DIỄN ĐÀN: PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Th.s Mai Thanh Tùng - Tổ Tư vấn HSSV
Trước xu hướng bạo lực ngày càng gia tăng trong các nhà trường, Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành quy định về việc tăng cường giáo dục đạo đức trong giới học sinh nhất là học sinh cấp II và cấp III nhằm rèn luyện cho học sinh, sinh viên những kĩ năng sống cần thiết để giúp cho học sinh có cách ứng xử tốt với thầy cô, gia đình bạn bè, và xã hội.
Để hiểu rõ thực trạng, nguyên nhân, và tìm ra giải pháp khắc phục cho hiện tượng bạo lực học đường, vào19h ngày 24.04.2015 được sự nhất trí của Ban Giám hiệu, phòng Đào tạo, tổ Tư vấn HSSV đã tổ chức diễn đàn “Phòng chống bạo lực học đường” cho học sinh khối 10.
Diễn đàn diễn ra với 4 phần:
Phần 1: Bạo lực học đường - Góc nhìn thẳng: Học sinh được xem một số video clip về bạo lực học đường và trả lời câu hỏi về những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.
Phần 2: Những hậu quả của bạo lực học đường; Đại diện học sinh nêu các ý kiến về hậu quả của bạo lực học đường đối với học sinh.
Phần 3: Bạo lực học đường - Đâu là giải pháp: Thông qua các tình huống, các tiểu phẩm về bạo lực học đường để học sinh đưa ra các phương án giải quyết.
Phần 4: Cùng nói "Không" với bạo lực học đường: Tổ chức cho học sinh ký cam kết "Nói không với bạo lực học đường" và viết bài cảm nhận về diễn đàn “Phòng chống bạo lực học đường”.
Tại diễn đàn các em được trực tiếp tham gia xử lí tình huống bạo lực trong học đường và đề ra các giải pháp để xử lí tình huống giả định. Các em được trao đổi quan điểm của mình về bạo lực học đường và chống bạo lực học đường. Qua đó các em cũng được chia sẻ và hướng dẫn một số giải pháp để phòng chống bạo lực trong học đường.
Đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức và định hướng hành động đúng đắn về phòng chống bạo lực học đường cho học sinh đặc biệt là những học sinh cá biệt, đối tượng thường xuyên có hành vi bạo lực trong các trường học.
Ảnh: Hoạt động của diễn đàn
Chúng ta thấy, để giải quyết vấn đề bạo lực học đường cần có sự chung tay, chung sức của các bậc cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm, lực lượng giáo dục trong nhà trường và các lực lượng chức năng trong xã hội. Nhưng điều quan trọng hơn cả là giáo dục giá trị sống cho học sinh về kỹ năng giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột tâm lý khi bị stress.