Nhớ về "khoảnh khắc A6"
Mỗi khi có một chiếc lá vàng rơi ngoài thềm cuối thu cũng để lại trong lòng người bao hoài niệm. Khoảnh khắc giao mùa ấy với muôn vàn cảm xúc chẳng thể nào quên. Và trong khoảnh khắc đó lòng tôi lại chợt nhớ về A6-K43 - một khoá học với 47 cô cậu học trò thơ ngây nhưng cũng rất đỗi tinh nghịch.
Ngày ấy cách đây 5 năm tôi được giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 12A6 thay đồng chí Đào Ngọc Thái đi công tác ở nước ngoài - một lớp chọn nhưng khá nghịch và cá tính. Buổi đầu tiên bước chân vào lớp có mấy cậu học trò đứng ngoài hành lang nhìn tôi từ đầu đến chân và nói: “Cô giáo chủ nhiệm của mình đây á?” Tôi hơi bối rối nhưng lúc đó trống vào lớp, tôi hít một hơi thật sâu và bước vào lớp. Tiết học hôm đó trôi qua một cách nặng nề vì hình như tất cả học sinh trong lớp đều dò xét thái độ của tôi và bàn tán chuyện gì đó, chỉ có vài học sinh nữ ngồi bàn đầu tỏ ra ủng hộ tôi nhưng thỉnh thoảng lại quay sang thì thầm. Tiết sinh hoạt của thứ 7 tuần đó tôi mới chính thức nhận bàn giao chủ nhiệm.
Tôi nghĩ, để dễ quản lý lớp thì việc đầu tiên là phải nhớ tên của học sinh, đặc biệt là số học sinh nam vì các em này đa số là nghịch và hiếu động. Và các em khá ngạc nhiên vì tôi đã gọi đúng tên từng em chỉ sau 2-3 ngày. Một tuần học chậm chạp trôi qua.
Cuối tuần họp cán bộ lớp, 3/4 số học sinh nam không tham gia thể dục buổi sáng và vệ sinh công cộng, một số cán bộ lớp đề nghị không làm cán bộ lớp nữa vì năm nay là năm cuối cấp các em muốn tập trung vào học tập. Học sinh nữ trong lớp hay nói chuyện, ăn quà vặt, lên lớp muộn và rất nhiều lý do nữa. Trước những khó khăn tôi thấy cần phải giải quyết từng việc, có thể các em chưa hiểu tôi nên chưa ủng hộ tôi.
Đầu tiên, tôi thiết lập lại đội ngũ cán bộ lớp, củng cố lòng tin và nêu cao vai trò của cán bộ lớp, cho các em quyền chủ động giải quyết các công việc của lớp. Thứ hai, họp riêng học sinh nữ, nói chuyện, tâm sự với các em như một người bạn, người chị. Hàng tuần, khi vào thăm phòng ở của học sinh nữ, chỉ vài em tiếp chuyện tôi, sau đó với những mẩu chuyện vui nho nhỏ hay những câu chuyện của chính bản thân tôi thì những lần sau dù đang làm gì, các em cũng đề đó và nói chuyện với tôi. Qua những câu chuyện ngắn ngủi ấy tôi thấy hiểu thêm về hoàn cảnh của các em học sinh trong lớp và đồng cảm với các em hơn. Và tôi hiểu thêm rằng người giáo viên chủ nhiệm cũng là người luôn chia sẻ buồn vui và giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Cứ như thế, thời gian cứ trôi đi và cô trò chúng tôi gần nhau hơn. Trong các buổi tập văn nghệ, làm tập san báo, cô trò chúng tôi luôn đưa ra các ý kiến, trao đổi, bàn luận rất sôi nổi, năm ấy các tiết mục văn nghệ được giải cao, tập san báo được giải nhất khối. Đặc biệt, năm đó trường Vùng cao tổ chức 45 năm thành lập trường, học sinh nam hối hả chuẩn bị khung trại, các em cũng đục đẽo những cây tre, cây gỗ như những thợ mộc lành nghề. Các em nữ khéo léo cắt, tỉa, xén những bông hoa xinh xinh để trang trí trại. Ai cũng hồ hởi và vui vẻ. Nhìn những giọt mồ hôi lăn trên trán các em tôi thấy lòng mình ấm lại. Chưa bao giờ cô trò chúng tôi lại vui như thế và trại của chúng tôi xếp giải nhì toàn trường.
Kết quả học tập của khoá K43A6 cũng thật phấn khởi: 100% học sinh đỗ tốt nghiệp với 49.8% khá, 6 học sinh giỏi quốc gia, 94% đỗ đại học, cao đẳng và dự bị đại học.
Giờ đây sau năm năm nhìn lại, các em đã trưởng thành, có em đã đi làm, đã lập gia đình nhưng cũng có em tiếp tục học để có những học vị cao hơn. Dù các em đang làm gì, ở đâu đừng bao giờ quên mái ấm Vùng cao, đừng quên tập thể A6 - K43 với những khoảnh khắc đầy mến yêu. Bởi những khoảnh khắc dẫu vui, dẫu buồn, dẫu vang tiếng của thành công hay thất bại của những ngày đầu chập chững đều làm nên một A6 tuyệt vời. A6 của ta đó - Một tập thể đoàn kết cùng nhiệt huyết sục sôi của tuổi trẻ với 47 khuôn mặt bạn bè thân yêu như những giọt nắng hồng xôn xao lan toả...
A6 trọn đời chẳng thể nào quên!