Trong các giờ sinh hoạt tổ chuyên môn , đã cùng nhau trao đổi và biên soạn một số câu hỏi theo từng chủ đề như : Đường thẳng trong không gian tọa độ Oxyz, đường thẳng trong mặt phẳng tọa độ Oxy, phương trình mũ- lôgarit, bất phương trình bậc 2,… Các nhóm GV đã ra đề và phản biện cho nhau theo 4 mức độ: nhận biết ,thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.
Công việc tiếp theo đã được thực hiện là tìm hiểu các kỹ thuật dạy học trên trang web của nhà trường và chọn ra được một chủ đề mà chúng tôi xác định rằng có nhiều điều kiện thuận lợi để dạy học tích hợp cũng như áp dụng các kỹ thuật dạy học vào trong bộ môn vẫn được cho là “khô khan” như Toán học.
Chủ đề của chúng tôi là “Xác suất của biến cố”- một khái niệm quen thuộc và được vận dụng khá nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Tuy vậy, để HS tiếp cận khái niệm xác suất thật tự nhên và khi đã nắm rõ khái niệm rồi, HS có thể vận dụng được vào trong các bài toán cụ thể và các tình huống thực tiễn thì cả nhóm chúng tôi đã cùng nhau nghiên cứu, soạn bài, dự giờ, đóng góp ý kiến để hoàn thiện bài giảng.
Người thực hiện bài giảng này là cô giáo Nông Thị Mai, một GV đã có hơn 10 năm đứng lớp, được thực hiện ở lớp 11A10 - một lớp thuộc Ban khoa học Xã hội, các em chỉ được học toán 3tiết/ tuần và cũng không có nhiều em học khá toán.
HS được chuẩn bị bài ở nhà bằng một hệ thống câu hỏi có chủ định nhằm giúp các em nắm được bản chất của khái niệm xác suất, các khái niệm khó như “khả năng”, “đồng khả năng” đã được các em “chấp nhận” một cách khá dễ dàng.
HS đã được thật sự tham gia vào tiến trình của bài học nhờ các kỹ thật dạy học như “Ổ bi”, “Khăn trải bàn”, việc chia thành nhóm nhỏ (từ 2 đến 4 HS) được khẳng định là phù hợp với môn toán .
Trong khi hình thành được các bước để làm một bài toán tính xác suất cũng như sửa một số sai lầm mà HS đã bộc lộ trong qua trình hoạt động nhóm, các em còn được tiếp cận với các vấn đề rất thiết thực của cuộc sống đó là “Bài toán sinh học” và “Bài toán đánh đề”.
Các bộ môn như Sinh học, Giáo dục công dân được tích hợp đúng lúc, khéo léo và đủ liều lượng đã mang đến cho HS những hiểu biết sâu hơn về một số vấn đề của xã hội và rút ra được các bài học cho bản thân mình. Nhưng có lẽ, phần thú vị nhất của bài học là HS còn có thể sáng tác được những bài thơ về chủ đề “Xác suất”.
Tuy là những vần thơ “Con cóc” nhưng qua đó cũng thấy được rằng các em đã hiểu bài và đã tỏ ra nhiệt tình hơn với môn Toán. Tuy còn đôi chút khiếm khuyết nhưng bài giảng được hội đồng sư phạm của nhà trường đánh giá là tương đối tốt, đó là sự động viên cần thiết cho nhóm GV Toán chúng tôi tiếp tục và tích cực đổi mới về mặt phương pháp cũng như kỹ thuật dạy học để ngày càng phát huy tối đa những năng lực của học sinh về mọi mặt.