ĐÓN TẾT
Cái khí trời trong veo, ấm áp, mát mẻ đã không còn nữa. Tạm biệt mùa thu, ta lại đón những cơn gió thổi đầu đông, cái cảm giác se se lạnh, rồi cái lạnh đến căm buốt, tê cứng hết cả chân tay, tưởng chừng như có thể đóng băng ngay khi ngồi trong lớp học.
Thu qua, đông về, cái khí đông và tâm trạng náo nức chờ đợi Tết của lũ trẻ con, những tiếng to nhỏ, thì thầm dặn mẹ không được quên mua quần áo mới, mua thật nhiều bánh kẹo và mong được thật nhiều tiền mừng tuổi. Ngày xưa tôi cũng vậy. Tuổi thơ hồn nhiên biết bao. Cái tết Việt luôn được nhiều người kể cả trẻ em và người lớn mong đợi. Dù là gia đình có điều kiện hay không có điều kiện thì trong cái Tết ấy không thể thiếu bánh chưng, bánh dày và cành đào hay cây nêu cũng rất quan trọng. Hôm nay là 27 Tết, cả nhà tôi cũng đang chuẩn bị những thứ cần thiết để đón Tết. Mẹ và hai chị em tôi đảm nhiệm việc gói bánh chưng. Mẹ dậy rất sớm, khi hai chị em tôi dậy thì đã thấy rất nhiều thịt thái hình con chì dài, trộn với gia vị là muối, mì chính, hạt tiêu, gừng để làm nhân bánh. Nhân bánh không chỉ riêng như vậy mà còn cả đỗ xanh. Hai chị em tôi bắt tay vào giúp mẹ, tôi đãi đỗ xanh mà mẹ đã ngâm từ đêm hôm qua, làm sạch hết phần vỏ xanh bên ngoài, chị tôi buộc lá dong, mẹ thì vo gạo nếp, những hạt gạo trắng, mẩy trông thật đẹp mắt, trong khi chờ lá bánh buộc xong thì chị tôi chuẩn bị những thứ cần thiết để gói bánh như lạt, mâm, muôi…
Khi lá bánh đã buộc xong, mẹ vớt ra và rửa thật sạch, sau đó tôi giúp mẹ tước đi cái bụng lá (sống lá cứng ở giữa) để lá mềm và dễ gói.
Mọi thứ đã chuẩn bị xong, ba mẹ con bắt đầu gói bánh, việc gói bánh chưng cũng đơn giản nhưng cần phải có sự khéo léo, trước tiên ta xếp 4 lá dong so le nhau, 2 lá trên, 2 lá dưới, đặt bên trên 3 chiếc lạt, tùy vào mỗi gia đình làm bánh to hay nhỏ mà mức lượng gạo vừa phải đổ lên trên lá, trải đều (chú ý chỉ đổ gạo ở giữa chiều dài của lá, khoảng 3/5), sau đó cho một lớp nhân đỗ, tiếp đến là thịt, rồi lại cho một lớp đỗ, sau đó lại đổ một lớp gạo lên trên lớp nhân sao cho gạo cho kín hết nhân. Công đoạn tiếp theo là gói lại, cầm 2 bên viền lá chạm vào nhau gấp nếp lại sau đó buộc 3 lạt ở giữa bánh, gập 3 cánh ở 1 đầu bánh rồi sau đó dựng bánh lên để gập tiếp đầu còn lại. Sau đó, ta bắt đầu buộc lại lạt từng đoạn chia bánh ra thành từng khúc sao cho bánh cầm chặt tay thì khi chín bánh sẽ ngon hơn. Sau khi gói xong tất cả số bánh, xếp bánh vào nồi, sau đó đổ nước đun thật lâu (từ 8-10h) thì có thể vớt bánh ra. Vậy là ta đã có một nồi bánh chưng thơm ngon (chú ý khi đun phải đun vừa, đều lửa).
Cái Tết dường như ấm cúng hơn khi gia đình ngồi bên nhau để cùng thưởng thức những miếng bánh chưng ngon.