Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ý thức được trách nhiệm trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là chữ viết của người Tày, các em học sinh Dương Văn Ba (lớp 11A1), Hoàng Phi Long (lớp 11A2) trường PT Vùng cao Việt Bắc đã nảy sinh ý tưởng “Xây dựng bộ gõ tiếng Tày và ứng dụng xây dựng website từ điển cây thuốc dân tộc bằng ngôn ngữ Tày - Việt” để tham gia cuộc thi “Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học” năm 2014.
Qua một thời gian nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thực tế cũng như được sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, đặc biệt là sự giúp đỡ của nhà thơ, nhà nghiên cứu Dương Thuấn - chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Tày, đề tài đã hoàn thành, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rộng rãi trong cộng đồng người dân tộc Tày nói chung và đáp ứng yêu cầu của những người có nhu cầu học tập, nghiên cứu tiếng Tày nói riêng.
Giao diện phần mềm bằng tiếng Việt
Đề tài đưa ra sản phẩm Phần mềm bộ gõ tiếng Tày, và ứng dụng cụ thể trên website “Từ điển cây thuốc dân tộc bằng ngôn ngữ Tày - Việt” để giúp cho người dùng một phương tiện thuận lợi trong việc học tập, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc Tày, soạn thảo các văn bản tiếng Tày và tìm hiểu những cây thuốc chữa bệnh của người dân tộc.
Khi sử dụng bộ gõ tiếng Tày, người dùng sẽ không phải làm một số thao tác thủ công (gõ tách riêng kí tự chứa dấu, sau đó quay lại xóa dấu cách) như khi chúng ta sử dụng bộ gõ VietKey/Unikey để gõ tiếng Tày. Phần mềm sử dụng thuận tiện, dễ dàng khi soạn thảo các văn bản bằng tiếng Tày.
Website caythuocdantoc.info được xây dựng gồm 4 chức năng chính, mỗi chức năng đều có thể sử dụng cả hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Tày, dựa trên bộ gõ tiếng Tày đã được xây dựng và nhúng trực tiếp vào website này.
Giao diện phần mềm bằng tiếng Tày
Bên cạnh mục đích minh họa cho sản phẩm bộ gõ tiếng Tày, Website còn cung cấp những thông tin về các cây thuốc chữa bệnh của người dân tộc bằng cả hai ngôn ngữ Tày và Việt nhằm bảo tồn kiến thức về các cây thuốc quý, các bài thuốc đặc trị …góp phần chăm sóc nâng cao sức khỏe người dân tộc Tày nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Khi vào website, mọi người có thể đăng kí thành viên, tra cứu thông tin, đóng góp ý kiến. Ngoài ra website còn có chức năng tải về và liên kết.
Với đề tài khoa học này, các em đã đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi “Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học” năm 2014, được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc, từ 27/2 đến 2/3/2014.
Dù kết quả chưa cao, song qua cuộc thi này, các em đã được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học với các bạn học sinh trên toàn quốc. Điều đó tạo thêm động lực và thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu khoa học của các em.
Không dừng lại ở ý tưởng xây dựng bộ gõ tiếng Tày, mà hai học sinh Dương Văn Ba và Hoàng Phi Long còn mong muốn tiếp tục tìm tòi và nghiên cứu thành công phần mềm dịch tự động tiếng Tày ra tiếng Việt và ngược lại. Đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu và xây dựng bộ gõ dành cho các dân tộc khác, nhằm tạo thêm phương tiện giao tiếp, mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.
DANH SÁCH GIÁO VIÊN HƯỚNG DẪN ĐỀ TÀI
STT
|
HỌ VÀ TÊN
|
HỌC HÀM
|
CHUYÊN MÔN
|
1
|
Trịnh Thị Phương Thảo
|
Thạc sĩ
|
Tin học
|
2
|
Nguyễn Văn Chuân
|
Cử nhân
|
Tin học
|
3
|
Lý Thị Thu Nga
|
Thạc sĩ
|
Ngoại ngữ
|
4
|
Lương Kim Dung
|
Thạc sĩ
|
Văn học
|
|