Người thầy giáo – chiến sĩ
Một thời khói lửa bom đạn đã đi qua. Độc lập, hoà bình lại trở về trên quê hương Việt yêu dấu. Để có được thành quả ấy phải nhắc đến công lao của biết bao thế hệ cha anh đi trước. Có những chiến sĩ anh hùng, quả cảm đã anh dũng hi sinh chẳng tiếc máu xương vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Và cũng có những người lính trở về, tiếp tục cống hiến hết mình cho Tổ quốc, làm những “Anh bộ đội cụ Hồ” trong thời đại mới và lại lặng lẽ góp sức vào một sự nghiệp cũng thật vĩ đại: “Sự nghiệp trồng người”. Trong số những nhà giáo - chiến sĩ ấy có thầy Mai Văn Đồng - Phó trưởng phòng Đào tạo trường PT Vùng Cao Việt Bắc.
Khi cả nước sục sôi khí thế đánh giặc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy - chàng thanh niên mới chỉ mười tám tuổi đã xung phong lên đường chiến đấu. Sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh không hề làm lung lay ý chí thép của người chiến sĩ trẻ tuổi ấy. Thầy vẫn cùng các đồng đội trên chiến trường C, đoàn 559 lăn xả vào các mặt trận, băng qua mọi hiểm nguy, lái những chiếc xe chở hàng ra tiền tuyến. Với sức trẻ tràn đầy, lòng căm thù giặc sâu sắc và nhiệt huyết sục sôi, thầy vẫn ngày đêm “bon bon trên chặng đường” với một niềm tin son sắt vào thắng lợi của quân ta. Thầy kể: “Hồi ấy, dù tiếng súng rát bên tai nhưng ai cũng phơi phới lắm, vì thầy và các đồng đội, ai ai cũng quan niệm rằng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.
Theo dòng quyết tâm đó, thầy tiếp tục hăng hái kháng chiến chống giặc Mĩ. Đến mùa xuân năm 1972, đó là một ngày giáp tết (27 tết) trời se lạnh, thầy nhận lệnh cùng đồng đội chở hàng qua ngầm Xêbănghiêng (đường ngầm qua sông) ở phía nam Lào. Quân địch đã chặn đánh, xả đạn, pháo lia lịa, phá hỏng đường ngầm và xe chở hàng. Thầy cùng một đồng đội nữa đã bị thương nặng. Thế nhưng sau khi được các bác sĩ cứu chữa, với lòng yêu nước cháy bỏng, thầy lại hăng hái theo những đoàn xe ra mặt trận. Thầy tâm sự: “Chứng kiến cảnh các anh em, đồng chí của mình ngã xuống, lòng căm thù của bất kì người chiến sĩ nào cũng sẽ trào lên thôi. Thầy cũng vậy, sao cam lòng nhìn chúng nó tàn sát dân mình”
Trong ngày vui toàn thắng của dân tộc, thầy trở về quê hươngĐịnh Hóa - Thái Nguyên cùng với thương tật (mất 25% sức khoẻ). Tinh thần quyết chí của chàng lính ấy lại tiếp tục được phát huy trên mặt trận văn hoá. Sau bao năm gian khổ chiến đấu, phải tạm gác lại việc học hành, chỉ tranh thủ ôn thi trong lúc dưỡng thương nhưng ngọn lửa tri thức vẫn âm ỉ cháy, thôi thúc thầy dự thi đại học và trở thành sinh viên khoa Văn của trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên
Năm 1979 thầy về công tác tại trường PT Vùng cao Việt Bắc. Suốt những năm tháng đứng trên bục giảng, thầy luôn phải chiến đấu với thương tật khi trái gió trở trời. Với tinh thần lạc quan và hài hước của anh bộ đội năm xưa thì đó là lúc: “mảnh đạn trong người nó cựa ý mà”. Dù tình trạng sức khoẻ như vậy nhưng thầy vẫn giữ vững phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ kiên cường và bản lĩnh. Thầy nổi tiếng là người kỉ cương và luôn đúng giờ trong mọi công việc, thể hiện đúng tác phong quân đội. Những năm tháng đầu, đất nước khó khăn, thầy vẫn miệt mài cùng những trang giáo án, tâm huyết với công việc tạo nguồn cán bộ cho các vùng sâu vùng xa và đặc biệt khó khăn. Thầy đã thực sự trở thành người cha nghiêm khắc nhưng cũng thật gần gũi với những đứa con Vùng cao còn đầy ngây dại và ngang bướng. Trong những giờ giải lao, chuyện trò, chúng tôi luôn bị thu hút bởi bao câu chuyện thầy kể, từ chuyện kháng chiến cho đến những chuyện về các anh chị khóa trước. Thầy nói: “Các anh chị ngày trước đi học khổ hơn các em nhiều lắm. Tình hình an ninh quanh trường phức tạp, quản lí rất vất vả. Lại còn đói, rét nữa. Thầy trò cùng luộc sắn, khoai ăn với nhau quây quần như một gia đình vậy”. Tôi chợt hiểu ra những hình ảnh trong dịp kỉ niệm 50 năm thành lập trường, học sinh của thầy đều là những người thành đạt quay trở về, tay bắt mặt mừng, khuôn mặt không nén nổi những xúc động và dường như trong đáy mắt thầy lúc đó cũng ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ.
Chắc hẳn không chỉ tôi, mà tất cả những học sinh nói chung và học sinh Vùng Cao nói riêng đều vô cùng tự hào khi có một người thầy giáo - chiến sĩ như thầy. Văng vẳng bên tai tôi luôn có những bài giảng văn của thầy với chất giọng thật trầm ấm: “Học văn là học làm người”. Em nhớ rồi thầy ơi!
Ngày kỉ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt đến rồi, xin gửi tới thầy lời chúc sức khoẻ và an lành nhất. Theo lời thầy dạy, chắc chắn chúng em cũng sẽ trở thành những chiến sĩ anh hùng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc đẹp giàu. Chúng em xin hứa!