TẾT TRÊN PHỐ NÚI QUÊ TÔI
Nguyễn Hồng Ngọc - A10- K57
Một buổi sáng chủ nhật uể oải và chây lười như mọi tuần, những cô cậu học trò cuộn mình trong những chiếc chăn ấm áp, ngủ bù cho sáu ngày học tập mỏi mệt. Tám giờ sáng... kí túc vẫn im lặng, chốc chốc chiếc đồng hồ báo thức lại kêu...
Một... hai... ba... mở khẽ cánh cửa phòng, những tưởng sẽ có cơn gió lạnh đủ làm tôi giật mình nhưng không, hôm nay gió đã nhẹ nhàng hơn, chỉ đủ cho ta thấy mùi hương thoang thoảng, bầu trời cũng trong xanh hơn, không khí mát lành với những tia nắng ấm áp. Trên cao, mấy chú én ríu rít bay lượn vòng vòng, tiếng hót thánh thót phá tan không gian tĩnh lặng, những mầm lộc xanh mơn mởn, chúm chím trên cành cây khô ráp. Cái hương vị này, cái khung cảnh này... có chút gì đó... hình như... xuân đã về!
Tôi chạy vội vào phòng, mở quyển lịch mới toanh còn thơm mùi gỗ... lập xuân... chính là hôm nay đã là ngày lập xuân rồi! Tôi muốn nhảy lên, vậy là sắp được về nhà rồi, tôi chỉ muốn hét lên thật to cho thỏa sung sướng. Chỉ độ đôi ba tuần nữa thôi tôi và các bạn sẽ được trở về nhà bên gia đình, được sống trong không khí rộn ràng như những ngày trước, cái không khí “tết trên phố núi quê tôi”.
Tết trên phố núi quê tôi... là cái tết của những cơn mưa phùn và cái lạnh giá buốt. Có lẽ chẳng có gì tuyệt hơn khi là những đứa con xa nhà, vội vã, hối hả trong màn đêm đi qua “cổng trời Quản Bạ”, nhìn xa hơn ra sau những cành đào đang chúm chím môi cười - một thị trấn sáng rực lên với đủ sắc nào là ánh điện cao áp, nào là những ngôi nhà sáng trưng với bóng điện, dây đèn nháy. Nhìn và cảm nhận thì dù thời tiết có giá băng thì cũng chỉ cần có lòng ta ấm là đủ.
Tết quê tôi cả gia đình quây quần bên bếp lửa hoặc những chậu than hồng: mẹ chải tóc cho con, ông bà nướng những củ khoai thơm phức, cha chuẩn bị những phong bao lì xì, mấy anh chị em nô đùa và cả gia đình cùng nói chuyện về những việc trong năm, những ước nguyện cho năm mới và cùng nhau cười thật thoải mái, những tiếng cười giòn tan bên ánh lửa lập lòe...
Tết trên phố núi quê tôi... có chiều 30 tết bận rộn! Bà vội vã gói những chiếc bánh chưng xanh cuối cùng để chuẩn bị bắc lên nồi và luộc bánh. Mùi thơm của từng hạt lúa nếp trắng ngần vừa mới được gặt hòa quyện với cái mùi của đỗ xanh, thịt mỡ đủ sức quyến rũ bất cứ ai. Có những gia đình gói bánh chưng gù, phần gạo nếp để gói có màu đen - chiếc bánh chưng truyền thống của người Tày quê tôi. Chiều 30 cả gia đình bận rộn dọn dẹp nhà cửa, mẹ cắm những lọ hoa thật đẹp và bày mâm ngũ quả. Ba cha con chúng tôi người treo đèn nháy lên trên cành bích đào xinh đẹp, người thổi những quả bóng bay sặc sỡ treo lên trên cây, người treo những phong bao lì xì đỏ đầy may mắn, lau cửa kính, tủ, bàn ghế cho sáng bóng. Ông ngoại tôi phụ trách nấu bữa cơm tất niên và bày bàn thờ, cúng tổ tiên. Cuối buổi cả nhà thay nhau tắm “tất niên” để rửa sạch những bụi trần trong cả năm lao động, học tập chăm chỉ và chờ đón một năm mới vui vẻ, hạnh phúc...
Tết trên phố núi quê tôi... có một đêm giao thừa ấm áp... Những năm trước đây khi “phố núi” còn nghèo, tết đến cả xóm hay là hai, ba gia đình cùng tụ tập xem những chương trình tết trên ti vi. Từ bản tin thời sự cũng phủ hồng màu đào bích hay cười nghiêng ngả với chương trình “Táo quân” hay những lời ca, tiếng hát mừng xuân mới tươi vui, rộn ràng. Bây giờ cũng vẫn thế, vẫn không khí tết vui như cũ nhưng mỗi nhà lại dành cho mình một khoảng không gian riêng để nói cười vui vẻ cùng với các vị táo vui tính, với những chiêu trò của Bắc Đẩu - Nam Tào và cùng hát theo những khúc ca giao mùa. Sau 12 giờ - thời điểm giao thừa mọi người trong gia đình mừng tuổi cho nhau và rồi những người được lựa chọn để đi xông đất, mở hàng sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình mong cho gia chủ sẽ có một năm làm ăn phát đạt “Tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt”... Sáng mùng một từng đoàn người nối đuôi nhau đi chúc tết lần lượt các hộ gia đình. Tiếng nói cười vang vọng cả dãy phố, lũ trẻ ríu rít vui cười bên phong bao lì xì...
Tết trên phố núi quê tôi... là hơi thở nồng nàn của mỗi hồn dân tộc với những lễ hội mùa xuân. Những cô gái H-mông bên chiếc váy xòe thổ cẩm nhảy múa trong lễ hội “Gầu Tào". Tiếng đàn tính, câu hát then, hát cọi mượt mà, ngọt ngào của lễ hội “Lồng Tồng”... rồi tất cả các dân tộc cùng nắm tay nhau ca múa dưới ánh lửa trại đỏ rực tình đoàn kết ở “Làng vui chơi, làng ca hát”,...
Tết trên phố núi quê tôi... không có tiếng pháo hoa rộn ràng trên nền trời lấp lánh những vì sao, không có những chương trình mừng xuân to lớn, linh đình nhưng tôi vẫn yêu cái mùa xuân nơi ấy, nơi quê hương mến yêu, một cái tết giản dị mà đầm ấm.
“Mùa xuân đến, xinh tươi trời mây
Nhà nhà đều xum vầy..."
Bỗng tiếng nhạc từ chiếc loa phát thanh của phòng quản sinh cất lên đưa tôi về thế giới hiện thực, bài hát chúc mừng năm mới du dương, trầm bổng khiến lòng tôi tự nhiên nghẹn lại, khóe mắt cay cay. Bình tĩnh lại một chút tôi bật chiếc đèn học cũ, ánh vàng chói mắt giúp tôi hiểu ra điều mình phải làm ngay bây giờ - học tập chăm chỉ. Rồi mai kia khi trở về nhà tôi sẽ lì xì cho cả nhà những bông hoa điểm chín, điểm mười, để tết thêm niềm vui, niềm vui thêm ý nghĩa vì:
“Quà nào bằng gia đình xum họp
Tết nào vui bằng tết đoàn viên".
Ảnh: Nguồn Internet