CÂU CÁ TRỘM
Buổi trưa, phòng nam 208 nhà C cứ lục đục mãi chẳng ngủ gì cả. Tuấn thấy chán liền rủ rê mấy chàng công tử:
- Này, chiều nay lao động, tận 2h mới làm, mấy thằng mình đi câu cá, ao to của trường nhiều cá lắm, chiều về quán chú Vân nướng lên ngon phải biết.
Nghe thấy Tuấn tả mùi cá quá quyến rũ, vậy là Phú, đồng tình. Cả ba hì hụi làm lưỡi câu, đi ra bờ rào trường tìm cây để làm cần câu, khâu cuối là tìm chỗ và thứ gì đó để đào giun. Sau một hồi mò mẫm cả ba hý hửng để thực hiện kế hoạch tác chiến. Công đoạn cuối cùng là tìm cách trèo rào để ra ngoài. Cạnh trạm xá trường có một đoạn bờ rào không cao lắm, vậy là OK!
Vất vả, hì hục mãi rồi thành quả cũng đến với ba chàng ngự lâm pháo thủ. Cả ba chọn một chỗ khuất của bờ ao bên đường quốc lộ thả câu, một lúc thì cá cắn câu, một con cá rô nhỏ đã được Phú đưa lên bờ. Sướng quá Tuấn cầm con cá chao một vòng trước mặt:
- Ngon chưa, chiều nay được bữa quá đã, hi híc…
Tuấn đang cười tít bỗng có một cánh tay ai đó nắm lấy tay cầm cá của Tuấn. Tuấn quay lại định bụng tương cho một quả vì thằng nào dám trêu ông thì hú hồn…, người cầm tay Tuấn chính là chú công an xã Thịnh đán.
Vậy là cả ba được các chú đưa về trụ sở công an xã. Chả là đang đợt cao điểm phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn xã, buổi trưa các chú đi tuần và bắt được ba thanh niên đang câu cá trộm, tang chứng, vật chứng đủ cả.
Chiều lớp lao động nhưng cô giáo chủ nhiệm lại có việc phải họp ở văn phòng tổ. Vậy là Hiếu (lớp trưởng) thở phào nhẹ nhõm vì không phải nói dối cô về ba chàng thanh niên mất tích kia. Bỗng Nam chạy về mặt cắt không còn giọt máu, thở hổn hà hổn hển báo tin dữ:
- Bọn tao bị công an xã bắt, bây giờ các chú ấy cho tao về báo cho nhà trường cử người vào bảo lãnh và nộp tiền phạt. Làm thế nào bây giờ?
Cả lớp lo lắng, làm sao có thể báo cho cô được, cô biết thì sẽ ra sao? Lấy đâu ra 300.000 để nộp phạt bây giờ (năm 2004 số tiền 300.000 với học trò là rất to, cả lớp gom mãi vẫn không đủ). Hiếu vẫn với vai trò đầu tầu của mình gọi Tùng (lớp phó lao động) và Hằng (Bí thư) ra một góc thì thầm gì đó.
Một lúc sau cả ba thập thò ở cửa văn phòng tổ của cô chủ nhiệm. Sau khi ra tín hiệu muốn được gặp, cô chủ nhiệm ra ngoài. Cả ba vẫn không biết cách nào để nói với cô thì đột nhiên cô hỏi:
- Ba đứa gọi cô ra có việc gì không?
Gãi đầu gãi tai mãi cuối cùng Hằng cũng nói : Cô ơi, ba bạn lớp mình bị công an bắt rồi… Cô bình tĩnh và bảo:
- Cô hiểu rồi! Hai em về lớp lao động, còn Hằng ở lại đi cùng cô.
Ngay sau đó cô chủ nhiệm xin phép nghỉ họp sớm, sau khi gặp các chú ở phòng bảo vệ cô cùng Hằng đi vào trụ sở công an xã. Nhìn thấy ba cậu học trò đang ở văn phòng công an xã mà vừa thương vừa giận. Cô nộp 300.000 tiền phạt, đồng thời bảo lãnh cho ba cậu học trò. Với cương vị là giáo viên chủ nhiệm cô đã xin biên bản xử phạt về và đảm bảo giáo dục học trò.
Giờ sinh hoạt thứ bảy, cả lớp nín thở chờ đợi sự phán quyết và xử phạt của cô cho ba cậu học trò “nghịch dại”. Nhưng như đoán trước được tâm lý của cả lớp, cô bước vào và cho lớp sinh hoạt bình thường, không nhắc gì tới chuyện của Phú, Tuấn và Nam mặc cho lớp trưởng phê bình các bạn trước lớp. Cuối giờ cô gọi cả ba bạn ở lại và bảo một điều gì đó, nhưng sau đó cả ba rất ngoan và không vi phạm bất cứ kỷ luật nào. Cuối năm học Phú, Tuấn và Nam tự giác ra gặp cô, trả lại cho cô 300.000 đồng cô đã nộp phạt. Cô cười và bảo:
- Cô nhận 300.000 đồng này và chuyển vào tiền ba em đóng quỹ lớp sang năm nhé, các em đã làm ra tiền đâu. Tờ biên bản và ba bản cam kết này cô giữ làm kỷ niệm được không?
Tốt nghiệp lớp 12, Phú thi đỗ đại học Sư phạm Thái nguyên khoa Toán, Nam đỗ đại học Thủy lợi, còn Tuấn đỗ đại học nông nghiệp Hà nội. 5 năm sau, cả ba đã ra trường và xin được công ăn việc làm. Tháng lương đầu tiên của Phú cũng là ngày cả ba tụ tập trở về nhà cô chủ nhiệm cũ, ôn lại kỷ niệm xưa. Cô lại cười và bảo:
- Học trò của thầy Phú có giống thầy ngày trước không?