TÔI YÊU MÁI ẤM VÙNG CAO VIỆT BẮC
Lê Thu Hường - GV Ngữ Văn
Có nghề nào hạnh phúc đến thế chăng?
Nghề mình đó với bảng đen phấn trắng,
Gieo yêu thương vào tâm hồn trong trắng,
Mang đến cho đời nhiều hoa trái ngát hương.
(Nghề giáo)
Từ khi còn bé, tôi đã luôn mong ước sau này lớn lên sẽ làm cô giáo, sẽ theo nghề dạy học. Bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân.Ssau bốn năm được đào tạo trong trường Sư phạm, tôi đã hạnh phúc biết bao khi niềm mong ước xưa đã trở thành sự thật. Giờ đây, tôi có thể tự hào khi giới thiệu tôi là một cô giáo. Và ngôi trường tôi đang theo dạy là trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc - một ngôi trường đặc biệt khi đào tạo đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Vậy là đã gần ba năm, kể từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến mái trường Vùng cao yêu dấu - làm giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn. Là giáo viên trẻ khi mới chỉ 23 tuổi, được giảng dạy ở một ngôi trường nội trú đa hệ, đa dân tộc, trong đó có dân tộc rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Sila, Clao, La Chí, Pu Kéo, Bố Y… lòng tôi cảm thấy thật tự hào và hạnh phúc vì được truyền dạy tri thức cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Niềm hạnh phúc đó luôn giúp tôi vững vàng với lựa chọn của mình, tự tin trong việc nâng cao chuyên môn và rèn luyện bản thân. Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ sự tin tưởng của lãnh đạo nhà trường, của đồng nghiệp và các em học sinh.
Tổ Ngữ văn trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc
Càng vui và phấn khởi hơn khi tôi được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng, giao nhiệm vụ tham gia công tác chủ nhiệm. Nhận nhiệm vụ, lòng tôi trào dâng nhiều cảm xúc. Bên cạnh niềm vui là sự lo lắng bởi công tác chủ nhiệm là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong hoạt động giáo dục, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh, hơn nữa đối tượng học sinh là con em dân tộc thiểu số, tôi băn khoăn nhiều câu hỏi: “Sẽ giảng dạy thế nào với đối tượng học sinh thuộc các dân tộc ít người đến từ những vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn? Làm thế nào để hiểu về hoàn cảnh và tính cách của từng em? Phải làm gì để giúp các em rèn luyện tốt khi học tập tại trường?....”
Mặc dù lòng ngổn ngang nhiều suy nghĩ và lo lắng nhưng tôi đã chủ động trò chuyện, chia sẻ với các em từ việc gia đình, phong tục tập quán từng địa phương đến việc học hành, sinh hoạt, ăn ở... Dần dần khoảng cách giữa cô, trò đã được thu hẹp lại, từ xa lạ, chúng tôi trở nên gần gũi, gắn bó như người thân trong gia đình. Cũng chẳng biết tự khi nào, tôi cảm thấy yêu và thương các em đến thế! Tôi yêu nét đẹp tâm hồn, sự trong sáng, hồn nhiên, chân thật ẩn sau vẻ ngoài thô mộc, rụt rè. Tôi thương hoàn cảnh của các em, sinh ra và lớn lên từ những vùng quê xa xôi hẻo lánh, chịu nhiều thiệt thòi về vật chất, tinh thần. Nhưng có lẽ vì sống ở vùng xa xôi, khó khăn mà những đứa con của miền núi còn có một nguồn nội lực dồi dào, luôn cháy bỏng khát khao được thay đổi, được cống hiến cho quê hương, đất nước. Chính vì vậy mà các em đã mạnh mẽ vượt ra khỏi vòng tay cha mẹ để đến một nơi xa lạ, bắt đầu một cuộc sống tự lập và mái ấm Vùng cao Việt Bắc chính là điểm tựa để nâng bước các em.
Cùng với tình thương, sự thấu hiểu các em học sinh, tôi còn nhận được sự quan tâm, chỉ bảo ân cần của Ban giám hiệu nhà trường, của các thầy giáo, cô giáo đi trước và các bạn đồng nghiệp. Nhờ sự quan tâm đó, tôi đã vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ và trưởng thành hơn.
Cô Hiệu trưởng Lục Thúy Hằng và các thầy cô giáo chủ nhiệm K63
Yêu nghề mến trẻ, các thầy cô giáo ngày đêm bám lớp, chuyên tâm chăm sóc học sinh. Không thể kể hết những vất vả, tận tụy của thầy cô nơi đây với các học trò thương yêu của mình.
Nhớ câu chuyện một cô giáo chủ nhiệm đã hi sinh cả kì nghỉ tết để vào bệnh viện chăm sóc một học trò ốm nặng mà gia đình không có người xuống chăm nom hay chính bản thân tôi cũng từng đi 300km đến nhà học sinh để chia sẻ với gia đình khi có người thân mất. Tôi cảm nhận được ở mái trường Vùng cao Việt Bắc, thầy cô không chỉ làm tròn trách nhiệm của một giáo viên trên bục giảng mà còn trở thành những người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh, luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, luôn lo lắng cho học sinh của mình đến từng bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc học trò lúc đau ốm, lấp đầy kiến thúc cho học sinh yếu, nâng cao kiến thức cho học sinh giỏi,...
Có lẽ chính sự bao dung, kiên trì nhẫn nại, thầm lặng hi sinh ấy đã giúp cho bao thế hệ học trò trưởng thành. Nơi đây tất cả các thầy cô giáo đều làm việc với ý thức: “Tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu”! - Một khẩu hiệu không hề sáo rỗng, đã trở thành tâm nguyện, thành động lực phấn đấu cho tôi cũng như các đồng nghiệp.
Cô giáo chủ nhiệm Lê Thu Hường và tập thể lớp A1K63
Tháng 11 lại về, mang theo cơn gió thu nhè nhẹ mơn man trên cánh hoa ban tím, mang theo ánh nắng dịu dàng, trong trẻo. Những ngày này, không khí hướng về lễ kỉ niệm 65 năm thành lập trường đang rất rộn ràng và náo nức. Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu những bước đi mốc son, sự chuyển biến quan trọng của nhà trường, đó là trường PT Vùng cao Việt Bắc chuyển cơ quan chủ quản từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Ủy ban Dân tộc. Giáo viên chúng tôi bận rộn chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này. Trong không khí háo hức, tôi cảm thấy tự hào và may mắn khi là một thành viên của trường, dẫu là thành viên trẻ nhất. Cũng giống như các giáo viên trẻ khác, chúng tôi ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình là kế tục và phát huy truyền thống của trường. Chúng tôi xin hứa sẽ cống hiến hết sức trẻ, bầu nhiệt huyết, tri thức và lòng yêu nghề để tiếp bước theo ngọn lửa truyền thống giáo dục của nhà trường, để trường PT Vùng cao Việt Bắc luôn là địa chỉ đào tạo chất lượng cao, đáng tin cậy xứng đáng với những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, xứng đáng với niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tôi yêu mái ấm Vùng cao Việt Bắc!