DỰ ÁN “AN TOÀN TRÊN MẠNG INTERNET CHO NỮ SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ”
Ban chủ nhiệm dự án
Với mục tiêu tăng cường khả năng của trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số trong việc đánh giá các nguy cơ liên quan đến mất an toàn trực tuyến và tự bảo vệ để ngăn chặn bị bắt nạt trên mạng, lạm dụng và bạo lực trên cơ sở giới trên mạng bằng cách tổ chức các sự kiện truyền thông và mạng lưới tư vấn và hỗ trợ cho nạn nhân cả trực tuyến và ngoại tuyến ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (C.CIHP) đã phối hợp với Trường Phổ thông Vùng cao triển khai dự án “AN TOÀN TRÊN MẠNG INTERNET CHO NỮ SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ” với đối tượng là các bạn nữ sinh của nhà trường.
Trong hai ngày 16 - 17/10/2021, 34 thành viên nòng cốt được chọn cử từ 17 lớp khối 11 của Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc của Dự án đã tham dự buổi tập huấn bằng hình thức trực tuyến đầu tiên với chủ đề “Tìm hiểu về vấn đề Bạo lực giới và bắt nạt trên mạng".
Với sự hướng dẫn của thầy giáo - Bác sỹ Phạm Vũ Thiên, cô Đinh Phương Nga (Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số - C.CIHP) cùng 02 cô giáo của Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, các bạn nữ sinh đã được tìm hiểu, trao đổi về các vấn đề liên quan đến chủ đề.
Qua buổi tập huấn, các bạn nữ sinh đã nắm được những thông tin cơ bản về bạo lực giới và bắt nạt trên mạng, đồng thời rút ra cho mình những bài học bổ ích. Cụ thể: Bắt nạt trên mạng hay bắt nạt online (cyberbullying) là những kẻ bắt nạt sử dụng internet và phương tiện truyền thông để làm xấu, sai lệch về thông tin gây ảnh hưởng, tổn thương đến người khác nhằm mục đích giải trí hoặc mục đích khác; Bắt nạt online có nhiều hình thức, cách thức khác nhau; Hành động này gây ảnh hưởng xấu đến hình tượng, tâm lý, sức khỏe cũng như cuộc sống của nạn nhân.
Vì vậy, để ngăn chặn vấn đề đó, mỗi chúng ta cần: Sống hòa đồng, không lạm dụng sự đùa cợt, chấm dứt hành vi trêu đùa của bạn nếu khiến người khác cảm thấy khó chịu; Báo cáo với các bên liên quan, quản lý mạng xã hội về vấn đề và tìm sự trợ giúp của những người có năng lực giúp đỡ bạn như thầy cô, người lớn, ... Hãy bình tĩnh với mọi chuyện nếu bạn trở thành nạn nhân của bạo lực giới qua mạng. Và đặc biệt, hãy hạn chế đăng những thông tin tiêu cực lên mạng xã hội, thay vào đó hãy chia sẻ những điều tốt đẹp, yêu thương, để lan tỏa những điều tích cực.
Sau những buổi tập huấn online cho đội học sinh nòng cốt, dự kiến nhóm dự án sẽ tổ chức truyền thông theo lớp, mỗi cặp học sinh nòng cốt đã được tập huấn sẽ tổ chức 04 buổi truyền thông với các loại hình hoạt động phù hợp: kể chuyện tình huống, trò chơi, thuyết trình, hỏi đáp… để truyền thông cho các bạn nữ sinh cùng lớp.