XÂY DỰNG TẬP THỂ PHÒNG Ở VĂN HÓA TRONG KÍ TÚC XÁ
Vương Thị Vân Anh
Nhiệm vụ của người giáo viên ở một ngôi trường nội trú có nhiều nét riêng: Không chỉ truyền dạy tri thức cho học sinh trên lớp mà còn dạy dỗ, bảo ban các em trong sinh hoạt hàng ngày, ở môi trường KTX. Giáo dục, dạy dỗ các em phát triển toàn diện về trí, đức, thể ,mĩ. Điều đó chỉ có được khi các em biết sống có ý thức ngay từ những sinh hoạt rất nhỏ nhặt hàng ngày.
Kí túc xá là mái ấm thân thương của học sinh nội trú khi các em trở về sau mỗi buổi học tập, ở nơi đây các em được sống trong tình yêu thương bạn bè, được sẻ chia, bao nhiêu bè bạn trong phòng là bấy nhiêu tính cách với những thói quen và sở thích khác nhau. Làm thế nào để ngay từ những ngày đầu tiên các em sớm hòa nhập với cuộc sống tập thể, tránh được những va chạm là điều đầu tiên người giáo viên làm công tác chủ nhiệm quan tâm. Bởi vậy, việc thắt chặt tình thân ái, đoàn kết trong phòng ở là điều người giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm trước hết, chính sự đoàn kết của các em tạo nên sức mạnh động viên, khích lệ tinh thần học tập, tương thân tương ái, giúp cho tinh thần của các em luôn thoải mái, biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Phòng văn hóa trong kí túc xá không chỉ đơn thuần là đạt điểm cao về vệ sinh phòng ở mà quan trọng hơn nữa chính là văn hóa về hành động, lời nói, tình đoàn kết và cả về sự phấn đấu trong học tập của học trò.
Nét văn minh, lịch sự của học sinh trong KTX cần được thường xuyên giữ gìn ở mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ. Với ý nghĩa đó người GVCN cần phối hợp chặt với các thầy cô trong quản lí học sinh hướng dẫn các em về nội quy kí túc xá, về việc sử dụng tài sản chung và riêng trong phòng. Sau đó thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, các buổi kiểm tra phòng ở, rồi thông qua thông tin từ học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ uốn nắn, nhắc nhở các em những việc cần làm, tuyên dương những hành động đẹp, nhắc nhở, phê bình những hành động chưa đúng, chưa phù hợp trong sinh hoạt tập thể. Việc lựa chọn một em học sinh làm trưởng phòng sẽ giúp giáo viên chủ nhiệm rất nhiều trong quản lí phòng ở KTX. Giáo viên chủ nhiệm sẽ thu thập thông tin từ trưởng phòng và cả từ các em học sinh khác trong phòng ở đó để có những biện pháp hợp lí.
Với những phòng ở ghép, việc quản lí, bảo ban các em rất cần chú ý.GVCN cần phối hợp chặt chẽ với GVCN lớp có học sinh ở ghép để giúp đỡ các em trong việc hình thành các kĩ năng sống: kĩ năng quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của bạn trong phòng ở; kĩ năng chia sẻ với bạn trong cuộc sống tập thể; hình thành tình cảm yêu mến thầy cô, bạn bè; hình thành kĩ năng giao tiếp; hình thành kĩ năng tiết kiệm thời gian: đúng giờ, đúng hẹn, có kế hoạch, có tổ chức; kĩ năng thể hiện sự tự tin vào khả năng của mình, tin vào những điều tốt đẹp; kĩ năng thể hiện vị trí của mình trong phòng ở; hiểu biết về thế giới xung quanh; hình thành các khái niệm trung thực, công bằng, bình đẳng; giữ gìn vệ sinh môi trường, sống tiết kiệm...
Và những kĩ năng này không phải ép buộc các em học ngay một lúc và cũng không phải học theo cách liệt kê mà thông qua các bài học, môn học, hoạt động tập thể, sinh hoạt để các em tự hình thành một cách tự nhiên. Khi các em có được những kĩ năng đó, tự các em sẽ xây dựng được mối đoàn kết trong phòng ở, tự các em sẽ gắn bó với nhau như một gia đình. Phòng ở lúc này thật sự trở thành ngôi nhà thứ hai, ngoài giờ lên lớp các em sẽ cảm thấy phấn chấn, thư giãn khi được về ngôi nhà của mình từ đó tạo nên động lực để các em phấn đấu trong học tập.
Để kích thích sự thi đua giữa các phòng, GVCN cần tuyên dương, khen thưởng kịp thời những phòng ở thực hiện tốt nền nếp KTX và Nhà trường, có thể tuyên dương theo hàng tuần, tháng, đợt thi đua, bên cạnh đó có biện pháp nhắc nhở những học sinh, phòng chưa thực hiện tốt.
Ngoài ra, GVCN cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các bộ phận giáo dục khác trong trường như: đoàn thanh niên, bảo vệ, trạm xá, nhà ăn ...để định hướng, uốn nắn các em trong mọi hoạt động.
Với khẩu hiệu: “KTX là nhà, Thầy cô là cha mẹ, Bạn bè là anh em”, KTX trường PT Vùng Cao Việt Bắc đã, đang và sẽ mãi mãi là ngôi nhà chung ấm áp của các thế hệ học sinh. Xây dựng một môi trường lí tưởng để học trò phát triển lành mạnh từ thể chất đến tâm hồn không chỉ là trách nhiệm của riêng ai.