TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÙNG CAO VIỆT BẮC 25 NĂM ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN
Suốt gần 30 năm (1957-1986) phấn đấu và trưởng thành, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã đào tạo gần 3200 học sinh, trong đó có trên 1000 em được vào các trường Đại học trong nước, 125 em đi du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Sau tốt nghiệp Đại học, hầu hết học sinh về công tác tại các tỉnh miền núi ViệtBắc, giúp cho các tỉnh có đội ngũ cán bộ có trí tuệ, lãnh đạo chủ chốt ở các huyện, tỉnh miền núi và các ngành đặc biệt là ngành giáo dục, y tế, nông lâm nghiệp.
Sau hoà bình lập lại, một thời gian dài đất nước gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc cũng trong tình trạng đó. Học sinh tốt nghiệp không có lối đi, hầu hết trở về địa phương, số vào Đại học, Cao đẳng và trung học chuyên nghiệp rất ít. Học sinh bỏ học nhiều, năm học 1985-1986 có tới 176 học sinh bỏ học, học sinh chán nản không hứng thú học tập, năm học 1986-1987 có lớp 10 giành riêng cho học sinh lưu ban gồm trên 40 em. Trong những năm gian khó đó, rất nhiều giáo viên miền suôi trở về quê, nhà trường thiếu giáo viên giỏi.
Hàng năm nhà trường được phân chỉ tiêu rất ít (100 em/ năm), song không sao tuyển đủ. Trước tình hình đó, trường xin Bộ Giáo dục cho mở hệ chuyên Toán, song lúc đó lấy đâu ra học sinh dân tộc thiểu số học chuyên Toán, trường tuyển vài khoá không đúng mục đích, toàn học sinh người Kinh ở thành phố, thị xã vào học, do đó hệ chuyên Toán bị giải thể. Thời kỳ này trường thực sự bế tắc về mục tiêu. Bộ Giáo dục đã có dự kiến giải thể trường, chấm dứt việc tạo nguồn cán bộ dân tộc. Lúc này hầu hết các trường phổ thông dân tộc nội trú ở các tỉnh miền núi cũng đã giải thể.
Ngày 3 tháng 2 năm 1986, đồng chí Nguyễn Huy Khánh về nghỉ chế độ, đồng chí Nguyễn Văn Đào từ Đại học Sư phạm Việt Bắc về thay. Bộ Giáo dục cho đồng chí Đào về thu xếp, củng cố trường, nếu sau 2 năm không phát triển được thì Bộ cho sát nhập Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc vào Đại học Sư phạm Việt Bắc thành một khoa thực hành cho sinh viên thực tập sư phạm. Đối tượng tuyển sinh của trường như các trường phổ thông cấp III ở thành phố Thái Nguyên.
Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII, nhà trường đã đưa ra khẩu hiệu: “Chất lượng, hiệu quả, tồn tại và phát triển”. Thực hiện nghị quyết đó, đồng chí Hiệu trưởng đã trăn trở nhiều ngày đêm tìm ra nguyên nhân khó khăn dẫn đến mất mục tiêu phát triển của trường. Các nguyên nhân đó là:
I - Nguyên nhân khách quan:
Do cơ chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng thay đổi, không còn chế độ ưu tiên cử tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng như trước. Học sinh tốt nghiệp cấp III đa số phải về sản xuất ở địa phương. Nguồn tuyển sinh vào trường khó khăn, học sinh học hết cấp II không muốn vào học Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Hàng năm nhà trường, cả Ban giám hiệu và một số giáo viên về từng địa phương vận động tuyển sinh nhưng vẫn không tuyển đủ học sinh theo chỉ tiêu. Cơ sở vật chất nhà trường còn nghèo nàn; đời sống học sinh quá thiếu thốn nên học sinh đến trường rồi lại bỏ về.
II - Nguyên nhân chủ quan:
Nhà trường đã có nhiều cố gắng, song chất lượng đội ngũ giáo viên còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng dạy tốt học tốt. Chưa có nghiên cứu về tâm lý học sinh dân tộc thiểu số nên dạy và giáo dục học sinh chưa đúng, thậm chí còn có giáo viên vi phạm nguyên tắc giáo dục. Nhà trường chưa đổi mới mục tiêu, nhiệm vụ cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội thay đổi. Có lúc nội bộ lãnh đạo thiếu tập trung, mất đoàn kết, thiếu quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên … do đó chất lượng nhà trường không đáp ứng sự tồn tại và phát triển.
Sau khi rút ra những nguyên nhân trên, Đảng uỷ và Ban giám hiệu nhà trường đã quyết tâm đổi mới nhà trường, để trường tiếp tục tồn tại và phát triển.
1- Trước tiên phải điều chỉnhmục tiêu đào tạo để phù hợp với từng giai đoạn cách mạng:
- Việc đầu tiên, ngay từ đầu năm 1987, đồng chí Hiệu trưởng tham mưu cho Bộ Giáo dục ra Quyết định 320/QĐ, ngày 25 tháng 5 năm 1987 về mục tiêu đào tạo mới của trường là tạo nguồn giáo viên trong hai hệ:
+ Tạo nguồn tầm xa: Hệ phổ thông trung học do Trường Vùng cao Việt Bắc giảng dạy.
+ Tạo nguồn tầm gần: Hệ Dự bị Đại học Sư phạm do trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc quản lý nuôi dưỡng, trường Đại học Sư phạm trực tiếp giảng dạy (Khi đó giáo viên trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc không đủ trình độ dạy Dự bị Đại học).
Theo Quyết định trên từ năm 1987 – 1988 trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc và trường Đại học Sư phạm đã tạo nguồn tầm gần được trên 100 học sinh vào các trường Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II. Số học sinh tốt nghiệp phổ thông thì tạo nguồn vào các trường Cao đẳng Sư phạm và THSP các tỉnh Bắc Thái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tuyên… chủ yếu học 2 hệ 12+2 và 12+1. Số còn lại nhà trường đã liên kết với trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Thái (Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên ngày nay) mở lớp cấp tốc, chỉ dạy 6 tháng theo hệ 12+1 để đưa về vùng sâu, vùng xa dạy các lớp cắm bản. Do đó hầu hết học sinh tốt nghiệp đã được thu xếp ra làm giáo viên. Để tạo nguồn cán bộ giỏi cho các dân tộc thiểu số, ngay từ năm 1995-1996, trường đã tổ chức mở các lớp chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia cùng với bồi dưỡng học sinh giỏi trong các kỳ thi văn hoá thể thao các trường Dân tộc nội trú toàn quốc. Đến nay có trên 200 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi Quốc gia, trên 50 học sinh đạt học sinh giỏi các trường phổ thông Dân tộc nội trú. Với mục tiêu này, trường đã có trên 200 học sinh giỏi vào thẳng các trường Đại học, nhiều em được đi học nước ngoài, có em đã lấy học vị tiến sĩ tại Đại học Havard của Hoa Kỳ.
Sau khi sát nhập Bộ Giáo dục với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành Bộ Giáo dục và Đào tạo(GD&ĐT) đầu ra của học sinh đã được mở rộng hơn.
Ngay từ 1995, trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ xung nhiệm vụ bồi dưỡng Dự bị Đại học cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở các trường phổ thông dân tộc nội trú các tỉnh phía Bắc. Sau 7 năm kiên trì làm tham mưu cho Bộ, đến năm học 2002-2003 Bộ GD&ĐT mới ra Quyết định bổ xung nhiệm vụ cho trường là Bồi dưỡng Dự bị Đại học dân tộc, mà nguồn tuyển sinh từ các trường phổ thông dân tộc nội trú của 21 tỉnh phía Bắc (Từ Quảng Bình trở ra).
Để giải quyết hết số học sinh còn lại sau khi vào Dự bị Đại học dân tộc, từ năm học 2003-2004, Bộ GD&ĐT trao thêm nhiệm vụ cử tuyển học sinh Trường Vùng cao Việt Bắc vào Đại học không qua các tỉnh, Quyết định này chỉ tồn tại đến năm 2007.
Thời kỳ 1987-1989, tuy đã có quyết định 320/QĐ của Bộ Giáo dục, song tình hình vẫn khủng hoảng về mục tiêu, trường vẫn có nguy cơ phải giải thể. Đồng chí Hiệu trưởng lúc đó đã phải về gặp đồng chí Đàm Quang Trung, Bí thư TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội và mời đồng chí về thăm trường. Ngay sau đó, ngày 30/9/1989 đồng chí đã về trường, nghe nhà trường báo cáo sự khó khăn trong nuôi và dạy học sinh, trường có khả năng giải thể. Tiếp đó, ngày 10/10/1989, đồng chí cố vấn Ban chấp hành TW Đảng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng về thăm trường. Một lần nữa trường đề nghị TW giúp đỡ. Do đó, vào tháng 12/1989 Bộ chính trị khoá VI đã ra nghị quyết 22/ NQ-TW về phát triển kinh tế-văn hoá-giáo dục miền núi, trong đó có củng cố phát triển hệ thống trường phổ thông Dân tộc nội trú từ TW đến địa phương. Từ đây trường mới được ổn định và phát triển, nhanh chóng đưa nghị quyết 22 đi vào cuộc sống. Ngay từ năm học 1989-1990 trường mở rộng địa bàn tuyển sinh từ 6 tỉnh thuộc Khu tự trị Việt Bắc cũ ra 21 tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc và Bắc Miền Trung. Nguồn tuyển sinh rất dồi dào, trường mở thêm hệ dân tộc nội trú dân nuôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền các tỉnh đồng tình ủng hộ.
Vào năm học 2006-2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giao thêm vụ cho Trường Vùng cao Việt Bắc dạy học sinh lớp 9 cho 8 Dân tộc thiểu số rât ít người, như vậy Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã mở đường cho 8 Dân tộc thiểu số cuối cùng có con em vào Đại học.
Muốn tồn tại và phát triển, điều đầu tiên phải linh hoạt chuyển đổi mục tiêu đào tạo, Sau 18 năm kiên trì cho tới năm 2002 trường mới thực sự ổn định về mục tiêu đào tạo vì được bổ xung nhiệm vụ bồi dưỡng Dự bị Đại học dân tộc.
2- Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi về tổ chức, thành thạo về chuyên môn, nêu những tấm gương sáng cho cán bộ cấp dưới, giáo viên, công nhân viên noi theo.
Trước tiên phải lấy công tác phát triển Đảng và đưa Đảng bộ thực sự là tổ chức tiên phong trong đổi mới: Đại hội Đảng bộ lần thứ XII có 21 đảng viên, mâu thuẫn nội bộ gay gắt suốt 5 năm, trước đó đồng chí Hiệu trưởng mới về được 3 ngày thì trường tổ chức Đại hội. Đứng trước tình hình đó đồng chí Hiệu trưởng cùng đồng chí Bí thư Đảng uỷ phải đoàn kết, tập hợp tốt cả đảng viên làm nòng cốt. Đến đại hội 13, mọi đảng viên đã đồng lòng đưa ra khẩu hiệu “Chất lượng, hiệu quả, tồn tại và phát triển”. Cũng trong Đại hội 14 đồng chí Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ và đã thay khẩu hiệu đó bằng khẩu hiệu “Chất lượng, hiệu quả, phát triển vững chắc”. Nhờ có sự đoàn kết trong đảng mà sự việc xảy ra do một nhóm giáo viên gây rối vào năm học 1990-1991 được giải quyết êm thấm. Từ 1991 đến nay, sự đoàn kết trong Đảng được củng cố và phát triển và cũng từ đó đến nay trường phát triển ổn định, đã 20 năm liên tục là Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trường liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc của tỉnh và Bộ. Có được tập thể đảng viên luôn luôn gương mẫu, Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường đã tiến hành lãnh đạo đổi mới toàn diện nhà trường:
Để có đội ngũ cán bộ vững vàng về tư tưởng, lập trường, giỏi về quản lý, từ năm 1994 trường đã tổ chức cho các đồng chí Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và các phòng ban đi học lý luận ở trường Đảng tỉnh và Học viện chính trị Hồ Chí Minh, học quản lýgiáo dục ở Học viện quản lý Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó trình độ quản lý và tầm nhìn của các cán bộ được nâng lên rõ rệt.
Từ năm 1993, trường đã sắp xếp lại tổ chức, bổ xung 2 Hiệu phó, đề bạt một số Trưởng, phó phòng, cơ cấu lại tổ chuyên môn và đưa ra trên 20 văn bản cụ thể hoá các văn bản về quản lý nhà trường như nội quy học sinh, quy định mẫu giáo án, qui định quản lý các tổ bộ môn, quản lý giáo viên, quản lý học sinh, nội quy kí túc xá, qui định 10 điều học sinh không được làm và 10 điều nên làm, qui định học ngoài lớp, ngoài giờ chính khoá, qui định về kỷ luật học sinh, qui định về xét thi đua trong cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức và học sinh…
Từ những năm 2005 đến nay, đồng chí Hiệu trưởng Đinh Thị Kim Phương lại có các quy định mới về quản lý giáo viên và học sinh cho phù hợp với sự đổi mới quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xây dựng Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắclà trường thân thiện, học sinh tích cực.
3- Bồi dưỡng giáo viên cả về đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường.
Trước năm 1997, nhà trường có rất ít giáo viên giỏi cấp trường, hầu như không có giáo viên giỏi cấp tỉnh. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ vừa thiếu, vừa yếu, năng lực không dạy được hệ Dự bị Đại học và không có trình độ bồi dưỡng học sinh giỏi, vì thế trường Đại học Sư phạm họ đòi học sinh về trường để họ tự dạy. Còn bồi dưỡng học sinh giỏi đi thi Văn hoá thể thao các trường DTNT toàn quốc các năm 1993, 1994, 1995 nhiều môn phải mời các thầy ở Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Thái vào trực tiếp giảng.
Để khắc phục những khó khăn trên, đồng chí Hiệu trưởng đã được Đảng uỷ chấp nhận, thực hiện một loạt các biện pháp nhằm bồi dưỡng giáo viên có đủ phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng và chuyên môn nghiệp vụ.
a- Để nâng cao nhận thức về nhiệm vụ người giáo viên trường Dân tộc nội trú, đồng chí Hiệu trưởng đã nghiên cứu đề ra 2 quan điểm, 3 phương châm và 12 giải pháp nâng cao chất lượng dạy và giáo dục học sinh, thấm nhuần những vấn đề đó, mọi giáo viên đã có tinh thần trách nhiệm hơn, đã lao động hết mình vì học sinh các dân tộc thân yêu.
b- Tổ chức cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn bằng cách đưa các đồng chí đi học cao học, chỉ sau 10 năm (1987-1997) đã có trên 30 đồng chí được nhận bằng Thạc sĩ. Từ đó đến nay cán bộ, giáo viên được đi học còn nhiều hơn, đã có 1 đồng chí đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Cùng với việc cử đi học sau và trên Đại học, trường tổ chức cho giáo viên hoà nhập vào phong trào giảng dạy của các trường phổ thông trung học và cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Mỗi năm có 2 lần tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh với cả hai khối phổ thông và cao đẳng, trung học chuyên nghiệp của tỉnh Thái Nguyên. Do vậy số lượng giáo viên dạy giỏi của trường tăng nhanh. Năm 1992 có 1 đồng chí giáo viên giỏi cấp tỉnh là đồng chí Đinh Thị Kim Phương, đến năm 2004 đã có trên 40 đồng chí, đến năm 2011 số lượng giáo viên giỏi cao hơn…
4- Thực hiện quan điểm cho rằng học sinh Dân tộc thiểu số cũng học giỏi không thua kém học sinh người Kinh ở đô thị, thì chuẩn bị đội ngũ giáo viên giỏi là điều cần trước tiên phải làm.
Ngoài việc giáo viên đi học sau Đại học, trường mời các chuyên gia giỏi của Vụ trung học phổ thôngvà Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Thái vào giúp bồi dưỡng học sinh giỏi cấp Quốc gia và học sinh giỏi các kỳ thi Văn hoá thể thao các trường Dân tộc nội trú toàn quốc từ 1993-1995. Thông qua giảng dạy của các chuyên gia đầu ngành của Bộ, giáo viên Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã dự giờ và học tập được rất nhiều kinh nghiệm. Để cập nhật với tình hình đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, trường đã tổ chức bồi dưỡng các vấn đề sau:
Từ 2000 trường đã có 100% giáo viên học tập công nghệ thông tin lấy chứng chỉ C của Khoa công nghệ thông tin thuộc Đại học Thái Nguyên. Hầu hết các đồng chí đã soạn giáo án điện tử và áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy thành thạo.
Từ 1999 có 100% giáo viên học lý thuyết và thực hành về phương pháp giảng dạy tích cực lấy học sinh làm trung tâm, các đồng chí tổ trưởng bộ môn tham gia dạy mẫu, sau đó hội thảo rút kinh nghiệm, đến nay hầu hết giáo viên đã sử dụng tốt phương pháp giảng dạy mới này.
- Từ 1993 nhà trường đã có ngân hàng đề thi để tổ chức thi học kỳ cho toàn bộ các bộ môn và tổ chức chấm chéo, cắt phách như thi tốt nghiệp. Mục đích để ngăn chặn tiêu cực trong việc chấm và tự ra đề của giáo viên, do đó giáo viên dạy trung thực hơn, học sinh học tích cực hơn và chống gian lận trong kiểm tra, thi cử.
- Cùng với tự bồi dưỡng, trường còn tổ chức cho cán bộ phòng Đào tạo, các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên giỏi đi tham quan, dự giờ, học tập kinh nghiệm dạy tốt, học tốt của hai trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và trung học phổ thông Trần Hưng Đạo ở thành phố Nam Định. Qua đó trường đã học tập được rất nhiều kinh nghiệm dạy học của trường bạn.
Suốt thời gian gần 8 năm chuẩn bị (1987-1995) đội ngũ, khả năng của các thầy cô giáo đã đủ sức dạy tốt hệ trung học phổ thông và hệ dự bị Đại học dân tộc, đồng thời có khả năng bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia.
Năm học 1994-1995 tham gia thi HSG cấp tỉnh không được giải, song niềm tin của giáo viên rất cao vào khả năng của mình. Năm học 1995-1996 trường xin Bộ được tự tổ chứcđoàn thí sinh thi HSG Quốc gia, còn thi HSG cấp tỉnh vẫn chung với tỉnh Bắc Thái… Từ đó số học sinh giỏi đoạt giải cấp Quốc gia và cấp tỉnh cứ năm sau cao hơn năm trước.
Năm học 1995-1996: có 1 em đạt giải HSG Quốc gia
Năm học 1996-1997: có 12 em đạt giải HSG Quốc gia
Năm học 2002-2003: có 25 em đạt giải HSG Quốc gia
Năm học 2003-2004: có 23 em đạt giải HSG Quốc gia
Sau này Nhà nước bỏ bảng B, thi chung bảng A, trường vẫn có từ 6 đến 12 em đoạt giải Quốc gia, hàng trăm giải HSG cấp tỉnh mỗi năm và 100% học sinh đi thi HSG các trường DTNT từ 1993 – 2007 đều đoạt giải cao.
Từ phong trào rèn luyện HSG, đã lôi kéo toàn thể học sinh học tốt. Hơn 20 năm qua. học sinh của trường thi đỗ vào Đại học hầu như năm sau cao hơn năm trước.
- Năm 1986-1987 đạt 1%
- Năm 1989-1990 đạt 11%
- Năm 1994-1995 đạt 30,5%
- Năm 2000-2001 đạt 36,9%
- Năm 2003-2004 đạt 36,5%
- Năm 2010-2011 đạt trên 60%
Cộng với học sinh được vào Dự bị Đại học dân tộc và cử tuyển thì số học sinh vào Đại học đạt từ 80-95% trong suốt thời kỳ từ năm học 1994-1995 đến nay.
5- Phải xây dựng lòng tin với Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc.
Trong suốt quá trình đi lên của Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc, không khỏi có lúc thăng trầm, song lúc nào cũng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước:
Ngay từ những năm đầu, Bác Hồ kính yêu về thăm trường 3 lần vào các năm 1960, 1962 và 1964. Lời dạy của Bác cho đến nay vẫn là kim chỉ nam cho hệ thống các Trường phổ thông Dân tộc nội trú làm theo để tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho các Dân tộc thiểu số.
Bước vào đổi nhà trường, từ những ngày khó khăn nhất các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã về thăm và chỉ đạo nhà trường thi đua dạy tốt, học tốt. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm ngày 10/10/1989, cố phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước về thăm ngày 30/ 9/1989; Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm ngày 19/12/1991, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp đoàn ngày 10/10/1999; Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình về thăm ngày 23/7/1993; cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp thầy và trò ngày 7/5/1997, Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm trường ngày 26/3/2001. Cũng trong thời gian từ 1987 đến 2004 có trên 20 Bộ, Thứ trưởng, 23 Bí thư, Chủ tịch và Phó chủ tịch các tỉnh về thăm trường. Trên 50 đoàn các Trường phổ thông Dân tộc nội trú toàn quốc về thăm trường.
Cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trường còn được đón tiếp nhiều đoàn Quốc tế đến thăm và trao đổi với trường về kinh nghiệm đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số cho đất nước họ. Năm 1993 đoàn đại biểu Hoa Kỳ đến thăm; Ngày 1/9/1994 đoàn đại biểu của Đảng nhân dân cách mạng Lào đến thăm; Ngày 20/3/1998 ngài JunMatsumitô phó Hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp Tôkiô thăm trường.
Từ năm 1995 đến 1997 có 3 đoàn cán bộ giáo dục, gồm cán bộ cấp sở và Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú của nước Cộng hòa nhân dân Lào đến học tập kinh nghiệm từ 1 đến 3 tháng tại trường. Năm 1997 trên 40 Hiệu trưởng của các trường phổ thông ở miền Tây nước cộng hoà Úc về thăm và trao đổi kinh nghiệm. Từ 1998-2004 còn nhiều đoàn của Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh đến thăm và trao đổi kinh nghiệm. Đó là niềm tự hào của thầy trò Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường.
6- Đổi mới về phương pháp giáo dục lý tưởng đạo đức cho học sinh.
Ngoài việc giáo dục học sinh qua các bộ môn học trên lớp, giáo dục qua hoạt động đoàn và giáo dục nêu điển hình tiên tiến, giáo dục cá biệt mà trường thường xuyên quan tâm, Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc còn tổ chức giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng qua thăm quan các di tích lịch sử.
Hàng năm tất cả học sinh đều được:
- Khối 10: Tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử ở Thái Nguyên.
- Khối 11: Tham quan Bảo tàng Quân đội, Quốc Tử Giám và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Khối 12: Đi du lịch và thăm quan Vịnh Hạ Long hoặc Sầm Sơn Thanh Hoá, thăm di tích lịch sử ở Thanh Hoá và khu di tích Làng Sen quê hương Bác Hồ.
Từ năm 1995 trường nhận phụng dưỡng suốt đời mẹ Việt anh hùng Lô Thị Muồn ở vùng cao xa xôi huyện Định Hoá Thái Nguyên. Các em tự nguyện góp tiền cùng các thày cô giáo, cán bộ, công nhân viên để phụng dưỡng mẹ Muồn chu đáo. Mỗi năm 1 lần lên giao lưu văn hoá với địa phương, biểu diễn văn nghệ cho mẹ được xem. Trường còn tổ chức cho học sinh về thăm ATK chiến khu cách mạng Định Hoá, Võ Nhai và giao lưu văn nghệ nhiều lần với các địa phương. Qua đó giáo dục lòng biết ơn Đảng, ơn Bác, ơn các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì cuộc sống hôm nay của tất cả các dân tộc.
7- Đổi mới về nuôi dưỡng và bảo vệ cuộc sống bình an cho học sinh trong (Ký túc xá).
Nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo điều kiện cho học sinh khoẻ mạnh, không ốm đau, giúp các em học tốt hơn.
Tạo mọi điều kiện để nâng khẩu phần ăn, từ năm 1986-1987 phấn đấu bỏ cơm độn, đủ gạo cho các em ăn no, trường phải đi Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn mua thêm lương thực về để tăng khẩu phần ăn cho học sinh. Sau khi bỏ tem phiếu, học bổng không đủ ăn, trường tổ chức chăn lợn, gà để bổ xung vào bữa ăn, hàng trăm con lợn, hàng nghìn con gà có trong chuồng, trường đã tăng dần khẩu phần thịt, từ mỗi tuần một bữa thịt (1987) đến mỗi tuần 2 bữa (1988) và mỗi ngày một bữa thịt (1989). Đến năm 1990 thì các em được ăn thịt thường xuyên, từ năm 1991 trường bỏ chế độ ăn 6 người/ 1 mâm, mà chia riêng cho từng em, từ năm 1993 đến nay các em được ăn thịt, cá ngon, không ăn thịt loại 3, học sinh ốm được chăm sóc và ăn tiêu chuẩn đặc biệt, có bồi dưỡng. Các em đi viện có y tế, giáo viên chủ nhiệm và bạn bè thay nhau đi chăm sóc nuôi dưỡng.
Hàng ngày Ban Quản lý học sinh và đội bảo vệ giữ trật tự trị an, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong trường. Đây là nhiệm vụ quan trọng không kém gì các thày cô lên lớp, vì chỉ có giữ được trật tự, an toàn cho học sinh thì mới có điều kiện tự học tốt.
8- Chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên nhằm giúp họ an cư lạc nghiệp.
Trong lúc khó khăn nhất, ngay từ các năm 1987-1990 trường đã xây dựng 30 phòng ở tập thể cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên.
Năm 1991, trường đề nghị UBND tỉnh Bắc Thái quy hoạch khu dân cư cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc, gần 80 gia đình được chia đất, đến nay đã thành làng cán bộ Vùng cao gồm gần 100 ngôi nhà cao tầng, mọi nhà có đủ các tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Đến năm 2008, trường đã đề nghị UBND tỉnh phân đất ở khu tái định cư cho gần 30 gia đình. Rất nhiều gia đình đã xây nhà to đẹp, ngay từ năm học 1995-1996 lại đây hàng tháng cán bộ, giáo viên, công nhân viên còn được nhận tiền ăn trưa bổ xung thêm vào lương bằng vốn tự có của nhà trường. Hầu hết các gia đình có đất xây thêm nhà trọ cho sinh viên thuê, thu nhập của họ được nâng lên rất cao, cuộc sống của cán bộ, giáo viên, công nhân viên rất ổn định.
9- Đổi mối cơ sở vật chất nhà trường nhằm tạo môi trường giáo dục hiện đại.
Được sự quan tâm của Bộ Giáo dục trước đây và Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày nay, trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc từng bước xây dựng hiện đại.
Trước năm 1987, trường đã xây dựng 1 nhà học 3 tầng gồm 12 phòng và 3 nhà kí túc xá 2 tầng, còn lại là nhà tranh tre. Từ năm 1987 đến năm 2000 trường xây thêm nhà giảng đường 2 tầng gồm 10 phòng, Nhà Đa năng nhà hiệu bộ 3 tầng, làm đường và xây một số nhà cấp III 1 tầng, cổng trường, nhà truyền thống, y xá, nhà ăn cấp IV ...
Từ năm 2000 – 2005, trường xây dựng thêm 2 nhà kí túc xá 4 tầng khép kín, sửa và nâng cấp 3 nhà kí túc xá 2 tầng thành nhà 3 tầng và khép kín, xây thêm nhà đa năng, nhà khách 2 tầng, nhà học cho khối dự bị, nhà thí nghiệm và thư viện 2 tầng…
Từ năm 2005-2011, xây nhà ăn tập thể 2 tầng, 2 nhà giảng đường 4 tầng, nâng cấp và mở rộng nhà thí nghiệm, nâng nhà y xá lên 2 tầng, xây mới nhà thư viện, nâng cấp nhà ăn cũ lên 2 tầng thành phòng học lớn, thay nhà truyền thống cấp 4 thành nhà sàn gỗ và cải tạo một số công trình nhỏ khác.
Cho tới nay đã đủ chỗ học, song kí túc xá và sân chơi thể dục thể thao và khu vực tăng gia sản xuất còn thiếu nghiêm trọng. Thời kỳ 2010 – 2015, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp đỡ trường tiếp tục nâng cấp và xây thêm một số công trình để đáp ứng mở rộng quy mô nhà trường như hiện nay.
III- Những phần thưởng cao quí.
Do sự cố gắng của cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường trong suốt 55 năm, đặc biệt là 25 năm đổi mới. Nhà nước và chính quyền các cấp đã đánh giá cao thành quả nhà trường đã đào tạo có chất lượng và hiệu quả trên 15000 cán bộ cho các dân tộc thiểu số của 21 tỉnh miền núi phía Bắc.
Năm 1987 Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba
Năm 1993 Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Hai
Năm 1997 Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 2002 Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Năm 2010 Chính phủ tặng cờ thi đua và nhiều cờ thưởng của UBND tỉnh Bắc thái, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ tặng cho nhà trường.
Chủ tịch nước cũng tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho đồng chí Nguyễn Văn Đào năm 1994 và danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2002; tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho đồng chí Đinh Thị Kim Phương năm 2008.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Bắc Thái đã công nhận và tặng hàng trăm Bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong 25 năm qua. Đặc biệt trường được Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng 14000 USD và 2 giàn vi tính trị giá hành chục triệu đồng.
IV- Những bài học 55 năm qua, đặc biệt là 25 năm đổi mới.
Trải qua 55 năm, nhất là 25 năm đổi mới, nhà trường đã có những bước trưởng thành vượt bậc, đã xây dựng nên truyền thống hết sức vẻ vang, đó là:
1- Truyền thống thương yêu, chăm sóc, dạy dỗ học sinh với tất cả tấm lòng thương yêu học sinh, thực hiện xuất sắc lờì dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người về thăm trường.
2- Truyền thống tự lực, tự cường, năng động sáng tạo vượt mọi khó khăn để duy trì sự tồn tại và phát triển của nhà trường.
3- Truyền thống đoàn kết đấu tranh vượt mọi trở ngại để xây dựng nhà trường trở thành cánh chim đầu đàn của hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú cả nước như Chủ tịch nước Trần Đức Lương ghi trong sổ vàng truyền thống ngày 26/3/2001.
Từ những hoạt động thực tiễn của nhà trường đã để lại những bài học quí báu:
1- Bám chắc chủ trương, đường lối chính sách giáo dục của Đảng ở miền núi, vùng dân tộc, trên cơ sở đó xác định đúng mục tiêu đào tạo, xây dựng nhiệm vụ chính trị nhà trường phù hợp từng giai đoạn phát triển của đất nước, thực hiện tốt nguyên lý phương châm giáo dục của Đảng.
2- Chủ động đề ra những phương hướng, phương châm và giải pháp để nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo.
3- Bằng sự nỗ lực của nhà trường, trạnh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, không ngừng mở rộng ảnh hưởng của nhà trường đến đồng bào các dân tộc, đến các trường phổ thông dân tộc nội trú của cả nước và đến bạn bè ngoài nước.
4- Chủ động nghiên cứu đặc điểm tâm lý của học sinh các dân tộc, vận dụng thành quả đó vào giảng dạy, quản lý và giáo dục học sinh, đề ra những quy định dưới luật nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
5- Đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, tập trung, toàn diện của Đảng bộ và Hiệu trưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý vững vàng về nghiệp vụ, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh quyền lợi cá nhân cho tập thể. Xây dựng tập thể giáo dục biết lao động hết mình vì con em các dân tộc thân yêu.
Phát huy truyền thống vẻ vang của 55 năm xây dựng và phát triển nhà trường và đặc biệt kinh nghiệm của 25 đổi mới, trong tương lai, nhà trường với nhiệm vụ chính trị mới sẽ giành được những thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp giáo dục của Đảng, giữ vững truyền thống vẻ vang của nhà trường.