NƠI THANH XUÂN BẮT ĐẦU VÀ TÌNH YÊU KHÔNG BAO GIỜ KẾT THÚC
Đoàn Hải Yến - C1K40
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, hẳn ai cũng có những dấu mốc quan trọng, đôi khi làm thay đổi cả cuộc đời. Với tôi, một trong những khoảng thời gian đẹp nhất, ý nghĩa nhất cuộc đời là những năm tháng học tập và sinh sống dưới mái trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc!
15 tuổi, tôi bắt đầu hành trình sống xa nhà. Trong cái đầu nhỏ bé của tôi chỉ đơn giản nghĩ, đi học ở trường nội trú, được nhà nước nuôi, là bớt một phần gánh nặng cho bố mẹ. Tôi đâu biết rằng, không chỉ được nuôi ăn mặc, nuôi học hành đầy đủ, chúng tôi còn được nhiều hơn thế.
Đón tôi là ngôi trường khang trang, hiện đại và đẹp đẽ vô cùng - vừa lạ lẫm, vừa thân thương. Những tòa lớp học cao tầng nối nhau chạy vòng quanh sân trường thênh thang, nhà đa năng rộng mênh mông chứa hàng nghìn người với sân khấu buông rèm nhung lộng lẫy, khu kí túc xá sáng trưng đèn điện với dãy căng tin ngập tràn hàng hóa, nhà ăn rộng lớn với những dãy bàn ghế thẳng tắp,... thật choáng ngợp. Những hàng hoa ban nở tím quanh trường, đồi cây cổ thụ râm mát, những tán cọ xòe ô, vườn rau, ao cá, ... lại thật quen thuộc, thân thương.
Trường tôi nghiêm lắm: việc học, việc ăn ngủ, việc lao động, vệ sinh đến việc chơi thể thao, văn nghệ đều theo giờ; ra khỏi cổng trường phải xin phép; từ thầy cô đến bác quản sinh, bác cấp dưỡng, cô y tế đều quản lý, dạy dỗ học sinh đến nơi đến chốn, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ lời nói đến hành động. Vì thế mà chúng tôi học được cách sống có kỉ luật, có trách nhiệm!
Nhưng, hiếm có trường nào, thầy cô yêu thương học trò như thầy cô trường tôi.
Đó là thầy Hiệu trưởng trường tôi - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Đào, ngồi giữa lớp học của chúng tôi trong đêm Trung thu đầu tiên chúng tôi xa nhà, giờ tự học mà ngồi khóc như ri vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Mái tóc bạc, nụ cười tươi sáng lấp lánh mà vô cùng hiền hậu, thầy ngồi nói chuyện với chúng tôi, an ủi động viên động viên chúng tôi. Tôi thấy, thầy sao mà giống ông ngoại của mình.
Tôi nhớ cô giáo Hoàng Thị Kiên - giáo viên chủ nhiệm của tôi, tối mùa đông lạnh lẽo, cắp nách cô con gái nhỏ lên trường để quản lớp, xem học trò có đứa nào ham ngủ quên học, có đứa nào ăn mặc phong phanh, để nhắc, để dặn dò, rồi 10h đêm lại ôm cô con gái ngủ trên vai, cầm đèn pin, đi theo con đường ven trường, ngoằn ngoèo, tối om để về khu tập thể. Trong 3 năm chủ nhiệm, không biết bao lần cô phải phân xử, giải quyết những sự vụ rắc rối do 1 lớp toàn con gái gây ra. Có những lần nước mắt cô phải rơi khi học trò cứng đầu, đòi "đảo chính", nói dối cô trốn học đi chơi xa không kịp về đúng giờ khiến cô lo lắng. Nhưng vẫn là cô, thăm học sinh ốm, chăm học sinh đau, đưa học sinh đi mua quần áo rét, ân cần với tất cả, như chưa hề có "những trận phong ba".
Tôi nhớ cô giáo dạy văn lớp 10 - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Thủy, cực kì nghiêm khắc với học trò những cũng sẵn sàng cho điểm 9 (Cô hiếm khi cho ai điểm 9 lắm - nếu cho đó là một sự kiện ở trường luôn) nếu thấy trò xứng đáng. Chính cô, đã nhường căn phòng tập thể bé nhỏ và rất nhiều sách của mình cho mấy trò đội tuyển ở vì tiện cho học trò có điện, có sách, tiện cho việc thức khuya, dạy sớm học bài (kí túc xá chỉ thắp điện đến 11h), còn cô thì đạp xe về nhà cách trường 4,5 km. Cô không chỉ dạy chúng tôi học văn, còn dạy cả chúng tôi cách ứng xử hàng ngày.
Tôi nhớ cô Nguyễn Thanh Vân dạy văn tôi lớp 12. Nhà cách trường gần 10 cây số, cô vẫn đạp xe ngày 2 buổi, đi qua bao cổng trường ở thành phố để vào dạy học sinh trường Vùng cao. Phải chăng, cô cũng giống như chúng tôi, "bị yêu" ngôi trường này không gì lý giải được? Dạy đội tuyển Văn 12, cô chẳng bao giờ nói lời yêu thương, có lúc còn mang vẻ lạnh lùng xa cách, chỉ có lúc giảng bài là cô say sưa, nhập thần, như truyền hết gan ruột cho chúng tôi. Ngày cô báo tin tôi được giải học sinh giỏi quốc gia, nhìn vào đôi mắt long lanh rớm lệ của cô, trong vòng tay siết chặt của cô, tôi mới cảm nhận hết trái tim ấm nóng bên trong vỏ bọc vô tư lự, có phần lạnh lùng kia, mới hiểu cô đã luôn yêu thương, lo lắng và mong đợi ở học trò nhiều như thế nào, chỉ là cô không nói vì sợ gây áp lực cho chúng tôi.
Tôi nhớ cô giáo dạy môn Triết học của tôi - Nhà giáo Lục Thúy Hằng, đã tặng tôi những cây bút mới tinh, khá đắt so với những cây bút tôi thường viết khi đó, chỉ với mong muốn - "Em thi thật tốt, đạt kết quả thật cao để được tuyển thẳng vào đại học". Thật may, năm đó tôi đã không phụ lòng cô!
Tôi nhớ thầy Phùng Đức Cắm, dạy học trò tận tụy vô cùng, chỉ bảo từng ly từng tí chỉ sợ học sinh không hiểu bài. Người thầy ấy, ra tận trường ĐHSP Thái Nguyên mời các giảng viên đại học về ôn thi cho học sinh lớp 12. Mà lũ học trò vô tâm đang tuổi ăn, tuổi ngủ, sáng chủ nhật cứ ngủ lăn lóc, để thầy lại cặm cụi gõ cửa từng phòng kí túc, dựng những cậu học trò ngái ngủ lên giảng đường. Mà tuyệt nhiên, thầy chưa nổi nóng bao giờ!
Tôi nhớ thầy Phạm Trọng Tảo, kiên nhẫn đứng trước cửa lớp, chờ hết bài hát tập thể mà chúng tôi cố tình hát dài lê thê để tránh giờ kiểm tra bài cũ, rồi thầy bước vào lớp với một nụ cười hóm hỉnh và lời khen " hát hay kinh khủng", khiến lũ con gái cười nghiêng ngả, nỗi sợ môn toán vơi đi quá nửa.
Và thầy Lự luôn vui tươi, hóm hỉnh, dạy Địa lý siêu dễ hiểu; thầy Kỳ vui tính, lúc nào cũng ưu tiên hội con gái lớp văn "đã dốt Lý nhưng lại hay lý sự"; cô Nga, cô Huyền dạy tiếng Anh, phong cách Tây, trẻ trung và gần gũi; thầy Dậu dạy văn, sức khỏe yếu không thể dạy học, nhưng có cơ hội lại truyền cho chúng tôi cảm hứng văn chương; cô Đoàn dạy Hóa, rất hiền và cẩn thận, cô có đôi mắt rất tròn luôn chăm chú nhìn chúng tôi, không ít lần đôi mắt ấy trở nên tròn xoe 1 cách đặc biệt khi thấy kết quả thí nghiệm của chúng tôi - vì quá kinh ngạc và lo lắng; Thầy Đồng, thầy Tiến vốn là những người thầy vô cùng nghiêm nghị hàng ngày mà vẫn sẵn sàng lên sân khấu diễn hài kịch cho học trò xem trong ngày vui đón Tết...
Các chú quản sinh, các cô nấu bếp, các cô y tá ở trạm y tế của nhà trường, ai cũng đối xử với chúng tôi như với con cái trong nhà, nghiêm khắc mà đầy yêu thương!
Còn nhiều, nhiều nữa, các thầy cô giáo, các cô bác nhân viên,... tôi không thể kể hết tên trong trang viết này, nhưng bóng dáng của họ thì luôn in đậm trong trái tim tôi và bạn bè cùng trang lứa.
Dường như, tất cả các thầy cô và nhân viên nhà trường đều muốn học sinh của mình cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương thật nhiều, muốn truyền thêm động lực cho các em, để các em học sinh trường PT Vùng cao Việt Bắc, những người con dân tộc thiểu số vùng cao vốn nhạy cảm, tự ti, có thêm sức mạnh, tự tin bước vào cuộc sống, để học tập, vươn lên sau này có thể giúp đồng bào và quê hương mình.
Và chúng tôi dần lớn lên!
Từ những đứa ngây ngô, vụng về, chúng tôi dần quen và thuần thục các kỹ năng tự phục vụ; từ những đứa trẻ rụt rè, nhút nhát chúng tôi trở nêm mạnh dạn, tự tin, hăng say học tập, tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hoạt động ngoại khóa, tự tin giao tiếp với bạn bè xung quanh...
Chúng tôi lớn lên trong học tập với những giờ học miệt mài; lớn lên trong lao động với những lần hái rau, nấu cơm, chăn lợn, dọn xưởng mộc; lớn lên trong những chuyến đi chơi xa đầu đời được thầy cô dẫn đi - thủ đô Hà Nội, vịnh Hạ Long, cố đô Hoa Lư, bãi biển Sầm Sơn, kinh thành Huế...
Chúng tôi dần trưởng thành, biết sống kỉ luật, trách nhiệm, biết yêu thương, chia sẻ lẫn nhau. Mỗi lớp học là một gia đình nhỏ, thầy cô là cha, mẹ, bạn bè là anh em trong đại gia đình Vùng cao Việt Bắc.
25 năm đã trôi qua kể từ ngày K40C1 chúng tôi Hội ngộ! Thật tuyệt vời khi khóa chúng tôi được là một trong những dấu mốc tròn trịa của nhà trường! Chúng tôi đã được sống trong không khí náo nức của những ngày Hội trường đầy xúc động, rộn ràng niềm vui, hừng hực khí thế. Chúng tôi tự hào đã trở thành một phần trong lịch sử nhà trường, tự hào đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong quá trình phát triển lớn mạnh của nhà trường.
Tháng 11 này, ngôi trường thân yêu đón tuổi 65 - tráng kiện và rực rỡ! Chúng tôi lại náo nức hẹn ước trở Mái ấm Vùng cao, để sống lại những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ bên thầy cô, bạn bè. Chúng tôi lại được trở về với tình yêu thương vô bờ của các thầy cô trường Vùng cao Việt Bắc. Tình yêu thương ấy, không xuất phát từ khấu hiệu "Tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu" mà xuất phát từ chính trái tim người thầy, như dòng suối nguồn ngọt mát, không bao giờ vơi cạn. Dòng suối ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ học trò, để Vùng cao Việt Bắc mãi là nơi thanh xuân bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc!
Hẹn ước nhé, Vùng Cao!