Đây thực sự là một đợt sinh hoạt chuyên môn sâu rộng theo hướng nghiên cứu bài học. Tất cả các thành viên của từng nhóm chuyên môn đã đóng góp công sức để xây dựng những tiết giảng sinh động theo tinh thần đổi mới phương pháp.
Các tiết giảng được các nhóm chuyên môn xây dựng đã chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực. Chỉ trong thời gian tháng 9/ 2014 các nhóm chuyên môn đã cống hiến ba tiết giảng thực sự hiệu quả và sáng tạo. Nhóm Sinh đã khởi đầu bằng một bài giảng theo chủ đề: “Nước và sử dụng nước tiết kiệm trong học sinh trường phổ thông Vùng Cao Việt Bắc” với sự thể hiện thành công của cô giáo Phạm Thị Hồng Tú. Bài giảng được tập thể nhóm chuyên môn chuẩn bị công phu đã làm thay đổi nhận thức của giáo viên về phương pháp tiếp cận năng lực học sinh, một bài học được chuyển từ lý thuyết vào hoạt động thực tiễn, qua sự hướng dẫn của giáo viên học sinh tự lực nhận thức và tự rút ra bài học trải nghiệm cho chính mình, học sinh cũng chính là những tuyên truyền viên tích cực hiệu quả cho hoạt động tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.
Đa dạng về phương pháp, với lối dẫn dắt thông qua trải nghiệm thực tiễn để hướng học sinh đi tìm hiểu kiến thức khoa học một cách nhẹ nhàng, học sinh là người làm chủ tình huống và xử lý tình huống. Bên cạnh đó, qua bài giảng giáo viên hướng học sinh cách thức học kiến thức khoa học bằng bản đồ khái niệm, sơ đồ Grap hóa, tiếp cận cách trả lời câu hỏi Pisa, tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn như: Tình trạng thiếu nước sinh hoạt và cách sử dụng,…, Vì sao nguồn nước bị ô nhiễm …
Toàn thể hội đồng giáo dục tiếp tục được trải nghiệm tiết giảng văn của cô giáo Ngô Thị Thanh Huyền với chủ đề : “Phỏng vấn về chủ đề văn hóa và bảo tồn văn hóa các dân tộc”, các thầy cô giáo lại đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác trong cách xây dựng bài giảng của các thầy cô giáo tổ văn, với lối dẫn dắt mượt mà của cô giáo, học trò đã thực sự hòa mình vào hoạt động phỏng vấn mà chính các em làm chủ.
Nhóm một các em đã thực hiện bài phỏng vấn qua trải nghiệm: Tham quan Bảo tàng văn hóa các dân tộc và Bảo tàng lực lượng vũ trang Việt Bắc để chứng minh giá trị và bảo tồn giá trị về văn hóa vật thể.
Nhóm hai các em thực hiện bài phỏng vấn về giá trị và bảo tồn giá trị của văn hóa phi vật thể với những làn điệu Then, lễ hội Lồng tồng, dân ca Quan họ Bắc ninh mà các em với vai trò là phóng viên đã thu lượm được.
Nhóm ba, các em học sinh lại tìm hiểu về giá trị của văn hóa ứng xử, và cách ứng xử của học sinh trong trường dân tộc nội trú.
Nhóm thứ tư đã chốt lại vấn đề : Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc như thế nào. Một tiết giảng văn nhẹ nhàng, hiệu quả, chính các thầy cô giáo cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy học trò của mình lại giao tiếp lưu loát, tổ chức hoạt động nhóm, phát triển năng lực hợp tác, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, biết tích hợp cả văn học với âm nhạc, giáo dục công dân, lịch sử và phát huy giá trị của bản thân.
Sau tiết giảng văn là tiết tiếng anh của thầy giáo Tô Đức Công với chủ đề“School talk”, ai cũng nghĩ rằng dạy tiếng Anh sẽ rất khó để mọi người hiểu về một ngôn ngữ khác, nhưng điều này đã được nhóm giáo viên tiếng anh biến cái khó hiểu thành dễ hiểu thông qua các hoạt động mà học sinh chủ động phát huy, vốn ngôn ngữ tiếng Anh được thể hiện qua các kỹ năng nghe, hiểu, nói, thuyết trình, học sinh chủ động nhập vai, chủ động thiết kế bài học thành tình huống thực tiễn về cách thực hiện trang phục học đường, vấn đề tự học hiệu quả và các hoạt động sinh hoạt tại ký túc xá.
Bằng từ ngữ đơn giản, thân thuộc giúp các em tự tin đến với tiếng Anh. Thầy giáo đã xóa đi khoảng cách giữa ba thứ ngôn ngữ (Tiếng Anh - Tiếng Việt - Tiếng dân tộc), học sinh lớp 10 nhưng hoàn toàn tự tin khi giao tiếp, thuyết trình chủ đề.
Qua ba tiết thao giảng trong tháng 9/2014, những điểm xuất phát đã định hướng cho sự đổi mới quyết liệt đồng bộ về phương pháp, các nhóm chuyên môn đã thực sự vào cuộc bằng việc sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học hiệu quả, tự giác, nâng cao chất lượng chuyên môn và đổi mới phương pháp. Hoạt động sinh hoạt chuyên môn này còn tiếp tục ở các tuần tiếp theo với các bộ môn: Lý, hóa, toán, tin, công nghệ, GDCD, GDQP… và sau đó là các tiết thao giảng với tất cả các giáo viên ở cấp tổ. Một năm học thực sự đi vào công tác tự chủ về chương trình và dạy học theo các chủ đề tích hợp hứa hẹn nhiều thành công với cái đích cần đạt: Dạy cho học trò cách tư duy, dạy các giá trị sống và tiếp thu các kiến thức khoa học.
Ảnh: Bùi Đức Thiện.