Sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo của quê hương cách mạng Cao Bằng, vô cùng may mắn khi tôi có cơ hội học tập tại trường PT Vùng cao Việt Bắc - Khóa 54. Ấy vậy mà đã tròn 10 năm kể từ ngày “chân ướt chân ráo” xuống trường nhập học, cô bé miền sơn cước ngây ngô ngày nào còn sợ rằng mình sẽ bị lạc trong chính ngôi trường của mình vì choáng ngợp trước khuôn viên vô cùng rộng rãi và khang trang, giờ đây đã trở thành đồng nghiệp với chính các thầy cô của mình - thật xúc động và tự hào!
Khi còn là học trò, được các thầy cô tận tụy quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ như những người cha, người mẹ thứ hai, đến khi được làm đồng nghiệp, một lần nữa các thầy cô là những người tận tình chỉ bảo, giúp đỡ tôi từ những điều nhỏ nhất. Mỗi thầy cô là một thành viên trong gia đình nhỏ của đại gia đình Vùng cao Việt Bắc, luôn đoàn kết, gắn bó, sẻ chia buồn vui hay những khó khăn trong công việc.
Các thầy cô giáo tổ Xã hội - rường PT Vùng cao Việt Bắc
Những ngày này, trên các trang mạng xã hội đang rần rần “thay áo mới” để tìm “người thân” trở về “nhà” - Ngôi nhà chung Vùng cao Việt Bắc tròn 65 năm tuổi, thước phim hồi ức trong tôi như được chiếu lại.
Mỗi ngày đến trường đi làm, nhìn góc nào cũng ngập tràn kỉ niệm, nhớ những tiếng thìa rơi leng keng trong giờ học, tan học chạy thật nhanh cùng lũ bạn xuống nhà ăn để lấp đầy chiếc bụng đói; nhớ mỗi buổi chiều thứ 2 cả lớp lại cùng nhau lao động tình nguyện trên nhà Truyền thống, cùng nhìn lại lịch sử của trường mình và tự nhủ ước gì mình cũng có tên trong bảng vàng thành tích của trường; nhớ ngày ra trường mấy đứa ôm nhau sụt sùi khóc mà vẫn không quên trêu đùa - “Kỉ niệm 65 năm thành lập trường nhớ dắt theo con về họp lớp nhé!”…
Và điều đặc biệt nhất ở trường mình mà có lẽ không một trường phổ thông nào có được đó là những chuyến xe về Tết. Mỗi dịp Tết đến xuân về, chúng tôi rộn ràng chuẩn bị cho chương trình “Chào năm mới”, được cùng nhau thưởng thức dư vị ngọt ngào của những chiếc bánh chưng trong mâm cơm Tất niên của trường và nắm tay nhau nhảy múa, hát ca quanh đống lửa trại, rồi sau đó cùng giúp nhau xách đồ ra xe để về quê đón Tết mà chúng tôi vẫn thường gọi là “Vùng cao đêm không ngủ”.
Với đặc thù là ngôi trường nội trú có rất nhiều học sinh dân tộc thiểu số đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau nên mỗi dịp nghỉ Tết nhà trường lại sắp xếp xe đưa chúng tôi về đến quê nhà để đảm bảo an toàn, giúp phụ huynh yên tâm khi con em mình di chuyển trên một chặng đường dài. Cũng chính nhờ đó mà mỗi học sinh và giáo viên Vùng cao lại có cơ hội được thưởng thức rất nhiều đặc sản khác nhau của các vùng miền sau mỗi dịp nghỉ Tết và hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam mình.
Hình ảnh các em học sinh vui lửa trại
Bản thân là cựu học sinh của trường, sinh ra và lớn lên ở miền núi nên tôi càng thấu hiểu những khó khăn mà các em học sinh cũng như các thầy cô của trường gặp phải trong quá trình dạy và học. Có những em học sinh khi đến với Vùng cao Việt Bắc là lần đầu tiên được xuống phố, có những em còn chưa thông thạo tiếng phổ thông, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với thầy cô, bạn bè và trong việc tiếp thu kiến thức. Nhờ có thầy cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô giáo bộ môn - những người đã vô cùng kiên trì, kèm cặp sát sao để giúp các em xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và chủ động tiếp thu kiến thức trong học tập.
Có những học trò ở vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn đã từng tâm sự với tôi rằng: “Em không biết khoảng cách từ nhà em xuống đến trường là bao xa, chỉ biết là em phải đi ba chặng xe khách, đi mất hai ngày và sau đó em lại đi bộ thêm khoảng một tiếng đồng hồ để về nhà; bản em cũng không có sóng điện thoại, không có mạng internet nên mỗi khi học online trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp em lại phải đi bộ ra ngoài “đường to” để bắt sóng, bắt mạng học bài”. Nghe những lời tâm sự của các em tôi lại thấy hình ảnh của mình ngày xưa ở đó, tôi lại càng thêm đồng cảm và thấu hiểu, tôi thương và khâm phục những đứa học trò nhỏ mà ý chí và nghị lực vô cùng to lớn. Tôi thấu hiểu và nể phục những gì mà các thầy cô - đồng nghiệp của mình đã và đang cống hiến; nể phục các thầy cô của mình đã hi sinh thời gian của bản thân, thời gian cho gia đình để thay phụ huynh chăm sóc cho những đứa học trò nhỏ, bởi “Tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu”.
Chính nhờ những nỗ lực của các em và các thầy cô giáo mà các thế hệ học sinh của chúng ta đã chinh phục được những “Sân chơi tri thức” mang tầm cỡ Quốc gia, dành được những tấm huy chương Vàng, huy chương Bạc, những kết quả xuất sắc góp phần vào bề dày thành tích của nhà trường, để Vùng cao Việt Bắc xứng đáng là sự lựa chọn tốt nhất cho các em học sinh dân tộc thiểu số và là “Cánh chim đầu đàn” trong hệ thống các trường dân tộc nội trú toàn quốc.
Các thầy cô giáo và học sinh của nhà trường tại Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp Quốc gia năm học 2021 - 2022
Có lẽ, không có một thước đo nào có thể đong đếm được tình yêu mà tôi dành cho Vùng cao Việt Bắc và không giấy mực nào có thể kể hết được những kỉ niệm ở ngôi trường mến yêu này. Và chắc hẳn, những ai đã từng lớn lên từ mái ấm Vùng cao, khi rời xa sẽ vô cùng thấm thía hai câu thơ mà Chế Lan Viên đã từng viết:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”
Và cuối cùng, tôi xin được bày tỏ chút nỗi niềm cảm xúc cá nhân với những người thầy vĩ đại của mình. Thầy là người đã truyền cảm hứng cho tôi trong học tập - Người khơi dậy tình yêu với môn Địa lý trong tôi. Đó là Thầy Nguyễn Phúc Lự - Nguyên GV môn Địa lý, tổ trưởng tổ Xã hội - Người thầy đáng kính - đáng quý và đáng yêu của bao thế hệ học trò mà chúng tôi vẫn thường gọi với cái tên đặc biệt thân thương - “A Lử”. Cảm ơn thầy vì tất cả!
“A Lử” đáng kính cùng các thầy cô giáo bộ môn Địa lý
Vùng cao Việt Bắc 65 năm tuổi đánh dấu bước chuyển mình lớn lao trong quá trình phát triển của nhà trường, chúc nhà trường sẽ luôn vững mạnh và luôn là “Cánh chim đầu đàn” trong hệ thống các trường dân tộc nội trú toàn quốc!