Sống như Anh
Người chiến sĩ ấy
Đọc cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” lòng tôi bỗng dâng lên một xúc cảm dạt dào khó tả. Dường như ẩn chứa trong dòng cảm xúc mãnh liệt ấy là sức lôi cuốn kỳ diệu đưa ta về với một thời oanh liệt của dân tộc.
Cuốn sách là tấm lòng của chàng trai Hà Nội – người đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Quảng Trị khi chưa đầy 20 tuổi đời và 10 tháng tuổi quân. Nhưng sự hy sinh của anh cùng với tuổi 20 của anh là mãi mãi – anh sống với nhân loại, hòa cùng nhịp đập của trái tim muôn đời.
Nguyễn Văn Thạc – con người của lý tưởng sống cao đẹp của anh đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ, làm tôi phải suy nghĩ nhiều hơn về bản thân mình. Một chàng sinh viên đầy tài năng đã từng đạt giải nhất Văn toàn miền Bắc. Con đường phía trước cùng một tương lai tươi sáng đầy hứa hẹn đang chờ anh bước tới. Thế nhưng tiếng gọi của Tổ quốc đã thôi thúc anh, cả sinh viên thế hệ anh đã khoác lên mình chiếc áo màu xanh của lính bước vào cuộc sống mới – một cuộc gian khổ mà anh dũng trong giai đoạn nóng bỏng của lịch sử. Dẫu biết đời lính là gian khổ, nhọc nhằn lại trong bom đạn chiến tranh, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Nhưng lúc nào hơn hết anh ý thức được trách nhiệm của mình với vận mệnh lịch sử, vận mệnh đất nước “Ta đi theo tiếng gọi của miền Nam. Và cả sự thôi thúc của miền Bắc đang khôi phục”. Bỏ lại sau lưng những tháng ngày hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò cùng bao mơ ước, hoài bão trong sáng của thời sinh viên anh bước vào cuộc sống mới thực hiện lý tưởng cao cả của dân tộc. Đó là một nhận thức đúng đắn, sự lựa chọn sáng suốt của một thanh niên yêu nước mang trong mình khát khao hạnh phúc đến cháy bỏng.
Mọi chuyện với anh như một giấc mơ vậy: “Nhiều lúc mình nghĩ mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá”. Có lẽ những tháng ngày trong quân ngũ là những tháng ngày anh cảm thấy mình trưởng thành nhất. Anh thấu hiểu được tất cả những nhọc nhằn, đau khổ và niềm vui bất tận của con người. Đọc những dòng tâm sự của Nguyễn Văn Thạc ta cảm nhận được những cung bậc tình cảm sâu lắng của con người. Dù những tình cảm ấy chỉ được nhìn qua con mắt của người tân binh xa gia đình, nhớ người yêu cùng biết bao buồn vui trăn trở. Anh yêu đời ngay cả khi buồn nhất anh vẫn tìm thấy niềm vui, tìm thấy ánh sáng của lòng mình. Đã có lúc anh hoang mang, tản mạn tư tưởng nhưng anh đã vượt qua tất cả bằng sức sống của ý chí, niềm tin của nước nhà thống nhất. Anh mang trong mình một trái tim đa cảm, một trái tim khát khao cống hiến không chỉ cho cách mạng mà cho cả nghệ thuật. “Mình sẽ làm thơ và viết văn. Đấy là mơ ước thầm kín từ rất lâu rồi” nhưng “Ước mơ thầm kín” ấy không hề được ủng hộ. Và rất dễ nhận thấy sự nhạy cảm của văn học, sự cảm thụ cái đẹp trong cuộc đời đã phôi pha đi nhiều… Giờ đây mình hiểu rằng cây bút đã nằm gọn trong tay, mình phải biết say sưa bằng cả trái tim mình. Hãy cống hiến chút ít gì năng lực và tất cả nghị lực cho thơ, văn. Anh ước mơ mai này sẽ thành một Bô-rit Tê-lê-vôi để viết những dòng ký chiến tranh cho cuộc đời, góp phần tô thắm hơn cho nghệ thuật, văn chương. Song hai từ “chiến tranh” cùng sự thảm khốc của nó đã không để cho anh được lựa chọn, ước mơ cũng đành dang dở. Tuổi 20 phơi phới, đầy sức sống là thế vậy mà anh đã không kịp chứng kiến giây phút vinh quang của dân tộc, đất nước. Anh ra đi để lại cho gia đình một nỗi đau, một khoảng trống không gì bù đắp nổi, cách mạng mất đi một chiến sỹ dũng cảm và nghệ thuật mất đi một nhân tài đang tỏa sáng.
Chiến tranh đã lùi xa 30 năm song những gì đã xảy ra trong 30 năm về trước ấy luôn tồn tại trong mỗi chúng ta, bất biến như một vầng sáng rực rỡ rọi vào tim không bao giờ tắt. Như anh người chiến sỹ ấy – Nguyễn Văn Thạc thực sự trở thành mẫu người lý tưởng cho lớp thanh niên hậu thế chúng ta. Trong anh luôn ẩn chứa nhiều con người: một con người hiếu thảo, một anh học trò cần cù, tài năng, một anh binh nhì đầy nghị lực sống, anh đã vươn lên đến đỉnh cao của khát vọng cuộc đời. Là một thanh niên sống dưới XHCN, có những người con như Nguyễn Văn Thạc đã ngã xuống để dành lại, chúng ta đã làm được gì cho bản thân mình? Cho xã hội đang sống. Lịch sử đã bước sang trang mới, tuổi trẻ hôm nay mang trên mình trọng trách mới tiếp bước cha anh phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc. Thế hệ đi trước đã mở cho ta một tương lai tươi sáng, chúng ta hãy sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của cha anh mình. Đồng thời ra sức xây dựng đất nước đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu như sự hằng mong của Bác Hồ, tâm nguyện của những người đi trước đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
Với riêng tôi – một đứa con của bản làng, nhìn sự đổi thay từng ngày của quê hương đất nước tôi thầm biết ơn sâu sắc những con người như Nguyễn Văn Thạc còn mang lại cho tôi những rung cảm đầu tiên gọi là “chuyện đời” ấy. Anh Thạc ơi! Thế giới bên kia anh có hay chúng em biết ơn anh nhiều lắm. Giờ đây anh đã trở thành một Bô-rit Tê-lê-vôi của thời đại rồi. Dù anh “không kịp chữa lại những âm bằng, âm trắc trong cấu trúc của một câu văn vội vàng và bụi bặm” nhưng “chuyện đời” của anh được chúng em mãi khắc ghi không bao giờ lãng quên. Và anh sẽ mãi mãi là tấm gương sáng để chúng em soi mình vào đó. Chúng em sẽ cố gắng học tập và tu dưỡng thật tốt để xứng đáng với những hy sinh to lớn của anh.
Lỷ Cắm Sáng 11A1 - K47