NHỚ VỀ TRƯỜNG PT VÙNG CAO VIỆT BẮC
(Bài viết nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường của Cựu học sinh K45A1 Hoàng Văn Diệp - Hiện là Giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học KHXH & NV, ĐHQG HN)
Tôi là học trò Khóa 45 lớp A1, chúng tôi nhập trường khi Trường Vùng cao tròn 45 năm tuổi. Vì lẽ đó, khóa chúng tôi có may mắn hơn một số khóa học khác là ngay sau khi nhập học được một thời gian ngắn chúng tôi đã được tham dự lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Trường. Dư âm của buổi lễ kỷ niệm, hình ảnh các anh, các chị khóa trước nườm nượp trở về với trường đã in sâu trong ký ức của mỗi chúng tôi.
Thế rồi thời gian qua đi, thấm thoát đã hơn 10 năm kể từ cái ngày chính thức trở thành học trò Vùng Cao ấy. Giờ đây, ở nơi ấy có lẽ những người thầy, người cô giáo yêu dấu của chúng tôi tóc đã nhuốm màu thời gian, có thầy cô đã nghỉ hưu và có những thầy cô đã nhận công tác khác. Lũ học trò chúng tôi ngày nào còn chỉ là những đứa trẻ nay đã dần dần trưởng thành để bay đi khắp phương trời như những gì mà thầy cô luôn hằng mong ngóng, như những gì chúng tôi hằng khát khao, nhưlời bài ca mà chúng tôi nghe hằng ngày “Rồi mai đây tung cánh bay xa, mang lửa nhiệt tình cùng tiếng hát với lời ca, đến những công trình của đất nước bao la…”
Hơn một nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, cũng như cuộc đời mỗi con người, trường Vùng Cao cũng đã trải qua những nốt trầm nốt bổng. 55 năm ấy biết bao nhiêu tình cảm của các thế hệ học sinh, 55 năm ấy biết bao tâm huyết của các thế hệ cô thầy, 55 năm ấy hun đúc và hội tụ thành tinh hoa để rồi chúng ta có một trường Vùng Cao Việt Bắc như ngày hôm nay, một cái nôi để học trò chúng tôi hướng về, một nơi chan chứa những kỷ niệm thời áo trắng - quãng thời gian mộng mơ nhất và có lẽ cũng là đẹp nhất trong cuộc đời của những người đã từng là học sinh được đào tạo dưới mái trường này.
Lớp tôi có 48 bạn, theo ngôn ngữ học trò gồm 34 con nai vàng ngơ ngác và 14 xác con voi. 48 con người, là con em của các dân tộc đến từ những vùng khác nhau của đất nước, từ cao nguyên đá Hà Giang đến miền Tây Thanh Hóa xanh ngút một màu, từ những đỉnh núi Mù Căng Chải mờ sương, đến những vùng ven biển Quảng Ninh rì rào sóng vỗ. Mỗi chúng tôi mang trong mình một sắc thái văn hóa riêng, một phong tục riêng, một tiếng nói riêng. Nhưng tất cả đều gặp nhau ở lý tưởng, ở khát vọng được học tập để trở thành những người con có ích cho quê hương đất nước.
Ở Vùng Cao, chúng tôi được rèn luyện như trong môi trường quân đội, hằng ngày chúng tôi dậy sớm tập thể dục buổi sáng, vệ sinh công cộng, lên lớp học chính khóa, buổi chiều và buổi tối tự học. Thời gian biểu phần lớn là thời gian học chính khóa và tự học, xen giữa những buổi tự học là những hoạt động ngoài giờ, văn nghệ, thể thao. Chúng tôi sống, học tập trong môi trường tập thể nên có những kỷ niệm mà các bạn học sinh ở trường bên ngoài chưa trải qua cuộc sống tập thể, chưa ở ký túc xá thì không thể nào hình dung ra được. Cuộc sống ấy là một phần của những hành trang khi chúng tôi bước vào đời.
Nhớ những giờ thể dục buổi sáng mùa đông cũng như mùa hè, lớp nào cũng gần đủ quân số mà động tác cứ như vẫn đang nằm mộng du. Nhớ những lúc vội vàng chạy lên lớp mà trong túi quần vẫn còn nguyên cái bàn chải. Nhớ những tiết gần trưa lớp học im ắng lại bỗng nghe những tiếng leng keng của những chiếc thìa rớt trong ngăn bàn xuống đất.
Và nhớ nhất một đêm đông, đói, bài chưa thuộc, cả phòng 10 thằng con trai góp lại được 8 ngàn đồng để mua mì trần. Kết quả là 8 gói mì trần pha vào…một cái xô với khoảng 4 lít nước. Xô mì được truyền tay nhau với lời thách đố xem ai là người “xúc” hiệu quả nhất…Từ xô mì, biết bao câu chuyện được sẻ chia, nhiều mâu thuẫn được điều hòa, chúng tôi như hiểu nhau hơn, thân nhau hơn và xa rồi cũng nhớ nhau hơn.
Nhớ chuyện gói cà phê của ông Lớp trưởng, nghỉ tết ông lớp trưởng mang theo một gói cà phê, nhưng lại quên không mang phin, đêm đã khuya không thể chạy ra ngoài mua được, trong hoàn cảnh cần một thứ gì đó để chống lại cơn buồn ngủ, một quyết định cực kỳ sáng tạo được đưa ra và kết quả là tối hôm ấy cái phòng nhỏ ở đằng sau luôn sáng đèn…
Nhớ những lá thư tay, nhớ những rung động đầu đời của cái thời mộng mơ và không hề toan tính ấy. Nhớ những lúc tự nhiên trở thành những ông cụ non, bà cụ non tranh luận về cuộc sống, nhân tình thế thái…
Thời gian qua đi, chúng tôi mỗi người mỗi ngả, trong số những người bạn của chúng tôi có bạn đã vĩnh viễn ra đi, có những bạn hoàn toàn mất liên lạc. Thời gian có thể lấy đi của con người nhiều thứ nhưng thời gian không thể xóa đi trong tâm trí chúng tôi những năm tháng vô cùng đẹp đẽ ấy.
Lớp chúng tôi có 2 cô giáo chủ nhiệm. Cô Tô Thị Thoa chủ nhiệm năm lớp 10, 11 sau đó cô Phạm Thiếu Ngân tiếp tục công việc của cô Thoa khi cô Thoa tham gia công tác quản lý. Những ngày đầu mới nhập học, chúng tôi sợ cô Thoa lắm, sợ bởi vẻ bề ngoài uy nghi, nghiêm khắc, một phần vì môn Toán của cô thực sự không phải dễ với lũ học sinh (có phần lười biếng) như chúng tôi. Nghiêm khắc là vậy, nhưng cô quan tâm tới chúng tôi lắm, cô biết gần như hoàn cảnh của tất cả mọi người, cô nắm rõ tính tình cũng như điểm mạnh yếu của từng đứa chúng tôi, cô tham gia cùng chúng tôi những giờ ngoại khóa, buổi tối vẫn đến phụ đạo môn Toán và kiểm tra đôn đốc giờ tự học của lớp. Tôi còn nhớ cuối năm lớp 10 chúng tôi tham gia chương trình văn nghệ của trường, khi mà đội văn nghệ chưa biết chọn bài gì thì cô Thoa đưa ra một bài hát và chính cô đã dạy chúng tôi hát bài hát đó. Cô cất giọng và bao nhiêu ấn tượng về một cô giáo nghiêm khắc từ trước tới nay tôi chỉ dám “kính nhi viễn chi” đã biến đi đâu hết, tôi thấy cô thật gần gũi, thật hòa đồng và tình cảm như một người mẹ thực sự.
Cô Ngân đến với chúng tôi muộn hơn, học kỳ 2 năm lớp 10 cô mới dạy thay cho cô Mỹ môn Vật Lý, rồi sau đó cô là người dạy môn Vật Lí cho những năm học tiếp theo của chúng tôi và là Giáo viên Chủ nhiệm, khác với cô Thoa, cô Ngân khi ấy còn rất trẻ, dáng nhỏ nhắn và giọng nói cũng hết sức nhỏ nhẹ, có lẽ vì thế mà bọn học trò (có phần ương bướng) chúng tôi đôi lúc vi phạm nội quy hơi thái quá, phải nói rằng điều đó làm cô hết sức phiền lòng. Sang năm lớp 12 được/bị tín nhiệm gánh thêm trọng trách cán bộ lớp nên thời gian tiếp xúc với cô nhiều hơn, tôi mới thấy rằng đằng sau bóng hình nhỏ nhắn ấy là cả một nghị lực phi thường một tấm gương để chúng tôi noi theo.
Trong cuốn sổ lưu bút chung của lớp cô Ngân là người viết đầu tiên, cô chép tặng chúng tôi bài thơ Tự sự của tác giả Quang Vũ với lời nhắn nhủ: “Mỗi khi cô vấp ngã cô đều nhớ đến bài thơ này”. Bài thơ này tôi đã thuộc lòng và trở thành nguồn cổ vũ động viên mỗi khi tôi thấy nản chí:
“Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Không chỉ giành cho một riêng ai”.
Lớp tôi được mặc định là lớp chọn những học sinh học tốt các môn tự nhiên. Các bạn tôi phần lớn đều học giỏi các môn Toán, Lý, Hóa, nhưng có lẽ đầu óc tôi không được mẫn tiệp như các bạn nên với các môn ấy tôi học khá kém. Biết tôi bị hổng kiến thức năm lớp 11 cô Ngân quan tâm hơn và thi thoảng trong giờ học cô đến xem tôi làm bài tập và giảng thêm những chỗ nào chưa hiểu. Cô tận tâm là vậy, thế mà cái đầu óc bã đậu của thằng học trò (có phần lười biếng) như tôi không thể nào tiến bộ thêm được.
Tôi và một số bạn chọn lựa khối C để vào đại học. Tôi thích môn Lịch sử, và chính môn Lịch sử đã giúp tôi có được ngày hôm nay. Năm lớp 11, tôi mạnh dạn đăng ký thi vượt cấp, hôm đó tôi bị ốm và chắc mẩm bài mình làm chẳng thể cạnh tranh được với các anh chị lớp 12. Khoảng 2 tuần sau đó, cô Lục Thúy Hằng lên lớp, cô không xem sổ điểm, cũng chẳng ngó danh sách cô gọi tôi lên bảng; bài kiểm tra miệng của tôi hôm đó không tốt lắm, cô cho tôi về chỗ và nói với cả lớp “Thế này thì làm sao đi thi học sinh giỏi quốc gia được” sau đó cô mới thông báo tin tôi được chọn vào đội học sinh giỏi môn sử của Trường. Kể từ giây phút đó, nghiệp Sử như vận vào thân tôi.
Đội tuyển Sử năm ấy dưới sự dẫn dắt của cô Hằng, cô Kiên, cô Đặng chúng tôi giành được 5 giải 3 và 1 giải khuyến khích. Những kỷ niệm về thời gian ôn đội tuyển thi thoảng tôi và chị Trường Minh kể lại cho nhau nghe, cùng nhớ và cười từ chuyện chọc anh Tứ, đến chuyện cả chị Minh và tôi đều không đi ôn khi có thầy ở Hà Nội đến dạy (vì nghĩ mình đã trượt ở cấp tỉnh), cô Hằng đã phải xuống tận ký túc xá để gọi; Chị Minh và tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ bị một trận té tát, nhưng không, kết thúc giờ học cô bảo với chúng tôi “Không mấy khi có thầy đến dạy như thế này các em phải biết tận dụng chứ!”. Những kỷ niệm nhỏ đó, với tôi là những bài học đầu đời, là hành trang để chúng tôi vững bước đi trên con đường mình đã chọn.
Ngẫm lại thời gian trôi nhanh quá, mới thoáng một cái thôi đã một thập kỷ trôi qua. Lũ học trò ngày nào tham gia lễ kỷ niệm 45 năm với tư cách là học sinh khóa 45 của trường hôm nay lại hướng về trường Vùng Cao Việt Bắc, ngôi trường dấu yêu kỷ niệm tuổi 55. Có lẽ không ở đâu lại để lại nhiều nghĩa tình như thế, các thầy cô giáo thực sự trở thành những người cha, người mẹ thứ hai. Ở những môi trường khác, buổi tối là thời gian các thầy cô được giành riêng cho mình để nghỉ ngơi, để chăm sóc gia đình, nhưng với các thầy cô giáo trường Vùng Cao thì buổi tối là thời gian để chăm sóc cho lũ học trò, cùng chia sẻ những tâm sự hay phụ đạo thêm cho học sinh để ngày sau có đủ kiến thức để đàng hoàng bước chân vào cổng trường đại học.
Ở môi trường sư phạm đậm tính nhân văn ấy, tôi đã được các thầy, cô, các bạn chỉ bảo nhiều điều. Từ những chuyện nhỏ nhặt nhất trong lối sống sinh hoạt đến những bài học lớn cho cuộc sống mai sau. Tận đáy lòng mình tôi xin cảm ơn các thầy cô giáo đã trang bị cho chúng tôi đủ hành trang vào đời, cảm ơn các bạn của tôi đã cho tôi những tháng năm đầy ắp những kỷ niệm. Để rồi mai sau dù có đi đâu, về đâu cũng luôn tự hào rằng “Tôi là học sinh Vùng Cao Việt Bắc”.