Với tinh thần tự học, tự nghiên cứu, phát triển năng lực của học sinh; nâng cao chất lượng dạy học, trường PT Vùng Cao Việt Bắc đã triển khai hoạt động NCKH và tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học từ năm học 2012- 2013.
Học sinh Trường PT Vùng cao Việt Bắc tham gia cuộc thi KHKT 2013
Hoạt động NCKH-KT trong học sinh là một hoạt động giáo dục bổ trợ giúp học đi đôi với hành, nhằm rèn luyện tư duy, tác phong làm việc khoa học của học sinh, phát triển năng lực và nhân cách con người, rèn cách nghĩ, cách làm việc khoa học, gắn liền kiến thức trong nhà trường với thực tiễn đời sống, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh nhất là với học sinh là người dân tộc thiểu số. Đồng thời hoạt động hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học sẽ thúc đẩy giáo viên trong nhà trường nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, bồi dưỡng kiến thức để đáp ứng với nhiệm vụ hướng dẫn học sinh NCKH- KT, nâng cao năng lực, kinh nghiệm NCKH –KT của giáo viên, nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu sư phạm ứng dụng, sáng kiến cải tiến, hỗ trợ đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng tăng cường trao đổi, thảo luận về dự án nghiên cứu của học sinh.
Hoạt động NCKH đối với các trường THPT nói chung và các trường Phổ thông dân tộc nội trú nói riêng là một hoạt động mới, vì vậy trong quá trình triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn như : Về nhận thức của học sinh, các bậc phụ huynh và của các thầy cô; về kinh phí thực hiện... Học sinh nhà trường là người dân tộc thiểu số mặc dù đã được trang bị đầy đủ các kiến thức phổ thông xong các em còn thiếu tự tin, ít được tiếp xúc với các phương pháp nghiên cứu khoa học kĩ thuật hiện đại. Với đặc thù của nhà trường các em ở nội trú, sinh hoạt tập thể và học tập tại trường nên khó khăn trong việc tìm hiểu các hoạt động thực tế nghiên cứu khoa học tại các địa phương. Các bậc phụ huynh của nhà trường đa số ở vùng sâu, vùng xa, nên không có điều kiện để hỗ trợ và giúp đỡ các em trong các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Khi có công văn hướng dẫn tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2012-2013, Ban giám hiệu nhà trường đã nhận thức về tầm quan trọng của cuộc thi nên đã quyết tâm đưa hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh thành một nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Ban giám hiệu đã giao cho Hội đồng khoa học của nhà trường xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo cấp trường triển khai đồng bộ tới các phòng chức năng, các tổ, nhóm chuyên môn và Đoàn thanh niên nhà trường.
Màn chào hỏi của Đoàn học sinh trường PT VCVB tham dự Cuộc thi KHKT năm 2013
Nhà trường đã cử mỗi bộ môn một giáo viên có kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng tham gia các chương trình tập huấn của Bộ giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật. Tổ chức tuyên truyền cho toàn thể giáo viên và học sinh trong toàn trường về mục đích, ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông. Tổ chức tập huấn chi tiết tới tất cả các tổ chuyên môn và tập huấn cho các chi đoàn học sinh về hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật. Đoàn thanh niên nhà trường tổ chức cho các chi đoàn thi “Ý tưởng sáng tạo”.
Từ những ý tưởng của các nhóm học sinh, các thầy cô trong hội đồng khoa học nhà trường đã có những y kiến phản biện và đi tới thống nhất, những ý tưởng hay, sáng tạo và có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn cuộc sống được chọn lựa vào vòng hai, có phân công giáo viên hướng dẫn để tìm hiểu về hướng triển khai nghiên cứu đề tài. Các đề tài vào vòng hai tiếp tục được thầy cô hướng dẫn và học trò tham gia nghiên cứu báo cáo và trình bày, bảo vệ trước hội đồng khoa học nhà trường để chọn lấy những đề tài xuất sắc nhất dự thi NCKH-KT cấp quốc gia.
Các em học sinh tham gia NCKH - KT được tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm. Các thầy cô giáo được lựa chọn hướng dẫn là những thầy cô có năng lực về chuyên môn, có tâm huyết trong hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật, tận tâm với học sinh và luôn có tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy.
Ban giám hiệu nhà trường cử cán bộ liên hệ với Sở khoa học công nghệ tỉnh Thái Nguyên, với trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Khoa học... các phòng thí nghiệm trong tỉnh để các em học sinh có thể nhận được sự giúp đỡ của các sở ban ngành khi thực hiện các thí nghiệm cần tới các trang thiết bị mà trong phạm vi nhà trường không thể đáp ứng được.
Với cách làm như vậy ngay trong năm học 2012- 2013 nhà trường đã chọn được 2 đề tài từ 47 ý tưởng sáng tạo. Đoàn học sinh trường PT Vùng cao Việt Bắc tham dự cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp quốc gia năm 2013 với 02 đề tài thuộc lĩnh vực Hóa - Sinh: “Sử dụng dịch chiết cây Cẩm làm chất chỉ thị nhận biết dung dịch axit và tạo phẩm mầu thực phẩm” và lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi với đề tài “Khai thác giá trị cây ngô trồng trên hốc đá ở cao nguyên Đồng Văn- Hà Giang cho phát triển du lịch”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển và Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chung vui cùng cô trò trường PT Vùng cao Việt Bắc tại Cuộc thi.
Cả hai đề tài tham dự đều đạt giải ba vòng lĩnh vực. Các học sinh tham gia hai dự án gồm: Vương Quốc Dự, Lương Trung Hiếu, Ban Thị Hương Lan, Ngô Quang Huy, Trần Diệu Linh, Lưu Thị Hằng đều là học sinh dân tộc thiểu sổ lớp 12.
Năm học 2012- 2013 các em học sinh tham gia dự thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp quốc gia năm 2013 đều thi đỗ thẳng vào các trường đại học. Đây là một thành công bước đầu, tạo động lực cho nhà trường và các em học tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học kĩ thuật những năm tiếp theo.
Năm học 2013- 2014 Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật và chọn hai dự án tham gia thi NCKH-KT cấp quốc gia năm 2014 với lĩnh vực Hóa học và Công nghệ thông tin.
Hoạt động NCKH-KT thực sự đã giúp cho các em học sinh khả năng, hiểu biết mà những năng lực này được hình thành, tích lũy dần qua nghiên cứu, học hỏi. Hoạt động NCKH - KT còn góp phần triển khai thực hiện chủ trương tăng cường thí nghiệm, thực hành, chủ trương dạy học phân hóa theo năng lực học sinh góp phần nâng cao chất lượng, đóng góp cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận cho việc triển khai đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức dạy học.
Tuy là một trường dân tộc nội trú còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng trường PT Vùng Cao Việt Bắc đã quyết tâm vượt lên những khó khăn ấy để góp phần tích cực trong công tác đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà mà đặc biệt là giáo dục dân tộc.
Để hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường dân tộc nội trú đạt hiệu quả, Ban giám hiệu nhà trường cần phải có những chỉ đạo quyết liệt tới từng phòng chức năng, quan tâm tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên và học sinh có thể thực hiện thành công dự án nghiên cứu mà mình đã lựa chọn. Với những ý tưởng sáng tạo của học sinh cần lựa chọn giáo viên hướng dẫn là những thầy cô tâm huyết với nghề, với nghiên cứu khoa học để có thể truyền cảm hứng sáng tạo tới học trò.