TÌM HIỂU VỀ KÌ THI THPT QUỐC GIA
Từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) bằng cách tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) yêu cầu:
“Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”; “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”;
“Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo” và “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”;
Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.
Trong nhiều năm qua các trường phổ thông đã từng bước đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học và thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Những đổi mới này nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh theo hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Thi, kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường đã bước đầu đổi mới theo hướng đánh giá năng lực học sinh, giảm yêu cầu học sinh phải ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đã bước đầu đổi mới trong cách thức ra đề thi ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Dạng câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn, các câu hỏi mở đã được sử dụng ngày càng nhiều trong đề thi ở các kỳ thi.
Đặc biệt, những thành công trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 vừa qua đã được xã hội đồng tình, ủng hộ càng củng cố thêm cơ sở thực tiễn của việc tổ chức một kỳ thi quốc gia. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã trở nên nghiêm túc, thân thiện hơn, giảm được áp lực cho học sinh và xã hội nhưng kết quả thi vẫn phản ánh được thực chất hơn năng lực của học sinh (thông qua việc phân tích phổ điểm của các môn thi trong 2 kỳ thi).
Việc tổ chức liên tiếp 2 kỳ thi quốc gia như những năm gần đây đã tạo nhiều áp lực cho học sinh và tốn kém cho xã hội. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” 13 năm đã khẳng định những ưu điểm, lợi thế, nhưng cũng ngày càng bộc lộ những hạn chế so với yêu cầu tuyển sinh đáp ứng sự phát triển đa dạng của các ngành đào tạo của các trường ĐH, CĐ nhất là khi các trường ĐH, CĐ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học.
Như vậy, đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là đòi hỏi tất yếu trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Đây chính là khâu đột phá đưa Nghị quyết 29-NQ/TW vào thực tiễn giáo dục, từng bước đáp ứng nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và xã hội, tác động tích cực trở lại quá trình dạy học trong các nhà trường phổ thông.
Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ lần này dành cho học sinh đang học theo chương trình, sách giáo khoa hiện hành với định hướng tiếp cận dần sự chuyển đổi trọng tâm đánh giá là kiến thức sang trọng tâm đánh giá là năng lực của học sinh. Sự chuyển đổi này sẽ toàn diện hơn khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Để xây dựng Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT đã nghiên cứu mô hình thi cử của nhiều quốc gia, tham khảo ý kiến của toàn xã hội. Đổi mới thi cũng như các phương diện đổi mới khác của giáo dục chỉ có thể đạt được kết quả nếu dựa trên cơ sở lí luận và thực tiễn vững chắc.
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, trong quá trình xây dựng Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, cùng với khảo sát đánh giá đúng hiện trạng thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ ở nước ta thời gian qua, Bộ GDĐT đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này từ mô hình tổ chức thi, quy trình thực hiện, cách thức sử dụng kết quả (Một số nước điển hình như: Hoa Kỳ, LB Nga, Phần Lan, Pháp, Áo, Ai len, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc...). Dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi quốc gia đã được tham khảo ý kiến của các lãnh đạo sở GDĐT, các trường ĐH, các chuyên gia, các phóng viên báo chí trước khi hoàn thiện dự thảo và công bố để xin ý kiến rộng rãi.
Sau khi công bố dự thảo Phương án, Bộ GDĐT tiếp tục tham khảo ý kiến trên diện rộng với các nhóm đối tượng chính gồm: Giám đốc các sở GDĐT, Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; Cán bộ chuyên trách Phòng Khảo thí và lãnh đạo các sở GDĐT (142 người); Các trường ĐH, CĐ (120 trường); Giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh các trường THPT trong cả nước (với 2.788 trường THPT và Trung tâm GDTX; 137.379 cán bộ quản lý và giáo viên; 929.584 học sinh thuộc 63 Sở GDĐT và Cục Nhà trường) và một số chuyên gia, phóng viên báo chí. Kết quả thăm dò đã được tổng hợp và phân tích khách quan, là một căn cứ quan trọng để Bộ GDĐT quyết định phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015.
Xem thêm:
- Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy
- Thông tư Ban hành Quy chế thi THPT Quốc gia
http://www.moet.gov.vn/?page=6.10&view=634&opt=brpage