Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường đã thu hút 14 thầy cô tham gia, các thầy cô đến từ các nhóm chuyên môn: Toán - Lý - Hoá Sinh - Công nghệ - Tin - Văn - Địa và Ngoại ngữ.
Nhóm bộ môn toán đã cử số lượng giáo viên tham gia đông nhất với 3 thầy cô, các nhóm Lý - Hoá - Sinh - Tin - Công nghệ đều cử các thầy cô đăng ký dự thi cấp tỉnh tham dự hội thi cấp trường nhằm tập dượt tốt hơn cho kì thi cấp tỉnh.
Nhóm Văn - Địa dù không tham dự thi cấp tỉnh nhưng các thầy cô giáo vẫn tích cực tham gia dự thi nhằm rèn luyện trau dồi phương pháp giảng dạy, đây cũng chính là cơ hội để các thầy cô học hỏi thêm về chuyên môn sâu.
Sau giờ khai mạc, các thầy cô đã trải qua bài thi viết kiểm tra về năng lực chuyên môn. Trong 14 thầy cô có 8 thầy cô đạt từ 9 điểm trở lên, người giành điểm cao nhất trong bài thi lý thuyết là thầy giáo Đoàn Minh Đức 9.75 điểm - Giáo viên bộ môn hoá học. Các thầy cô tham dự thi 100% đều đạt kết quả trên 8 điểm đủ điều kiện tham dự bài thi thực hành giảng dạy.
Với 28 tiết giảng thực hành, đây thực sự là một bức tranh muôn màu, thể hiện sự đa dạng về phương pháp và kỹ thuật dạy học nhằm tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh, học sinh đã được phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu và chủ động lĩnh hội kiến thức. Các thầy cô giáo đã tạo ra sự tương tác giữa thầy và trò, giữa trò và trò, tạo ra sự hào hứng cho các em học sinh khi tham gia các giờ giảng.
100% các tiết giảng thực hành đã được các thầy cô thể hiện thành công. Có được kết quả chất lượng và hiệu quả như vậy ở kì thi này là thể hiện sự thành công trong hoạt động đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đổi mới quyết liệt về phương pháp giảng dạy.
Điểm đáng lưu ý là hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường diễn ra sau đợt thao giảng với nhiều đổi mới, bứt phá về chuyên môn, điều đó đã tác động mạnh mẽ vào sự thay đổi tư tưởng, nhận thức của các thầy cô về vấn đề cần thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy, cụ thể từ khâu xây dựng ý tưởng, vận dụng kỹ thuật dạy học một cách hợp lý phù hợp với nội dung của kiểu bài lên lớp, thiết kế các hoạt động phù hợp với trọng tâm bài học…
Khâu chuẩn bị bài: Các thầy cô đã có quá trình chuẩn bị giáo án rất kỹ lưỡng, lựa chọn ý tưởng phù hợp, sáng tạo với nội dung bài học. Bài học được sự góp ý, rút kinh nghiệm từ các thầy cô trong nhóm chuyên môn từ cách tổ chức các hoạt động trên lớp, cách thức sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh, cách hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài ở nhà và trả bài cho giáo viên nhất là với những đơn vị lớp ít tham dự thao giảng.
Các kỹ thuật dạy học tích cực đã được các thầy cô thể hiện một cách xuất sắc, bài bản, có trọng tâm, phù hợp với nội dung và kiểu bài lên lớp. Kỹ thuật được sử dụng với tần suất nhiều hơn cả là lược đồ tư duy qua tiết giảng sinh động của cô giáo Cà Thị Thùy Linh (Môn Tin), Hoàng Tú Hằng (Môn Sinh), Thầy Lương Văn Luyện (Môn Vật lý, Nguyễn Thị Thái Hà ( Môn Công nghệ), cô giáo Lưu Thị Thu Hoài ( Môn Toán)…
Ngoài việc học sinh rất sáng tạo trong việc trình bày kiến thức qua lược đồ tư duy, các thầy cô còn vận dụng rất khéo léo việc đáp ứng nhu cầu hiểu và vận dụng kiến thức của học sinh thông qua các hiện tượng thực tiễn mà lược đồ tư duy chưa thể thể hiện được, từ đó giúp bài giảng thêm sinh động và phong phú.
Kỹ thuật các mảnh ghép đã được thầy Đoàn Minh Đức (Môn Hóa) thể hiện qua một tiết giảng mà các thầy cô cùng nhóm chuyên môn đánh giá là khó dạy nhưng học trò lớp 10A1 đã cùng với thầy giáo đã khai thác đa chiều kiến thức về liên kết cộng hóa trị.
Bằng phương pháp góc, hai cô giáo môn tin học là Cà Thị Thùy Linh và Ninh Thị Anh Lan đã giúp học trò tiếp cận nhanh chóng với những thuật toán khó trong tin học, các em không chỉ thực hành nhuần nhuyễn mà còn biết đưa kiến thức tin học vào đời sống học đường nhất là môi trường nội trú.
Ai cũng nghĩ toán học là khô cứng, góc cạnh nhưng thầy Nguyễn Việt Hà cùng với học trò lớp 10A9 đã làm thay đổi quan điểm này. Học sinh không chỉ tích cực, sôi nổi mà còn hoàn thành rất tốt những bài tập và đề thi nâng cao về hàm số bậc 2, vẽ biểu đồ chính xác các đồ thị theo yêu cầu của đề bài thông qua hoạt động nhóm tích cực, hiệu quả.
Môn vật lý, sinh học với rất nhiều kiến thức thực tiễn, đa chiều, cô giáo Lê Thu Mai (Lý), Lý Hồng Chuyên (Sinh) đã sử dụng kỹ thuật KWL (Know – Want – Learn) để thực hiện bài giảng vận dụng kiến thức thực nghiệm đã biết của học trò, học trò đề xuất những điều muốn biết qua trao đổi thảo luận đi tới chân trời tri thức cần chiếm lĩnh.
Rút kinh nghiệm từ những gì chưa làm được từ năm học trước, nhóm tiếng anh đã trình bày hai sản phẩm khá hoàn hảo do cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Yến thể hiện. Với 2 tiết giảng: Speaking và Reading cùng cách thức tổ chức, hoạt động đa dạng, phong phú, giờ tiếng anh đã thực sự cuốn hút học trò, là tiết học để học trò 12A1 và 11A2 phô diễn được khả năng giao tiếp, thuyết trình, tư duy sáng tạo trong việc sử dụng một ngôn ngữ quốc tế.
Thông qua các kỹ thuật dạy học KWL, kiểm tra từ mới, các hoạt động khởi động, trò chơi tư duy với những con chữ ít quen thuộc, cô và trò đã làm cho môn tiếng anh thực sự thú vị, làm thay đổi tâm lý sợ học tiếng anh của học sinh dân tộc thiểu số.
Kết quả phần thi thực hành giảng dạy : 6/28 tiết giảng đạt xuất sắc của các thầy cô giáo: Đoàn Minh Đức (Hóa học), Lương Văn Luyện (Vật lý) Lê Thị Thu Mai (Vật lý), Nguyễn Thị Hoàng Yến (Tiếng anh) và Cà thị Thùy Linh (Tin học). Có 20 tiết giảng đạt loại giỏi và có 2 tiết giảng đạt loại khá.
Kết quả chung cả hai phần thi:
Để có được một hội thi thành công và thực sự chất lượng nhất trong vài năm gần đây thì các thầy cô tham gia dự thi đã lao động trí tuệ hết mình, bên cạnh đó là sự nỗ lực, giúp đỡ, dự giờ rút kinh nghiệm của các nhóm chuyên môn chuẩn bị cho giáo viên dự thi, các nhóm chuyên môn đã xây dựng cho các thầy cô dự thi nhiều bài giảng hay sinh động và sáng tạo.
Đây thực sự là một hội thi mà hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đã được các tổ, nhóm chuyên môn thể hiện rõ nét nhất. Hy vọng một năm học mới với nhiều khởi sắt nổi bật về hoạt động chuyên môn.