Trở lại “Mái ấm Vùng cao” trong không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày Hội trường, tay bắt mặt mừng, tôi cùng đồng nghiệp xúc động ôn lại những kỉ niệm xưa và vui mừng trước những thành tựu mà nhà trường đạt được trong thời gian qua.
Bất chợt, câu hỏi của cô trò cũ - nay là phóng viên về trường tác nghiệp làm tôi bối rối: “Điều gì khiến cô gắn bó cả cuộc đời với Vùng cao Việt Bắc”? Điều gì ư? Thực ra, tôi đã có thể trả lời bằng một câu ngắn gọn mà đủ ý, phải nói là bài bản: “Tình yêu nghề, sự quý trọng học trò và đồng nghiệp là lí do cô đã gắn bó với nhà trường suốt 34 năm qua”. Không những thế, tôi còn làm việc với ý thức: “Tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu”! - Một khẩu hiệu không hề sáo rỗng, đã trở thành tâm nguyện, thành động lực phấn đấu cho tôi cũng như các đồng nghiệp. Có điều, vào lúc trong lòng đầy ắp cảm xúc, tôi đã trả lời hoàn toàn ngẫu hững, không nói được những điều cần nói! Sau cuộc phỏng vấn, tôi cứ tự trách mình không tiết chế được cảm xúc, nhưng biết làm sao khi tôi gắn bó với Vùng cao như một cái “duyên kì ngộ” - một lẽ tự nhiên không thể nói rõ nguyên do!
Hơn 40 năm trước, thuở còn là một giáo sinh sắp sửa ra trường, tình cờ tôi được biết đến một ngôi trường có cái tên lạ, dài dặc: “Trường Bổ túc công nông và Phổ thông Vùng cao Việt Bắc” qua câu chuyện của cô bạn đến thực tập ở đó: “Các thày cô nghiêm túc, mẫu mực lắm, bao giờ cũng gọi nhau là thày giáo, cô giáo”. Có đôi chút tò mò, tôi muốn được thử sức ở ngôi trường này! Cầu được ước thấy, tôi nhận quyết định về trường công tác. Thời gian ở trường, tôi cũng có vài cơ hội chuyển đến những môi trường thuận lợi hơn… Nhưng rồi, Vùng cao Việt Bắc vẫn là nơi tôi gắn bó tới lúc nghỉ hưu…
Những ngày đầu tôi không khỏi phân vân, lo lắng: “Sẽ giảng dạy thế nào với đối tượng học sinh thuộc các dân tộc ít người đến từ những vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn?” Để xóa đi khoảng cách vô hình, tôi chủ động trò truyện với các em từ việc học hành, quê hương, gia đình đến phong tục, tập quán từng địa phương... Từ xa lạ, chúng tôi trở nên gần gũi, thân thuộc. Cũng chẳng biết tự khi nào tôi yêu làn điệu hát then, điệu xòe Tây Bắc và thích thú những đường thêu tỉ mỉ, pha màu hài hòa trên những tấm thổ cẩm… Và tôi dần nhận ra nét đẹp tâm hồn ở các em: Sự trong sáng, hồn nhiên, chân thật ẩn sau vẻ ngoài thô mộc, rụt rè. Rồi khi đã tin, đã quí, các em sẵn sàng mở lòng chia sẻ cả những bí mật sâu kín của gia đình, dòng họ, thậm chí cả chuyện yêu đương - vốn bị cấm kị trong nhà trường.
Tôi đã từng nghe học trò tâm sự về những rung động đầu đời và cả nỗi lo lắng khi tình cảm trục trặc… Những lúc ấy, khoảng cách cô - trò như đã xóa nhòa, trong mắt các em, tôi là người bạn lớn đáng tin cậy, có thể trao gửi tâm tình! Từ ngỡ ngàng đến xúc động, tôi trân trọng lắng nghe và hiểu, phải xứng đáng làm chỗ dựa tinh thần cho các em. Sự trong sáng, hồn hậu ấy - phải chăng là lợi thế cho tôi và đồng nghiệp trong giảng dạy môn Văn (khi đã đánh động, khơi trúng mạch cảm xúc của học trò).
Sinh ra và lớn lên từ những vùng quê xa xôi hẻo lánh, chịu nhiều thiệt thòi về vật chất, tinh thần, những đứa con của núi còn có một nguồn nội lực dồi dào, luôn cháy bỏng khát khao đổi thay số phận. Có phải vì vậy mà các em dám vượt ra khỏi vòng tay cha mẹ để đến một nơi xa lạ, bắt đầu một cuộc sống tự lập từ lúc còn ít tuổi.
Tôi đã được nghe cô trò nhỏ kể về chuyến đi xa đầu đời, một mình đi gần 300 km đến trường nhập học. Nhỏ nhoi giữa hội trường rộng lớn, em ngơ ngác nhìn các bậc phụ huynh vào làm thủ tục nhập học mà chẳng biết khi nào đến lượt mình… Cô bé ấy giờ đã có một vị trí mà nhiều người mơ ước!
Những ngày đầu ở trường nội trú, có những việc ngỡ nhỏ bé nhưng thật sự khó khăn với những đứa trẻ mới hôm qua còn sống trong sự bao bọc của người thân. Từ nỗi nhớ nhà da diết đến việc phải từ bỏ lối sống tự do, tùy hứng… Theo thời gian, các em đã hòa nhập vào cuộc sống tập thể: Từ cách gấp chăn màn, sắp xếp đồ đạc đến việc thực hiện các qui định về giờ giấc sinh hoạt (dù không dễ dàng khi quyết định chui ra khỏi chăn để đi tập thể dục giữ tiết trời đông lạnh giá, hay phải bật dậy để lên lớp đúng giờ tự học khi mắt vẫn cay xè)… Những đứa trẻ Vùng cao thuở ấy còn chịu chung với đất nước những khó khăn thời hậu chiến (cho dù nhà trường hưởng chế độ đặc biệt: được ưu tiên cấp đủ lương thực, thực phẩm).
Tôi nhớ mãi lần bắt gặp một tốp nữ sinh đang chờ phát thuốc. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, chị bác sĩ chép miệng thở dài: “Học sinh của cô giáo trông thì trắng trẻo, xinh xắn nhưng nhiều em bị phù! Cứ vài chục viên B1 là khỏi, nhưng hết thuốc thì đâu đóng đấy” (vì ăn gạo tấm)! Các điều kiện khác cũng rất thiếu thốn: điện thắp sáng chưa đủ, khổ nhất là thiếu nước sinh hoạt.
Cuộc sống tự lập khiến các em biết lo xa từ nhỏ. Buổi sáng trước khi lên lớp, các cô gái tranh thủ đi múc nước (để lắng bùn). Giếng sâu, đông người, múc được xô nước thì muộn giờ vào học. Sau mỗi dịp hè, tết các em mang xuống trường túi lớn, túi nhỏ lương thực, thực phẩm và cả mấy cân nến phòng khi cắt điện! Kể sao hết những khó khăn, thử thách nhưng các em luôn tìm cách vượt qua. Phải chăng cũng vì khát vọng đổi đời?
Chí hướng, bản lĩnh của học trò Vùng cao Việt Bắc bộc lộ rõ nhất trong cuộc đua trí tuệ không cân sức - những kì thi Học sinh giỏi Quốc gia. Ở đó, đối thủ tranh tài là các trường Chuyên trong cả nước. Các đội tuyển say mê ôn luyện, tự nguyện cắt bớt thời gian nghỉ ngơi, rút ngắn nghỉ hè, nghỉ tết để dồn sức cho kì thi. Con số hàng trăm giải quốc gia đã nói lên tất cả! Giờ đây, học sinh Vùng cao còn có mặt ở mọi kì thi dành cho học sinh THPT và luôn đạt thành tích xuất sắc. 3 năm học tập ở Vùng cao đã trang bị cho các em kiến thức văn hóa và cả những kĩ năng sống cần thiết để tự tin bước vào môi trường mới.
Điều đáng quí là những người con lớn lên từ mái ấm Vùng cao dù thành đạt, có vị trí cao hay chỉ là những người dân bình thường thì vẫn hướng về trường với tấm lòng biết ơn vô hạn. Chắc hẳn các thày cô có mặt trong chuyến thực tế miền Trung năm 2008 đều còn nhớ phút giây chia tay xúc động khi “Bài ca truyền thống” của trường được cất lên từ những cựu học sinh ở một làng nhỏ phía tây Quảng Bình - giáp chân dãy Trường Sơn - đã ra trường hơn 20 năm trước. Đó cũng là tình cảm chung của lớp lớp học trò: “Dù mai đây tung cánh bay xa… vẫn nhớ về trường Vùng cao Việt Bắc của ta”.
Những ngày này, không khí hướng về lễ kỉ niệm 60 năm thành lập trường đang nóng dần… Từ Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng đến các huyện ở Thanh Hóa, Quảng Bình… Các Hội Cựu học sinh đang nhóm họp sôi nổi, bàn kế hoạch ngày trở về nơi đã góp phần rèn giũa họ nên người. Dòng chia sẻ của em Vi Bích Thủy - Cựu học sinh K38 - C1 sau đây cũng là tâm trạng của nhiều Cựu học sinh Vùng cao Việt Bắc: “Nơi chúng ta nuôi ước mơ, nơi chúng ta lớn lên để trưởng thành! Nơi bắt đầu cho lí tưởng, niềm tin và lẽ sống. Nơi chúng ta được che chở yêu thương… Nơi chúng ta được tôi luyện!
Nơi ấy… ngày ấy…
Chúng ta đã từng ước mình như những ngôi sao xanh trên bầu trời kia! Không hào nhoáng mà sáng trong tự chính bản thân mình!
Chúng ta cũng từng ước bay thật cao thật xa như những cánh chim trời, tự do và kiêu hãnh!
Bay thật cao thật xa và để trở về!
Chúng ta sẽ trở về trong yêu thương dồn nén của mấy chục năm xa cách…
Nhớ thương đong đầy!
Hồi hộp chờ đợi từng ngày…”
Nhưng nói tới các thế hệ học trò cũng là để nói tới các thế hệ thày cô giáo đã gắn bó với Vùng cao Việt Bắc. Hiệu trưởng nhà trường là những nhà sư phạm tài năng, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục miền núi. Điều ấy đã tác động sâu sắc đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường. Những năm tháng khó khăn thiếu thốn, cuộc sống vật chất đạm bạc không làm mất đi sự lạc quan, yêu đời của các thày cô.
Khu tập thể giáo viên vẫn luôn rộn rã tiếng cười. Những chiều tập luyện thể thao, những đêm văn nghệ rộn ràng tiếng khèn, tiếng sáo như xua đi nỗi nhớ của những đứa con xa… Yêu nghề mến trẻ, các thày cô giáo ngày đêm bám lớp, chuyên tâm chăm sóc học sinh. Ở Vùng cao có những chuyện mà giờ kể ra có thể nhiều người không tin. Đó là chuyện một cô giáo chủ nhiệm đã hi sinh cả kì nghỉ tết để vào bệnh viện chăm sóc một học trò ốm nặng mà gia đình không có người xuống chăm nom; hay chuyện cô giáo trẻ tạm xa căn nhà đầy đủ tiện nghi ở thành phố để chuyển vào sống ở khu tập thể chỉ với lí do giản dị: “Học trò lớp 10 mới xa nhà, còn nhiều bỡ ngỡ, cần quan tâm nhiều hơn”!
Những chuyện trên là cá biệt, nhưng việc quan tâm đến nơi ăn chốn ở, chăm sóc học trò lúc đau ốm, lấp đầy kiến thúc cho học sinh yếu, nâng cao kiến thức cho học sinh giỏi, thăm nom gia đình các em khi hoạn nạn… là việc làm hàng ngày của các thày cô giáo. Chính sự bao dung, kiên trì nhẫn nại, thầm lặng hi sinh ấy đã giúp cho bao thế hệ học trò trưởng thành. Vậy nên, khi các em coi thày cô như những người cha, người mẹ thứ hai thì đó không phải là cách nói xã giao, hoa mĩ!
Vùng cao Việt Bắc luôn là tình yêu, niềm tự hào của những người đã, đang gắn bó, thậm chí có thể không trọn vẹn - những thày cô đã đến rồi đi! Việc chuyển trường có thể vì nhiều lí do, trong đó còn một nguyên cớ sâu xa rất đáng trân trọng: muốn được khám phá bản thân, được thử sức trong những lĩnh vực mới. Thật vui mừng vì các thày cô đều thành công khi đến môi trường mới! Và dù có đi xa nhưng lòng thì luôn hướng lại! Những dịp Hội trường, họ lại về với mảnh đất đã “hóa tâm hồn” để tìm lại dấu tích của một thời tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết và gặp gỡ bạn cũ, trò xưa, cùng nhau chia sẻ niềm vui trước sự lớn mạnh của nhà trường.
Thời gian trôi chảy… khi tôi về đây, hàng xà cừ mới trồng còn khẳng khiu gầy guộc, giờ đã thành cổ thụ tỏa bóng mát rợp cả sân trường. Cảnh vật giờ đổi thay khác lạ, dấu tích duy nhất còn lại là ngôi nhà ba tầng chứa đựng kỉ niệm của bao thế hệ thày trò… Vùng cao Việt Bắc bước vào tuổi 60 tràn đầy sinh lực. Cơ sở vật chất khang trang hiện đại đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và cuộc sống của học sinh nội trú. Thế hệ học trò hôm nay bạo dạn, nhanh nhẹn, giỏi giang hơn thế hệ trước. Đội ngũ thày cô cũng năng động, sáng tạo hơn xưa! Nhưng chắc chắn một điều: “Tất cả những gì thuộc về truyền thống thì còn mãi! Đó là một Vùng cao ân nghĩa thủy chung, nội lực dồi dào, giàu khát khao, chí hướng”! Kế thừa và phát huy những thành quả của thế hệ đi trước, chúng ta tin tưởng thế hệ trẻ tài cao, chí lớn hôm nay sẽ tạo nên một Vùng cao tươi mới, đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của thời đại, tiếp tục có những bước tiến vững chắc hướng về tương lai!
Cuộc phỏng vấn không hoàn hảo nhưng lại là cớ cho tôi trải lòng về Mái ấm Vùng cao. Khi viết những dòng này, cả một miền kí ức trỗi dậy trong tôi… những gương mặt đồng nghiệp, học trò hiện hữu gắn với những kỉ niệm về một thời không thể lãng quên. Thời gian có thể xóa đi tất cả những giá trị vật chất, nhưng những giá trị tinh thần thì còn mãi! Một Vùng cao sâu nặng nghĩa tình, son sắt thủy chung; một Vùng cao giàu khát khao chí hướng; một Vùng cao để thương để nhớ, để trân quí, tự hào sẽ sống mãi trong tôi, trong tất cả chúng ta - những người đã gắn bó trọn đời hay một phần tuổi trẻ với mái trường thân thương này! Có phải không các bạn?
Ngày hội trường đang tới gần! Có lẽ lúc này tôi cũng như các bạn đang trào dâng nỗi háo hức, ngóng trông… Điểm hẹn của chúng ta: “Vùng cao Việt Bắc”!