MƯA BÓNG MÂY
(Thân yêu tặng K41 - G1)
Tôi có một thói quen cứ thu bài kiểm tra về là đọc ngay (xem học sinh làm thế nào để hôm sau lên lớp có những nhận xét sơ bộ). Trưa hôm ấy, một ngày cuối tháng 10/2001, tôi dự định đọc một vài bài trước khi đi ngủ. Nhưng vừa đọc đến bài thứ ba thì tôi giật mình và bật thành lời: Trời đất ơi! điều gì thế này? Các bạn có biết không? Hơn chục em nữ đã biến hai tiết làm văn thành hai tiết viết thư bày tỏ những bức xúc với cô chủ nhiệm và với các bạn nam trong lớp.
Trong thư, lời đầu tiên các em xin tôi tha lỗi về việc mạo muội biến hai giờ văn thành giờ viết thư. Sau đó các em kể tội các bạn trai, thôi thì đủ thứ... Các em bày tỏ sự lo lắng, và chia sẻ với tôi về những khó khăn của lớp vì có một nhóm (6 bạn trai) bất trị. Nhưng có lẽ mục đích chính là các em muốn chất vấn tôi đã quá nhu nhược, chưa mạnh tay xử lý những học sinh cá biệt.
Xin trích ra đây một trong những bức thư ấn tượng nhất. “Trước khi nói những suy nghĩ của mình, em xin lỗi cô, mong cô hãy hiểu em và coi em như một người lớn. Nói như vậy có nghĩa là khi viết những suy nghĩ này em đã suy nghĩ kĩ lưỡng rồi. Cô cứ bình tĩnh nghe em giãi bày và rồi kết luận về em ra sao cũng được!” Tiếp đó là 4 trang giấy học trò, em kể tội đám con trai “phá phách”và em trách tôi đã “quá bênh các bạn”. Không kìm nén được những bức xúc đang chất chứa trong lòng, em đã lên án tôi gay gắt: Phải chăng câu thành ngữ “Con hư tại mẹ” trong trường hợp này là đúng”. Rồi thì “Sao cô lại mềm yếu đến nỗi tin vào một vài lời hứa nhăng cuội của các bạn ấy” và “cô chỉ nói vài câu dọa nạt thì bao giờ các bạn ấy mới ngoan ngoãn vâng lời? Một bà mẹ như vậy thì khác nào dung túng con hư”! Em lí sự “Mị (nhân vật trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, một tác phẩm các em vừa học xong tuần trước đó) còn vùng dậy đấu tranh chiến thắng bản thân và cả xã hội bạo tàn. Còn chúng ta hơn cô Mị đó nhiều sao lại đành bó tay”. Cuối cùng em kết luận “ Bọn em thương cô, nghĩ cho cô thì cô cũng phải nghĩ và thương cho chính mình một chút” và còn nhiều bức thư tương tự... (Có lẽ đây là trường hợp đầu tiên và cũng là duy nhất xảy ra ở trường Vùng cao Việt Bắc này).
Để các bạn hiểu lí do của những bức thư kia, tôi xin có đôi dòng trích ngang về K41- G1. Tới khóa 41, nhà trường quyết định không thành lập các lớp chọn. Nhưng sau một năm học, trước nguyện vọng tha thiết của học sinh và phụ huynh cùng những điều kiện thuận lợi của nhà trường (cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên), hai lớp chọn được thành lập là G1 và G2. Tôi được phân công làm chủ nhiệm G1. Lớp có 39 học sinh (14 nam và 25 nữ).
Ngay từ hôm nhận lớp, tôi đã ấn tượng về một tập thể có nhiều học sinh thông minh, cá tính “dữ dội” và phần lớn đều là “cục cưng” của bố mẹ và thầy cô ở những năm học trước. Các em nữ tính cách mạnh mẽ, rất ý thức về bản thân, giàu lòng tự trọng và luôn muốn tập thể lớp mình phải được xếp hạng đầu bảng. Còn một vài em nam do được nuông chiều nên tính hơi tự do lại nghịch ngợm, rất trẻ con thích chọc tức người khác và cũng có một vài anh chàng... ngại lao động (nếu có cơ hội là sẵn sàng “nhường” việc cho người khác, kể cả các bạn nữ).
Có điều khuyết điểm không dồn vào một cá nhân, mỗi em có một vài lỗi nho nhỏ khiến tôi chỉ có thể nhắc nhở chứ không đủ lí do để thi hành kỉ luật. Nhưng tích tiểu thành đại... G1 là lớp thiên về các môn tự nhiên (chỉ có 10 em thi khối C,D) nên tính cách rõ ràng, dứt khoát, các em đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối. Đã đôi lần các em nữ kiên quyết đòi đưa một số bạn nam lên Hội đồng kỉ luật. Tôi đã phân tích đủ điều rằng với những tội lỗi ấy (một lần đi học muộn, một lần ngủ trong giờ tự học...) chưa đủ mức phải kỉ luật cảnh cáo trước toàn trường hoặc đuổi học. Vì vậy, nên nhắc nhở, góp ý với các bạn theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”... Dù chấp nhận quyết định của cô chủ nhiệm nhưng trong lòng một số em nữ vẫn còn ấm ức chưa “tâm phục, khẩu phục”.
…Và mâu thuẫn bùng lên vào một buổi lao động nấu cơm ngày chủ nhật. Lẽ ra sau buổi lao động phải dọn dẹp xong mới được về. Nhưng một nửa số nam lại trốn về trước. Sáng thứ hai, nghe cán bộ lớp báo cáo tôi đã nghiêm khắc phê bình ngay trên lớp. Tưởng như không có gì xảy ra… Mấy ngày sau, khi họp cán bộ lớp xét đạo đức với mấy em bỏ dở công việc về trước tôi yêu cầu hạ đạo đức của tháng xuống loại khá và phê bình trước lớp (vì các em chỉ bỏ về sớm và các nề nếp khác trong tháng ấy không vi phạm). Cán bộ lớp tán thành. Sau đó, tôi cho họp lớp thông báo kết quả. Cả lớp im lặng, không ai có ý kiến gì. Để rồi sáng hôm sau có hai tiết làm văn và kết quả như vậy...
Tôi lặng người tê tái, bàng hoàng trước suy nghĩ của các em... Chao ôi! Hàng ngày trông bọn trẻ hồn nhiên là vậy mà sao suy nghĩ và lời lẽ chững chạc không ngờ. Tôi không giận các em vì hiểu rằng chỉ những học sinh thật sự có ý thức với tập thể, muốn chia sẻ trách nhiệm với cô giáo chủ nhiệm mới hành động như vậy. nhưng tôi buồn vì chưa làm các em hiểu và thông cảm với công việc của người thầy. Trong suy nghĩ của tuổi mới lớn, mọi việc thật đơn giản, cứ vi phạm một cái gì đó là kỉ luật liền! Và cũng chẳng có thời gian để buồn nhiều, tôi nghĩ cách giải quyết.
Giờ tự học buổi chiều, tôi vào lớp với thái độ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Tôi ngồi soạn bài, cả lớp im lặng chỉ có tiếng ngòi bút đưa sột soạt trên trang giấy. Tất nhiên, tôi biết có những ánh mắt đang nhìn tôi dò xét. Giờ giải lao, tôi gặp lớp trưởng, bí thư hỏi tình hình lớp. Tới lúc này, bí thư không còn dấu được em kể lại mọi chuyện...
Buổi lao động hôm ấy, phần vì sức yếu lại phải làm thay các bạn, dọn xong thì đã muộn, trời vừa tối vừa rét, không kịp tắm giặt phải lên lớp ngay nên các em nữ rất ấm ức. Đã vậy mấy ông tướng nghịch ngợm lại còn tỏ ra thích thú vì “chiến công” trốn việc của mình. Giận quá, bọn con gái quyết định “chiến tranh lạnh”: không thèm nói chuyện với bọn con trai. Từ hôm ấy, cứ giờ ra chơi, con gái túm lại một chỗ, mặt lạnh như tiền, không thèm góp chuyện, mặc cho bọn con trai trêu chọc. Lúc đầu không để ý, sau hiểu ra, cứ giờ giải lao lũ con trai lặng lẽ kéo nhau ra hành lang phía sau lớp học đứng. (Cả lũ tự cảm thấy chống chếnh, buồn buồn không ai nói với ai một câu, trong lòng cũng ân hận song vì sĩ diện nên không sao mở miệng xin lỗi các bạn gái. Sau này các em thú nhận như vậy).
Có điều dù giận nhau nhưng lại sợ ảnh hưởng đến điểm thi đua của lớp nên mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Tình trạng ấy đã sang ngày thứ ba… Khi nghe tôi tuyên bố chỉ hạ một bậc đạo đức trong tháng thì các em nữ cảm thấy “thất vọng” vì cô quá nhẹ tay. Do vậy giờ ra chơi đã diễn ra cuộc tranh luận gay gắt. Bọn con gái cho rằng cô quá nuông chiều con trai. mấy anh chàng chứng nào tật ấy được thể lại dở trò trêu tức. Thế là cãi nhau. Một một em nữ vì quá phẫn nộ đã có lời xúc phạm và một em nam cũng không kiềm chế được đã cho bạn gái một cái tát, may mà không trúng!(Thảo nào trong một lá thư các em có viết: “Bây giờ không phải chiến tranh lạnh nữa mà chuyển sang chiến tranh nóng rồi”).
Lớp trưởng, bí thư, tổ trưởng trực tuần đứng ra can (nếu không còn xô xát lớn) thì bị giận lây. Vừa lúc đó tiếng kẻng vào lớp vang lên... Cả lớp lại vào chỗ ngồi, học tập nghiêm túc như không có việc gì xảy ra! Nghe chuyện tôi vừa bực vừa buồn cười (sau này tôi hỏi giáo viên trực thì mọi người cũng xác nhận: vào giờ học khoảng 5 phút, đến lấy sĩ số thấy lớp đầy đủ và đang trật tự học bài). Đêm hôm ấy các em nữ về phòng bàn nhau sẽ biến giờ làm văn thành giờ viết thư cho tôi để nói ra tất cả những ấm ức trong lòng. Và sự thể đã diễn ra như vậy! Có lẽ sự nhạy cảm của người GVCN đã khiến tôi thấy lạ: Vì sao mấy hôm nay, giờ ra chơi cả lớp ít lời hẳn và bọn con trai, con gái lại tách thành hai nhóm thế kia? (Tuy nhiên tôi không thể tưởng tưởng nổi tình thế lại căng thẳng đến vậy. )
Tôi tiến hành ba cuộc họp liên tiếp ngay trong tối ấy. Sau giờ tự học buổi chiều, tôi yêu cầu các em nam về ăn cơm, đúng17 giờ 30 phút lên lớp và không được vắng mặt với bất cứ lý do gì! còn các em nữ ở lại họp. Tôi tuyệt nhiên không nói gì về chuyện những lá thư kia mà để các em tự bộc lộ những ấm ức bấy lâu nay. (Vì biết rằng khi đã nói ra hết các em sẽ thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản). Đến lượt mình, tôi lần lượt giải trình những bức xúc của các em (những gì đã viết trong thư: Khẳng định khuyết điểm của các bạn nam chưa tới mức đưa ra Hội đồng kỉ luật và giải thích vì sao chưa đưa các bạn lên gặp Ban giám hiệu và mời phụ huynh đến trường, (Đây là đề nghị của các em) tôi chỉ rõ: Ban giám hiệu còn rất nhiều việc phải làm, bố mẹ các bạn cũng vậy và đây là những việc chúng ta có thể làm, thậm chí làm tốt. Lẽ nào chúng ta bó tay! Hơn nữa bố mẹ các bạn phải vượt hàng trăm cây số đến trường chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt ấy thì có nên không? và nếu gặp trở ngại gì trên đường đi thì cô và các em sẽ ân hận suốt đời.
Tôi tâm sự với các em về tính vị tha và vai trò người phụ nữ trong việc gìn giũ sự yên ấm của mỗi gia đình để dẫn đến chuyện lớp... Tôi thừa nhận những sai sót của đám con trai “chưa quân tử” (như các em nhận xét) song cũng chỉ rõ những hạn chế của các em nữ, nếu như mềm mại, khéo léo một chút thì chắc chắn câu chuyện sẽ không diễn ra theo chiều hướng xấu như vậy “Lạt mềm buộc chặt’ các cụ nói chẳng sai.
Cuối cùng tôi nói với các em: Một trong những tiêu chuẩn của lớp tiên tiến xuất sắc là lớp phải trở thành tổ ấm đoàn kết nhất trí. Điều đó tùy thuộc vào cách xử lý của các em. Tôi láy lại: Thế mấy hôm nay nam nữ bất đồng, chẳng nói với nhau câu nào các em có vui không? Đã vậy mấy bạn nữ muốn đứng ra hòa giải các em còn giận bạn. Vậy là các em sai rồi! Các em cứ nói thương cô mà còn làm cô buồn và mệt hơn đấy, giờ này lẽ ra cô được nghỉ ngơi, cơm nước thì vẫn còn phải ở trường làm Bao Công. Lặng im một lúc tôi cất lời, dù cố gắng nhưng tôi biết giọng mình đang nghẹn lại: Có những việc bây giờ các em chưa hiểu nổi, khi nào trưởng thành và những ai cùng nghề thì chắc chắn sẽ hiểu cô hơn…
Khi họp với các em nam, tôi yêu cầu các em có trách nhiệm trình bày tình hình, cho các em tự do phát biểu…Tôi phê phán các em gay gắt vì những việc làm, những cư xử chưa xứng đáng của một trang nam nhi: Lẽ ra phải chủ động nhận việc, cho các bạn nữ nghỉ trước thì lại trốn việc để các bạn vất vả; lẽ ra phải là trụ cột của lớp thì lại như loài tầm gửi, mọi công việc của tập thể phó thác cho các bạn nữ…Tôi chỉ rõ điểm yếu của từng em. Mấy anh chàng quậy phá giật mình vì cô đã điểm trúng huyệt! Sau một hồi căng thẳng, tôi hạ giọng: cô cũng đã kiên trì nhắc nhở song các em chẳng biết điều. Các bạn nữ đã lên án cô (tôi đọc cho các em nghe một vài đoạn thư) và đề nghị nếu cô chủ nhiệm không xử lí công bằng thì sẽ làm đơn lên Ban giám hiệu! Nếu là người thông minh các em cần biết mình phải làm gì!
Dù vô tư nghịch ngợm thì tới lúc này các em cũng ý thức được sự nghiêm trọng của tình huống. Cả lũ im lặng. Lâu nay chúng vẫn cho rằng cô chỉ yêu bọn con gái, còn nghiêm khắc với chúng. Ngược lại đám con gái lại cho rằng cô cưng chiều, luôn bênh vực bao biện cho lũ con trai (sau này tôi mới biết cả lũ đã gọi điện về nhà phàn nàn với bố mẹ như vậy). Một trong bọn chống chế: nhưng các bạn cũng quả đáng, mấy hôm nay…Tôi ngắt lời “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”. Trong cuộc họp lớp hôm nay các em phải chủ động xin lỗi các bạn. Một số em nữ tò mò nghe được nội dung cuộc họp lấy làm thích thú kể với các bạn: Cô đã mắng bọn con trai rồi! Tôi cho họp lớp.
Tôi phân tích ngắn gọn và kết luận cả hai phía đều sai. Nhưng lỗi nặng hơn là các em nam, do vậy phải xin lỗi bạn nữ và cả lớp! 5 cậu con trai đứng dậy, mọi ngày liến láu là vậy mà giờ đây ngượng ngùng, xấu hổ, mặt cúi gằm. Có lẽ khó khăn lắm các em mới nói được lời xin lỗi. Sau đó tôi thông báo: Không được ai nhắc lại chuyện cũ; Cả lớp phải thường xuyên hát đầu giờ, ai không hát sẽ bị hạ đạo đức (buộc các em phải hát tập thể). Tôi quyết định tập tiết mục đồng ca để tham gia hội diễn, đặt chỉ tiêu phải đạt giải trong cuộc thi múa tập thể và không ai được miễn. Những ai vi phạm dù một lỗi nhỏ cũng sẽ bị phạt lao động, từ hai lỗi trở lên sẽ thông báo về gia đình (mỗi học sinh nộp sẵn hai phong bì có dán tem)… Tổ trực nhật, lớp trưởng, bí thư phải quản lí và nắm vững tình hình lớp, kịp thời báo cáo cho cô giáo, nếu bao che sẽ chịu kỉ luật. Cả lớp im thin thít, chúng biết rằng chúng đã sai còn tôi đang giận.
Ngày hôm sau tôi gọi điện cho một phụ huynh. Đó là một nhà giáo tài năng. Tôi kể về tình hình lớp, về “cậu ấm” của gia đình đang mắc khuyết điểm và muốn gia đình phối hợp giáo dục. Vị phụ huynh thừa nhận cậu con út được nuông chiều nên tính tự do, có phần bướng bỉnh và sau đó đã xuống thăm con. Ông đã gọi cả đám con trai ra trò truyện…
Những ngày nặng nề trôi qua, trò giận hờn của tuổi trẻ tựa những cơn mưa bóng mây! Chuẩn bị cho ngày Nhà giáo Việt Nam cả lớp mỗi người một việc. Tốp làm báo, tốp tập văn nghệ, tốp trang trí lớp…công việc lôi cuốn các em. Chúng cũng chẳng biết đã làm lành với nhau từ khi nào. Bọn con trai được bài học nhớ đời, đám con gái cũng thấy mình cần chín chắn hơn. Tiết mục văn nghệ Mong ước kỉ niệm xưa của G1 có mặt trong đêm công diễn. Còn tác giả của những lời chỉ trích nặng nề thì cao hứng muốn đưa câu chuyện của lớp vào tập san!
Sau những giận hờn các em quí nhau hơn, luôn quan tâm giúp đỡ nhau trong mọi mặt của cuộc sống nội trú, dù đôi khi vẫn có những cơn mưa bóng mây. Năm học trôi qua nhanh chóng, G1 đạt danh hiệu lớp Tiên tiến xuất sắc. 100%xếp loại văn hóa khá giỏi, còn đỗ tốt nghiệp thì là chuyện đương nhiên! (có 16 em điểm thi đạt loại giỏi, hơn 80% đi học chuyên nghiệp). Một năm sau cả lớp đều có mặt ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp (riêng14 cậu con trai đi học thẳng không qua con đường cử tuyển).
Tạm biệt trường Vùng cao các em đến với môi trường mới. Thầy mới, bạn mới, cuộc sống mới có nhiều niềm vui mới song cả lớp G1 không quên trường xưa lớp cũ. Các em thường đi thăm nhau và không quên gửi cho tôi những kiểu ảnh ghi lại cảnh các em hội họp. Hình như câu chuyện quá khứ vẫn còn đó và các em muốn khẳng định với tôi rằng: G1 vĩnh viễn là một tổ ấm! 20/11 hàng năm các em tìm về trường, ôn lại chuyện xưa và bao giờ cũng nhắc lại câu chuyện có một không hai ấy.
Cách đây hai năm, chuẩn bị tốt nghiệp đại học các em tổ chức họp lớp. Cả một ngày vui vẻ, đi thăm trường, thăm thày cô giáo cũ, giao lưu với thế hệ sau…Tối đó các em đề nghị tôi cho đọc lại những bức thư đặc sắc kia. Tôi và các cùng đọc và buồn cười nhớ lại một thời chưa xa lắm ấy. Bọn con trai không ngờ lại có một thời mình trẻ con và “tiểu nhân” như vậy, còn đám con gái cũng không ngờ mình có lúc mạnh mồm như thế. Chúng lại cãi nhau, lại cười và cười quá to, tôi phải đóng hết các cửa lại vì sợ làm phiền hàng xóm…3 giờ sáng, cả bọn mới đi ngủ. Mấy anh chàng cá biệt một thời còn lấy thư đi đọc lại và cười rúc rích suốt đêm.
…Tới hôm nay hầu hết các em đã đi làm (còn có 3 em học Đại học Y năm cuối). Cùng nghề với tôi có khoảng hơn chục em. Một số em nữ đã lập gia đình. Cuộc sống mới của các em rất bận rộn, phức tạp, biết bao thử thách đang chờ đợi. Song tôi tin trong một góc tâm hồn của các em vẫn còn neo lại kỉ niệm của một thời cắp sách hồn nhiên trong trẻo và những cơn mưa bóng mây.
(Có bạn sẽ hỏi: bài văn đó tôi xử lí thế nào? Sau một tuần tôi công bố: bài viết dở, làm lại! Tôi bố trí một buổi chiều cho các em làm lại và giữ nguyên đề: Suy nghĩ về giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt ( Kim Lân). Mãi cuối năm cả lớp mới biết những bức thư đặc biệt kia. Vô tình năm ấy thi tốt nghiệp cũng một đề tương tự. Tôi treo giải sẽ thưởng nếu 100% đạt điểm văn > 6. Cả lớp tiếc rẻ vì có 1 điểm 5 có khoảng 80% điểm > 7, trong đó có 5 điểm 9, một cô bé ngạc nhiên vì đề thi: lại "Vợ nhặt"!