Bằng công sức và trí tuệ tập thể, đồng chí Nguyễn Phúc Lự tổ trưởng tổ Xã hội đã cùng với các thành viên trong tổ chuyên môn của mình thiết kế một giáo án liên môn: “Việt Nam trên đường đổi mới và hội nhập” với sự đóng góp của 3 thầy cô giáo: Cô Nguyễn Thị Phương Nga - Giáo viên Địa lý, cô Hoàng Thị Kiên - Giáo viên Lịch sử và thầy Phạm Quốc Quân - Giáo viên GDCD trong một bài giảng mà kiến thức được tích hợp trong cả ba bộ môn.
Trong vai trò là người thiết kế, cô giáo Nguyễn Thị Phương Nga đã tổ chức lớp học 12A5 thành ba nhóm học tập để thực hiện tiết học theo phương pháp giảng dạy dự án, một nhóm đóng vai trò là người tổ chức, đặt câu hỏi, đánh giá, hai nhóm chuẩn bị về nội dung và thuyết trình.
Tuy nhiên để thực hiện được giờ giảng này đòi hỏi người giáo viên đứng lớp phải thực sự vững vàng về kiến thức. Giáo viên có thể phát huy được năng lực học sinh hay không chắc chắn phải nằm ở khâu tổ chức tư duy cho mỗi nhóm học sinh. Giáo viên phải chốt được từng đơn vị kiến thức nhỏ đến kiến thức tổng thể, phải hướng học sinh đến sự tranh luận lành mạnh, tích cực nhằm phát triển và nâng cao năng lực nhận thức của học sinh. Người giáo viên phải luôn đóng vai trò là người thiết kế để trò thi công một cách nhanh nhất trong thời gian của tiết học 45 phút.
Giờ giảng liên môn của tổ Xã hội đã thêm một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của việc các tổ bộ môn mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng nâng cao năng lực của học sinh. Đây chính là kết quả ban đầu đáng khích lệ của hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Hy vọng sau những tiết học này các tổ chuyên môn khác sẽ tiếp tục thực hiện những tiết giảng đầy thú vị và bổ ích.
Ảnh: Bùi Đức Thiện