TRƯỜNG PT VÙNG CAO VIỆT BẮC TỔ CHỨC THÀNH CÔNG NGÀY HỘI CÔNG NGHỆ THÔNG TIN LẦN THỨ II
Ths. Trịnh Thị Phương Thảo - Nhóm trưởng Tin học
Thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015, Phòng Đào tạo đã tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng Kế hoạch số 469/KH-BGH về việc tổ chức Ngày hội Công nghệ thông tin lần thứ 2, năm học 2014 - 2015 của trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc với chủ đề “Công nghệ thông tin - Nơi hội tụ tài năng”.
Ngay sau đó, Ban tổ chức đã họp và triển khai Kế hoạch tới các tổ bộ môn, tới học sinh toàn trường. Ban tổ chức cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hỗ trợ cho các tổ bộ môn xây dựng và tham gia Ngày hội một cách tốt nhất.
Sau 1 thời gian chuẩn bị, tất cả các tổ bộ môn và các thầy cô giáo đã hưởng ứng nhiệt tình chuỗi hoạt động hướng tới Ngày hội, thể hiện qua các phần thi, các sản phẩm đã nộp và tại gian trưng bày ngày hội chính 30/10/2014.
Ban tổ chức, Ban Giám khảo đã đánh giá về các nội dung chính trong chuỗi hoạt động của “Ngày hội Công nghệ thông tin lần thứ 2” qua 5 phần thi:
1. Phần thi cá nhân về “Kiến thức cơ bản trong việc ứng dụng Công nghệ thông tin”
Ngày 27/10/2014, các đồng chí tổ trưởng bốc thăm lấy danh sách 1/3 giáo viên trong tổ tham tham gia phần thi “Kiến thức cơ bản trong việc ứng dụng CNTT” và chiều 28/10, có 27/82 thầy cô giáo trong độ tuổi yêu cầu (nam dưới 50 tuổi, nữ dưới 45 tuổi) đã tham gia dự thi đầy đủ với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức.
Phần thi bao gồm 3 nội dung chính: Soạn thảo văn bản, kỹ năng sử dụng Excel, xây dựng phần trình chiếu PowerPoint theo chủ đề, cũng như kỹ năng sử dụng mạng Internet và thời gian thực hiện 90 phút.
Nhìn chung, tất cả các thầy cô tham gia thi đã nộp bài đúng quy định về hình thức và thời gian qua hòm thư điện tử của BTC. Trong đó, với mỗi nội dung thi thì kết quả đều thể hiện khá khách quan về đặc thù bộ môn mà thầy cô giảng dạy: trong khi phần soạn thảo văn bản điểm cao thuộc về các thầy cô giáo dạy các môn Xã hội như Văn, Sử, Địa, Anh… thì ở phần thi kỹ năng sử dụng Excel các thầy cô giáo dạy các môn Tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh…lại có phần lợi thế hơn, còn phần thi xây dựng phần trình chiếu PowerPoint ngoài việc xây dựng nội dung (như một bài Văn) thì còn yêu cầu về hình thức trình bày (bố cục, màu sắc, hình ảnh, âm thanh, hiệu ứng…), đòi hỏi nhiều kỹ năng cũng như tính thẩm mỹ nên những bài nổi trội đạt điểm cao thường là của các cô giáo: Ma Thị Thu Lệ - GV môn Sinh, cô Nguyễn Thị Thu Hoài - GV môn Lý, cô Ngô Thị Thanh Huyền - GV môn Văn ....
Kết quả chung (trung bình điểm 3 phần thi): tất cả các thầy cô giáo đều đạt yêu cầu, trong đó có trên 50% thầy cô đạt loại giỏi (từ 80 điểm trở lên). Điều đó thể hiện các thầy cô cũng như các tổ bộ môn đã, đang và luôn luôn sẵn sàng cho việc sử dụng các thiết bị công nghệ để ứng dụng vào việc giảng dạy nhằm đem lại hiệu quả giảng dạy và học tập cho học sinh.
2. Phần thi xây dựng “Bài giảng điện tử E -Learning”
Khái niệm “Bài giảng điện tử E-Learning” ngày nay không còn mới là, xa lạ với những người làm giáo dục, nhất là các thầy cô giáo, cũng như các em học sinh. Vì vậy, năm nay BTC đã quyết định đưa thêm nội dung này vào chương trình, trở thành 1 điểm nhấn cho Ngày hội.
Đánh giá chung của BGK về “Bài giảng điện tử E -Learning” của các môn như sau: hầu hết các tổ bộ môn đều đã xây dựng bài giảng đúng quy định, một số môn đầu tư rất chất lượng như môn Sinh, Toán, Anh, một số môn như Lý, Hóa, Văn, Sử còn gặp phải vài vấn đề nhỏ về âm thanh, cỡ chữ… Bên cạnh đó, vẫn còn có bài giảng chưa đúng quy định của môn Địa, GDCD.
3. Phần thi xây dựng Thư viện “Tư liệu dạy học, Giáo án điện tử”
Nhìn chung các tổ đều có sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo đúng với yêu cầu của BTC cả về số lượng và chất lượng. Nguồn tư liệu đa dạng và phong phú: tư liệu hình ảnh, âm thanh, video, …có tính ứng dụng cao, phù hợp với các bài học trong chương trình.
Trong đó có các bộ môn sưu tầm được nhiều tư liệu như: Sử, Anh, Địa, Sinh, Hóa. Các bộ môn trình bày tư liệu khoa học, dễ tìm kiếm và dễ sử dụng như các môn: Anh, Địa, Hóa, Sinh….
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số nhược điểm sau mong các tổ, các bộ môn sẽ rút kinh nghiệm đó là:
· Cần có thông tin về các tư liệu: nguồn tư liệu, tư liệu dùng cho những bài nào, nhằm minh chứng cho độ xác thực và tính hiệu quả của tư liệu đó.
· Cần lưu các tư liệu một cách khoa học (theo cấu trúc cây thư mục) để tiện cho việc khai thác.
Qua các giáo án và tư liệu dạy học cũng cho thấy, các thầy cô đã có ý thức cao trong việc nghiên cứu sử dụng và khai thác các phần mềm hỗ trợ để đưa vào các bài giảng những minh họa trực quan, sinh động mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm được trong mỗi bài học. Việc làm này, bên cạnh mục đích tiết kiệm thời gian và công sức cho người thầy, thì quan trọng hơn là đem lại hiệu giảng dạy - đó là điều mà bất cứ người giáo viên nào cũng mong muốn.
4. Phần thi sưu tầm (xây dựng) “Phần mềm hỗ trợ dạy học - thí nghiệm ảo”
Ngoài những phần mềm phổ biến, được sử dụng thường xuyên ở hầu hết các bộ môn như: PowerPoint, Violet, Flash…. Thì có những phần mềm được các thầy cô giáo tìm hiểu và khai thác sử dụng hiệu quả với đặc thù mỗi bộ môn. Cụ thể là:
+ Nhóm giáo viên Toán giới thiệu phần mềm LaTex, ứng dụng hiệu quả trong soạn thảo các công thức toán học phức tạp, minh họa các đồ thị hàm số cả tĩnh và động, đặc biệt với tính năng xuất file PDF có tính bản quyền cao.
+ Nhóm giáo viên Lý giới thiệu phần mềm Thí nghiệm ảo với thư viện điện tử có sẵn các mô phỏng của các hiện tượng vật lý rất trực quan, góp phần hiệu quả trong giảng dạy, lại tiết kiệm thời gian trên lớp cũng như công sức chuẩn bị của giáo viên.
+ Nhóm giáo viên Hóa giới thiệu phần mềm Chemocffice 2004, sử dụng được cho nhiều môn như Sinh, Lý, và chủ yếu trong môn Hóa. Phần mềm có nhiều tính năng nổi bật như: vẽ công thức hóa học của các chất từ dạng 2D và chuyển sang 3D; mô phỏng các thí nghiệm; tra cứu nhanh từ công thức cấu tạo về danh pháp và ngược lại… thực sự mang lại hiệu quả cho cả việc giảng dạy trên lớp cũng như việc tự học của học sinh.
+ Nhóm giáo viên Sinh giới thiệu phần mềm Proshow Producer dùng để tạo các video chuyên nghiệp, phần mềm trực quan, dễ sử dụng, khả năng tương thích cao và ứng dụng được trong nhiều bộ môn khác nhau.
+ Nhóm giáo viên Anh giới thiệu bộ phần mềm: học nói tiếng Anh, học ngữ pháp ETS 1.0, học phát âm PRONCHART 4.2 và phần mềm đọc CoolSpeech 5.0. Bộ phần mềm thực sự cần thiết để rèn 4 kỹ năng cơ bản nghe - nói - đọc - viết, không chỉ dành cho giáo viên tiếng Anh luyện tập trau dồi kỹ năng bản thân, mà tất cả những ai có nhu cầu đều có thể sử dụng để tự học.
+ Nhóm giáo viên Sử giới thiệu phần mềm iMindMap 7.0, cho phép tạo ra các sơ đồ tư duy, nhằm tóm tắt, tổng hợp kiến thức theo mỗi chủ đề. Đây là phương pháp dạy học đã phát huy hiệu quả, nhằm giúp học sinh khắc sâu kiến thức cũng như phát triển các năng lực bản thân, và phần mềm này đã trở thành bàn đạp để phương pháp này ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn,
+ Nhóm giáo viên Địa giới thiệu phần mềm Seterra 3.041 hỗ trợ đắc lực trong việc dạy và học địa lý. Phần mềm cung cấp kiến thức bổ ích về các quốc gia trên thế giới như: vùng lãnh thổ, tên thủ đô, cờ, quốc ca… giúp người dùng tư duy không gian dễ dàng, các kiến thức đa dạng gây hứng thú cho người học, góp phần tiếp thu kiến thức hiệu quả. Hơn nữa, phần mềm cũng cung cấp các bài tập, phần kiểm tra đánh giá;đồng thời có các gợi ý giúp người học củng cố, khắc sâu hơn kiến thức đã tìm hiểu.
+ Nhóm giáo viên GDCD giới thiệu phần mềm Adobe Presenter 10, phiên bản mới nhất, do nhóm và tổ bộ môn tìm hiểu và đã mua bản quyền sử dụng, đây là công cụ hiệu quả để giúp các thầy cô giáo xây dựng bài giảng E – Learning.
+ Tổ bộ môn Văn, với đặc thù phải sử dụng nhiều tư liệu dạng hình ảnh và video, nên ngoài việc đánh giá cao vai trò của phần mềm PowerPoint, các thầy cô đã giới thiệu thêm phần mềm UVS, giúp người dùng dễ dàng xử lý các video tư liệu (cắt, tạo lặp, tạo phụ đề…), nhằm minh họa hiệu quả cho từng bài học.
4. Đánh giá về các gian trưng bày sản phẩm và giải pháp CNTT của các tổ bộ môn
Năm tổ bộ môn với 5 gian trưng bày mang đặc thù của từng bộ môn. Gian trưng bày của tổ Văn sống động với những hình ảnh trữ tình, những video đậm đà tính văn học; tổ Toán - Tin ấn tượng với các phần mềm vẽ đồ thị hàm số, hình học không gian, sơ đồ, mô hình thuật toán; tổ Lý - Hóa - Sinh với những phần mềm thí nghiệm ảo, những video về sự sinh trưởng, phát triển của sinh vật….; tổ Xã hội với các kì quan thế giới, những video về lịch sử, về thiên nhiên đất nước; tổ bộ môn chung với những video minh họa có tính giáo dục cao về kỹ năng sống, giá trị sống…
Mỗi gian trưng bày mang một màu sắc riêng, một sự sáng tạo và độc đáo riêng, song vẫn toát lên một nội dung rất chủ đạo đó là Công nghệ thông tin được ứng dụng trong dạy và học đem lại hiệu quả cao và không thể phủ nhận được vai trò của nó trong việc góp phần vào công cuộc đổi mới phương pháp dạy và học của trường ta nói riêng và ngành giáo nói chung.
Ngoài ra, nhằm khuyến khích học sinh hưởng ứng sâu rộng hơn nữa phong trào Ứng dụng CNTT trong việc dạy và học, cũng như góp phần phát triển Năng lực người học theo chương trình mới hiện nay của Bộ Giáo dục, trong đó có Năng lực CNTT, năng lực Khoa học máy tính…
Ngày hội còn có sự tham gia của đại diện các học sinh ở tất cả các khối lớp trong nhà trường, các em được thăm quan gian trưng bày của các tổ, được trải nghiệm những thiết bị, những công nghệ mới, những bài giảng sinh động, cuốn hút nhờ ứng dụng những phần mềm hỗ trợ…
Không chỉ vậy, các em còn được trực tiếp tham gia trò chơi tìm hiểu những thông tin lý thú về những người nổi tiếng, những vấn đề trong lĩnh vực CNTT ở cả trong và ngoài nước, được trực tiếp trải nghiệm và đánh giá khả năng bản thân trong lĩnh vực này qua phần thi kết nối các thiết bị của máy tính và sử dụng máy tính với 1 số thao tác cơ bản, cần thiết cho việc học tập, nghiên cứu của các em hiện nay và cả trong tương lai.
Ngày hội đã thành công tốt đẹp với khẩu hiệu của Ngày hội CNTT lần thứ 2 đó là: “Công nghệ thông tin - Nơi hội tụ tài năng”. Chúng tôi mong muốn mỗi thầy cô giáo là 1 cá nhân tiêu biểu, mỗi tổ bộ môn là 1 đơn vị tiêu biểu, luôn chủ động, sẵn sàng sử dụng CNTT để hỗ trợ cho công việc giảng dạy và học tập của mình.
Hi vọng đến Ngày hội năm sau, chúng ta sẽ có những sản phẩm chất lượng hơn, mang lại những hiệu quả thiết thực hơn nữa cho việc giảng dạy và học tập, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của nhà trường lên một tầm cao mới.
Ảnh: Chu Mạnh Toàn - Bùi Đức Thiện.