KỶ NIỆM VỀ MỘT CÂY BÀNG
(Thân tặng các đồng nghiệp và các em học sinh nhân Tết Nhâm Thìn)
“Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người”
(Lời Bác Hồ)
Đi trong khuôn viên của Trường PTVC Việt Bắc, dù trong cái nắng chói chang của mùa hè hay trong giá rét mùa đông, ta luôn đi dưới những tán cây vươn rộng che khắp các lối đi. Những cây xà cừ cổ thụ như những lực sĩ của rừng xanh, bên những cây bàng đứng e ấp với tán lá xoè rộng, mà mỗi khi có gió những lá bàng xao động như những bàn tay vẫy gọi. Rồi kế đến là cây đa, cây bồ đề, dãy phượng vĩ. Tha thướt bên bờ ao là những cây liễu rủ và nhiều loại cây cảnh khác đan xen bên cạnh các dãy nhà, ta có cảm nhận một sự hài hoà sinh động giữa thiên nhiên và con người ở nơi đây.
Những thế hệ thầy và trò đã từng gắn bó với nhà trường từ lúc còn non trẻ, khó khăn bề bộn để có một cảnh quan như ngày hôm nay làm đắm say lòng người thì mỗi một ngọn cây, một công trình đều mang dấu ấn lịch sử của nó trong quá trình phát triển của nhà trường. Nhiều cây trong nhà trường là những di sản tinh thần vô giá đối với các thế hệ đã đang và sẽ học tập công tác tại trường. Và hôm nay, Tôi xin kể cho các bạn đồng nghiệp và các em học sinh về một trong số những cây đã đi vào lịch sử của nhà trường đó là cây bàng do Cố vấn Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Phạm Văn Đồng trồng ngày 10/ 10/ 1989 khi về thăm trường (Bác Phạm Văn Đồng là một nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng và Nhà nước ta, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân kính yêu và ngưỡng mộ).
Nhớ lại những năm từ 1986 đến 1989, Trường PTVC Việt Bắc nằm trong bối cảnh rất khó khăn về tuyển sinh đầu vào và cũng bế tắc về đầu ra, lúc ấy nhà trường chỉ tạo nguồn đào tạo cho các trường Sư phạm nhưng cũng cũng rất hạn chế về chỉ tiêu. Do vậy nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT phải về địa phương tham gia lao động sản xuất. Chính vì vậy việc tuyển sinh càng thêm khó khăn, học sinh không muốn đến trường học tập, bên cạnh đó kinh tế của đất nước đang gặp nhiều khó khăn, việc cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm khác mặc dù được Nhà nước ưu tiên nhưng so với yêu cầu còn nhiều khoảng cách. Cũng như nhiều trường PTDTNT khác trên cả nước, trường có nguy cơ giải thể hoặc bàn giao lại cho tỉnh Bắc Thái quản lí với quy mô hẹp hơn. Trước tình hình ấy, lãnh đạo trường đã chủ động tìm nhiều giải pháp để vượt qua thử thách tiếp tục củng cố và phát triển nhà trường đi lên.
Tôi còn nhớ vào những ngày đầu tháng 10 năm 1989, nhà trường nhận thông báo sẽ được đón tiếp một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đến thăm trong một ngày gần đây. Ngay sau khi có tin báo chính xác ngày Đoàn đến thăm, Đảng uỷ, Ban giám hiệu đã họp để bàn bạc và thống nhất các nội dung của buổi đón tiếp. Tôi lúc đó là Trưởng Ban lao động sản xuất và dịch vụ được thầy Hiệu trưởng phân công đi tìm cây giống để dùng làm cây trồng lưu niệm. Lúc bấy giờ các trường hay trồng phượng vĩ và bàng trong khuôn viên và Tôi cũng có ý định sẽ tìm hai loại cây đó vì tuổi học trò thường gắn với phượng vĩ và lá bàng. Sau mấy ngày đi lùng tìm cây, Tôi đề nghị thầy Hiệu trưởng cho trồng cây bàng vì phượng vĩ không tìm được. Tình cờ Tôi quan sát ở khu vườn của UBND tỉnh Bắc Thái có một số cây bàng nhỏ; giống cây bàng này do chim chóc tha quả bàng chín về ăn trên cây đa cổ thụ trong khu vườn của Ủy ban rơi xuống và mọc lên thành cây. Lấy cây bàng từ cơ quan lãnh đạo đầu não của Tỉnh là rất có ý nghĩa. Thế rồi Tôi cùng một số đồng chí khác như đồng chí Tưởng, đồng chí Nhân vv… mang giấy giới thiệu kèm theo cuốc, xẻng đến xin thường trực UBND tỉnh Bắc Thái được vào đánh một số cây bàng nhỏ về trường. Khi về trường, chúng tôi chọn 2 trong số 4 cây, chiều cao khoảng 50 - 60 cm cho vào bầu, chằng, buộc cẩn thận, chọn vài chiếc cuốc, xẻng, quấn cánbằng giấy màu chuẩn bị sẵn sàng cho việc trồng cây lưu niệm khi đoàn về thăm.
Sáng ngày 10/ 10/ 1989, toàn trường dậy sớm, vệ sinh môi trường sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, tay cầm cờ hoa tập hợp ở các vị trí được phân công. Khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi phấn khởi đón Đoàn đại biểu đến thăm và tận lúc đó mới biết chính xác Đoàn gồm Bác Phạm Văn Đồng, Cố vấn Ban chấp hành TW Đảng, cùng đi có Bí thư Tỉnh uỷ Nông Đức Mạnh (hiện nay là Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) và nhiều đồng chí ở TW, Bộ Giáo dục, các Ban ngành TW và tỉnh Bắc Thái.
Đoàn đại biểu dẫn đầu là xe cảnh sát từ từ tiến vào cổng trường. Chiếc xe màu đen thứ hai dừng trước bậc tam cấp nhà Ban giám hiệu và thật bất ngờ Bác Phạm Văn Đồng trong bộ quần áo kaki bạc màu, mắt đeo kính màu, chân đi dép bước xuống xe vẫy chào mọi người. Cán bộ, học sinh xếp thành 2 dãy dài, tay cầm cờ hoa vẫy chào Bác. Một tình cảm thiêng liêng, kính yêu trào dâng mãnh liệt trong mỗi trái tim chúng tôi, tiếng vỗ tay vang dội, cả một rừng cờ, hoa và biển người cùng hướng và di chuyển theo Bác, ai cũng muốn đến thật gần để nhìn Bác được rõ hơn. Thầy Nguyễn Văn Đào (Hiệu trưởng), thầy Ma Đình Tân (Bí thư Đảng uỷ) thay mặt nhà trường chào đón và tặng hoa các đại biểu. Tiếp đó các thày mời Bác Đồng và đoàn lên sân trường nơi tổ chức mít tinh chào mừng .
Ngồi trên ghế Chủ tịch đoàn hôm ấy Tôi nhớ có Bác Phạm Văn Đồng, đồng chí Nông Đức Mạnh (Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Thái), thầy Nguyễn Văn Đào, thầy Ma Đình Tân, cô Hoàng Thị Xuân (giáo viên Sử, dân tộc Tày) và một học sinh người H’Mông, khi em học sinh này lên sân khấu đã vội chạy tới chỗ Bác Đồng, vừa ôm Bác vừa khóc vì quá sung sướng, cảm động. Bác Đồng hiền từ đứng dạy ôm em học sinh, Bác cũng rơm rớm nước mắt.
Sau phần giới thiệu đại biểu, thầy Nguyễn Văn Đào thay mặt lãnh đạo trường đọc báo cáo thành tích và cả những khó khăn mà nhà trường đang phải gắng sức vượt qua, thầy cũng kính chúc bác Đồng mạnh khoẻ, trường thọ, tiếp tục cống hiến cho Đảng, Nhà nước… Phần cuối của buổi mít tinh, Bác Đồng lên phát biểu, với giọng nói ấm áp và thân tình như người Ông. Bác biểu dương những thành tích mà thầy và trò đã đạt được trong những năm qua, đồng thời bác cũng ân cần nhắc nhở cán bộ, giáo viên phải cố gắng hơn nữa trong công tác nuôi, dạy học sinh dân tộc, phải coi các em như người ruột thịt của mình. Bác cũng khuyên các em học sinh phải cố gắng học tập và rèn luyện đạo đức cho tốt để sau này có khả năng tham gia xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc… Tất cả mọi người đều im lặng lắng nghe như nuốt lấy từng lời của Bác. Bác còn hỏi ở trường có thầy, cô giáo nào từ miền xuôi lên công tác không? Thầy Nguyễn Thượng Cường-giáo viên giỏi môn Toán, quê Hà Nội mạnh dạn chạy lên chỗ Bác, Bác giơ đôi tay ôm thày và nói lời động viên khích lệ…
Thời gian cứ vùn vụt trôi nhanh, chẳng mấy chốc giờ chia tay cũng sắp đến. Sau khi Bác nói lời chúc và tạm biệt cán bộ giáo viên và học sinh, lãnh đạo trường mời Bác xuống trồng cây lưu niệm. Tại chỗ trồng cây, Bác và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Thái, lãnh đạo trường và một số lãnh đạo Bộ Giáo dục cầm quốc, xẻng trồng cây lưu niệm (Cây bàng cạnh lối lên cầu thang chính nhà học 3 tầng). Sau khi lấp đất cho cây xong, Bác cầm ô doa tưới nước cho cây bàng, các phóng viên xúm xít xung quanh chỗ trồng cây trong tiếng reo hò vỗ tay nồng nhiệt của mọi người. Xong việc trồng cây, Bác Đồng và đoàn đại biểu vào thăm nhà truyền thống, kết thúc nội dung thăm quan nhà truyền thống, Bác ngồi xuống ghế và ghi vào Sổ vàng truyền thống của trường: “Tôi thân ái chúc trường PTTH Việt Bắc phấn đấu trở thành 1 trường gương mẫu trong việc thực hiện tốt hai việc Bác Hồ dạy” (Ngày 10 tháng 10 năm 1989).
Sau đó, Bác ra xe vẫy tay tạm biệt thầy trò Trường PTVC Việt Bắc trong tiếng vỗ tay vang dội và rừng cờ hoa rực rỡ.Ít lâu sau, Bộ chính trị TW Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 22, Chính phủ ra chỉ thị số 105, Bộ Giáo dục xây dựng Chương trình 7 về giáo dục và đào tạo, trong đó định hướng tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống các trường DTNT từ TW đến địa phương, tăng cường CSVC và mở rộng đầu ra cho các trường PTTH DTNT nhất là các trường DTNT Trung ương. Ngày Bác Đồng về thăm,như mộtmốc son đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của hệ thống các trường DTNT nói chung, trong đó có Trường PTVC Việt Bắc nói riêng. Với sự lãnh đạo sáng suốt, năng động và sáng tạo của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Đào và sau này là Nhà giáo Ưu tú Đinh Thị Kim Phương, tập thể nhà trường đã không ngừng đoàn kết phấn đấu phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ một trường chỉ có một hệ THPT đến nay đã trở thành trường đa hệ (Hệ DBĐH dân tộc; THPT trong đó có chuyên; PTTHCS dành cho học sinh các dân tộc đặc biệt ít người), được Đảng, Nhà nước khẳng định “Trường PTVC Việt Bắc là cánh chim đầu đàn trong hệ thống các trường DTNT cả nước” (Lời Chủ tịch Trần Đức Lương khi về thăm trường năm 2000).
Ngày nay, học sinh của trường đã trưởng thành, nhiều người đã trở thành lãnh đạo cao cấp từ TW đến địa phương, nhiều giáo viên, học sinh đã có học vị cao như tiến sĩ ( Mông Ký Slay, Vũ Tiến Dũng… Đoàn Thị Tuyến K37 (em Tuyến học và làm luận án tiến sĩ tại Đại học Havard - Hoa Kỳ), nhiều thạc sĩ, cử nhân vv…góp phần xây dựng đất nước Việt giầu mạnh văn minh.
Bác Đồng đã theo Bác Hồ về với Các Mác-Lênin, nhưng cây bàng mà Bác và nhiều cây khác do các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trồng lưu niệm khi về thăm trường ngày càng bám rễ, xanh tốt ngày đêm tỏa bóng mát che chở cho tất cả chúng tôi. Hình ảnh đó nói lên sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới đồng bào các dân tộc miền núi, thể hiện sinh động chính sách dân tộc tốt đẹp của Đảng, Nhà nước Việt . Thầy và trò Trường PTVC Việt Bắc rất xúc động và tự hào vì những di sản tinh thần vô giá ấy và cảm thấy trong hành trang của mình luôn có sự che chở, động viên khích lệ của các Bác.
Lại nói về cây bàng do Bác Đồng trồng năm ấy, khoảng 2 năm sau cây đang lên xanh tốt, cao chừng 2,5m tự dưng héo lá, ủ rũ. Mặc dù được chăm sóc và bảo vệ khá chu đáo. Chúng tôi rất lo lắng, nhiều giả thiết được nêu ra. Tìm hiểu kỹ thấy phần gốc cây có hiện tượng rễ cây không bình thường nên việc đầu tiên là phải cứu lấy cây sống lại. Lãnh đạo trường đã giao cho nhóm giáo viên Sinh do cô giáo Đinh Thị Kim Phương (Hiện là Hiệu trưởng nhà trường) và kỹ sư trồng trọt Ma Thị Tài, bằng chuyên môn và kinh nghiệm xử lý. Với trách nhiệm cao trước công việc được giao, các cô đã dùng thuốc kích thích phun vào phần thân trên rễ và tăng cường phân bón chăm sóc. Khoảng 2 tháng sau, cây phát triển bộ rễ mới bám chặt vào lòng đất, cành lá xum xuê, toả tán lá rộng che kín cả một vùng rộng ở sân trường.
Những khi học sinh cuối cấp ra trường, các em thường chụp ảnh dưới gốc bàng này,mùa bàng chín, lũ học trò tinh nghịch thường trèo lên hái quả bàng chín chia nhau nhấm nháp phần vỏ và đôi lúc đập hạt lấy nhân quả bàng ăn tỏ ra rất thích thú. Cây bàng và nhiều cây khác đã gắn bó thân thiết với tuổi học trò Trường PTVC Việt Bắc. Còn chúng tôi, những cán bộ, giáo viên khi tập trung chào cờ sáng thứ hai hàng tuần rất thích được ngồi dưới tán cây bàng do Bác Đồng trồng năm ấy và mỗi lần như vậy chúng tôi thấy như Bác luôn ở bên và vẫy gọi thầy trò chúng tôi tiếp tục phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp trồng người ở mái trường này.
Chuyện là như thế, giờ thì các bạn cũng hiểu không nhiều trường trên đất nước ta có những di sản tinh thần lớn lao như Trường PTVC Việt Bắc và với các bạn đồng nghiệp, các em học sinh, Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn và các em một điều hãy cố gắng công tác và học tập thật tốt để viết tiếp trang sử truyền thống vẻ vang của nhà trường một trường đã từng được vinh dự đón 3 lần Bác Hồ và nhiều đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, để không phụ lòng tin yêu của Đảng và Nhà nước khi được công tác và học tập tại Trường PTVC Việt Bắc thân yêu.
Khi viết những dòng cuối của câu chuyện này thì Đài tiếng nói Việt đang đưa tin việc bán vé tàu cho người về quê ăn Tết Nhâm Thìn 2012. Ồ, vậy là năm cũ sắp hết, một năm mới lại sắp đến rồi. Trường PTVC Việt Bắc chuẩn bị sang tuổi 55 đầy sức lực và trí tuệ. Đột nhiên một câu thơ của nhà thơ Tố Hữu dâng trào trong tôi “Xuân đã đến rồi hối hả tương lai”.