12B - K24 HẸN NHAU VỀ VỚI THANH XUÂN
Cô Trần Kim Thuỷ - Cựu Hs lớp 12B - K24
Suốt cả chục ngày nay, nhóm zalo của lớp BK24 của chúng tôi rất sôi nổi. Một phần hỏi han về nhau, tìm kiếm nhau; một phần ôn kỉ niệm 3 năm học tại trường PT Vùng cao Việt Bắc thân yêu; phần nữa hẹn hò nhau có mặt ngày 4/11 tới đây.
Bản thân tôi, kí ức 3 năm học tại trường cuồn cuộn tràn về. Học tập, phấn đấu, lao động, tình thầy trò, tình bạn, tình cảm man mác đầu đời của 1 thiếu nữ mới lớn... đều gắn với ngôi trường mang tên Vùng cao Việt Bắc.
Năm 1980, chúng tôi từ nhiều địa phương hội tụ trong ngôi nhà chung lớp 8B, 9B, 12B. Các lớp K24 mang 1 dấu ấn sâu sắc của giáo dục Việt Nam. Dấu ấn đó là hoàn thành quá trình thống nhất về giáo dục, trong sự thống nhất về văn hóa nói chung, tiếp nối quá trình thống nhất đất nước về mặt Nhà nước và kinh tế.
Dấu ấn đó là Nhà trường công bố quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cách gọi: Không gọi cấp 3 mà gọi THPT, không gọi lớp 8,9,10 mà gọi là lớp 10,11,12. Thế là học bạ của học sinh K24 ghi lớp 8, 11, 12.
Tôi không bao giờ quên những tiết thầy cô dạy học, những buổi chiều buổi tối tự học tập trung. Cô Mùi chủ nhiệm lớp còn trẻ, hiền hậu như một người chị cả bên các em. Các bạn lớp C vẫn hay tỵ với lớp B có cô chủ nhiệm tuyệt vời. Cô Mùi dạy Nga văn, những lúc trò quên từ, cô làm động tác để trò bật ra từ ngữ.
Cô Hiền người Hà Nội dạy môn toán, lớp 12 cô làm chủ nhiệm. Cô nói giọng Hà Nội chuẩn, người thanh mảnh. Cô mặc đơn giản nhưng rất đẹp, tóc xõa ngang vai. Ngồi học nhưng cả lớp vẫn tranh thủ ngắm cô giảng. Cô Hiền hát rất hay và là ca sĩ trong tốp ca khúc chính trị của Trường khi đó. Tôi nhớ hội diễn văn nghệ năm lớp 12, cô đơn ca bài hát có đoạn ca từ "Em sẽ lớn lên như tôi đã từng khôn lớn", ánh đèn sân khấu, gió thổi tóc cô bay bay, bài hát vang xa và chúng tôi cũng tung cánh bay xa tới tận 40 năm, năm nay mới có dịp trở lại mái trường xưa.
Dạy thể dục của lớp là thầy Khương. Thầy rất trẻ, cực kì đẹp trai, hát rất hay. Mỗi lần đội văn nghệ học sinh chúng tôi tập, thầy Khương và thầy Thạch đều vất vả hướng dẫn. Hồi xưa, tiết học xà, nữ tập xà lệch. Ngắm thầy hướng dẫn mà vô cùng khâm phục.
Thầy Sinh dạy môn Lý và thầy Sơn dạy môn Hóa là hai thầy đã chiến đấu ở miền Nam về. Khi lên lớp, hai thầy hay mặc quần áo bộ đội. Những giờ có thực hành thì nghiệm và các buổi dạ hội Lý - Hóa, hai thầy như các nhà ảo thuật. Nhờ thế, chúng tôi học Lý, Hóa tốt hơn.
Thầy Cầu dạy Sinh và kĩ thuật nông nghiệp. Vô cùng yêu thích khi thầy luôn dùng các câu tục ngữ để giảng. Tôi nhớ mãi câu hỏi của thầy "Vì sao các cụ dạy xanh nhà hơn già đồng".
Thầy Thành dạy Địa, cô Tâm, thầy Sở dạy Sử, cô Hương dạy Văn để lại trong lòng chúng tôi ấn tượng sâu sắc về những bài giảng hay và sự tận tụy với học trò.
Các giờ học buổi tối, cô chủ nhiệm đều lên lớp. Có 1 số buổi tối, thầy Sơn, thầy Sinh, cô Hiền đều lên lớp để phụ đạo những bài tập khó cho học trò. Tất cả các giờ học đó đều là tình yêu của thầy cô dành cho học sinh thân yêu, không vụ lợi, không chút ngần ngừ.
Trường Vùng cao Việt Bắc thời chúng tôi học mới có 1 khu lớp học 3 tầng. Để có gạch xây dựng, mỗi tuần chúng tôi có 1 buổi lao động đóng gạch. Cả lớp giẫm đất, đóng, phơi, cất. Nhiều công trình nhà, chuồng trại được xây dựng từ những viên gạch chúng tôi đóng. Mỗi chiều học xong, cả lớp lại chăm sóc vườn rau tăng gia, thu hái cân cho nhà bếp. Chúng tôi vốn con em nhân dân lao động nên không nề hà việc gì. Thỉnh thoảng các cô bác ở Nhà trẻ và bếp ăn bận họp, chúng tôi lại được phân công giữ trẻ và nấu cơm. Những chiếc chảo gang khổng lồ, đảo gạo bằng xẻng, đun lò là than cám trộn đất nhào cho vào. Những hôm chúng tôi lao động nấu ấy, cơm trên sống dưới khê là bình thường.
Nhớ năm học lớp 9, cả trường lao động công ích đào ao trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim. Từ sáng sớm chúng tôi bắt đầu làm. Buổi trưa, ô tô tải của Trường chở cơm vào cho chúng tôi. Ăn ngay rìa nghĩa trang, nằm luôn ra vạt đồi guột nghỉ ngơi rồi làm hết chiều. Sau 1 ngày, chiếc ao lớn đã thành hình.
Quá trình học tập, lao động trong thời gian từ năm 1980 đến năm 1983 ấy đã bồi đắp tình cảm gắn bó với Trường, với thầy cô, với bạn bè rất sâu đậm. Trong 3 năm học đó, từ những cô cậu chưa đủ lớn, bỡ ngỡ bước vào trường, khi bước ra đời đã là những chàng trai, cô gái đủ khôn, đủ kiến thức để tung cánh muôn phương.
Chỉ còn ít hôm nữa, ngày hội Trường diễn ra, chúng tôi, những học sinh lớp 12B năm nào sẽ lại quay về mái trường sau 40 năm biền biệt xa cách do học tập, mưu sinh. Háo hức tìm lại thanh xuân năm nào lắm, 8B, 9B, 12B ơi!