Tiết giảng đã đáp ứng yêu cầu của nhà trường trong việc thực hiện chương trình “Đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh”, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò trường PT Vùng Cao Việt Bắc.
Với mục tiêu là thay đổi phương pháp giảng dạy của mỗi đồng chí giáo viên trong nhóm cũng như đem lại tính tự giác, tích cực cho học sinh trong mỗi bài học, nhóm Tiếng Anh đã thường xuyên họp nhóm, trao đổi chuyên môn để các thành viên trong nhóm cùng thảo luận những phương pháp giảng dạy theo hướng nghiên cứu bài học và rút kinh nghiệm cho nhau, cùng nhau có nhiều bài giảng hay và hiệu quả.
Nhóm Anh đã thống nhất ý tưởng thiết kế một bài giảng theo phương pháp mới với chủ đề “School talks and Friendship” trong chương trình Tiếng Anh 10 để thao giảng trước toàn thể hội đồng giáo dục nhà trường.
Trong quá trình thiết kế bài giảng, xây dựng giáo án, các giáo viên trong nhóm nhận thấy rằng, chủ đề “School talks and Friendship” là quá rộng, sẽ rất khó để khai thác hết các khía cạnh, nội dung bài học, cũng như sẽ khó để tổ chức hoạt động tương tác cho học sinh trong lớp chỉ với thời gian từ 45 đến 60 phút. Do vậy nhóm quyết định thu hẹp chủ đề bài giảng thành “School talks”.
Chủ đề này là khá hay và phù hợp cho các em học sinh lớp 10 - mới nhập trường, bởi lẽ trong những ngày tháng đầu tiên học cấp 3, điều các em quan tâm nhất chắc chắn là ngôi trường mới, thầy cô, bạn bè mới, những môn học các em phải học hay cách ăn mặc mà các em phải tuân theo … Thầy giáo Tô Đức Công là giáo viên trực tiếp giảng dạy tiết học này tại lớp 10A1.
Trên tinh thần quyết tâm mang lại một giờ dạy và học đạt hiệu quả cao, toàn bộ giáo viên trong nhóm đã cùng thầy Công gặp gỡ các em học sinh lớp 10A1 để cùng đưa ra những vấn đề hay những tình huống có thể phát sinh trong bài học. Từ đó, các em học sinh chủ động đề nghị các chủ đề thảo luận và cùng thầy Công thống nhất các chủ đề đó cũng như cách thức tổ chức hoạt động, cách thu thập và xử lý thông tin cần thiết trong bài.
Cuối cùng, kết quả hoạt động tự nghiên cứu bài học của học sinh sẽ được các em báo cáo, thể hiện trong tiết thao giảng trước toàn thể hội đồng giáo dục, và thầy Công sẽ chốt những nội dung kiến thức quan trọng trong bài thông qua các hoạt động tự tìm tòi, khám phá và giải quyết vấn đề của học sinh.
Lớp học được chia thành hai nhóm, mỗi nhóm sẽ trình bày ý kiến của riêng các em về một chủ đề nhỏ trong chủ đề lớn “School talks” mà các em đã tự mình lựa chọn để đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và thảo luận với tập thể lớp.
Nhóm 1 chọn chủ đề “School fashion” - Thời trang học đường. Các em đã trình bày quan điểm của mình về cách thức ăn mặc, đầu tóc (nên hay không nên) trong môi trường THPT thông qua màn trình diễn thời trang tự biên tự diễn vô cùng sôi động với một bài thuyết trình bằng Tiếng Anh đầy ý nghĩa.
Nhóm 2 chọn chủ đề “Subjects” - Các môn học ở trường. Nhóm 2 đã đem đến tiết học một bài hùng biện hết sức thuyết phục nói về tầm quan trọng của các môn học trong trường phổ thông. Minh họa cho bài hùng biện là một bản đồ tư duy được vẽ khéo léo trên khổ giấy A0, trang trí với nhiều màu sắc hấp dẫn và ấn tượng.
Sau mỗi phần báo cáo chủ đề và hoạt động của nhóm mình, cả hai nhóm đều đặt ra những câu hỏi đáng suy nghĩ cho các bạn trong lớp cùng thảo luận và đưa ra câu trả lời thích đáng nhất cho việc giải quyết vấn đề.
Bài giảng với chủ đề “School talks” đã thực sự thể hiện được hết tính chủ động, năng động, sáng tạo và tích cực nghiên cứu bài học của học sinh. Hơn thế nữa, các em học sinh còn được rèn luyện các kỹ năng quan trọng như nghe, nói, viết trong Tiếng Anh chỉ trong một bài giảng với khoảng thời gian rất hạn chế.
Qua bài giảng này, chúng tôi thấy rằng người giáo viên cần lựa chọn những phương pháp giảng dạy phù hợp cho mỗi bài học, cho từng đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, người giáo viên cần đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy trong mỗi tiết học để phát huy đầy đủ các năng lực của học sinh như: Năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp, hợp tác, năng lực ngôn ngữ …
Giờ thao giảng của chúng tôi có được một bầu không khí sôi nổi, tích cực chính là nhờ việc sử dụng đa dạng phương pháp giảng dạy như: tự học, thảo luận nhóm, đóng vai (người mẫu trình diễn thời trang), thuyết trình, … Thông qua các tình huống thực tế, hình ảnh, câu hỏi thông minh do các em học sinh tự chuẩn bị.
Giờ đây, người thầy không còn là người truyền thụ kiến thức mà là người tổ chức, kiếm tra, định hướng hoạt động cho học sinh; học sinh không còn bị động tiếp thu kiến thức mà là người chủ động lĩnh hội kiến thức, tìm tòi cái mới, khám phá và giải quyết các vấn đề khó trong bài học thông qua những trải nghiệm và thực tế cuốc sống muôn màu xung quanh các em.
Ảnh: Bùi Đức Thiện
Giờ giảng kết thúc tốt đẹp, mở ra một khởi đầu mới trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy đối với mỗi giáo viên. Chúng tôi hi vọng rằng, sau từng bài giảng như thế này, nhiều kinh nghiệm giảng dạy sẽ được tích lũy, nhiều phương pháp giảng dạy mới sẽ được áp dụng thành công và đạt hiệu quả.
Trên hết, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng nghiên cứu và phát triển năng lực học sinh sẽ là cơ hội cho mỗi thầy cô giáo tự làm mới chính bản thân mình để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò trường PT Vùng cao Việt Bắc.