Trong suốt những năm tháng làm chủ nhiệm của mình, chắc có lẽ tôi không bao giờ quên tập thể lớp A4 - K43 với những học trò học cũng khá nhưng "quậy phá" cũng rất “giỏi” mang đậm bản sắc học trò "Nhất quỉ nhì ma".
Và trong tất cả vô vàn những kỉ niệm đó có lẽ kỉ niệm tôi sẽ kể sau đây là khó quên nhất. Đó là một buổi sinh hoạt đầy ấn tượng. Hôm đó cũng như thường lệ cứ cuối tuần vào tiết 5 thứ Bảy có một tiết sinh hoạt lớp và học sinh chắc không ai muốn có tiết sinh hoạt này vì hay bị thầy, cô kiểm điểm, nhắc nhở. Nhưng dù không muốn thì tiết sinh hoạt cũng đã đến. Tôi bước vào lớp trước 45 cặp mắt vừa lo âu vừa sợ hãi và sợ nhất, lo lắng nhất chắc có lẽ là cậu học sinh có tên là Dương Hưng quê ở Hà Quảng - Cao Bằng. Sau khi cả lớp đã ổn định tôi yêu cầu quản ca cho lớp hát bài "Tạm biệt" có lẽ một số em cũng ngạc nhiên không hiểu vì sao hôm nay cô lại yêu cầu hát bài này. Một bài hát thật buồn vì nó nói lên tâm trạng của học sinh cuối cấp sắp phải tạm biệt mái trường thân yêu của mình. Sau khi lớp hát xong tôi hỏi:
- Các em có biết tại sao cô yêu cầu các em hát bài này không?
Một số em nói không biết, số còn lại trả lời vì chúng em sắp ra trường. Sau khi nghe học sinh trả lời xong tôi nói: "Các em nói rất đúng, cái điều cô muốn nói hôm nay không chỉ là việc các em sắp ra trường mà còn buồn hơn vì sắp ra trường, chúng ta sắp phải xa nhau không biết đến khi nào mới gặp lại nhau đầy đủ như thế này vậy mà các em không biết quý trọng thời gian ít ỏi ấy để thương yêu nhau, để giúp đỡ nhau, mà còn làm những việc khiến cho cô và cả lớp phải buồn lòng". Khi đó tôi nhìn sang thấy em Hưng ngồi yên cúi mặt xuống và hai tai đỏ nhừ. Tôi lại nói tiếp: "Các em có biết lớp mình đã xảy ra việc gì không?" Một số em không biết ngơ ngác nhìn nhau, còn các em khác cúi mặt xuống hoặc nhìn sang Hưng. Tôi lại tiếp:
- Bây giờ bạn nào thấy mình mắc khuyết điểm thì tự đứng lên nhận lỗi với các bạn, với cô và hãy nói rõ mình đã mắc khuyết điểm gì, mức độ đến đâu?
Lúc này cả lớp im lặng và một vài giây kéo dài. Tôi cũng trở về đúng vị trí của mình. Phía cuối lớp đã có một số em xì xào: "Ai có lỗi thì đứng lên đi, khỏi mất thời gian". Thời gian vẫn chậm chạp và nặng nề trôi qua. Nhưng rồi giây phút tôi mong đợi đã đến. Em Hưng từ từ đứng lên, mặt mũi đỏ nhừ. Và em nói ấp úng:
- Thưa cô và các bạn, em đã mắc lỗi là tát bạn Huyền.
(lúc này các em mới ồ lên, một số em thắc mắc là tát lúc nào? sao lại tát?)
Thế rồi tôi hỏi các em: “Các em có biết việc này không?”. Một số em trả lời không biết. “Vậy các em có muốn bạn Hưng tường trình lại sự việc ấy không?”. Các em đều trả lời là: “Có ạ”!
Lúc này Hưng thật sự bối rối trước lời đồng thanh của cả lớp nhưng Hưng cũng từ từ rút tờ giấy tường trình đã viết sẵn từ hôm trước lên và đọc trước lớp (bản tường trình em viết khá đầy đủ). Tôi xin được tóm tắt sự việc ấy: Vào chiều thứ Tư khi Huyền và em Hưng tính điểm trung bình kiểm tra các môn nhưng tính không khớp nên hai em cãi nhau rồi lời qua tiếng lại không ai chịu ai, em Huyền cũng không vừa liền buông ra một câu “tao thách mày đấy, mày đánh tao đi” thế là em Hưng dang tay tát vào tai em Huyền. Em Huyền đã khóc và chạy xuống phòng Đào tạo báo cáo. Sau đó em Huyền phải xuống nằm trạm xá vì bị ù tai.
Sau khi em Hưng đọc bản tường trình xong tôi hỏi: Em có biết em sai ở chỗ nào không? Hưng nói: “Em sai vì em quá nóng tính nên đã đánh bạn Huyền và đó là hành vi không thể tha thứ đối với em. Và em hứa sẽ không bao giờ như thế nữa”.
Sau đó tôi hỏi cả lớp: "Theo các em ai đúng, ai sai?" Các em đưa ra nhiều ý kiến: có em cho là cả hai người sai, có em cho là bạn Hưng sai, có em cho là bạn Huyền sai vì thách bạn Hưng đánh.
Rồi tôi gọi em Huyền đứng lên và hỏi theo em trong việc này em có sai chút nào không? Huyền đáp: Thưa cô em cũng sai vì em đã thách bạn ấy đánh em.
Sau khi nghe mọi ý kiến của các em, tôi mới nói:
- Các em ạ, trong việc này cả bạn Hưng và bạn Huyền đều sai nhưng sai nhiều hơn là bạn Hưng vì bạn Hưng là con trai mà con trai đánh con gái thì không thể chấp nhận được dù bạn nữ ấy có sai đến đâu đi chăng nữa. Còn bạn Huyền cũng không hoàn toàn đúng vì người phụ nữ Việt Nam vẫn được coi là những người dịu dàng nhưng trong cách xử sự của Huyền hôm nọ thì chưa được dịu dàng cho lắm mà thậm chí còn hơi đành hanh nữa. Nên cả hai em cần phải rút kinh nghiệm. Với Huyền và với các bạn nữ cần phải nói năng dịu dàng hơn. Người ta vẫn có câu: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", còn với Hưng em cũng cần phải rút kinh nghiệm và đây cũng là bài học cho các bạn nam: Khi đứng trước phái đẹp các anh chỉ có quyền che chở và giúp đỡ chứ không được có những hành động thô bạo vì đó là điều không phù hợp với giới mày râu của thời đại mới. Các em có đồng ý như vậy không?
Cả lớp đều đồng thanh: “Có ạ”. Thế rồi tôi hỏi Hưng: “Bây giờ em có muốn nói điều gì với bạn Huyền không?”. Hưng đứng lên và nói: "Bạn cho mình xin lỗi vì lúc ấy vì qúa nóng không kìm chế được nên đã có hành động thô bạo đối với bạn". Và Huyền chắc cũng thấy ngại nên Huyền cũng đã nói: "Thôi chẳng có gì đâu, cũng tại mình nói năng không suy nghĩ nên mới như vậy".
Lúc đó tôi mới nói đùa vui một câu: "Nhưng chắc lúc ấy bạn Hưng chỉ tát yêu bạn Huyền một thôi, cô tin chắc sau hai tháng nữa ra trường người mà bạn Huyền nhớ nhất là bạn Hưng đấy". Và thế là cả lớp đã hưởng ứng hai bạn bằng một tràng pháo tay thật giòn giã.
Sau giờ sinh hoạt hôm đó tôi trở về thấy lòng mình thật nhẹ nhõm. Và tôi nghĩ “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò” không nghịch không phải là học trò nhưng cái quan trọng là mình đã giúp cho các em nhận biết được cái gì nên cái gì không nên và khi có lỗi các em đã biết nhận lỗi và biết sửa lỗi của mình. Lớp học ấy nay đã xa tôi được bốn năm nhưng tôi không bao giờ quên được "Lũ quỉ sứ ấy của tôi". Chúng đã cho tôi những giây phút buồn vui như thế.