GÓP NHẶT VÙNG CAO…
(Th.s Lý Hồng Chuyên - Giáo viên Sinh học - Cựu học sinh A1 - K40 niên khóa 1997 - 2000)
Mấy ngày hôm nay trên mạng xã hội tràn ngập sắc màu của logo trường PT Vùng Cao Việt Bắc, tự nhiên thấy phấn chấn lạ thường. Nhanh thật cũng đã 15 năm rồi, kể từ cái ngày là một cô bé 15 tuổi sợ sệt bỡ ngỡ bước chân vào trường. Năm đó cũng là năm trường kỉ niệm 40 năm thành lập, mình nhớ trại của lớp mình K40-A1 có tên là Mái ấm Vùng cao. Không nhớ cái tên đó bắt nguồn từ đâu, chắc có lẽ không phải từ những đứa học trò mới chân ướt chân ráo nhập trường, bởi đơn giản lúc đó chúng mình chưa thể hiểu trường Vùng Cao Việt Bắc sẽ là một mái ấm như thế nào, nhưng 3 năm sau đó thì biết Vùng Cao Việt Bắc là một mái ấm thực sự, là một nơi mà tình thày trò, tình bạn được chắp cánh. Là nơi của những kỉ niệm không quên trong cuộc đời mình.
Ở Vùng Cao Việt Bắc mình biết thế nào là những cảm xúc đầu đời của cô bé 15 tuổi, ngưỡng mộ trước một người bạn khác phái thông minh và học giỏi, nhưng cái sự ngưỡng mộ và thứ tình cảm trong sáng đó chỉ dừng lại ở ánh mắt trong suốt thời gian dài, tuyệt nhiên không có một cái nắm tay, và kỉ vật duy nhất của tình cảm học trò đó đến giờ mình còn giữ là 1 khung ảnh bông hoa hồng rất đẹp với lời đề tặng vào ngày 8.3. À! lần đầu mình biết buồn cũng là ở trường Vùng Cao Việt Bắc khi mà ánh mắt ấm áp của cậu bạn học giỏi và thông minh không còn dành cho mình nữa mà lại dành cho một cô bạn gái khác, cũng “mất tập trung” vài ngày, nhưng cảm giác lúc đó rất nhẹ nhàng và buồn man mác mà thôi.
Ở Vùng cao Việt Bắc mình có cả gia đình lớn, có “vợ”, có “chồng”, có “ông”, có “bà”, có cháu, thậm chí là có 1 cô con gái xinh đẹp bằng tuổi mình, xưng hô cứ toán loạn cả lên, để đến khi đi học Đại học mỗi lần gặp nhau lại có chuyện “bà nội dạo này có người yêu chưa?”, “con gái kiếm cho mẹ một anh bồ đi” làm bọn bạn học cùng cứ mắt tròn mắt dẹt không hiểu cái hệ thống họ hàng này là như thế nào.
Ba năm phổ thông, công bằng mà nói mình là một học trò ngoan, hình như rất rất hiếm khi bỏ tập thể dục buổi sáng (nỗi kinh hoàng của học sinh vào mùa đông), tưởng tượng lúc 5h sáng trời lạnh buốt, kẻng leng keng, trên sân trường vang lên ca khúc “ám ảnh”: Trường Vùng Cao Việt Bắc của chúng ta… mở mắt nhưng chưa vội ra khỏi chăn, đợi đến lượt nhạc thứ 2 thì lười biếng và lấy hết can đảm tung chăn ra, mặc áo rét, mắt nhắm, mắt mở lên sân trường tập xong bài thể dục trong tâm trạng nửa tỉnh, nửa thức rồi quay lại phòng… ngủ tiếp.
Lớp mình thời đó là lớp chọn, cánh chim đầu đàn của cả trường nên nghịch theo cách cũng rất “chọn”. Trong ngày, thời gian mong mỏi nhất có lẽ là 5 phút cuối của giờ tự học buổi tối, chẳng ai bảo ai giờ đó tự giác cất hết sách vở, ngồi đếm từng giây từng phút và khi chuông reo thì mặc kệ anh bạn lớp phó học tập đầy nhiệt tình và hăng say đang giảng bài ở trên bảng, cả lớp ùa ra như đàn ong vỡ tổ (sau này đi trực mình cũng thấy vất vả nhất vào thời điểm này). Còn những sự vụ khác thì cũng hoành tráng lắm nhưng chúng nó biết “hư kín” nên mọi phong trào thi đua lớp mình không Nhất thì cũng Nhì.
Thời mình học, cứ sau 11 giờ tối là kí túc xá tắt điện nhưng điều đó không thể ngăn được sự “ham chém gió” của những học trò “nhiều chuyện”. Cô bạn lớp phó đời sống ngoài nhiệm vụ đi phát bánh mì cho mỗi người vào buổi sáng, còn có một trọng trách nữa là hàng tuần ra chợ trung tâm mua nến cho các bạn. Cứ nhìn vào một làn nến mà bạn ấy xách về hàng tuần là đủ biết học trò A1 chịu học và chịu chơi thế nào. Mà hình như nói chuyện dưới ánh nến lại thú vị hơn hay sao ấy, mỗi đứa một cái bàn học quay ra ngoài, trên bàn có một cây nến thôi thì đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, chuyện thằng bạn trai lớp khác, chuyện nhà, chuyện quê, chuyện tắm, chuyện giặt, chuyện của bạn gái chúng mình… lúc nào cũng phải hết ít nhất một cây nến thì đi ngủ.
Nhắc đến Vùng Cao Việt Bắc mà không nói đến chuyện ăn thì là một khiếm khuyết lớn. Không giống như bây giờ, ngày ấy ăn theo mâm 6 hoặc 7 người/ mâm. Điều đấy có nghĩa là bạn phải chờ khi nào đủ người mới được ngồi ăn, bình thường buổi trưa đi học về ăn luôn thì không sao, nhưng nếu vào buổi chiều mà một vài người bạn nào đi ra ngoài mà không về và không có lí do thì những tên còn lại ngồi chờ dài cổ để đến khi không chờ được nữa đành phải ăn trong tâm trạng đầy tội lỗi với bạn (vì sợ nó về không có gì ăn), vì ngày ấy không được mang cơm về phòng. Món ăn truyền thống mà mình nhớ là món canh thịt, tức là thịt được nấu thêm nước và có 1 màu rất đặc trưng, mình đoán là màu… kẹo đắng. Đến giờ mình có thể khẳng định là đó là món ăn duy nhất chỉ có ở trường Vùng Cao Việt Bắc và bạn sẽ không bao giờ tìm lại được nó trong bất kì hệ thống nhà hàng nào trên toàn thế giới. Sau một thời gian dài thưởng thức món đó, những đứa học trò có kinh nghiệm đều biết là thịt nạc sẽ chìm xuống đáy, nên khi ăn đứa nào cũng đưa đôi đũa của mình vào bát canh trước tiên để được những miếng ngon nhất. Món thứ hai “made in” Vùng Cao Việt Bắc là rau muống luộc, nhưng cũng là loại rau muống độc nhất vô nhị trên thế giới. Bởi vì học sinh Vùng Cao Việt Bắc rất chăm chỉ lao động nên vườn rau của trường lúc nào cũng xanh tốt, rau muống trường, nói không ngoa một chút nào phải to bằng dây khoai lang, và mình đặc biệt thích nước canh rau muống với lá sấu, giờ đi xa thì nhớ cái vị nó da diết…
Nói chuyện ăn lại nhớ có lần lớp mình trực tuần, rửa bát, chẳng hiểu thế nào mà chúng mình tìm được một bọc chả nấu chín được giấu ở nhà ăn. Nghi ngờ đầu tiên thuộc về lũ con trai nghịch ngợm, cả bọn bàn mưu là mang đồ lên tố cáo với thầy cô, nhưng một lúc sau cơn đói đến, cái ý nghĩ đầy tính xây dựng đó tan biến, bọc chả bị “thủ tiêu” hết và coi như chưa hề có chuyện gì xảy ra, một bữa no...
Nếu ai đó hỏi mình về nơi nào đáng nhớ nhất có lẽ là cái bể tắm công cộng, mình không biết đến bao giờ thì nó bị dỡ bỏ nhưng những lứa học trò cùng thời với mình thì đều ít nhất một hoặc nhiều lần thấm thía cái thảm cảnh mất nước, hoặc chen chúc nhau tranh nước. Thời điểm đó, người quản lý việc bơm nước của cả trường có lẽ là người đàn ông luôn được mong đợi nhất ở trường Vùng Cao Việt Bắc, thấy bóng chú là hàng trăm đứa trẻ con đang bâu xung quanh thành bể vui mừng khôn xiết và ngược lại ngày nào không có chú là cả bọn buồn tê tái.
Ảnh: Mộc Thảo
Ngày đó, nước được bơm theo giờ vào bể lớn từ khoảng 5h đến 6h, hôm nào “xông xênh” thì lâu hơn một chút. Và khi nước chảy thì cuộc chiến giành chủ quyền nước bắt đầu. Những cô bạn năng động, xông xáo nhất luôn là người ngồi lên thành bể hứng nước và đưa xuống cho cho bạn ở dưới, vì thế nếu bạn quen một trong những người bạn ở trên đó thì yên tâm là bạn có nước sạch để tắm giặt, bằng không thì ngậm ngùi bê chậu quần áo bẩn về và chờ đợi cho đến dịp may ngày hôm sau.
Mình vốn bản chất hiền lành, nhút nhát, ngại bon chen nhưng lại có quan hệ cực kì thân thiết với cô bạn lớp phó đời sống năng động nên hầu như lúc nào cũng có nước dùng. Ngày đó, cái nỗi lo thường trực của bọn học sinh không chỉ việc học mà còn là kiếm nước. Nhưng ngược lại, những cô bạn xinh đẹp, dễ mến thì chẳng bao giờ phải lo, chỉ cần đứng bên bể nữ quay sang cười duyên với các bạn trai bên bể nam thì không chỉ vài xô nước mà chắc cả bể nước thì các bạn ấy cũng khiêng sang. Bọn mình – những cô nàng ít xinh hơn thì chỉ biết nhìn với con mắt đầy bức xúc pha lẫn ghen tị. Thế nên mình khẳng định rằng: Nhiều tình yêu đẹp ở Vùng Cao Việt Bắc đều có cảm hứng từ cái bể nước đó, từ những lần xách nước hộ các bạn gái, những lần giặt quần áo hộ các bạn nam. Bây giờ bể nước đó không còn thì cũng thiếu nhiều thi vị.
Học Đại học xong, quay trở lại trường, vẫn căn phòng đó, lớp học đó nhưng giờ mình không còn ngồi ở bàn thứ 3 nữa mà đứng ở một vị trí cao hơn trên bục giảng. Nhờ đó mà mình hiểu thêm công việc và những cố gắng lặng thầm của những thầy cô giáo. Niềm vui cũng không còn giống như vài năm trước, nỗi buồn cũng khác. Bể nước không còn được sử dụng, quy định tắt điện lúc 11 giờ tối cũng đã bỏ, nhà ăn xây mới, các bạn học sinh không còn phải chờ đợi đến lượt cơm. Nhưng đôi lúc đi qua những khu vực đó, mình vẫn thầm cười.
Nhớ nhiều lắm cái thời học trò đầy vô tư lự đó…