TẬP HUẤN GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM VỀ GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG VÀ RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH TRƯỜNG PT VÙNG CAO VIỆT BẮC
Giáo dục giá trị sống và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh không phải là mới đối với các thầy cô giáo chủ nhiệm mà vấn đề này đã được các thầy cô thực hiện từ lâu. Tuy nhiên cách thức thể hiện và phương pháp giáo dục thì thực sự chưa có hiệu quả cao, trước tình hình đó tổ tư vấn mong muốn được chia sẻ với các thầy cô giáo về phương pháp đổi mới một giờ sinh hoạt lớp làm sao lồng ghép được “Giáo dục giá trị sống và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh” hiệu quả nhất.
Được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám Hiệu nhà trường Phổ Thông Vùng Cao Việt Bắc tổ Tư vấn học sinh sinh viên đã tổ chức chương trình “Tập huấn giáo viên chủ nhiệm về giáo dục giá trị sống và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trường PT Vùng Cao Việt Bắc” chương trình diễn ra vào lúc 14h đến 16h30 ngày 19/03/2012 tại hội trường đa năng.
Tham dự chương trình có toàn bộ thầy cô giáo trong hội đồng chủ nhiệm các thầy cô giáo trẻ của hai chi đoàn giáo viên và chi đoàn cán bộ. Cùng sự tham gia nhiệt tình của cô và trò lớp 11A10.
Các thầy cô giáo được trực tiếp theo dõi một giờ sinh hoạt do cô trò lớp 11A10 tổ chức: Với màn khởi động thật sôi nổi cả lớp hát vang bài hát “Con chim vành khuyên” kết thúc bài hát cô giáo đã hỏi một câu thật dí dỏm “Các em thấy chú chim vành khuyên trong bài hát có ngoan không” từ đó giúp các em học sinh học được kỹ năng đó là cách chào hỏi lễ phép đối với mọi người. Tiếp theo là trò chơi “Truyền tin”, qua trò chơi vui vẻ nhưng nhiều ý nghĩa giúp học sinh vừa được hoạt động vui chơi lại vừa nắm được thông tin công việc của tuần tới, giúp học sinh có thêm kỹ năng nắm bắt thông tin, kỹ năng truyền tải thông tin. Không giống như những lần truyền đạt thông tin truyền thống mà mỗi lần truyền tải qua các bạn trong lớp thì thông tin đã bị “ Tam sao thất bản” đi rất nhiều làm mọi người hiểu sai.
Đặc biệt là trò chơi “Khám phá bản thân” diễn ra rất sôi nổi, GVCN đã cùng học sinh phân loại thi đua giữa các tổ, dán sao thi đua, phê bình, khen thưởng, khai thác bản tin “Khi tôi 18”. Giáo dục tinh thần tập thể, ý thức phê, tự phê, ý thức thi đua cho học sinh rất hiệu quả. Mặc dù cô giáo chủ nhiệm không phải quá căng thẳng, hay phải “Đao to búa lớn” nhưng các bạn học sinh đã tự nhận ra khuyết điểm của chính mình.
Và trong giờ sinh hoạt lớp 11A10 đã tổ chức sinh nhật cho các bạn có ngày sinh nhật trong tuần đây là nguồn động viên rất lớn cho các bạn hoc sinh nội trú khi phải sống xa nhà xa gia đình, quà tặng là những lời nhắn chúc mừng giản dị thôi nhưng điều này giúp cho các em biết yêu thương biết đoàn kết các thành viên trong lớp.
Kết thúc giờ sinh hoạt là những tình huống mở cho học sinh diễn những tiểu phẩm tình huống theo chủ đề, sau đó GVCN giáo dục về vệ sinh môi trường, lời ăn tiếng nói có văn hóa ở giờ sinh hoạt tuần sau.
Từ thực tế quan sát mọi người đều thấy rằng việc đổi mới cách thức sinh hoạt lớp là mấu chốt của một buổi sinh hoạt hiệu quả, đổi mới là lấy học sinh là “Trung tâm”, giờ sinh hoạt sẽ gây hứng thú cho học sinh hơn. Khác với những kịch bản sinh hoạt lớp trước đây, giờ sinh hoạt giáo viên chủ nhiệm “Làm chủ”, GVCN thường trong trạng thái căng thẳng, áp lực về thi đua, về thành tích của tập thể, về những học sinh vi phạm khuyết điểm và nghiêm khắc xử lý những vi phạm hơn là lắng nghe và chia sẻ. Điều bất ngờ là học sinh luôn mong muốn thầy cô lắng nghe chúng chia sẻ hơn là chỉ chích.
Vậy muốn đưa giáo dục giá trị sống và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh vào những giờ sinh hoạt một cách có hiệu quả thì thầy cô giáo chủ nhiệm hãy thay đổi phương pháp hãy đầu tư thời gian nhiều hơn. Giáo viên chủ nhiệm phải có sự chuẩn bị chu đáo về nội dung, hình thức, có tâm huyết với học sinh, cần một bộ máy cán bộ lớp đầu tầu sáng tạo và dám nghĩ dám làm, để có thể lôi cuốn các bạn của mình vào những hoạt động của lớp mọi lúc.
Và trong chương trình tổ Tư vấn cũng chia sẻ cho mọi người những điều liên quan đến giá trị sống, những kỹ năng phù hợp cần giáo dục cho học sinh THPT, đặc biệt phương là pháp tích hợp giữa giáo dục giá trị sống và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh qua những phương pháp như:
1. Thảo luận nhóm
2. Các hoạt động kích thích tưởng tượng và động não
3. Sắm vai
4. Phân tích tình huống
5. Trò chơi, bài hát, nghe nhạc, dạ hội hóa trang.
6. Các loại hình nghệ thuật: vẽ, múa, thi thanh lịch…
7. Chia sẻ kinh nghiệm
8. Thư giãn
9. Thực tập
10. Tham quan
Từ đó rút ra bài học cho học sinh, làm sao gúp học sinh chơi mà học, học mà chơi một cách vui vẻ thoải mái nhất, hiệu quả nhất.
Kết thúc chương trình là những video clip mà tổ Tư vấn muốn chia sẻ về những kinh nghiệm sinh hoạt hàng ngày như, cách gấp quần áo đẹp gọn nhanh, cách pha nước chấm ngon đẹp mắt, cách chống say tầu xe, cách làm trắng răng đơn giản…. cùng những trò chơi thư giãn tập thể giúp mọi người có thêm tư liệu phong phú cho bài giảng.
Buổi tập huấn đã góp phần nhỏ bé giúp cho các thầy cô giáo có thêm những kỹ năng, những phương pháp mới, nhằm tạo ra một buổi sinh hoạt lớp hấp dẫn hơn, lôi cuốn học sinh hơn, làm sao không gây nhàm chán hay quá căng thẳng cho học sinh. Hy vọng rằng với những chia sẻ của buổi tập huấn các thầy cô giáo sẽ tìm cho mình một phương pháp phù hợp với lớp mình chủ nhiệm làm sao cho giờ sinh hoạt lớp trở nên sinh động thiết thực nhiều ý nghĩa.