GẶP LẠI MỘT HỌC SINH CŨ Ở VŨNG TÀU
Nguyễn Chí Tiến - Nguyên Trưởng phòng CTCT-QLHS
Kể từ lúc tốt nghiệp THPT ở Trường PT Vùng Cao Việt Bắc khóa 1992-1995, sau nhiều lần hẹn hò gặp nhau, phải đến tháng 8 năm 2010, tôi mới lại có dịp gặp lại em: Hà Minh Tiến – Nguyên lớp trưởng lớp GA ở một nơi cũng khá xa và cũng đầy sôi động và nổi tiếng về kinh tế và du lịch-Thành phố Vũng Tàu.
Đón tôi ở bến xe Vũng Tàu, thày trò sau bao nhiêu năm xa cách thật bồi hồi xúc động, dáng cậu học trò người Bá Thước, Thanh Hóa năm xưa gầy, đen nay cao lớn và và rắn rỏi với nụ cười rạng rỡ trên môi. Em và tôi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm khó quêncủa lớp GA và khóa học 1992-1995 dưới mái Trường PT Vùng Cao Việt Bắc.
Hồi đó, trong các lớp học đại trà còn tổ chức các lớp chọn nhằm mục tiêu đào tạo các nhân tài trong chiến lược bồi dưỡng cán bộ có trình độ cao cho đồng bào các dân tộc miền núi; GA là lớp chọn các học sinh giỏi có năng khiếu về khối A, B (Toán, Lý, Hóa, Sinh); GC là lớp chọn các học sinh có năng khiếu khối C (Văn, Sử, Địa). Giáo viên dạy các môn chuyên là những đồng chí có trình độ chuyên môn tốt; được đào tạo có bài bản. Với lớp GA khóa ấy, một số giáo viên của trường được đào tạo trình độ Thạc sĩ trực tiếp giảng dạy, trong đó có cô Đinh Thị Kim Phương dạy môn Sinh (cô Phương hiện là Hiệu trưởng của trường); thày Trịnh Thế Cường - môn Vật lý và tôi dạy môn Hóa học. Các lớp G luôn là những lớp dẫn đầu trong các họat động của trường - nhất là học tập.
Là một trong các thành viên của tập thể lớp GA do cô giáo Trương Hà Hải (hiện nay cô là giảng viên của Khoa Công Nghệ thông tin - Đại học Thái Nguyên) là chủ nhiệm. Hà Minh Tiến đã bộc lộ những tố chất tốt về các môn học tự nhiên, em tham gia nhiều kỳ thi HSG từ cấp trường, cấp tỉnh, em dự thi HSG Quốc gia môn Hóa học. Tâm sự với tôi hôm nay em bộc bạch “Thật ra hồi đó em học môn Sinh tốt hơn, song em rất quý thày nên em lại đăng ký thi môn Hóa cho nên chưa đạt giải. Khi đọc đề thi HSG Quốc gia môn Sinh em thấy không khó...”. Thật là tiếc, phải chăng cũng là một bài học cho các em học sinh sau này khi lựa chọn một môn thi HSG thích hợp cho mình.
Không những học giỏi, học đều các môn Hà Minh Tiến còn họat động thể thao tích cực nên được tuyển vào đội thi Festival VHTT các trường DTNT năm 1994-1995 và em đã mang về huy chương vàng; em còn vinh dựđược nhận nhiều phần thưởng do các tổ chức trong và ngoài nước trao tặng. Tốt nghiệp PTTH em thi đỗ Đại học và học tại trường Đại học kỹ thuật và Công nghiệp Thái Nguyên. Tốt nghiệp Đại học, qua vài lần tìm và lựa chọn việc làm thích hợp, gần 10 năm, Tiến dừng chân ở Thành phố Vũng Tàu và gắn bó với sự nghiệp ngành dầu khí.
Hiện em là kỹ sư trưởng của công ty dầu khí Đại Hùng. Kể với tôi về công việc, em nói: “ Một tháng em ra dàn khoan làm việc 15 ngày; việc đi về bằng may bay trực thăng; công tác chuyên môn rất đặc trưng có khi phải sử lý tình huống độ sâu 18m. Sinh họat trên dàn khoan rất đầy đủ và an toàn, để có thể hoàn thành tốt công việc của mình em phải học thêm rất nhiều; cho đến hôm nay em có thể trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp nước ngoài bằng tiếng Anh một cách bình thường, em cũng đã nhiều lần được ra nước ngoài hội thảo, học tập.
Ở nước ngoài em thấy không có gì khó khăn về giao tiếp. Tôi hỏi em nhiều về những kiến thức có liên quan đến dầu mỏ và nhắc lại những bài tập mà thời phổ thông từng đề cập “Từ dầu mỏ viết phương trình điều chế nhựa PP; PVC..., thày trò cười vui về những kiến thức ban đầu rất đơn giản ấy.
Hà Minh Tiến lấy vợ cũng là một học sinh của Trường DTNT Thanh Hóa; quen biết nhau từ quê và qua hội thi Festival các Trường DTNT. Vợ Tiến hiện là một bác sĩ của một bệnh viện ở thành phố Vũng Tàu. Hai cô con gái là Hà Phi và Hà Phương là kết quả của một mối tình đẹp giữa 2 người vốn là học sinh của 2 Trường DTNT. Ngôi nhà 3 tầng với những tiện nghi đầy đủ và đắt tiền là kết quả làm việc cần cù của các em. Tôi rất vui vì lớp học trò của mình có những thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Được biết lương 1 tháng của một kỹ sư như em ở ngành dầu khí cũng bằng tổng lương 1 năm của những người có mức lương hưu như tôi.
Kể cho tôi nghe về các bạn GA năm xưa, em cho biết một số bạn là cử nhân, thạc sĩ, có bạn là tiến sĩ như: Đoàn Thị Tuyến - hiện nay đã tốt nghiệp Tiến sĩ Đại học Harvard (Mỹ); Lò Hồng Phong - Trưởng phòng Sở NN&PTNN Điện Biên; Hoàng Văn Thiên - Giám đốc Trung tâm Công nghệ TT bưu điện Bắc Kạn, Từ Thị Khuyên - Trưởng phòng TC-KT Vân Đồn Quảng Ninh; Trương Mạnh Hà - Bác sĩ Trưởng Khoa nội Bệnh viện A Thái Nguyên; Nguyễn Trường Giang - Sở Tư pháp Thái Nguyên...
Tôi cũng cho Tiến biết thêm một số bạn ở lớp khác cũng rất trưởng thành như: Hà Việt Quân hiện đang công tác ở Hội đồng dân tộc Miền núi; Trương Cẩm Thanh-Phó giám đốc của một công ty trực tuyến GAMES, người được nhắc đến trong bộ phim “50 năm Trường PTVC Việt Bắc”; Tòng Minh Hải-Nhà báo v.v. Các học sinh thuộc thế hệ của Tiến và sau này đã và đang phát triển, trưởng thành và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh.
Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải chia tay, sau 3 ngày ở lại Vũng Tàu, tiễn tôi ra tàu cánh ngầm đi Thành phố Hồ Chí Minh, thày trò bịn rịn phút chia tay. Em hẹn gặp lại và chuyển lời thăm hỏi tới các thày cô thân yêu ở mái Trường PT Vùng Cao Việt Bắc, nơi đã nâng cánh ước mơ cho thế hệ các em bay cao, bay xa tới những chân trời khoa học.
Từ đáy lòng, tôi thầm cảm ơn các em-người đã biến những kiến thức trên sách vở thành thực tế cuộc sống. Các em cũng chứng tỏ một điều mà trong lý luận của Tường PT Vùng Cao Việt Bắc “Nếu có thày giỏi và CSVC đầy đủ, học sinh các dân tộc miền núi không thua kém học sinh dân tộc khác về trí tụê...”
Các em học sinh của Trường PT Vùng Cao Việt Bắc sau này hãy lấy những tấm gương như thế để học tập, rèn luyện trở thành những cán bộ giỏi; cán bộ khoa học kỹ thuật có năng lực chuyên môn cao, góp phần xây dựng đất nước ta nói chung và miền núi nói riêng vươn lên ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Qua đây tôi cũng mong muốn sự chia sẻ thông tin cá nhân của các thế hệ học sinh sau khi ra trường qua trang thông tin điện tử của trường để qua đó có thêm động lực phấn đấu cho thế hệ đàn em.