CHUYẾN ĐI TRẢI NGHIỆM CỦA HỌC SINH KHỐI 11 - K63 TẠI LĂNG BÁC, VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM, HOÀNG THÀNH THĂNG LONG
Hoàng Phương Diễm - Chi đoàn 11A1
Để giúp học sinh nhận thức, yêu quý, trân trọng và tự hào về cội nguồn dân tộc, những giá trị văn hóa cao đẹp của đất nước, trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã tổ chức một chuyến trải nghiệm học tập đầy ắp tiếng cười và những tri thức bổ ích cho học sinh khối 11 tại ba địa điểm thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam: Lăng Bác, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và cuối cùng là Hoàng Thành Thăng Long.
Địa điểm đầu tiên mà chúng em đặt chân tới đó là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến cổng vào Lăng, sau khi qua dãy hành lang dài, cuối quảng trường Ba Đình lịch sử, lăng Bác hiện ra uy nghi trước mắt, nơi yên nghỉ của vị Cha già kính yêu, một “vầng Thái Dương” của dân tộc Việt Nam.
Ấn tượng đầu tiên với chúng em chính là hình ảnh “Những hàng tre xanh xanh Việt Nam”, những hàng tre xanh ngát và cao vút, mặc cho bao “bão táp mưa sa”, hàng tre ấy “vẫn đứng thẳng hàng” như những người con trung hiếu đứng canh giữ giấc ngủ cho Bác. Lớp chúng em lặng lẽ và thành kính chầm chậm đi qua chỗ Bác nằm. Đến bên Bác, dường như ai cũng muốn thời gian ngừng trôi để ngắm nhìn thật kĩ dáng ngủ yên bình, chòm râu dài, mái tóc bạc phơ của Bác, muốn không gian lắng đọng lại để có thể nói hết tình cảm của mình đối với Bác. Người nằm đó như đang ngủ, ngủ một giấc ngủ yên bình, thanh thản… Phút giây ấy sao mà thiêng liêng đến lạ!
Rời lăng Bác, chúng em tiếp tục vào thăm “cõi Bác xưa”. Đó là nhà sàn đơn sơ nhưng chan chứa hơi ấm của Người. Ở mỗi nơi ấy đều lưu lại rất nhiều những kỉ niệm về tình cảm của Bác đối với nhân dân và các cháu thiếu nhi. Khó mà thấy được một vị lãnh tụ như Người, tại sao lại có thể sống giản dị đến vậy. Đây đôi dép cao su mòn đế, kia tấm áo ka-ki đã sờn vai. Ai ai cũng ghi lại rất nhiều ấn tượng trong thâm tâm về hình ảnh một con người giản dị, kính mến.
Tiếp theo chúng em đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh, nằm trong quần thể di tích về Bác Hồ. Bước chân vào trong Bảo tàng, cảm giác chúng em cảm thấy đó là sự tôn nghiêm và trang trọng. Những hiện vật được trưng bày lần lượt theo từng giai đoạn cuộc đời và từ chặng đường lịch sử trong sự nghiệp hoạt đọng cách mạng của Bác. Em và các bạn được xem những văn bản hoà quyện giữa chính trị và văn chương do Bác viết như: "Tuyên ngôn Độc lập", tuyệt phẩm "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Chúng em được biết đây là những văn kiện lịch sử hết sức quan trọng. Sau khi tham quan Bảo tàng, tận mắt nhìn tranh ảnh hiện vật, chúng em càng thêm tin yêu, kính phục con người, đạo đức, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chuyến tham quan ở lăng Bác tuy ngắn ngủi nhưng đã giúp cho các đoàn viên thanh niên chúng em hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc.
Rời khỏi khu quần thể di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh thiêng liêng, chúng em tới điểm tham quan thứ hai, đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám. Dưới bầu trời nắng nhẹ, cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám hiện lên thật đẹp, thật trang nghiêm dù có bạc màu, sờn cũ theo dòng thời gian lịch sử.
Nơi đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ và tôn vinh những học giả tài trí của dân tộc, giữ vai trò thờ tự và giáo dục Nho học. Chúng em thăm Văn Miếu vào một ngày đầu tuần khung cảnh rất yên tĩnh, không khí dễ chịu. Kiến trúc cổ kính, hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên. Những tiếng chuông đồng ngân nga đâu đây và những bức thư pháp và hàng cây cổ thụ. Bước từng bước chân trên nền gạch lát từ lâu đời, trong lòng chúng em bâng khuâng khó tả. Tuy nơi đây không có rêu xanh bạc màu cổ kính nhưng vẫn toát lên một không khí thiêng liêng khó tả, không khí của những địa danh đã trải qua cả nghìn năm lịch sử. Có lẽ in sâu vào tâm trí học sinh chúng em khi ghé thăm trường Đại học đầu tiên của nước nhà là đức tính coi trọng việc học tập, cảm nhận được rằng sự quan trọng của việc học không chỉ là ở thời đại bây giờ mà còn là từ xa xưa.
Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ mang màu sắc thiêng liêng cổ kính mà còn có màu xanh của cỏ cây rợp trời tạo ra cảm giác tĩnh mịch, thanh nhã. Thật tự hào khi chúng em được thấy 82 tấm bia đá tại Văn Miếu - những tấm bia đề danh tiến sĩ duy nhất trên thế giới có bài ký không chỉ lưu danh những tiến sĩ đã thi đỗ trong các kỳ thi trải dài suốt gần 300 năm, mà còn ghi lại triết lý của các triều đại về vấn đề giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài của từng triều đại. Tiếp theo chúng em tiến vào điện thờ, mùi hương đầu tiên xộc và mũi chúng em ấy là hương khói, dìu dịu, ngọt ngào, trong làn hương mịt mù ấy em nghe được lời cầu ước của mọi người. Cùng các bạn, em tiến lại bàn thờ, kính cẩn chắp tay thành khẩn cầu nguyện. Dừng chân tại nơi đã rèn đúc nhiều nhân tài cho đất nước trong nhiều triều đại, lòng chúng em dậy lên niềm tự hào kính trọng và lòng tự nhủ cố gắng rèn luyện học tập để tiếp nối được truyền thống hiếu học của đất nước.
Điểm đến cuối cùng của chuyến hành trình tham quan chính là khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long. Hiện lên trước mắt là cổng thành cao và vững trãi. Một kiến trúc rất riêng đẹp. Càng đi sâu thì chúng em càng thấy rộng, bên trong có rất nhiều khu trưng bày về các hiện vật và di tích. Nhìn từng bức tường, dạo qua từng hàng đá lát dưới chân chúng em dường như được quay về quá khứ lịch sử hào hùng, trải nghiệm từng cảm giác thăng trầm của năm tháng ấy. Đến với những địa danh mang đậm dấu ấn của thời gian như thế này chúng em luôn có một cảm giác bồi hồi khó tả, tâm trí không ngừng nhớ về những kiến thức lịch sử Đại Việt đã được nghe trên lớp. Đứng trên lầu Đoan Môn nhìn ra xa chúng em như trông thấy cả một đất nước phồn hoa, cường thịnh. Nơi đây đã giúp chúng em hiểu ra rất nhiều điều không chỉ về lịch sử mà còn là về nền văn hóa của nước nhà.
Tạm biệt Thủ đô, tạm biệt Bác, tạm biệt Văn Miếu và Hoàng Thành Thăng Long chúng em quay về tiếp tục công việc học tập của mình. Sau chuyến đi này, chúng em đã tích lũy và trang bị được thêm cho bản thân những kiến thức mới, những bài học ý nghĩa.
Trước đây chúng em chỉ được biết hay tìm hiểu những khu di tích lịch sử qua mạng xã hội thì giờ đây đã được trực tiếp trải nghiệm. Mỗi học sinh chúng em sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn và không bao giờ quên đi lịch sử hào hùng của dân tộc, sự hy sinh của biết bao thế hệ cha anh. Và hơn hết, chúng em nhận ra một bài học vô cùng quan trọng chính là sứ mệnh cũng như trách nhiệm của chính bản thân mình đối với tương lai của đất nước. Chúng em - những học sinh của mái trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc - những chủ nhân tương lai của đất nước nguyện hứa sẽ rèn luyện bản thân không chỉ về học tập mà còn về đạo đức để xây dựng xã hội ngày càng giàu đẹp, văn minh đồng thời là đóng góp sức trẻ của mình vào sự phát triển của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã từng răn dạy:
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân
Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ
Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”