TỔ TOÁN - TIN PHẤN ĐẤU ĐỂ TỰ KHẲNG ĐỊNH
Tổ Toán - Tin trước đây mang tên tổ Toán, từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khi Tin học được đưa vào giảng dạy trong nhà trường như một môn học chính thức và nhóm giáo viên Tin học được sát nhập vào tổ Toán và tổ đổi tên thành tổ Toán - Tin.
Tổ Toán - Tin chúng tôi có 22 giáo viên trong đó số giáo viên nữ chiếm 59,1% (13/22).Về trình độ, giáo viên có trình độ thạc sĩ chiếm 31,8% (7/22), giáo viên đang được đào tạo thạc sĩ chiếm 22,7%(5/22), giáo viên có trình độ cử nhân 45,5% (10/22). Giáo viên người dân tộc thiểu số chiếm 18,1% (4/22). Giáo viên là Đảng viên chiếm 22,7% (5/22). Giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh chiếm 31,8% (7/22).
Tổ Toán - Tin có đội ngũ giáo viên phần lớn là giáo viên trẻ, khỏe, nhiệt tình, năng động và tâm huyết với nghề nghiệp. Các giáo viên lớn tuổi đều vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, là các "cây đa, cây đề", là chỗ dựa vững chắc cho đội ngũ giáo viên trẻ cả về kỹ năng cũng như phương pháp truyền thụ kiến thức cho học sinh.
Học sinh của trường rất ngoan, hầu hết các em đã xác định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của bộ môn Toán - Tin trong nhà trường. Nhiều em đã tỏ ra yêu thích, nhiệt tình và say mê môn Toán, nhiều em đạt được kết quả cao trong học tập cũng như trong các kỳ thi tốt nghiệp, đại học, học sinh giỏi cấp trường, cấp tỉnh. Nhưng chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc truyền thụ các kiến thức về môn toán cho học sinh của trường. Gần như 100% học sinh là con em dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh, những vùng kinh tế chậm phát triển. Đặc biệt có những dân tộc ít nguời sống ở những vùng núi cao, điều kiện đi lại cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, do đặc điểm của môn Toán là lượng kiến thức được trang bị từ lớp 1 đến lớp 12 theo một hệ thống rất chặt chẽ và lôgic. Trong khi đó học sinh của Trường PTVC Việt Bắc thiên về tư duy cụ thể, cho nên việc tiếp thu kiến thức về tự nhiên nói chung và Toán - Tin nói riêng còn rất nhiều hạn chế.
Chính vì vậy khi các em về Trường PTVC Việt Bắc học tập đã rỗng kiến thức quá nhiều. Kỹ năng suy luận lôgic, kỹ năng diễn giải, kỹ năng phân tích, kỹ năng vẽ hình, kỹ năng tự tính toán và tính toán trên máy tính cá nhân. Đa phần các em chưa biết cách học bộ môn Toán - Tin, thậm chí có nhiều em vào lớp 10 mới được tiếp xúc lần đầu với công nghệ hiện đại là máy vi tính và Tin học...
Vượt lên những khó khăn đó trong 5 năm qua, cùng với thắng lợi và sự vươn lên mạnh mẽ của Trường PTVC Việt bắc, tập thể tổ Toán-Tin chúng tôi luôn xác định được vai trò, tầm quan trọng, nhiệm vụ nặng nề và trách nhiệm của mình trước nhà trường, trước học sinh. Với tinh thần "tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu", tổ Toán - Tin hướng tới những mục tiêu lớn mà đồng chí Hiệu trưởng và nhà trường đang đề cập đến. Làm sao cho học sinh các dân tộc ít người cũng học giỏi Toán - Tin như học sinh phổ thông? làm sao cho các em học sinh dân tộc ít người cũng đạt được các giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi? Đó là niềm trăn trở, niềm mong mỏi của mỗi cán bộ lãnh đạo nhà trường và cũng là của mỗi giáo viên tổ Toán - Tin chúng tôi.
Hiểu được ý nghĩa của bộ môn Toán - Tin với học sinh các dân tộc thiểu số, tổ Toán-Tin chúng tôi đã họp, bàn bạc, đưa ra các biện pháp tốt nhất để quan tâm, giúp đỡ học sinh một cách cụ thể. Để có rất nhiều giờ giảng hay, khắc sâu được kiến thức cơ bản và mở rộng tầm hiểu biết của học sinh. Thường xuyên và mọi lúc, mọi nơi lấp nhanh, nhiều lỗ hổng kiến thức Toán trong các em. Để dạy dỗ, dẫn dắt học sinh từ chỗ học kém, không biết gì về bộ môn Toán, vươn lên rồi học khá, yêu thích môn Toán hơn, thành phong trào ngày càng lan rộng trong học sinh.
Muốn làm được như vậy từng thành viên trong tổ Toán-Tin luôn luôn đoàn kết, động viên nhau lúc vui cũng như lúc buồn, lo lắng công việc chuyên môn, hỗ trợ lẫn nhau đồng đều các khối lớp, để hoàn thành công việc nặng nề mà nhà trường đã giao phó. Tổ Toán -Tin chúng tôi đã thực sự là một tổ ấm, một gia đình nho nhỏ trong đại gia đình Vùng Cao Việt Bắc. Đã gắn kết mọi thành viên trong tổ cùng chung lưng đấu cật, lo cái lo chung của tập thể Toán - Tin và cùng chia sẻ cái riêng ngọt ngào hay những buồn vui của mỗi cá nhân...
Là một môn học khó nên thành tích của tổ Toán-Tin cũng khá khiêm tốn, song như vậy cũng tạm đủ để đánh giá được sự vươn lên mạnh mẽ của tổ Toán-Tin so với thời gian trước kia. Một số giáo viên của tổ Toán - Tin giảng dạy xuất sắc, ôn luyện và có nhiều học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh, đạt giải văn hóa trong các kỳ Festival, đạt giải trong các kỳ thi HSG khối DBĐH dân tộc. Đặc biệt trong các năm gần đây tổ Toán - Tin chúng tôi đã thu được những thành quả đáng phấn khởi khi học sinh giỏi môn toán cấp tỉnh ngày càng tăng về cả số lượng lẫn chất lượng.
Các đồng chí đã ôn luyện miệt mài, chăm chỉ, không quản ngày đêm và đúng đường, hướng cho học sinh, để học sinh đạt được danh hiệu HSG, đó là các đồng chí: Phạm Trọng Tảo, Trần Hải, Tô Thị Thoa, Nguyễn Hồng Hạnh.
Các đồng chí đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong 5 năm qua là: Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Phương Hằng, Bùi Lan Anh, các đồng chí giáo viên trẻ cũng đã có ý thức phấn đấu và đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường: Cà Thị Thùy Linh, Phùng Trung Dũng, Phạm Thị Lan, Lưu Thu Hoài, Phùng Thị Oanh, Bùi Thúy Hà.
Phần lớn các đ/c dạy khối 12 đều đạt và vượt chỉ tiêu tốt nghiệp môn Toán so với mặt bằng chung của tỉnh Thái Nguyên. Tiêu biểu là các đ/c: Phạm Trọng Tảo, Tô Thị Thoa, Nguyễn Hữu Thăng.
Để có kết quả đó, các đồng chí dạy khối 12 đã lên kế hoạch ngay từ đầu năm học cho việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh một cách cụ thể, rõ ràng cho từng phần kiến thức Toán. Giáo viên dạy lớp 12 cần phải đưa ra kế hoạch cụ thể, chi tiết cho phần trọng tâm, phần cơ bản, phần mở rộng cho từng đối tượng đơn vị lớp và cá nhân trong lớp một cách cụ thể. Quan trọng nhất là phụ đạo cho một số học sinh yếu đúng thời gian, đúng phần kiến thức mà họ đang rỗng hoặc không hiểu… Đầu tư thời gian thích đáng, hợp lí cho phụ đạo và nâng cao kiến thức của học sinh, tạo nguồn học sinh giỏi, bồi dưỡng để có thể đưa vào đội dự tuyển của lớp, trường hoặc hướng xa hơn là đội dự tuyển quốc gia...
Bên cạnh phong trào giảng dạy, phụ đạo giúp đỡ học sinh. Chúng tôi còn luôn luôn chú trọng việc giảng dạy bằng phương pháp trực quan, nhiều đồng chí đã tích cực làm đồ dùng dạy học rất sinh động phục vụ bộ môn hình học, bộ môn tin học...gây hứng thú và tạo sự yêu thích học tập của học sinh đối với các môn này. Tiêu biểu là các đồng chí: Phùng Thị Oanh, Nguyễn Ngọc Tĩnh, Ninh Thị Anh Lan. Nhiều đồng chí đã tích cực sử dụng CNTT vào giảng dạy, thiết kế được nhiều giáo án điện tử có chất lượng cao như: Nguyễn Việt Hà, Dương Văn Sáng.
Trong những năm qua, tuy đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được một số thành quả nhất định trong giảng dạy, học tập và công tác. Mỗi thành viên trong tổ Toán-Tin chúng tôi đều nhận thấy thành tích của bản thân và thành tích của tổ còn có hạn chế như: chưa có học sinh đạt giải quốc gia môn Toán, môn Tin và máy tính cầm tay, chưa có học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Để có được kết quả như mong đợi, chúng tôi mong muốn rằng các đồng chí giáo viên phải nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của bộ môn Toán trong nhà trường, tiếp tục phấn đấu không ngừng trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng dạy học để giúp học sinh say mê học Toán và đó chính là cầu nối cho các em sẽ có điều kiện vào được nhiều trường Đại học, sau này ra trường phục vụ cho đồng bào miền núi. Nếu được đầu tư thích đáng về thời gian học và các điều kiện khác thì cùng với sự nỗ lực của giáo viên, học sinh dân tộc thiểu số có thể vuơn lên đạt được những thành công không thua kém học sinh miền xuôi.