SINH HOẠT DƯỚI CỜ: CHỦ ĐỀ “ĐỪNG SỐNG ẢO”
Phạm Thị Thanh Huyền - Tổ tư vấn HSSV
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết:
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không
Để gió cuốn đi.”
Bài hát ấy như nhắc nhở con người về tình yêu thương, sự quan tâm đến nhau một cách chân thành. Có như vậy, cuộc sống này mới tươi đẹp hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống này, bên cạnh những tấm lòng nhân ái thì vẫn còn đó những người sống vô cảm, thờ ơ, ích kỷ và không có tình yêu thương.
Như chúng ta đã biết, giới trẻ luôn là đối tượng đặc biệt và cần quan tâm của toàn xã hội. Nhưng trong xã hội hiện đại, công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử ngày càng phát triển và lan rộng đã kéo theo rất nhiều hệ lụy. Một trong số đó là căn bệnh “Sống ảo, sống vô cảm” ở một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Đây là một hiện tượng đáng phê phán và lên án. Một thái độ sống đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”của dân tộc Việt Nam. Có thể thấy, rất nhiều các bạn trẻ thờ ơ ngay cả với những người xung quanh mình, chìm đắm trong thế giới ảo, không có thực với những nút “like” trên mạng xã hội hay những trò chơi điện tử như một “con dao hai lưỡi’. Chúng ta sẽ biến cuộc sống này thành một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt. Một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”. Và chúng ta hãy thử tưởng tượng, nếu một ngày nào đó, chúng ta gặp chuyện không may, rất cần sự giúp đỡ của mọi người nhưng không một ai đoái hoài và bỏ mặc. Điều đó sẽ thật đáng sợ và tồi tệ biết bao!
Tiểu phẩm “Đừng sống ảo” do các bạn đoàn viên chi đoàn 11A10 thể hiện muốn gửi gắm một thông điệp: Tình yêu thương là một món quà quí giá của con người. Trái tim mỗi người cần được thắp sáng ước mơ, khát vọng, ý chí và sự sáng tạo gắn bó với cộng đồng. Chúng ta cần có một “trái tim nóng” để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết yêu thương, biết rung cảm với mọi người. Điều đó sẽ loại trừ được bệnh vô cảm và làm cho cuộc đời của con người có ý nghĩa hơn.
Một số hình ảnh trong tiểu phẩm "Đừng sống ảo":
Bài và ảnh: Phạm Thị Thanh Huyền