Cả nhóm thường xuyên sinh hoạt nhóm chuyên môn, thường xuyên trao đổi để nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Mỗi khi có tiết thao giảng, khi được phân công dạy mẫu, khi tham dự kỳ thi GV dạy giỏi các cấp, khi thấy khó khăn trong việc thiết kế bài dạy, cả nhóm lại họp và thống nhất ý tưởng soạn giáo án, thiết kế bài dạy sao cho hợp lí nhất, đáp ứng với yêu cầu về đổi mới PPDH và áp dụng những kỹ thuật dạy học tích cực.
Đầu tháng 10, cô giáo Lê Thu Mai đã thay mặt nhóm Vật lí thể hiện một giờ thao giảng trước toàn thể Hội đồng giáo dục của nhà trường. Các em học sinh lớp 10A2 đã vô cùng sôi nổi và hào hứng với bài học “ Định luật III Niu-tơn”.
Ngay từ khâu chuẩn bị các nội dung liên quan đến bài học trước giờ lên lớp, các em học sinh đã tích cực, chủ động làm việc theo nhóm. Năng lực tự học, năng lực hợp tác giữa các thành viên trong nhóm đã được phát huy. Trong giờ học, khi cô giáo yêu cầu các nhóm lên trình bày phần chuẩn bị bài của nhóm mình được phân công, các em học sinh đã rất tự tin lên thuyết trình những hiểu biết của nhóm mình về nội dung bài học.
Không những vậy, các em đã biết phối hợp rất ăn ý, nhịp nhàng giữa bạn thuyết trình với bạn bấm máy tính để trình chiếu. Khi nghiên cứu bài học, gắn với những tình huống thực tiễn trong đời sống, nảy sinh những thắc mắc cần giải quyết, các em đã chủ động quay video, đưa lên máy tính để trao đổi với các nhóm trong lớp.
Trong giờ học, các em học sinh còn được tăng cường kỹ năng thực hành. Các em trao đổi với nhau về phương án thí nghiệm: Làm thế nào để biết được mối quan hệ về độ lớn của các lực trong tương tác? Sau khi thống nhất về cách thực hiện thí nghiệm dựa trên những dụng cụ đã có, các em được tự mình tiến hành thí nghiệm, ghi kết quả đo, tự xử lí số liệu và ghi nhận xét của các nhóm vào bảng phụ. Tất cả các nhóm học sinh đã làm được rất tốt phần thí nghiệm.
Giáo viên lúc này đóng vai trò trọng tài, đưa ra nhận xét nhóm nào làm tốt nhất, đồng thời khen thưởng nhóm 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuẩn bị bài ở nhà. Từ phần trình bày của nhóm 1, phần trao đổi và tiến hành thí nghiệm của các nhóm, cô giáo tổng kết lại: Những nhận xét mà các em vừa nêu chính là nội dung của định luật III Niu-tơn.
Các thầy cô giáo dự giờ được nghe phần trình bày của nhóm 2 về đặc điểm của lực và phản lực, được hiểu rõ hơn những biểu hiện của định luật III Niu-tơn trong đời sống hàng ngày qua các đoạn băng video mà nhóm 2 đã sưu tầm khi các em vào học trên mạng Internet.
Nhóm 3 gây ấn tượng mạnh cho các thầy cô giáo khi một đại diện của nhóm lên thuyết trình. Không ngờ một cô bé học trò nhỏ nhắn, vừa bước chân vào trường THPT mà năng lực thuyết trình trước tập thể lại tốt đến như vậy.
Qua bài học, các em còn hiểu được vai trò của chiếc bàn đạp trong việc xuất phát với môn chạy cự li ngắn khi các thành viên của nhóm 3 quay lại đoạn băng video phỏng vấn thầy Hùng - GV dạy bộ môn thể chất.
Nhóm 3 đã phát hiện một hiện tượng thực tế đôi khi các em học sinh có thể gặp ngay chính trong môi trường nội trú của mình, đó là hiện tượng học sinh “bật tường”. Qua tình huống thực tiễn, các em hiểu hơn về sự tương tác giữa các vật có tính chất hai chiều, đồng thời các em còn được giáo dục tư tưởng đạo đức: Không nên thực hiện hành vi này, vì nó có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.
Ngoài ra, trong bài học còn lồng ghép kiến thức về tai nạn giao thông, các em học sinh rút ra cho mình một bài học về kỹ năng tham gia giao thông trên đường phố sao cho an toàn.
Trước khi kết thúc giờ học, các em còn được tham gia trò chơi: “ Đuổi hình bắt chữ” có phần thưởng. Mỗi hình ảnh đưa ra đều được gắn với những kiến thức Vật lí mà các em vừa được học. Các em học sinh tham gia trò chơi rất nhiệt tình, điều đó chứng tỏ các em nắm kiến thức Vật lí khá tốt.
Giờ học diễn ra hết sức nhẹ nhàng nhưng chứa đựng nhiều nội dung kiến thức gắn với các môn học khác, với các tình huống thực tế, có giáo dục tư tưởng đạo đức, hành vi, lối sống cho các học trò. Chúng tôi hy vọng rằng, những giờ học đổi mới phương pháp như thế này sẽ gây hứng thú cho các em học sinh, khiến các em cảm thấy Vật lí không còn là môn học quá khô khan, quá khó nữa. Các em sẽ yêu thích bộ môn, từ đó tích cực, chủ động, tự lực nắm vững kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học Vật lí ở trường PT Vùng Cao Việt Bắc, tô điểm thêm vào bảng vàng thành tích của nhà trường.