KỶ NIỆM VỀ CHUYẾN THAM QUAN BẢO TÀNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VIỆT BẮC QUÂN KHU 1 VÀ BẢO TÀNG VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM
Bác Hồ đã có câu tục ngữ rất nổi tiếng: “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thật vậy, đã là công dân Việt Nam thì phải nắm được lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta.
Cuối tuần trước, tôi và các bạn lớp 10A10 và lớp 10A8 - K57 được nhà trường tổ chức đi thăm quan hai bảo tàng lớn: Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Bắc Quân Khu 1 và Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Chiều hôm đó, sau khi đón một cơn mưa khá nặng hạt, chuyến xe chở chúng tôi bắt đầu lăn bánh. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Bảo tàng lực lượng vũ trang Việt Bắc Quân khu 1.
Một khu nhà lớn dần hiện ra trước mắt tôi, nó được tọa lạc tại số 28 đường Võ Văn Tần. Tuy đã phần nào tưởng tượng, song tôi hoàn toàn ngạc nhiên vì số lượng chứng tích nơi đây quá nhiều. Nó làm tôi cảm thấy man mác buồn vì những hy sinh to lớn mà thế hệ cha anh đã trải qua vì lí tưởng cao đẹp và duy nhất của 25 triệu con người đó chính là bảo vệ độc lập tự do dân tộc.
Khi bước xuống xe, tôi nhanh chóng nhận ra ngay tượng Bác được dựng sừng sững hiên ngang bằng đồng ở chính giữa sân của bảo tàng. Chúng tôi đứng xếp hàng ngay ngắn để thắp những nén nhang thơm để tưởng nhớ đến những công ơn to lớn của Bác cũng như các thế hệ cha anh.
Xung quanh tượng Bác là khẩu pháo phòng không 100 li và một số loại bom Mĩ đã thả xuống Việt Nam ta thật khốc liệt! Nhưng đổi lại, tôi lại được chứng kiến những chiếc máy bay Mĩ bị quân và dân Việt Bắc ta bắn cháy, chiếc máy bay của anh hùng Phạm Thanh Ngân có gắn 8 ngôi sao, mỗi lần bắn rơi một chiếc máy bay B52, anh hùng Phạm Thanh Ngân lại được tặng một ngôi sao, hay chiếc tên lửa CA75,… Tất cả đã minh chứng rằng: Mĩ đã đến Việt Nam vào thời điểm không nên đến, làm những việc không nên làm và chứng kiến những việc không nên chứng kiến!
“Những sự thật về lịch sử” là căn phòng đầu tiên tôi bước vào, nó đã phần nào tạo trong tôi một cái nhìn khác trước nhiều về cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc của Dân tộc Việt Nam anh hùng.
Ngay chính giữa gian phòng là bức tượng Bác được làm bằng đồng, được khắc họa trong tư thế đang ngồi làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Trông Bác thật uy nghi! Xung quanh tượng Bác là những hình ảnh của các cuộc khởi nghĩa, chân dung của các anh hùng liệt sĩ, tượng các anh bộ đội cụ Hồ và các chiến tích mà họ đạt được.
Mọi người không mất nhiều thời gian để đọc các tấm biển bạc ghi lại sự thật tàn ác mà chiến tranh để lại cho cả nhân dân Việt Nam cũng như những người lính Mĩ tham chiến. Đọc từng bảng chữ ghi nhận các tội ác mà Đế quốc Mĩ gây ra, lòng tôi chợt quặn thắt. Các tội ác mà Đế quốc Mĩ gây ra cho đất nước Việt Nam ta thật bạo tàn! Nó đã đi ngược lại tính nhân đạo và văn minh nhân loại.
Bước chân lên cầu thang, tôi đến căn phòng thứ hai. Tại đây, tôi được chứng kiến các vũ khí của quân dân ta, các lược đồ của các cuộc khởi nghĩa lớn và đặc biệt là gian nhà gỗ của Bác cùng với những kết quả của quân dân ta đạt được trong Chiến dịch Việt Bắc năm 1950, chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1953 - 1954 hay chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”… Chưa bao giờ tôi thấy lòng minh thanh thản và tự hào đến thế! Đó là mốc son vàng chói lọi của niềm tin, niềm hi vọng và lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam trong hàng ngàn năm qua.
Vậy là đã kết thúc điểm đến đầu tiên - Bảo tàng lực lượng vũ trang Việt Bắc Quân khu 1. Tôi nhận thấy mình đã phần nào có cái nhìn sâu sắc hơn sự khốc liệt của chiến tranh, những hậu quả nặng nề mà nó để lại, từ đó nhận thức đầy đủ hơn về tinh thần cũng như sự hi sinh xương máu của thế hệ cha ông đi trước để bảo vệ Tổ quốc đóng góp to lớn vào tương tốt đẹp hòa bình mà thế hệ con cháu như tôi được hưởng.
Rời khỏi Bảo tàng lực lượng vũ trang Việt Bắc Quân Khu 1, chiếc xe lại lăn bánh đưa chúng tôi tới điểm đến thứ hai là Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Theo sự chỉ dẫn, tôi nhanh chân bước đến sảnh chính của Bảo tàng. Trước mắt tôi lúc đó là bức phù điêu khắc họa hình ảnh các dân tộc Tày, Nùng, các lễ hội của các vùng miền, đặc biệt là bức tượng Bác đang bồng ba em nhỏ đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam. Qua các lời giới thiệu, tôi lại càng hiểu và thêm tự hào về những nét đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Không gian đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là phòng trưng bày các nét đẹp văn hóa của dân tộc Kinh, Mường, Thổ, Chứt với tổ hợp các công cụ sản xuất, nhà ở, trang phục …
Ấn tượng của tôi khi bước vào căn phòng này là gian thờ tổ tiên, hình ảnh cổng làng và đặc biệt là hình ảnh cây đa bến nước sân đình. Nó được trạm khắc thật tinh tế và công phu. Hình tượng liền anh, liền chị đang hát những câu hát quan họ mượt mà, đằm thắm để trao duyên cho nhau.
Bên trái gian phòng là hình ảnh của một số công cụ gắn liền với công tác nông nghiệp. Đó là hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, hình ảnh gàu múc nước, đôi quang gánh, áo tơ. Tất cả các hình ảnh ấy đã tô đậm thêm văn hóa của nhóm ngôn ngữ Việt Mường.
Khép lại gian phòng trưng bày đầu tiên, tôi nhanh chân bước đến gian phòng thứ hai. Đó là không gian văn hóa của nhóm ngôn ngữ Tày, Thái gồm các dân tộc: Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Lự, Bố Y. Khi đến đó chúng tôi được cô hướng dẫn viên thuyết trình về cuộc sống lao động, quang cảnh bản làng hay các lễ hội truyền thống của các dân tộc đó. Điển hình tôi được chiêm ngưỡng vải dệt thổ cẩm, chiếc con quay đưa nước từ sông suối lên đồng ruộng hay các bức tranh, hình tượng miêu tả lại lễ hội Lồng Tồng, các trò chơi như kéo cò, tung còn … và hình ảnh của những cô gái bên cây đán tính dịu dàng, thiết tha.
Tạm biệt không gian văn hóa các dân tộc Tày - Thái, tôi đến với các đặc sản văn hóa của các dân tộc vùng núi cao. Tại đây tôi được tham quan góc bếp của người Mông trắng ở Hà Giang: một số sản phẩm nghề truyền thống như mộc, rèn hay hoa văn trên các bộ phận trang phục dân tộc truyền thống như hoa văn của người Pu Péo, túi đựng bút của người Dao, túi thêu của người Phù Lá … Đặc biệt là các vị thuốc dân gian của nhiều dân tộc.
Gian phòng tiếp theo tôi đặt chân đến là không gian văn hóa của dân tộc Êđê. Tại đây, tôi thấy rất ấn tượng với hình ảnh nhà Rông, hình ảnh lễ hội Cồng chiêng hay các dụng cụ vận chuyển và sản xuất. Các văn hóa của người dân Tây Nguyên rất đặc biệt như lễ hội Cà răng căng tai, săm mặt. Họ còn có tượng nhà mồ, nhà sàn …
Và gian phòng cuối cùng tôi đặt chân đến là gian phòng trưng bày các di sản văn hóa của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Hán gồm: Hoa, Sán Dìu và Ngài. Tại đây, bảo tàng đã cho dựng lại Hội quán phố cổ người Hoa, lưu giữ một số sản phẩm dệt như túi, váy, quần áo,… các dụng cụ lao động của dân tộc Sán Dìu và đặc biệt là nghi lễ Đâm Trâu.
Nắng đã bớt chói chang trên những tán lá xanh rờn. Vậy là buổi tham quan đã đến hồi kết. Tôi cảm thấy rất vui và vinh dự khi mình đã được tìm hiểu về lịch sử dân tộc, về văn hóa của tất cả các dân tộc mà bấy lâu nay tôi tò mò.
Ảnh: Bùi Đức Thiện
Qua chuyến thăm quan này, tôi đã biết thêm những điều bổ ích và lý thú. Tôi thầm cảm ơn nhà trường đã tạo điều kiện cho tôi và tất cả các bạn học sinh có cơ hội để tiếp thu kiến thức thực tế và chắc chắn rằng, đây sẽ là buổi tham quan mà tôi nhớ mãi!