RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÙNG CAO VIỆT BẮC
Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là một trong năm nội dung được Bộ GD&ĐT triển khai khi thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đối với các trường trung học phổ thông nói chung và trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc nói riêng. Là một trong những ngôi trường phổ thông đi đầu trong phong trào này, thầy và trò trường phổ thông Vùng Cao Việt Bắc đã cụ thể hóa việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh một cách toàn diện dưới nhều hình thức khác nhau.
Trong cuộc sống hiện nay, học sinh trung học phổ thông đang phải đối mặt với biết bao thách thức và nguy cơ: Lối sống vô tâm, ích kỷ, khép mình, xu hướng gia tăng về bạo lực học đường, dễ sa ngã trước những cám dỗ của đồng tiền, lối sống không lành mạnh, nhiều tệ nạn xã hội...
Theo một số nghiên cứu của các nhà tâm lý thì ở lứa tuổi này các em luôn có nhu cầu tìm tòi, học hỏi cái mới, điều lạ, không phân biệt nó là tốt hay xấu, điều đó càng bị cấm càng hấp dẫn. Đây cũng là giai đoạn tuổi vị thành niên nên các em bắt đầu phát triển tình yêu nam, nữ , tò mò, nhiều phương tiện thông tin đại chúng như phim ảnh, internet không lành mạnh đã dẫn đến các quan hệ không đúng mực trong quan hệ khác giới.
Ở lứa tuổi này các em đang chịu áp lực rất lớn từ phía bố mẹ, thầy cô trong học hành, thi cử dẫn đến dễ rơi vào trạng thái tiêu cực ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần. Các em hay thần tượng hóa một số ngôi sao, một số người nổi tiếng, chưa định hình được nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mìnhvì vậy phần đa các em chưa đưa ra quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn nghành nghề, thích được khẳng định rằng mình đã lớn, thích bộc lộ cái tôi cá nhân….
Học sinh trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc nói riêng và học sinh các trường dân tộc nội trú nói chung còn gặp nhiều hơn những khó khăn trong cuộc sống. Ngoài những khó khăn chung của lứa tuổi, các em hầu hết là con em các dân tộc thiểu số, từ vùng sâu vùng xa xuống học tập và sinh hoạt tập thể, mang theo rất nhiều tập tục lạc hậu, nhiều thói quen trong sinh hoạt còn chưa văn minh, thiếu kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đối phó với những khó khăn trong cuộc sống và khả năng tự phục vụ bản thân…
Hơn thế nữa trong nền kinh tế tri thức, cuộc sống hiện đại (về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học kĩ thuật, môi trường khí hậu, ..) vận động hết sức khẩn trương và chứa đựng nhiều yếu tố khôn lường đòi hỏi thế hệ trẻ là người dân tộc không chỉ làm chủ tri thức, rút ngắn khoảng cách về chênh lệch tri thức giữa các vùng miền mà còn phải thực sự tự tin; phải nắm bắt kịp thời các cơ hội cũng như phải có một số kỹ năng: sống khỏe, sống lành mạnh, cập nhật thông tin nhanh nhạy và hội nhập với thế giới, góp phần tích cực cho cuộc sống cá nhân và cộng đồng tốt đẹp hơn, nhằm thích ứng với mọi biến động của hoàn cảnh.
Hiểu được vai trò quan trọngcủa việc rèn kỹ năng sống cho học sinh nhà trường đã và đang đưa ra rất nhiều hoạt động đa dạng và phong phú nhằm triển khai sâu, rộng và có hiệu quả kỹ năng sống có giá trị nhân văn của học sinh các dân tộc thiểu số.
Việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là việc làm không mới vì từ xa xưa cha ông ta đã đúc kết rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Qua nhưng câu ca dao tục ngữ mà ông bà, cha mẹ vẫn nói hàng ngày với các em như “ Tiên học lễ, hậu học văn”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “ Người nói phải có kẻ nghe, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”... Không chỉ vậy ngay trong các chương trình học kiến thức hàng ngày các em đã được học thông qua các bộ môn: Văn học, giáo dục công dân... nhưng do sức ép lớn vể chương trình; về điểm số, thi cử hoặc nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc giáo dục kỹ năng sống dù đã được lồng ghép nhưng nó đã bị giảm nhẹ hoặc xao nhãng.
Hiện nay, lãnh đạo ngành giáo dục cũng như tất cả các cấp bộ ngành đã bắt đầu nhìn nhận lại sự thiếu hụt đó của học sinh. Việc coi trọng rèn luyện kỹ năng sống biểu hiện cụ thể ở các hoạt động như cung cấp cho học sinh thông tin về nghề nghiệp, định hướng và tư vấn nghề nghiệp; thành lập các phòng tham vấn học đường hay tổ tư vấn tâm lý - giáo dục nhằm giúp học sinh chia sẻ, giải tỏa những khúc mắc trong cuộc sống, trong học tập; lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào mỗi môn học, hoạt động của nhà trường.
Tăng cường tổ chức các diễn đàn trao đổi về một số kỹ năng hay nhóm kĩ năng sống chủ yếu:giao tiếp, ứng xử văn hoá và quan hệ với mọi người; Kĩ năng tư duy tích cực và có được quyết định đúng đắn; Kĩ năng ứng phó trong mọi tình huống và biết kiềm chế. Giúp các em biết xây dựng kế hoạch; bảo vệ và tự bảo vệ trong đó có tính mạng và sức khoẻ trước những hiểm hoạ về tai nạn, về ma tuý, về bạo lực, về xâm hại đời sống tinh thần và thể chất ...
Có lẽ với học sinh dân tộc nội trú việc giáo dục kỹ năng sống là một quá trình và là sự kết hợp của tất cả tập thể hội đồng cán bộ giáo viên trong nhà trường. Ngay từ khi các em mới nhập trường các em đã được giáo dục những kỹ năng tối thiểu nhất từ các thầy cô giáo viên chủ nhiệm: Cách chào hỏi các thầy cô, cán bộ công nhân viên trong nhà trường, cách xưng hô, cách giao tiếp không nói trông không…, không dùng từ địa phương…cách sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở khoa học, sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp, cách hòa mình trong cuộc sống tập thể, cách tự học tập thể và đặc biệt cách tôn trọng bản sắc của mỗi dân tộc trong cuộc sống cộng đồng đa sắc màu dân tộc…
Những hoạt động tập thể ngoài giờ lên lớp giúp các em xây dựng tinh thần đoàn kết. Ngoài ra các hoạt động Đoàn cùng giúp cho các em tự thiết lập, xây dựng các chương trình hoạt động, hòa đồng và tự tin trong cuộc sống. Các em sẽ được học một số kỹ năng để tham gia vào hoạt động tập thể dễ dàng hơn như học vũ quốc tế, vũ dân tộc, tham gia các lễ hội: Tết của người dân tộc Mông, Chào năm mới, các hội diễn văn nghệ, các chương trình thi trình diễn trang phục các dân tộc, Thi người đẹp văn hóa các dân tộc, thi Học sinh thanh lịch, …thi các game show về kiến thức như Hành trình tri thức, rung chuông vàng, olimpia…
Các em được tham gia các diễn đàn về phòng chống các căn bệnh thế kỷ, phòng chống tệ nạn xã hội… Những chương trình diễn đàn còn giúp xây dựng cho các em giá trị của cuộc sống là: tôn trọng, hòa bình, hợp tác, hạnh phúc, chân thật, nhân đạo, tình thương, trách nhiệm, giản dị, khoan dung, tự do và đoàn kết. Các em còn được tham gia các chuyến đi dã ngoại và học tập ngoại khoá. Chính những buổi học ngoại khoá này đã tăng thêm hứng thú học tập cho các em, Các em hiểu thêm về giá trị của các di tích lịch sử, tăng thêm tình yêu quê hương đất nước qua những thắng cảnh đẹp, những giá trị của tự nhiên.
Đổi mới phương pháp giảng dạy cũng đang là một hướng đi nhằm tăng cường lồng ghép giáo dục kỹ năng sống trong trường học: Sử dụng giáo án điện tử,giáo cụ trực quan sinh động, các hình thức tổ chức thảo luận, chơi trò chơi vận động ngoài trời. Với các bộ môn văn họcgiáo viên có thể giúp các em tìm ra khái niệm bài học dựa trên cảm nhận các bài hát, truyện cười, các tác phẩm văn học – nghệ thuật, đóng kịch, đố vui. Các bộ môn xã hội, môn chung được thiết kế dưới dạng mô phỏng các game show truyền hình nổi tiếng, xem phim, thực hành giải quyết tình huống…các em sẽ tự suy ngẫm rút ra ý nghĩa bài học. Các em sẽ được học các giá trị cơ bản trước, sau đó sẽ học các kĩ năng dựa trên các giá trị này. Đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm hình thành cho các em cách tư duy linh hoạt, phong thái tự tin khi hòa nhập với cộng đồng đồng thời giúp các em sống nhân văn, biết yêu thương và có trách nhiệm hơn với những người xung quanh và với chính bản thân mình.
Rèn luyện kĩ năng sống trong nhà trường là một nội dung hết sức quan trọng, giúp cácemhọc sinh tự tin hơn, ứng xử có văn hóa, ý thức chung sống trong cộng đồng thực sự thân thiện,giải quyết hợp lý các tình huống mâu thuẫn, xung đột.Chính các em là người biết lên tiếng, biết bảo vệ lẽ phải,có thái độ lên án và kiên quyết bài trừ mọi hành vi bạo lực. Các em sẽ chủ động nhiều hơn trong cuộc sống của chính mình. Tuy nhiênđể giáo dục kỹ năng sống rất cần sự chung tay, chung sức của tất cả gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội để các em học sinh hôm nay sẽ là thế hệ tiềm năng của nước nhà trong tương lai.