NHỮNG CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC VIỆT NAM
|
Nhà xuất bản: Khoa học và Kỹ thuật
Số trang: 1485
Kích thước: 16x24cm
Hình thức bìa: Bìa cứng
Năm xuất bản: 1995
Tác Giả: Giáo Sư Tiến Sĩ Đỗ Tất Lợi
|
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam là cuốn sách viết về dược liệu nổi tiếng của nhà dược học Đỗ Tất Lợi. Đây là công trình nghiên cứu trong hơn 20 năm của ông, được xuất bản lần đầu vào năm 1962, tập hợp giới thiệu hơn 750 vị thuốc Việt Nam. Cuốn sách đã được đánh giá cao ở cả trong và ngoài nước, được coi là có ích để bảo vệ sức khỏe trong đời sống hàng ngày, hơn nữa còn đáp ứng một yêu cầu rất cấp thiết của nhiều người muốn học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu về dược liệu Việt Nam, những người hàng ngày làm công tác chữa bệnh, điều tra sưu tầm, trồng trọt và chế biến thuốc nam.
Ảnh: Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi
Đỗ Tất Lợi (1919 - 2008), bắt đầu nghiên cứu dược học từ năm 1939, khi đang là sinh viên của trường Đại học Y Dược Hà Nội. Sau kháng chiến chống Pháp, ông trở thành Chủ nhiệm Bộ môn Dược liệu của Đại học Y Dược Hà Nội. Trong thời gian này, ngoài công việc giảng dạy, ông tập trung toàn bộ vào việc nghiên cứu về các dược liệu Việt Nam, tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu trước đó của phương Đông và phương Tây, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, đồng thời đi nhiều nơi trên đất nước để tìm kiếm các vị thuốc. Ông đã công bố trên 150 công trình nghiên cứu, trong đó nổi bật nhất là Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.
Năm 1962, ông cho ra mắt bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Đây là một bộ sách lớn, lần xuất bản đầu tiên (1962 - 1965) được in 10.000 cuốn, chia làm 6 tập, khổ 13x19, dày 1.350 trang. Tiếp tục sau đó, do nhu cầu bạn đọc ngày càng cao, cho đến nay cuốn sách đã đc tái bản đến lần thứ 14 (riêng Nhà xuất bản Y học là 9 lần) mỗi lần tái bản là 1 lần bổ sung, sửa chữa của chính tác giả Đỗ Tất Lợi.
Năm 1999, trong lần xuất bản thứ 8, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Đỗ Nguyễn Phương đã viết: “Mỗi lần xuất bản bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, tác giả đều sửa chữa bổ sung một cách thận trọng. Ngay trong lần xuất bản này, tuy tuổi đã cao, GS. Đỗ Tất Lợi đã để mấy năm rà soát, sửa chữa và sưu tầm nghiên cứu thêm một số cây mới, vị thuốc mới và hoàn chỉnh bản thảo một cách nghiêm túc.” Cho đến năm 2005, số lượng xuất bản của cuốn sách lên tới 150.000 bản, được coi là một kỷ lục đặc biệt đối với sách khoa học kỹ thuật.
Bộ sách đã giới thiệu hơn 750 vị thuốc, gồm 164 cây thuốc, 77 vị thuốc động vật, 20 vị thuốc khoáng vật. Mỗi loại đều có tên khoa học, tên tiếng Việt và tên chữ Hán, những đặc tính chung, mô tả quá trình phân phối, thu hoạch, chế biến, thành phần hoá học và công dụng, liều dùng. Cuốn sách bao gồm cả những loại thuốc mà các nhà khoa học đã xác minh cơ chế, lẫn cả những loại được kiểm chứng hiệu nghiệm trong thực tế nhưng vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng.
Đây là một công trình nghiên cứu rất có giá trị ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Trên cở sở cuốn sách này, năm 1968 Hội đồng chứng chỉ (khoa học) tối cao Liên Xô đã công nhận học vị Tiến sĩ khoa học cho dược sĩ Đỗ Tất Lợi. Đến năm 1980 ông được Chính phủ phong hàm Giáo sư đại học và đến năm 1996 được vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên về khoa học công nghệ.
Năm 1983, tại Triển lãm hội chợ sách quốc tế Matxcơva, bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam được bình chọn là một trong bảy viên ngọc quí của triễn lãm sách. Và gần đây nhất, ngày 10-5-2007, tại Hội nghị thường niên lần thứ 14 Hiệp hội xuất bản châu Á - Thái Bình Dương (APPA) diễn ra tại TPHCM, sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam do NXB Y học tái bản năm 2006 đã nhận được giải thưởng đặc biệt của Hội đồng giải thưởng sách APPA năm 2006.
Hiện nay, tại thư viện trường PT Vùng Cao Việt Bắc rất vinh dự được sở hữu duy nhất một cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam tái bản lần thứ 7 năm 1995.
Cuốn sách được chia làm 2 phần lớn:
Phần I: Phần chung
Tác giả đề cập đến Một số điểm cần chú ý khi sử dụng thuốc nam, Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng thuốc theo Đông y, bào chế thuốc theo Đông y, cơ sở để xem tác dụng của thuốc theo khoa học hiện đại (Tây y) và kê đơn thuốc Đông y.
Phần II: Những cây thuốc và vị thuốc.
Tác giả đã phân chia ra từng nhóm bệnh và nguồn gốc của các vị thuốc để đi sâu làm rõ từng loại một. Việc làm tỉ mỉ này của Giáo sư Tiến Sĩ Đỗ Tất Lợi giúp cho người đọc muốn tìm hiểu về cuốn sách và những kiến thức về y học dễ dàng tra cứu, đồng thời những kiến thức cô đọng lại trong từng câu chữ của tác giả sẽ khiến người đọc càng say mê, thích thú hơn.
Ở phần này có tất cả 23 phần nhỏ, đề cập tới các cây thuốc và vị thuốc chữa bệnh phụ nữ; chữa mụn nhọt, mẩn ngứa; trị giun sán; thông tiểu, thông mật; các cây và vị thuốc cầm máu; chữa huyết áp; chưa bệnh dạ dày; chữa tê thấp, đau nhức; các cây thuốc và vị thuốc chữa bệnh mắt, tai, mũi, răng, họng; chữa cảm cúm, sốt và sốt rét; các cây và vị thuốc chữa bệnh tim … Ngoài ra, còn có các cây thuốc và vị thuốc bồi dưỡng nguồn gốc thảo mộc; động vật; khác động vật và khoáng vật…
Trong từng phần nhỏ này, tác giả đã xen lẫn vào đó là những hình ảnh minh họa cho các vị thuốc đó, một phần giúp người đọc tìm hiểu rõ hơn, dễ dàng nhận biết các vị thuốc thông dụng thường dùng và một phần giúp cuốn sách lôi cuốn sự tò mò của người đọc hơn. Phải chăng đó cũng góp phần tạo nên sự thành công của cuốn sách.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam là một cuốn sách quý và rất có ích đối với mỗi chúng ta. Xin trân trọng kính mời quý bạn đọc đến với thư viện trường PT Vùng Cao Việt Bắc để tìm đọc cuốn sách này.