trước tập thể lớp
+ Tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, nhiệt tình, trung thực.
- Hướng dẫn, chỉ đạo cách quản lý lớp, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cán bộ lớp. Có sổ sách theo dõi ghi chép hàng ngày.
- Sinh hoạt cán bộ lớp định kỳ 1 tuần 1 lần.
- Kiểm tra hoạt động của cán sự lớp thông qua kiểm tra đột xuất và sổ sách theo dõi hàng ngày.
6) Đưa hoạt động của lớp vào nề nếp ngay từ những ngày đầu:
- Xây dựng, hệ thống các quy định theo dõi nề nếp của từng tổ, theo dõi hạnh kiểm, theo dõi hoạt động KTX, TDBS - TDGG.
- Kiểm tra sát sao, đầy đủ các hoạt động.
- Đánh giá đúng việc thực hiện nội quy nề nếp của từng học sinh.
- Nhận xét, thông báo hạnh kiểm từng tuần cho học sinh trong giờ sinh hoạt lớp.
- Thông báo rõ điểm thưởng, điểm phạt để học sinh có hướng phấn đấu.
yêu cầu HS vi phạm kiểm điểm trước lớp. Rút kinh nghiệm, làm cam kết, phạt lao động nếu tái phạm đến lần thứ 3.Từ đó tạo nên sự công bằng, rõ ràng trong đánh giá.
7) Tổ chức các hoạt động tập thể chung của lớp:
- BCH Đoàn tổ chức các trò chơi theo chủ đề từng tháng trong giờ sinh hoạt lớp.
- Tặng quà sinh nhật cho học sinh theo từng tháng.
- Tổ chức các đợt thi đua giữa tổ, cá nhân của lớp dựa trên kế hoạch thi đua chung của đoàn thanh niên và nhà trường.
- Lập quỹ khuyến học riêng của lớp để giúp đỡ các bạn trong lớp có hoàn cảnh khó khăn.
Trên đây là những việc tôi đã làm khi tiếp nhận lớp 10 nhập học và có hiệu quả tốt. Rất mong nhận được sự trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ từ các đồng chí để chúng ta ngày càng tiến bộ và thành công hơn trong công tác chủ nhiệm.