Để làm được điều đó, đòi hỏi người giáo viên không chỉ là người hướng dẫn tổ chức học sinh đến với chân trời tri thức mới mà quan trọng hơn họ còn là người phát hiện và tạo điều kiện để phát triển tiềm năng, năng lực trong bản thân mỗi học sinh.Vậy, làm thê nào để phát triển năng lực của người học? Đó là một câu hỏi lớn dành cho mỗi người thầy người cô.
Đối với đội ngũ giáo viên của trường PT Vùng cao Việt Bắc, ngay từ những ngày đầu tiên khi nhận được chủ trương đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, nhận thức rõ đây là một nhiệm vụ quan trọng, nhà trường đã bắt tay ngay vào việc tập huấn một cách nghiêm túc cho các đồng chí giáo viên về công tác đổi mới phương pháp dạy học, đồng thời tiến hành tổ chức các buổi hội giảng theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh.
Mở đầu cho phong trào hội giảng trong toàn trường là tiết soạn giảng của nhóm Sinh học do cô giáo Phạm Thị Hồng Tú thể hiện với chủ đề: “Nước và vấn đề tiết kiệm nước của học sinh khối 10 trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc”.
Ngay từ đầu buổi học, học sinh rất hứng thú học tập bởi lẽ chủ đề tiết học vừa mang tính thời sự, vừa thật gần gũi với chính cuộc sống nội trú của các em. Bằng cách sử dụng phương pháp chủ đạo là dạy học giải quyết vấn đề, cô giáo Hồng Tú đã đưa các em vào một tình huống có vấn đề, đó là: Nước có cấu trúc rất đơn giản nhưng tại sao lại có vai trò vô cùng quan trọng?
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Hồng Tú, các nhóm học sinh thảo luận tình huống có vấn đề một cách sôi nổi và không khí buổi học lại càng thêm thêm hào hứng khi chính các em học sinh là những người chủ động thực hiện kế hoạch giải quyết vấn đề, để rồi tìm ra giả thuyết chính xác.
Lần lượt đại diện từng nhóm học sinh đưa ra giả thuyết cùng với lập luận của nhóm mình để chứng minh giả thuyết là đúng. Điều này đã phát huy tối đa năng lực tư duy của học sinh, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức tích hợp của các bộ môn: Vật lý, Hóa học để cùng giải quyết câu hỏi sinh học, ngoài ra học sinh còn có cơ hội để phát triển năng lực thuyết trình trước đám đông.
Bên cạnh đó, cô Hồng Tú đã rất khéo léo khi lồng ghép vấn đề tiết kiệm nước của học sinh khối 10 ở phần hai của bài học. Với việc giao nhiệm vụ một cách cụ thể đối với từng nhóm học sinh trong tiết học trước, các nhóm học sinh đã tự chuẩn bị được nhiều phóng sự ngắn phản ánh tình trạng sử dụng nước của học sinh nhà trường hiện nay, đồng thời chính các em là người phân tích, chỉ rõ những hành động việc làm đúng đắn giúp sử dụng nước hiệu quả.
Qua hoạt động này, học sinh vừa được trải nghiệm thực tế khi làm phóng sự, vừa được phát triển năng lực làm việc nhóm, vừa học cách đánh giá lẫn nhau và đánh giá bản thân nhưng bổ ích hơn là giúp học sinh có hành vi thái độ đúng đắn trong vấn đề tiết kiệm nước. Buổi học khép lại bằng trò chơi ô chữ với nhiều câu hỏi vận dụng ở mức độ cao nhưng không kém phần hấp dẫn. Trò chơi đã tạo ra một bầu không khí vui tươi cho lớp học.
Theo đánh giá của hội đồng giáo dục nhà trường, đây thực sự là giờ học bổ ích, đi đầu trong phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy bởi lẽ tiết học không chỉ đảm bảo kiến thức tích hợp của nhiều môn học (Vật lý, hóa học, toán học, sinh học) mà còn giúp học sinh phát huy được nhiều năng lực như năng lực giao tiếp, năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề ...
Chắc chắn rằng qua giờ học này, mỗi đồng chí giáo viên sẽ học hỏi được rất nhiều điều bổ ích trong việc soạn giảng và thể hiện một giờ học theo định hướng phát triển năng lực. Hội đồng giáo dục tin tưởng rằng trong thời gian tới, phong trào hội giảng của nhà trường sẽ còn tiếp tục có được nhiều tiết giảng thành công như thế.