MỘT VÀI PHƯƠNG PHÁP GIÚP GIÁO VIÊN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG VÀ KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH TRONG TRƯỜNG THPT
Trong những năm gần đây việc giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống đang là sự quan tâm của toàn xã hội cũng như bộ GD & ĐT. Trước thực trạng của học sinh THPT hiện nay còn thiếu và yếu về giáo dục giá trị sống và kỹ năng sốngVới đặc thù củatrường dân tộc nội trú cho nên việc giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống cho học sinh là cần thiết nhằm giúp các em có thêm những hành trang tri thức đày đủ hơn.
Sau đây là một số phương pháp giúp thầy cô giáo nâng caohoạt động giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống cho học sinh.
SỐ 1: KỸ NĂNG ĐỒNG CẢM
“ Một số người nghĩ rằng chỉ có trí tuệ là đáng quan tâm: biết cách giải quyết vấn đề, biết cách để tiếp cận, biết cách để xác định được các điểm lợi và thâu tóm nó. Nhưng các chức năng của trí tuệ sẽ thiếu hụt nếu thiếu tình yêu, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm". (Dean Knoontz – Nhà văn).
1. Kỹ năng đồng cảm
Đồng cảm là khả năng hiểu mọi người, thế giới từ quan điểm của người khác và luôn hành động, ứng xử với người khác dựa vào nỗ lực hiểu biết đó.
Đồng cảm với một người là hiểu người đó đang cảm thấy như thế nào, hoặc nói cách khác, suy nghĩ và nhận xét xem mình có thể cảm thấy như thế nào nếu mình ở trong vị trí, tình huống của họ. Đồng cảm cá nhân luôn ý thức được rằng những gì người khác suy nghĩ có thể tương tự những cũng có thể rất khác với điều chúng ta suy nghĩ, và họ đều có những cảm xúc và hình ảnh tâm trí gắn liền với những suy nghĩ đó.
2. Tầm quan trọng của kỹ năng đồng cảm đối với học sinh
Đồng cảm bao gồm tình cảm và tư duy. Đồng cảm có nghĩa là cảm được cái cảm xúc của người khác (đau khổ, buồn, ân hận, tức giận, vui vẻ v.v...). Đồng cảm cũng có nghĩa là hiểu biết logic về suy nghĩ, cảm xúc của người khác. Không giống như tư chất phụ thuộc nhiều vào di truyền, đồng cảm là một kỹ năng phải học mới có được. Những học sinh có khả năng đồng cảm có xu hướng học tốt hơn ở trường, có nhiều bạn hơn, và phát triển hơn về sự nghiệp khi trưởng thành. Các em nhỏ và học sinh có kỹ năng đồng cảm luôn được các bạn bè coi là thủ lĩnh.
Thiếu sự đồng cảm được giả thuyết là nguyên nhân phát triển các hành vi chống đối xã hội và bắt nạt bạn bè ở học sinh. Không có khả năng nhận ra và quan tâm đến sự đau đớn, khổ cực của nạn nhân khiến kẻ bắt nạt không cảm thấy có lỗi và sửa chữa hành vi của mình. Giúp các em hình thành và phát triển kỹ năng thấu hiểu, chúng ta đã nuôi dưỡng phần người ở các em.
3. Những điều cần lưu ý
Trong hình thành khả năng đồng cảm, cách mà người lớn thể hiện sự đồng cảm của mình là điều quan trọng nhất hơn bất cứ lời nói nào của chúng ta. Chẳng hạn, khi học sinh kể chuyện về một hiện tượng chế diễu một bạn ở lớp bé, chúng ta nghĩ rằng chúng ta mắng các em và nói các em không được nói thế sẽ là cách làm đúng. Trên thực tế, các làm này không thể hiện sự đồng cảm của mình đối với các em (vì các em đang vui vẻ “một cách không hữu ý” về sự trêu đùa này) và cũng không dạy được các em biết đồng cảm với người khác. Thay vào đó, chúng ta có thể nhẹ nhàng giải thích với các em là việc trêu bạn như thế sẽ khiến bạn cảm thấy buồn, xấu hổ. Chúng ta hỏi các em xem có bao giờ các em cảm thấy buồn vì những lời trêu chọc của người khác không.
Để nuôi dưỡng kỹ năng này ở học sinh, thầy cô nên biết:
- Lắng nghe học sinh: chỉ khi thực sự lắng nghe học sinh nói chuyện, thầy cô mới nắm bắt được suy nghĩ, cảm xúc của học sinh, từ đó hiểu được những cảm xúc suy nghĩ đó. Thầy cô thể hiện cho các em biết mình đang lắng nghe bằng cách nhắc lại một số ý chính, hoặc cảm xúc của học sinh khi phù hợp. Lắng nghe học sinh có ý nghĩa quan trọng vì một mặt giúp chúng ta thực sự thấu hiểu các em, mặt khác, chúng ta cũng đang là hình mẫu để các em học tập cho các tình huống khác (chẳng hạn lắng nghe bạn nói để hiểu bạn). Đôi khi, chúng ta chỉ cần lắng nghe mà không cần phải đưa ra bất cứ một câu hỏi, bình luận, giải pháp nào.
- Là hình mẫu cho học sinh: Khi chúng ta đối xử với học sinh theo cách thấu hiểu, chúng ta không những nuôi dưỡng tình cảm với học sinh mà còn đang là hình mẫu về sự nhân từ, thấy hiểu cho các em bắt chước. Thể hiện sự đồng cảm của mình trong những tình huống học sinh mắc lỗi như chưa chuẩn bị bài, vô tình làm hỏng thiết bị v.v... sẽ đặc biệt có giá trị và ấn tượng đối với các em. Đồng cảm không có nghĩa là đồng ý với mọi điều học sinh làm mà là cố gắng tôn trọng quan điểm, cảm xúc của các em, chấp nhận và hiểu được vì sao các em lại có những biểu hiện, hành động như vậy. Thông thường, chúng ta dễ đồng cảm khi học sinh thực hiện tốt, có cảm xúc dương tính. Chúng ta khó đồng cảm hơn khi các em không làm tốt công việc, khó chịu, tức giận hoặc có các cảm xúc âm tính khác. Chẳng hạn, nếu một học sinh bị bạn bè trêu chọc và cậu đánh lại bạn mình, thầy cô sẽ rất dễ chỉ nhìn vào việc em đó đánh bạn và có thái độ phê bình em đó. Cần hiểu và cảm nhận cả cảm xúc tức giận mà các em trải nghiệm lúc đó. Chính những tình huống như thế này là cơ hội tốt nhất để thầy cô làm mẫu cho học sinh về sự đồng cảm.
Ngoài ra, thầy cô cũng có tể chỉ cho học sinh những ví dụ về sự đồng cảm ở trên báo chí, trong khu phố, trong cuộc sống.
- Không chỉ trích, phê phán người khác.
- Tạo bầu không khí cởi mở trong lớp học để học sinh cảm thấy dễ dàng chia sẻ trải nghiệm, cả dương tính và âm tính. Khi học sinh nói với mình, hãy đồng cảm với các em bằng cách hiểu những cảm xúc của các em, thể hiện rằng chúng ta hiểu các em và bộc lộ cử chỉ phi ngôn ngữ (như gật đầu, nheo mắt, v.v...)
Ngoài ra, các gợi ý ở phần kỹ năng tự nhận thức và tự trọng để thầy cô tự luyện tập cho bản thân cũng có thể áp dụng trong phần này.
Một số chiến lược để dạy kỹ năng đồng cảm
- Dạy và khuyến khích học sinh diễn tả cảm xúc của mình: các em cần được biết cách gọi tên cảm xúc của mình để hiểu được cảm xúc của người khác, chẳng hạn như “tức giận”, “chán”, “buồn”, “cáu” v.v... Khi học sinh có cảm xúc mạnh chúng ta có thể thể hiện sự đồng cảm của ta với học sinh bằng cách giúp các em gọi tên cảm xúc hiện tại của mình.
- “Đổi vai”: Khi có cãi nhau, bất đồng giữa học sinh với nhau, hỏi các em xem theo các em, mình sẽ cảm thấy thế nào khi ở vị trí của họ.
- Dạy học sinh biết quan tâm: Với các tình huống thực trong cuộc sống, luôn nhớ để dạy học sinh biết cách “cho” chứ không chỉ nhận, và các em cũng trải nghiệm niềm vui khi mình đem lại cho người khác cái gì. Ban đầu, chúng ta cần hướng dẫn và khởi xướng cho học sinh, chẳng hạn “Ở nhà, bà đang ốm, học sinh có nghĩ mình nên nấu gì cho bà không?” “Bạn ở lớp bị mệt, em có thể làm gì?”.
- Lưu ý đến cách hành vi thiếu tế nhị: Khi học sinh hành xử chưa tốt với người khác, thầy cô có thể nhân cơ hội đó để giúp các em tế nhị, tinh ý hơn về cảm xúc của người khác. Chỉ đơn giản trao đổi với các em xem ảnh hưởng hành vi của các em, chẳng hạn như “em nghĩ xem nếu bạn đánh em như vậy thì em sẽ cảm thấy thế nào?, em cảm thấy thế nào về việc em đã đánh bạn?”. Trao đổi với học sinh một cách chia sẻ, không chì chiết, mắng mỏ để học sinh cảm thấy hoàn toàn an toàn để bộc lộ thực các suy nghĩ, cảm xúc của các em.
- Khuyến khích học sinh khám phá những điểm chung giữa mình và mọi người. Hiểu được những cảm nhận, cảm xúc ở người khác tương tự như mình giúp các em ứng xử đồng cảm. Biết mọi người khác mình giúp các em hiểu được rằng có thể giúp người này cảm thấy thoải mái nhưng lại không làm cho người khác thoải mái.
- Chia sẻ với các em suy nghĩ, cảm xúc của thầy cô, cũng như cảm xúc của người khác: Điều này rất có ích vì các em hiểu được mọi cảm xúc đều được chấp nhận, đều bình thường, và các em sẽ thoải mái nói về cảm xúc của mình đối với thầy cô, có thầy cô là những người bạn tâm giao của mình.
- Cùng các em xem các tin tức về những người nghèo khổ, có khó khăn, có thiên tai và trao đổi những vấn đề này. Giúp các em hiểu được rằng moi thứ không hề đơn giản, dễ dàng với mọi người và nhiều người không được may mắn như các em.
- Khuyến khích các em tham dự các hoạt động thiện nguyện, hoạt động tình nguyện như hỗ trợ đồng bào lũ lụt, giúp đỡ học sinh mồ côi v.v...
4. Các hoạt động giúp rèn luyện kỹ năng đồng cảm
Hoạt động 1: Luyện tập lắng nghe tích cực
Thể hiện sự tôn trọng và thấu hiểu người khác bằng cách nói lại những điều người khác vừa nói. Điều này giúp người nói biết chắc là họ đang được lắng nghe. Chẳng hạn: “em vừa nói là em đang tức vì các bạn chế nhạo em”, “cô nghe thấy em nói là em...(nhắc lại điều học sinh vừa nói)”. Cách thức này có thể áp dụng cho chính thầy cô, vì cách tốt nhất để dạy học sinh lắng nghe tích cực là thông qua quan sát hành vi thầy cô.
Hoạt động 2: Bộc lộ sự đồng cảm
Chấp nhận cảm nhận, cảm xúc của người khác dù mình có đồng ý hay không đồng ý với họ. Chẳng hạn, nói “khi tớ đứng ở vị trí của bạn, tớ hiểu vì sao bạn lại cảm thấy như vậy”, hoặc “cô có thể tưởng tượng được việc đó khiến học sinh bực bội như thế nào” v.v.
Hãy nói những điều này một cách chân thành nhất, bộc lộ từ trái tim. Chỉ làm nếu thực sự cảm nhận được sự cảm thông. Hãy cố gắng tưởng tượng mình là người đó, ở vị trí sự việc và xem xét sự việc, tình huống ở góc độ của họ. Kỹ năng này không phải tự nhiên có mà cần phải học tập và rèn luyện.
Hoạt động 3: Thể hiện sự hiểu biết
Thể hiện mình hiểu người khác đang trải nghiệm, cảm nhận. Chẳng hạn như nói “tớ hiểu điều bạn đang nói”, “chị hiểu em đang mong muốn điều gì” v.v...
Hoạt động 4: Hình dung về những trải nghiệm của người khác
Yêu cầu các em tưởng tượng các tình huống khó khăn mà những người khác có thể đang trải qua. Chẳng hạn: Sau thảm họa thiên tai, nhà em bị mất đi toàn bộ tài sản. Em sẽ thấy thế nào? Có những ai còn lại bên em? Em sẽ làm thế nào để đương đầu với bất hạnh trên?
Hoạt động 5: Kính thay vai
Thời gian: 15-20 phút
Dụng cụ: Kính cũ
Mục tiêu: Giúp các em hiểu được biểu hiện cảm xúc của những người ở khác vị trí, độ tuổi, giới tính khác.
Chuẩn bị:
- Liệt kê 2 nhóm từ
* Tên của các cảm xúc (buồn, vui, giận dữ v.v.);
* Những tính chất khác nhau của con người như học sinh trai, học sinh gái, người già, người lạc quan, người bi quan, bạn mới v.v.
- Sưu tập một số kính cũ.
- Chuẩn bị các miếng giấy nhỏ và ghi lên đó các từ trên.
- Dán lên mỗi mắt một tờ giấy thuộc một nhóm.
Tiến hành:Để các em đến nhặt kính ngẫu nhiên. Yêu cầu em mô tả mọi thứ sẽ như thế nào qua “lăng kính” khác. Sau khi tất cả nhóm đã được làm, khuyến khích các em chia sẻ xem các em muốn người khác đối xử với mình như thế nào. Từ đó, học sinh sẽ thoải mái chia sẻ các suy nghĩ về những hỗ trợ, trợ giúp mà bản thân mình hoặc người khác có thể cần đến trong lúc khó khăn.