BÀI THU HOẠCH
MỘT CHUYẾN THAM QUAN BỔ ÍCH VÀ LÝ THÚ
(Tập thể học sinh 10A12 - Năm học 2016 - 2017)
Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, ai cũng có riêng cho mình những khoảnh khắc đáng nhớ, những kỷ niệm khó quên của cuộc đời. Đối với tôi cũng vậy, khoảnh khắc đáng nhớ và đầy ý nghĩa nhất chính là chuyến tham quan “Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Đây thực sự là một buổi trải nghiệm đầy lý thú, bổ ích.
Vào ngày 7/9/2016, tập thể lớp 10A12 K59 chúng tôi được đi tham quan “Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam” do Phòng Đào tạo nhà trường tổ chức. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ cho buổi tham quan. Ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi và háo hức mong được đến nơi đó. Trong lúc chờ xe tới, chúng tôi cùng nhau chụp tấm ảnh kỷ niệm cùng cô giáo chủ nhiệm, sửa soạn đồ đạc để bắt đầu một hành trình khám phá.
Lúc 13h30’ xe đến, chúng tôi lên xe và bắt đầu cuộc hành trình. Ngồi trên xe nhìn ra, tôi thấy quê hương Thái Nguyên thật đẹp đẽ với biết bao công trình xây dựng, nhà máy, cảnh đẹp khác nhau. Lúc này trong lòng tôi cứ có cảm giác nao nao đến lạ thường cùng với sự hồi hộp, tò mò khiến trong đầu tôi cứ hiện ra những suy nghĩ vẩn vơ: “Văn hóa dân tộc ư? Chắc là phong phú lắm đây?”, “Văn hóa dân tộc Thái mình thế nào nhỉ?” …
Cứ mải mê suy nghĩ, xe dừng lúc nào mà tôi chẳng hay biết. Mọi người reo lên: “Các cậu ơi đến nơi rồi, xuống thôi!”.
Trước mắt tôi là một không gian rộng lớn với những dãy nhà đồ sộ cùng với cảnh quan thiên nhiên kì vĩ, đẹp đẽ. Dòng chữ “Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam” đã hiện ra trước mắt như đang vẫy gọi và chào đón những đứa con của mái ấm Vùng cao Việt Bắc. Với sự nhiệt tình của cô hướng dẫn viên, chúng tôi đã được nghe giới thiệu về những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên khắp mọi miền của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Ấn tượng đầu tiên với tôi đó là hình ảnh pho tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ôm ba cháu thiếu niên nhi đồng - tượng trưng cho ba miền của đất nước: Bắc, Trung, Nam. Hình ảnh ấy đã gợi cho tôi về tình yêu thương vô bờ bến của Bác đối với các cháu thiếu niên nhi đồng cũng như tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.
Tiếp theo cuộc hành trình khám phá, Cô hướng dẫn viên đã giúp chúng tôi hiểu phần nào về sự hình thành và phát triển của bảo tàng: “Bảo tàng văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành vào năm 1960. Phải trải qua biết bao khó khăn, áp bức nhưng người dân Việt Nam vẫn giữ được nền văn hóa to lớn, đáng tự hào của cả cộng đồng dân tộc…”.
Sau đó chúng tôi được đi thăm từng phòng trưng bày văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đó là khu trưng bày nơi sinh sống của bốn tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường. Như ta đã biết, nói đến dân tộc Kinh là nói đến con đường lát gạch với bộ bàn thờ tam cấp. Còn với dân tộc Mường, ta phần nào hiểu thêm cuộc sống của họ qua ngôi nhà. Họ sống trên nhà sàn 3 gian, 2 mái, 2 cầu thang lên xuống và có quy định rõ rệt. Muốn tìm hiểu văn hóa người Mường, chúng ta đầu tiên phải tìm đến “bếp lửa”. Bởi bếp lửa là nơi đoàn tụ, đi đâu ai cũng nhớ về. Gắn với hình ảnh bếp lửa là cửa sổ của người Mường. Cửa sổ ấy đã trở lên thiêng liêng và cao quý, là nơi mà người dân đưa quan tài ra ngoài, có cấm kỵ rất lớn: không được dựa lưng, ném đồ…Cửa sổ ấy đã trở thành linh hồn của người dân, mang đậm văn hóa dân tộc.
Ảnh: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc
Không chỉ biết đến với dân tộc Mường, qua lời kể của cô hướng dẫn viên, chúng tôi còn được biết đến dân tộc Thổ, cũng thuộc nhóm ngôn ngữ dân tộc Việt - Mường. Người Thổ là dân tộc ít người sống bằng nghề đan võng gai, đạt đến độ cao nhất. Dân tộc Thổ không cấm kỵ việc trai gái tự do yêu nhau và có tập tục ngủ mái. Đây là bản sắc riêng của dân tộc này. Bất kỳ dân tộc nào cũng có nền phong tục tập quán, văn hóa riêng. Nếu với người Kinh lễ cưới không thể thiếu trầu cau thì người Thổ không thể thiếu võng gai và người Mường không thể việc ăn trầu.
Ảnh: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc
Tiếp theo phòng trưng bầy số 1 chúng tôi đến với phòng trưng bầy số 2 nơi sinh sống của 8 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái. Đối với ngôn ngữ này, cái cốt yếu để phân biệt từng dân tộc đó là trang phục. Người Thái là bộ áo cóm, người Tày là bộ áo chàm. Bên cạnh trang phục, đó là nơi ở. Người Thái sống trên nhà sàn, có 2 cầu thang lên xuống. Nhà sàn người Thái sống gồm gầm sàn, mặt sàn, sàn gác, “nơi sinh hoạt đời thường”. Đầu mái nhà là 2 hình khâu cúp, đó là điều riêng biệt để chỉ sự giàu nghèo giữa các gia đình, cửa sổ hình vầng trăng khuyết, tượng trưng cho sự an lành, hạnh phúc. Đặc biệt, chiếc ho trở thành linh hồn của nữ giới, được treo ở ngoài nhà, người con gái được mang về nhà chồng và mang theo khi chết. Dân tộc Thái còn có cọn nước dùng dẫn nước vào sản xuất. Ngoài ra đặc sắc văn hóa của dân tộc này còn có lễ hội ném còn, đắc biệt là điệu múa xòe.
Ảnh: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc
Tôi thật tự hào khi dân tộc của chính mình lại có nhiều nền văn hóa truyền thống như vậy. Một dân tộc cũng có nhiều nét tương đương với dân tộc Thái đó là dân tộc Tày. Người Tày cũng sống trên nhà sàn có 1 cầu thang lên xuống. Văn hóa của người Tày đó là “bếp lửa”. Bởi bếp lửa là nơi để họ quây quần trò chuyện. Người Tày có nhiều truyền thống, tập quán: dâng tấm vải khô ướt để báo hiếu cha mẹ, kéo sợi, ném còn… Hình ảnh quả còn tượng trưng cho mặt đất, hình tròn tượng trưng cho bầu trời. Họ luôn thờ trời, đất, thần linh.
Dân tộc nào cũng có bản sắc văn hóa riêng. Đến với phòng trưng bày số 3, chúng tôi tiếp tục được tìm hiểu nơi cư trú của 3 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao – Tộc người vùng cao.
Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng ba loại nhà: Nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất, nhà đất trình tường (người H’Mông). Họ có ẩm thực đặc sắc đó là thắng cố, mèn mén (ngô là lương thực chủ yếu). Đặc trưng của họ là chợ phiên: Nơi họ giao lưu, gặp gỡ, uống rượu ngô…con gái H’Mông rất yêu chồng, tự hào về chồng đặc biệt là khi chồng say. Bởi theo quan niệm của họ, người say là người tốt, được nhiều người yêu quý.
Đến với phòng trưng bầy cuối cùng chúng tôi được biết đến với ngôi nhà Rông - trái tim trường tồn của người Tây Nguyên, lễ mừng lúa mới để tạ ơn, cầu cúng thần linh, lễ hội cồng chiêng đã trở thành di sản văn hóa của họ. Còn người Khơme có chính điện là nghi lễ chủ yếu.
Chúng tôi còn biết đến những ngôi nhà của tộc người sống theo chế độ mẫu hệ: dân tộc Ê - Đê, Gia-rai… ở Tây Nguyên. Ngôi nhà của họ dài như tiếng chuông ngân, cầu thang của họ được tạo hình vú mẹ là tượng trưng cho sự sống, sự kính trọng người mẹ. Cầu thang tạc hình trăng, tượng trưng cho ước mơ của người dân.
Ấn tượng nhất trong lòng tôi là tiết mục múa rối của những người nghệ nhân. Múa rối đã trở thành nét đẹp của văn hóa Việt Nam, gắn với đới sống con người lao động. Múa rối gốm nhiếu loại: rối múa cá, câu cá, múa rồng…
Qua tiết mục múa rối ấy, tôi phần nào hiểu thấu hơn cuộc sống nơi sân đình, giếng nước, gốc đa mang truyền thống của dân tộc Việt.
Buổi tham quan đã khép lại với tiết mục văn nghệ múa Khơ - Me của các cô quản lý trong khu bảo tàng.
Mặc dù chưa thể tham quan, khám phá hết nét văn hóa của từng dân tộc nhưng qua buổi tham quan ấy đã đem đến trong tôi nhiều bài học, kiến thức bổ ích. Trên đường trở về, tôi cảm thấy rất vui và tự hào về những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc mình nói riêng.
Qua buổi trải nghiệm này, tôi cảm thấy mình cần phải có gắng phát huy, giữ gìn và bảo vệ nền văn hóa của dân tộc mình và các dân tộc trên mọi miền của đất nước, góp phần vào sự trường tồn của văn hóa các dân tộc. Đồng thời buổi tham quan này đã giúp tôi chiêm nghiệm ra câu nói đầy ý nghĩa: “ Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Và tôi ước một ngày nào đó sẽ được trở lại nơi này!
Thay mặt toàn thể HS khối 10, chúng em cảm ơn BGH nhà trường, cảm ơn phòng Đào tạo đã tạo điều kiện để giúp chúng em có những bài học thực tế lí thú và bổ ích. Cám ơn các thầy cô chủ nhiệm đã đồng hành với chúng em trong chuyến tham quan với những kỷ niệm khó phai của tuổi học trò. Đây sẽ là những kỉ niệm khó quên trong hành trang của cuộc đời mỗi học sinh chúng em.