MẸ CŨNG LÀ CÔ GIÁO!
(Bài viết đạt giải Nhất cuộc thi “Nét bút tri ân” chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 do Đoàn trường PT Vùng cao Việt Bắc tổ chức)
Mẹ! Hôm nay là ngày nhà giáo Việt Nam. Mẹ chắc hẳn đang rất vui mừng và hành phúc trong ngày này - ngày hiến chương nhà giáo. Bởi mẹ cũng là một cô giáo, là người mang tri thức tới cho những bản làng xa xôi, cần mẫn như một người lái đò đưa từng chuyến đò đầy qua con sông rộng lớn mênh mông mà điểm dừng là bến bờ tri thức. Mẹ ơi! Đối với mọi người, có lẽ mẹ cũng bình thường như bao người khác, nhưng trong mắt con, mẹ thật sự rất... rất ... đặc biệt. Trong mắt con, mẹ là bầu trời, là cả một thế giới (nhưng chỉ là thế giới của riêng mình con thôi), mẹ là ánh mặt trời xua đi đểm đen giá lạnh, mẹ là niềm tin, là nguồn động lực giúp con có thể tự tin bước đi trên đôi chân của chính con, trên con đường của riêng con.
Mẹ yêu con rất nhiều, nhưng con, không biết điều đó. Bởi mỗi lần con vấp ngã, mẹ không bao giờ đỡ con dậy, khi con nản lòng và cầu mong sự giúp đỡ của mẹ, mẹ cũng chẳng bao giờ giúp con. Những lúc như thế, con đã nghĩ mẹ thật lạnh lùng và vô cảm, những lúc như thế, con đã rất giận mẹ, và con đã khóc. Nhưng con đau biết, mẹ ơi... Đằng sau sự vô cảm ấy là cả một sự hi sinh lớn lao và thầm lặng. Con đâu biết rằng mẹ chỉ dám đứng tự xa nhìn con, mà không đến gần nâng con dậy vì mẹ muốn con tự đến lên trên chính đôi chân của con, bước từng bước vững vàng trên con đường mà con đã chọn. Con đâu biết rằng mỗi khi con khóc, mẹ còn đau đớn hơn con gấp ngàn lần, nhưng mẹ đã cố nén những giọt nước mắt đó để đi đến bên con và yêu cầu con hoàn thành công việc.
Không có thước đo nào có thể đo được tấm lòng yêu thường vô tận của mẹ, không một sự so sánh nào có thể đem ví với sự hi sinh cao cả, lớn lao của mẹ. Và con xin lỗi, mẹ ơi. Con xin lỗi về những lần con giận hờn vô cớ, con xin lỗi về những lúc con đã làm mẹ thất vọng. Con đâu biết rằng mỗi lúc như thế là một lần mẹ đau đớn, là hàng ngàn lưỡi dao cào xé tâm can của mẹ. Những lúc như vậy, con đã rất muốn xin lỗi mẹ nhưng cái ‘‘tôi’’ trong con quá lớn khiến câu xin lỗi của con không thể thốt nên thành lời.
Mẹ ơi! Con đâu có thể hiểu được bao khó khắn, nhọc nhằn mẹ đã phải trải qua, khi mà bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên đôi vai gầy gầy, xương xương của mẹ. Con sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi, mẹ ạ, cho dù con có đặt mình vào vị trí của mẹ và suy nghĩ lâu đến thế nào đi chẳng nữa. Bởi mẹ quá bao dung còn con thì lại quá ích kỉ và hẹp hòi. Mẹ luôn tha thứ cho mọi lỗi lầm con phạm phải, còn con thì liên tiếp gây ra những lỗi lần khiến mẹ phiền lòng.
Có đôi lúc, con tự hỏi khi thượng đế tạo nên mẹ, phải chăng ngài đã sàng lọc và kết tinh những tinh hoa tinh tú nhất của đất trời để tạo nên mẹ với một tấm lòng nhân ái, yêu thương vô bờ bến, để mẹ có thể cần mẫn với bao thế hệ học trò của mẹ, để những đêm đông giá lạnh có một tấm lòng, một nhân cách sáng lên trong màn đêm u tối với tấm lòng yêu thương trải dài ra vô tận với bao tâm huyết dồn cả lên trang giáo án.
Mẹ cũng là cô giáo, nhưng mẹ không giống cô giáo khác, mẹ chỉ tìm đến những điểm trường nhỏ phía sau dãy núi, nơi không một thầy cô nào lại không buông một tiếng thở dài khi nhắc đến. Mẹ đã đến với bao niềm yêu thương, đem kiến thức đến bản làng. Mẹ lúc nào cũng tận tụy với công việc, yêu thương học sinh của mình. Mẹ âm thầm cống hiến, cần mẫn, như người lái đò lặng lẽ chở từng đoàn người qua con sông rộng lớn mênh mông chỉ chạm đến bờ tri thức nhưng liệu rằng, khi đã đặt chân đến bờ tri thức đó, có mấy người ngoảnh lại, có mấy người nhớ về hình bóng con đò năm xưa với một lòng thành kính với nỗi nhớ thương tha thiết
Mẹ ơi! có phải con đã quá vô tâm không khi mà con đã quá quen thuộc với hình ảnh của mẹ ngỡ ngàng khi nhận ra rằng thời gian trôi đi quá nhanh cùng với sự trưởng thành của con, theo mỗi bước đi ngày càng vững trãi hơn của con, khi con đã ngày càng trưởng thành hơn từ những vấp ngã. Thời gian vun đắp cho con bao nhiêu, hoàn thiện người con bao nhiêu thì lại tàn phá trên dáng hình thân thương của mẹ bấy nhiêu. Thời gian qua đi để lại dấu ấn trên mái tóc điểm sương, trên khuôn mặt hiền từ của mẹ, đọng lại trên những nếp nhăn bên khóe mắt.
Mẹ chỉ cho đi mà không mong nhận lại, vào ngày 20 – 11 mẹ không hề nhận những bó hoa đẹp, rực rỡ như bao cô giáo khác, đôi chân của mẹ vẫn vượt qua bao nhiêu núi đồi, lội qua bao nhiêu con suối để đến từng hộ dân trong bản vận động các em đi học. Niềm vui lớn nhất của mẹ là ở nơi con, khi mà con khẽ đặt lên bàn làm việc của mẹ một bó hoa ly cùng dòng chữ “Chúc mẹ một ngày 20 – 11 vui vẻ đầy ý nghĩa”, khi ấy, mẹ mỉm cười.
Nhưng giờ con đang học xa nhà, đây là năm đầu tiên con xa ngôi nhà thân thương của con, xa vòng tay yêu thương của mẹ để đến với Mái ấm vùng cao con nhớ nhà, nhớ mẹ, con đã cố kìm cho tiếng khóc của mình không bật lên thành tiếng khi gọi về cho mẹ bởi vì con biết rằng khi tiếng khóc của con bật lên thành lời, từng tiếng nấc sẽ như ngàn lưỡi dao cào xé và con tim rớm máu của mẹ. Những lúc như vậy, con tự trách mình sao không trân trọng từng khoảnh khắc khi còn trong vòng tay yêu thương của mẹ, được che chở, bảo vệ, để rồi đến tận bây giờ, con lại phải nuối tiếc khi xa mẹ.
Mẹ! Con nhớ lắm, đôi lúc ở đây, con tự trách mình sao không để mẹ cười nhiều hơn khi ở gần bên mẹ, con tự trách mình sao không trân trọng từng giây phút được mẹ kề bên đến tận bây giờ. Nỗi nhớ ngày càng lớn dần lên trong con… Nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà cứ lớn dần lên theo từng ngày rồi thành mục tiêu thúc đẩy con phải cố gắng làm sao để không phụ lòng mong mỏi của mẹ, để tự hào về con. Con tự nhủ phải cố gắng phấn đấu, phải tự đứng lên sau mỗi lần gục ngã để tự bước đi từng bước vững vàng trên đôi chân của con. Mẹ ơi, con sẽ không bao giờ làm mẹ buồn, mẹ khóc vì con nữa, thay vào đó là niềm tự hào, niềm hạnh phúc vì kết quả của con đạt được. Và con muốn chứng minh cho tất cả mọi người biết rằng: “Con yêu mẹ, rất nhiều... !"