TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ TẠI KHÔNG GIAN VĂN HÓA TRÀ TÂN CƯƠNG, THÁI NGUYÊN - CẢM XÚC VÀ ẤN TƯỢNG
Phan Thị Thu Phương - 10A12 - K59
“Thái Nguyên xanh mát nương chè
Chè xanh xứ Thái đậm đà ngát hương
Bà con một nắng hai sương
Nụ cười chíu nắng bên nương dưới đồi”
Thái Nguyên - mảnh đất trù phú, xinh tươi như trái tim xanh ngát trong vòng tay âu yếm của dãy núi Tam Đảo hùng vĩ. Nhắc đến Thái nguyên, người ta không chỉ nhớ đến vùng đất với cuộc sống nhộn nhịp, sáng tươi ánh thép, với dòng máu lịch sử ghi danh những chiến tích anh hùng mà còn bởi hương vị trà xanh ngọt ngào, thanh mát của xứ sở “Đệ nhất danh trà” này.
Giữa những ngày tháng 5 đượm màu nắng hạ rực rỡ, lớp 10A12 - K59 chúng tôi được nhà trường cho phép tổ chức chuyến đi dã ngoại, tham quan, trải nghiệm tại “Không gian văn hóa Trà Tân Cương”.
Từ sáng sớm, khi những ánh ban mai đầu tiên vừa lấp ló qua kẽ lá xanh, chúng tôi đã háo hức chuẩn bị cho chuyến đi. Xa xa, mặt trời vàng tươi như một quả bóng tròn khổng lồ hé ra như vẫn còn e lệ, vùng mây xung quanh như tô hồng lên gò má. Những giọt sương long lanh còn đọng trên ngọn cỏ, lá cây như đính những viên ngọc lung linh, thấm ướt qua kẽ tay mát rượi. Hương hoa ban tim tím, thoang thoảng trong gió đem lại cho chúng tôi một cảm giác dễ chịu đến khó tả.
Xe bắt đầu khởi hành mang theo bao niềm vui, háo hức, bao tiếng cười nói râm ran của chúng tôi thả vào những tia nắng ấm áp. Tiếng bắt nhịp quen thuộc của bạn quản ca như nối thêm nhịp điệu cho bản nhạc rộn ràng, vui tươi của chúng tôi:
“Rừng núi dang tay nối lại biển xa. Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà …”
Thế rồi cả lớp đồng thanh hát. Cô giáo chủ nhiệm mỉm cười và hát cùng chúng tôi. Tiếng hát của chúng tôi như xua tan mọi khoảng cách, hòa theo ngọn gió bay bay trong không gian. Tôi thấy hàng cây ven đường như xao động mà đu đưa, đu đưa…
“Đến nơi rồi, lớp mình ơi!” - Tiếng cậu bạn lớp trưởng vang lên như đánh thức tiếng hò hét của lũ chúng tôi. Trước mắt chúng tôi hiện ra một cảnh tượng đẹp mê ly. Phía đằng kia, cách chỗ tôi đứng khoảng hơn chục mét, một dãy nhà được xây theo kiểu kiến trúc đặc biệt, có gì đó thấp thoáng nét cổ kính mà cũng đượm màu tân thời với dòng chữ duyên dáng: “Không gian văn hóa Trà Tân Cương”.
Lúc này, mặt trời đã nhô lên cao, những tia nắng nghịch ngợm tung tăng nhảy nhót trên sân. Thả hồn vào nắng, chúng tôi chạy ùa vào bên trong khu trưng bày. Sau khi chụp tấm ảnh kỷ niệm, chúng tôi được cô hướng dẫn viên thuyết trình về toàn bộ không gian trưng bày.
Tọa lạc tại thôn Soi Vàng, xã Tân Cương, “Không gian văn hóa Trà Tân Cương” được tỉnh Thái Nguyên xây dựng nhằm lưu giữ và bảo tồn hương vị đặc sản của quê hương. Tỉnh Thái Nguyên được biết đến với nhiều mẫu mã, chủng loại trà nổi tiếng thơm ngon trên cả nước và toàn thế giới. Trong “Tứ đại danh trà” của tỉnh, Trà Tân Cương được gọi với cái tên trìu mến “Đệ nhất danh trà”.
Trà Thái Nguyên có nguồn gốc từ Phú Thọ, song khi đem trồng trên mảnh đất Thái Nguyên thì trà có hương vị thơm ngon diệu kì. Để có được những sản phẩm trà thơm ngon, người dân phải thực hiện nhiều công đoạn công phu trong quá trình chế biến. Tại đây, chúng tôi được chiêm ngưỡng nhiều dụng cụ chế biến trà từ thủ công đến công nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi còn được nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu về cách thưởng trà với nhiều cung bậc khác nhau, cùng với bộ ấm chén thưởng trà từ năm 1990 đến nay và bộ hàng kỉ mang nhiều nét ý nghĩa. Những chén trà thơm ngon mà chúng tôi được thưởng thức đã để lại trong tôi những dấu ấn khó phai mờ.
Hương trà thơm ngát thoang thoảng qua cánh mũi quyện trong vị đăng đắng nơi đầu lưỡi và vị ngọt ngọt đọng lại nơi cổ họng không thể trộn lẫn. Màu nước chè xanh ngắt, trong veo gợi lên vẻ thanh cao đến lạ. Hương vị tuyệt vời ấy đến giờ như vẫn còn lắng đọng trong tâm tưởng chúng tôi. Thơm ngon, độc đáo, “có một không hai”, Trà Thái Nguyên vinh dự được tham gia triển lãm và quảng bá trên nhiều thị trường trong và ngoài nước. Hằng năm, tỉnh Thái Nguyên thường tổ chức “Festival Trà quốc tế” thu hút nhiều mặt hàng Trà nổi tiếng trên cả nước và thế giới tham dự.
Ngày 12/11/2011 rất vinh dự cho “Không gian văn hóa Trà Tân Cương” được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về thăm tại “Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất năm 2011”. Cùng với đó, nơi đây còn tổ chức nhiều hoạt động như “Lễ hội mùa xuân” được tổ chức hằng năm vào tháng giêng âm lịch để tôn vinh cây chè và nghề trồng chè nổi tiếng ở vùng đất được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”. Trong hội chè cũng diễn ra rất nhiều hội thi như: “Hội thi hái chè” thu hút đông đảo nam thanh nữ tú từ nhiều vùng miền trong tỉnh tham gia. Hay hội thi “Người đẹp xứ Trà” được tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người con gái Thái Nguyên duyên dáng, tài năng.
Sở dĩ, Trà Thái Nguyên thơm ngon bởi hội tụ nhiều yếu tố nhưng có lẽ yếu tố đầu tiên và cơ bản nhất thuộc về thổ nhưỡng và khí hậu. Tại đây, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những phần diện tích đất trồng chè nổi tiếng trong địa bàn tỉnh. Đất ở đây chủ yếu là đất Feralit hay đất nâu đỏ, và đặc biệt vùng Tân Cương là đất phù sa cổ (hay người dân quen gọi là đất sỏi cơm). Loại đất này có chứa những nguyên tố vi lượng có tỉ lệ phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chè.
Theo nghiên cứu hằng năm của các nhà khoa học, bức xạ nhiệt là yếu tố khí hậu quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cây chè. Vùng đất Tân Cương chịu lượng bức xạ nhiệt thấp hơn những vùng chè khác. Điều này là do Tân Cương nằm dưới chân núi Tam Đảo, vì thế Tam Đảo được xem là một tấm bình phong che chắn ánh sáng mặt trời về phía Tây và như một màng lọc tự nhiên của hệ sinh thái, tạo ra bầu khí quyển tương đối mát mẻ, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Và điều này cũng lý giải vì sao những đồi chè xanh mướt lại trải dài trên vùng đất Tân Cương này.
Theo sự chỉ dẫn của cô hướng dẫn viên, chúng tôi được nhìn thấy những dụng cụ trong quá trình chăm sóc và thu hoạch chè. Từ cuốc, xẻng trong quá trình làm đất, dao quắm dùng để đốn chè, kéo dùng để cắt tỉa, thạ, sọt dùng để thu hoạch chè đến đôi lá cọ - Sản phẩm sáng tạo của người dân Phú Lương dùng để che mưa, che nắng … Tất cả đều mang nét đặc sắc của vùng đất Thái thơm hương trà này.
Như bao cây trồng khác, cây chè cũng trải qua biết bao sóng gió lịch sử của đất nước. Đã có lúc cây chè đứng trước nguy cơ diệt vong. Tuy nhiên, đến năm 1960, với những mô hình hợp tác xã, chè được giao đến từng hộ dân và người dân có điều kiện chăm sóc chè tốt hơn. Tuy nhiên, lúc này chè vẫn cho sản lượng và chất lượng thấp, chè chỉ được trồng theo hình thức xen canh. Sau đó, với sự phát triển của đất nước và sự cải tiến của công cụ, máy móc kỹ thuật, diện tích, năng suất, sản lượng chè không ngừng tăng nhanh. Và hiện nay, Thái Nguyên đã trở thành địa phương có diện tích trồng chè lớn thứ hai trên cả nước, chỉ sau Lâm Đồng.
Đặt chân tới nơi đây, chúng tôi không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của cây chè xứ Thái mà còn thấy được một tình yêu tổ quốc nồng nàn và tha thiết của người dân Thái Nguyên khi tham gia phòng trưng bày với chủ đề: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Bằng chứng lịch sử”. Cánh cửa mở ra với những chứng tích lịch sử ghi dấu chủ quyền biển đảo của Việt Nam làm chúng tôi không thoát khỏi niềm xúc động nghẹn ngào.
Đó là tấm bản đồ “Đại Nam thống nhất toàn đồ” được vẽ theo lệnh của Vua Minh Mạng và được hoàn thành vào năm 1938, thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, chứng tỏ việc triều Nguyễn đã sớm chứng nhận chủ quyền của mình trên hai quần đảo này.
Đó cũng là tấm bản đồ vẽ xứ Quảng Nam được biên soạn vào năm 1686 với dòng chữ Nôm “Bãi cát vàng”, chứng tỏ từ cuối thế kỷ thứ XVII người Việt Nam đã làm chủ trên vùng đảo Hoàng Sa và đặt cho nó cái tên thuần việt này. Đó còn là những tấm bản đồ quốc tế của những nhà hàng hải phương Tây và thậm chí cả Trung Quốc đều công nhận quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam … Tất cả đều khơi gợi niềm tự hào dân tộc trỗi dậy trong tim mỗi chúng tôi. Với ngọn lửa yêu nước nồng nhiệt, người Thái Nguyên rất tích cực, nhiệt tình trong những hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.
Cuối buổi tham quan, chúng tôi được tham quan đồi chè Tân Cương. Những hàng chè xanh tinh khôi ánh ngời dưới ánh nắng mặt trời kết thành tấm thảm xanh xanh kéo dài tới tận chân trời. Chúng tôi như đắm chìm trong mùi hương say say nồng nàn quyện trong làn gió …
Khép lại buổi tham quan, trong lòng chúng tôi ai nấy đều đọng lại những ấn tượng sâu đậm, đẹp đẽ về vùng đất Thái Nguyên với đồi chè xanh ngát và tấm lòng yêu nước mãnh liệt của người dân nơi đây. Chuyến đi là một trải nghiệm đem lại cho chúng tôi những bài học quý báu và vô cùng bổ ích.
Yêu lắm vùng đất Thái Nguyên! Tự hào xiết bao khi tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Nếu như một lần bạn được đến thăm Thái Nguyên, đừng quên ghé lại “Không gian văn hóa Trà Tân Cương” và thưởng thức chén trà đậm đà phong vị quê hương xứ sở và thắm đượm tình người nơi đây.
“Ngóng bạn về chơi thưởng thức trà
Danh lừng tiếng nổi khắp gần xa
Vì mang vị cốm hương ngào ngạt
Bởi giữ hồn quê, nước đậm đà
Lá ngọt tình say dào dạt ấy
Môi mềm nghĩa đọng thẫn thờ ta
Hoài ngơ ngẩn suốt lòng mong mỏi
Ngóng bạn về chơi, thưởng thức trà”.