TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÙNG CAO VIỆT BẮC, THÁI NGUYÊN THAM DỰ HỘI THẢO TRỰC TUYẾN “ỨNG PHÓ VỚI DỊCH BỆNH COVID-19 TRONG TÌNH HÌNH MỚI CỦA CÁC TRƯỜNG THPT, ĐẠI HỌC” DO HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TỔ CHỨC
Sáng ngày 12/3/2022, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến “Ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới của các trường THPT, đại học”. Tham dự Hội thảo có đại diện các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, giáo dục, lãnh đạo, giáo viên của gần 600 trường trung học phổ thông trên cả nước. Tại điểm cầu Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Thái Nguyên có sự tham dự của cô Trần Thị Thanh Huệ - Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, dịch bệnh COVID-19 với nhiều diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, đã có những ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống, sức khỏe và tính mạng người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo
Theo GS.TS. Nguyễn Thị Lan, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện thay đổi chiến lược ứng phó với dịch bệnh COVID-19 từ gắng sức dập dịch dứt điểm chuyển sang chung sống an toàn với dịch bệnh, Việt Nam cũng trong xu hướng đó. Trước tình hình đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến “Ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới của các trường THPT, đại học” nhằm đưa ra những quan niệm mới về dịch bệnh COVID-19 và thích ứng mới trong giai đoạn hiện nay, các giải pháp an toàn trường học để đối phó với dịch bệnh COVID-19.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan mong rằng, Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, đại biểu tham dự để tìm ra những giải pháp ứng phó phù hợp với bối cảnh của dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, để thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn trường học; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra những phân tích, đánh giá bối cảnh hiện nay của dịch bệnh COVID-19. Các phân tích tập trung vào tác động và ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh COVID-19 trong lĩnh vực giáo dục cũng như công tác ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế đã chia sẻ: người dân nói chung và thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên nói riêng không nên có tư tưởng sẽ trở thành F0 mà cần chủ động ứng phó với các biện pháp hữu hiệu, tiêu biểu là tiêm chủng và thực hiện tối đa nguyên tắc 5K. Đối với các trưởng THPT cần mạnh dạn cho học sinh đến trường, đồng thời phối hợp giữa gia đình, học sinh với y tế địa phương, nhà trường để kịp thời ứng phó và đẩy lùi dịch bệnh. Trường hợp bị nhiễm lớp nào xử lý lớp đó, không nên lạm dụng đánh giá F1 và thực hiện cách ly ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh sinh viên.
Ban chủ trì và các diễn giả chính trong buổi Hội thảo
Chia sẻ với hội nghị, TS Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, về phía cơ quan quản lý Bộ đã triển khai tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, bảo đảm học sinh dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Các cơ sở giáo dục ứng dụng các công nghệ để dạy học trực tuyến như: dạy học qua facebook, zalo, email, qua các phần mềm ứng dụng hoặc hỗ trợ dạy học trực tuyến để hướng dẫn, giao bài tập đảm bảo linh hoạt, hiệu quả và liền mạch. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên thực hiện nhiệm vụ trọng tâm: Đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh khi tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại.
Về phía đơn vị thực hiện, đại diện Học viên Nông nghiệp, GS.TS. Phạm Văn Cường cũng chia sẻ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy - học online, đảm bảo chất lượng đào tạo, an toàn trường học và sức khỏe cho cán bộ, viên chức, sinh viên. Ngoài ra trong năm học 2020-2021, Học viện không chỉ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong khuôn viên và hỗ trợ sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội, Học viện còn nghiên cứu, chế tạo ra nước sát khuẩn tay dành tặng cho hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và các trường THPT có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đào tạo của Học viện.
Nội dung và chủ đề các bài tham luận chính được chia sẻ tại Hội thảo
Là trường đại học trọng điểm quốc gia, đa ngành, đa lĩnh vực, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều giải pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn của dịch bệnh COVID-19. Cán bộ, viên chức, người lao động và người học của Học viện đã chung tay cùng chính quyền và nhân dân cả nước tích cực thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ cán bộ có trình độ cao, ngày 15 tháng 11 năm 2021, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1525/QĐ/VSDTTƯ về việc cấp giấy chứng nhận năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 cho Phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trong thời gian qua, Học viện đã tổ chức xét nghiệp SARS-CoV-2 cho hàng vạn cán bộ, viên chức, sinh viên, người dân, giáo viên, học sinh các trường THPT. Học viện đã tặng kit xét nghiệm SARS-Cov-2 cho hơn 200 trường THPT trên cả nước, góp phần chung tay cùng các trường THPT ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Trong giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, Học viện đã quyết liệt chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao trong việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT, của Thành phố Hà Nội, xây dựng kịch bản, kế hoạch chi tiết đưa sinh viên quay trở về học trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả với từng bước cụ thể.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3, Phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y của Học viện Nông nghiệp VN.
Ngoài các ý kiến trực tiếp tại hội thảo, buổi hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến chia sẻ khác đến từ phía các đại biểu thông qua các câu hỏi trực tiếp gửi về Ban tổ chức. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, buổi hội thảo thực sự ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay và sự hợp tác giữa các trường THPT và đại học rất cần thiết để thực hiện thành công các biện pháp ứng phó và đẩy lùi đại dịch bệnh SARS-CoV-2 đang diễn ra.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến các diễn giả, các nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu tham dự đã có những ý kiến tham luận, đóng góp vô cùng quý báu cho Hội thảo. Trên cơ sở nhận định, đánh giá bài học được đúc rút, các tham luận và ý kiến phát biểu của đại biểu tham dự Hội thảo là những gợi ý giải pháp rất có ý nghĩa để các trường THPT, đại học tham khảo, vận dụng ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới ở Việt Nam hiện nay.