Hưởng ứng thông điệp của thế giới về môi trường năm 2016 với chủ đề: “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”, từ ngày 10/102017 đến 12/1/2017 Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã kết hợp cùng trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tổ chức trưng bày triển lãm và trải nghiệm chuyên đề: “Tham khẩu - Phia Trang, nơi đầu nguồn con nước”.
Buổi triển lãm không chỉ đem đến cho học sinh chúng em những trải nghiệm thú vị, mới lạ mà còn là những kiến thức thực tế rất ý nghĩa. Chúng em đã được giới thiệu về lưu vực sông Cầu cùng hành trình xuôi qua 6 tỉnh, thành phố (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương) của nó, biết thêm được nhiều nét văn hóa đặc trưng của một số làng nghề ở các tỉnh địa phương lân cận. Qua đó, chúng em càng thêm trân trọng và yêu mến những giá trị văn hóa đặc sắc của đất Việt ngàn năm văn hiến cùng với tình yêu thiên nhiên và môi trường sống của chính mình!
Như chúng ta đã biết, Lưu vực sông Cầu là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam (gồm năm nhánh: sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu và sông Đáy). Sông Cầu có vị trí địa lí đặc biệt đa dạng và phong phú về tài nguyên cũng như lịch sử phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh nằm trong lưu vực của nó. Hàng năm, con sông này cung cấp hành trăm mét khối nước phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân. Hơn thế, nó còn có chức năng giữ cân bằng hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên của khu vực.
Lưu vực sông Cầu chảy dài qua sáu tỉnh nên dòng sông xanh mát này đã góp phần tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên cũng như vẻ đẹp văn hóa của mỗi vùng miền. Chúng em rất thích thú khi được chiêm ngưỡng những bức ảnh chụp được trưng bày dọc theo dòng chảy của con sông bắt đầu từ Tham Khẩu - Phia Trang (Bắc Kạn) và kết thúc tại tỉnh Hải Dương. Qua mỗi địa bàn, chúng em được giới thiệu về những nét văn hóa và cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ và thân thuộc.
Đầu tiên là nơi bắt nguồn của sông Cầu, Bắc Kạn được biết đến với vẻ đẹp xanh tươi, mát trong do con sông bổi đắp với những nương mía, nương ngô tươi tốt. Qua Bắc Kạn, ta tới Thái Nguyên - dải lụa xanh giữa rừng núi phía Bắc đã gặp gỡ dòng sông Cầu hợp với dòng Nghinh. Dừng tại đây, chúng em biết được Thái Nguyên là mảnh đất nổi tiếng của những làng chè truyền thống. Những đồi chè bát ngát xanh tươi hiện lên qua các bức ảnh thật sinh động và đẹp mắt. Chúng em như được đắm mình trong cái ngào ngạt, thơm ngát, nhẹ nhàng của hương vị chè Thái quyến luyến.
Không chỉ vậy, các danh thắng đã đi vào huyền thoại như sông Công, núi Cốc hay Đền Đuổm, mỏ than Phấn Mễ,.. đã được sông Cầu in bóng hình đô thị công nghiệp hóa với những dấu ấn lịch sử văn hóa đậm nét của mảnh đất Thái Nguyên.
Tiếp tục xuôi theo dòng chảy, con sông uốn mình qua tỉnh Vĩnh Phúc, nơi nổi tiếng với địa danh Tam Đảo đẹp như mơ. Đi qua Hà Nội - trái tim hồng của cả nước, sông Cầu nối với tỉnh Bắc Ninh - quê hương của những làn điệu dân ca quan họ đằm thắm. Hình ảnh nón quai thao và dải yếm thắm của các nghệ nhân cùng những câu hát mượt mà, những làng nghề làm gốm nổi tiếng như Phù Lãng đã góp phần tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng không chỉ của riêng tỉnh Bắc Ninh mà còn đại diện cho nét đẹp trong văn hóa tập quán của đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.
Và cuối cùng, sông Cầu kết thúc dòng chảy tại mảnh đất Hải Dương. Hợp với sông Lục Đầu Giang - dấu ấn lịch sử và hội nhập tương lai để tiếp tục khoe mình với vẻ đẹp duyên dáng. Thông qua lời giới thiệu, qua các hình ảnh sinh động và đặc biệt là trải nghiệm thực tế trong chuyến tham quan tại Hải Dương, chúng em đã thấy được nét đẹp văn hóa và cảnh sắc cùng con người nơi đây. Hương vị cốm thơm xanh dẻo như còn phảng phất trong không gian, người dân thân thiện nồng khởi mến khách, chăm chỉ trồng trọt, cày cấy và tăng gia. Họ đã đánh dấu bản sắc vùng miền với những đặc sản như cốm, bánh đậu xanh,... mà người ta không khỏi gợi nhắc khi nói đến Hải Dương.
Tuy nhiên, bên cạnh vẻ đẹp nơi con sông Cầu đi qua, chúng ta cũng không thể không nhìn nhận thực trạng hiện nay, đó là vấn đề ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước.
Trong quá trình khái thác nguồn tài nguyên thiên nhiên lưu vực sông Cầu, qua số liệu điều tra cho thấy: lượng nước lưu vực sông Cầu đang có chiều hướng suy giảm, lũ lụt với cường độ lớn, tần số cao; bồi lấp sông, biến đổi dòng chảy xảy ra khá mạnh mẽ; các nguồn lợi thủy sản có nguy cơ cạn kiệt; những nét đẹp gắn với bản sắc văn hóa truyền thống đang dần bị mai một.
Đặc biệt, chất lượng nguồn nước sông Cầu đang bị ô nhiễm từ các làng nghề, khu công nghiệp, đô thị, khai thác khoáng sản và các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Điển hình là thực trạng ô nhiễm nặng nề với các loại rác thải sinh hoạt, sản xuất ... của con sông trên địa bàn thành phố Bắc Kạn. Đi qua mỏ than Phấn Mễ thuộc tỉnh Thái Nguyên, sông Cầu phải chịu tác động trực tiếp chất thải của nhà máy cùng với một số nơi người dân vẫn có hiện tượng vứt rác bừa bãi ...
Tham gia buổi triển lãm này chúng em còn được tham gia nhiều hoạt động như ghép tranh, trắc nghiệm nhanh để tìm hiểu, quảng bá vẻ đẹp và tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ nguồn nước sông Cầu nói riêng. “Tham Khẩu - Phia Trang, nơi đầu nguồn con nước”- thông qua hoạt động này chúng em hi vọng mỗi người sẽ tự nhìn nhận, đánh giá và cùng hành động để bảo vệ môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp!