CÔ ƠI ! CON SẼ VỀ
(Bài viết của cựu học sinh VCVB - Đinh Thị Thanh Tuyền - A1K44 - HSG Quốc gia môn Ngữ văn, hiện đang là Tổ trưởng tổ Ngữ văn - Trường THPT Hương Cần - Thanh Sơn - Phú Thọ)
Những ngày đầu tháng 9 này, vào Website nhà trường hay lướt bảng tin Facebook, đâu đâu con cũng thấy tràn ngập hình ảnh logo về lễ kỉ niệm 60 năm ngày thành lập trường. Chỗ này bạn bè náo nức rủ nhau về hội trường, chỗ kia tất bật với những dự định, những kế hoạch cho ngày gặp mặt sau bao năm xa cách. Có những đợi chờ, háo hức và cả những niềm tiếc nuối khôn nguôi vì lí do bất khả kháng mà không thể trở về...
Con nhận được dòng tin nhắn từ người bạn phương xa: “Em nhất định phải về, cô mong em lắm đấy!”. Vâng! nhất định con sẽ về cô ạ ! Nơi ấy - tuổi 17 của con, thanh xuân tươi đẹp của con và bạn bè với bao cố gắng để hôm nay nhìn lại, con thầm cảm ơn những năm tháng ấy. Nơi cho con cảm nhận tình yêu thương có thật ở trên đời từ những con người vốn chẳng có chút quan hệ ruột thịt. Nơi chắp cánh ước mơ và cho con vững tin với nghề mà mình đã chọn lựa dù xã hội có bao điều đổi thay. Và hơn hết, nơi ấy con có Cô, có thầy Đào, cô Phương, cô Hằng cùng biết bao thầy cô khác vẫn đang dõi theo chúng con trên mỗi bước đường đời. Vì thế, nhất định con sẽ về, cô ạ!
Mười sáu năm về trước, con - một nữ sinh dân tộc mười sáu tuổi xa nhà gần 200 cây số về đây học tập. Nơi con ở ngày ấy còn chưa có điện, mỗi lần bố muốn gọi điện cho con phải đi gần nửa ngày đường. Con bỡ ngỡ, lạ lẫm những tưởng mình không thể vượt qua nổi. Và con đã gặp Cô - Cô là giáo viên chủ nhiệm cũng là giáo viên dạy văn của con.
Hình ảnh người "Cô" đầy yêu thương và hết lòng vì các con - Cô giáo Nguyễn Thanh Thuỷ - Nguyên Tổ trưởng Tổ Văn - Trường PT Vùng cao Việt Bắc
Cô giản dị, thân thiện và yêu thương con - tất cả thầy cô của trường Vùng Cao đều thế! Từ cô tỏa ra một năng lượng làm việc tuyệt vời mà chỉ có thể lí giải bằng tình yêu, sự đam mê và trách nhiệm với nghề, với học sinh các dân tộc thân yêu. Cô có biết không? Điểm 10 đầu tiên con nhận được ở mái ấm này là điểm 10 cô cho, cũng là điểm 10 theo con đi suốt cuộc đời, điểm 10 nhắc con trong cách hành xử với học sinh, điểm trác không phải là tất cả, nhưng đôi khi lại có tác dụng động viên tinh thần to lớn. Để hôm nay, dẫu cho con dù không đứng ở một vị trí công tác cao, thành tích 10 năm sự nghiệp của con cũng chưa nhiều, nhưng con biết có một điều rất thật, đó là vị trí của mình trong lòng học trò như cô đã từng dạy con...
Ảnh: Cô giáo Đinh Thị Thanh Tuyền - A1K44 - Cựu hs trường PT Vùng cao Việt Bắc bên các học trò
Ngày ấy, bốn mươi bốn đứa học trò chúng con là 44 hoàn cảnh, 44 cá tính khác nhau.
Chúng con gọi cô là mẹ, gọi nhau là anh em. Bạn Phạm Thành thông minh nhưng mải chơi. Anh Chiến lớp trưởng là tấm gương đầy nghị lực. Bạn Du tổ trưởng tổ 3 hiền lành và rất tâm lí, ngày lễ nào cũng mời các bạn nữ trong tổ đi ăn chè. Chị Vui thường bị các bạn chê “làn da Châu Phi” mà chẳng bao giờ giận dỗi. Bạn Thuyên quê Bắc Giang thì luôn thắc mắc tại sao các bạn ở Cao Bằng, Bắc Kạn lại nói là “mặc tất”, “mặc dép” vì theo bạn ấy, phải nói “đi tất”, “đi dép” mới đúng... Vậy mà, cô hiểu rõ tính nết từng đứa. Một ngày của cô ở trường nhiều hơn ở nhà… Ba năm gắn bó, chúng con chưa một lần nhớ ngày sinh nhật của cô, chưa một lần nói lời “cảm ơn”, và “xin lỗi” với cô...
Khi ngồi viết những dòng chữ này, từng hình ảnh thân quen cứ lần lượt hiện về trong tâm trí con như vừa mới hôm qua... Nhà truyền thống bây giờ đã được nâng cấp lên khang trang nhiều lắm nhưng trong con vẫn là hình ảnh nhà truyền thống xưa cũ với vườn cây trái xum xuê, nơi ấy chúng con ngồi ôn bài lẫn trong tiếng ve mỗi khi hè tới.
Cạnh đó là bờ ao với hàng ghế đá, liễu rủ suốt bốn mùa, ngồi ở đây sẽ nhìn thấy con đường và dãy nhà trọ mà các bạn học hệ gửi đi về. Đối diện đó là nhà hiệu bộ, nằm dưới tán xà cừ xanh mướt, là văn phòng các tổ chuyên môn - “đại bản doanh” của chúng con những ngày học đội tuyển đến tận 3 giờ sáng và khi về kí túc xá bao giờ cũng phải trèo cổng.
Nhưng có lẽ, nơi ghi dấu nhiều kỉ niệm nhất trong chúng con là giảng đường thân quen - tiếng thầy cô giảng bài, những giây phút vỡ òa vì thành tích đạt được sau bao nỗ lực, những nỗi buồn - những niềm tiếc nuối khi kết quả học tập không như mong muốn... Tất cả đều gửi trọn ở nơi ấy.
Nhà Đa năng, nhà ăn tập thể, trạm y tế, thư viện, kí túc xá và thậm chí cả căng-tin... Mỗi địa điểm là một vùng kí ức tươi sáng trong chúng con với biết bao kỉ niệm vơi đầy. Và phần sáng nhất trong cả vùng kí ức ấy vẫn là hình ảnh Cô Thầy. Niềm vui sướng hân hoan trong ngày chào đón chúng con nhập trường. Giọt mồ hôi nào rơi lẫn bụi phấn trắng bay, ánh mắt nào hiền từ, bao dung những phút giây chúng con mệt mỏi lỡ thiếp đi giữa giờ học. Buổi chiều nào tan trường cô vẫn ở lại xem nơi chúng con ăn ở và thăm nom các bạn ốm đau. Và những đêm trắng trong cái rét tái tê tiễn chúng con về nghỉ tết...
Có lẽ, chỉ có ở nơi đây, thầy cô mới yêu thương chúng con đặc biệt như thế. Xa nhà, nhưng chúng con vẫn cảm nhận được không khí gia đình đầm ấm từ thày cô, bè bạn. Con nhớ mãi tết người Mông ấm cúng, nhớ những làn điệu then mượt mà cùng cây đàn tính của các bạn dân tộc Tày. Con nhớ mãi không quên kỉ niệm Festival các trường Dân tộc nội trú toàn quốc lần thứ IV năm 2002 tại Gia Lai. Đây là chuyến đi xa đầu tiên trong đời, một chuyến đi vất vả nhưng giàu cảm xúc và giúp con hiểu thêm tấm lòng của thày cô bè bạn.
Khắc sâu trong con là hình ảnh thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đào - Người đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quí nhất trong nghề: Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Nhưng trước khi được Nhà nước vinh danh thì thầy đã là nhà giáo của Nhân dân, Thày đã chiếm trọn trái tim học trò Vùng cao nhiều thế hệ....
Trong cái nắng nóng oi bức của của miền Trung những ngày đầu tháng 7, hơn 50 thầy trò trên chiếc xe không điều hòa, quạt gió. Thầy năm ấy tuổi cũng đã cao, vậy mà chẳng có một chế độ ưu tiên đặc biệt. Mâm cơm của chúng con có những gì mâm thầy cũng chỉ những thứ ấy. Đến Tây nguyên giữa mùa mưa, trời se lạnh. Lo trò ốm, thày quyết định trang bị cho mỗi thành viên của đoàn một tấm áo gió. Con cũng không thể quên tinh thần “fair play” và tình cảm của các đoàn tham dự Hội thi dành cho đoàn trường mình. Thật cảm động khi được nghe tiếng hô cổ vũ trên khán đài nhà thi đấu “Vùng cao cố lên, Vùng cao cố lên”… từ các đoàn bạn. Ngay cả khi Vùng cao là đối thủ cạnh tranh trực tiếp thì các bạn đã hô vang “Cả hai cố lên”. Con làm sao quên được niềm vui vỡ òa, những nụ cười vả cả những giọt nước mắt hạnh phúc của thầy trò khi giành giải nhất toàn đoàn một cách thuyết phục.
Con nhớ cô Phương mỗi mùa thi cử lại tất bật lo lắng cho từng học trò. Con nhớ những giờ dạy Sử của cô Hằng - trống báo hết giờ lúc nào không hay vì cả cô lẫn trò vẫn say sưa với bài học. Con nhớ cô Thoa, cô Lan dạy Toán; thầy Tiến, cô Huyền dạy Hóa; thầy Kỳ, cô Thu dạy Lí; cô Phin dạy Kĩ thuật nông nghiệp; thầy Hà dạy Thể dục; cô Huyền dạy tiếng Anh; thầy Lự, thầy Tâm dạy Địa. Con nhớ chú Bắc ở Trạm y tế, cô Mai nhà ăn, bác Minh lái xe... Và con nhớ Cô - sớm tối đi về trên chiếc xe đạp đượm màu thời gian.
Con nhớ Cô - những ngày dạy đội tuyển cùng ăn cơm bụi, cùng chúng con ngủ lại ở văn phòng tổ. Con nhớ cô tuần 3 lần chẳng quản gió mưa đạp xe từ nhà vào trường xem chúng con tự học buổi tối. Con nhớ cô - những giọt nước mắt quay đi lau vội khi chúng con phạm lỗi lầm không thể tha thứ để chúng con biết rằng, dù có bất kì chuyện gì xảy ra, cô vẫn không bao giờ yếu mềm... Con nhớ cô đã cùng khóc, cùng cười với nỗi niềm tuổi 17 của con. Con nhớ cô chưa một lần khen con khi chưa trưởng thành nhưng lại luôn dõi theo, động viên cho con tin tưởng hơn vào những gì mà mình đã lựa chọn...
Từ ngôi trường này, bao thế hệ học sinh đã trưởng thành, trong đó có tập thể K44A1. Góp vào thành tích của nhà trường, chúng con đã có được 10 giải quốc gia, 3 huy chương Festival (1 vàng, 2 bạc).
Còn con - từ một cô bé nhút nhát thành một học sinh giỏi văn với những thành tích mà đến hôm nay con vẫn ngỡ như không phải. Những kiến thức được thầy cô trang bị đã cho con cơ hội vào thẳng khoa Ngữ Văn trường Đại học sư phạm Hà Nội và giúp con tự tin rất nhiều trên giảng đường trường đại học khi xung quanh con là các bạn người Kinh, đến từ các trường Chuyên, lớp chọn trong cả nước. Con cũng chọn con đường trở về phục vụ quê hương với tấm bằng Đại học loại giỏi, bỏ lại sau lưng thành phố và một vài cơ hội...
Con biết rằng, sẽ thật là khách sáo khi nói hai từ “Cảm ơn” cô, “Cảm ơn” mái trường. Nhưng cô ạ! Dù ở xa, lòng con vẫn luôn hướng về nơi đây với biết bao thương nhớ vơi đầy cùng lòng tri ân sâu sắc.
Mỗi ngày con đều vào Website của nhà trường. Con đón xem không bỏ sót chương trình truyền hình nào về nhà trường. Con hân hoan với thành tích cao của các em học sinh trong các kì Festival, kì thi Học sinh giỏi quốc gia, kì thi Trại hè Hùng Vương, thi Khoa học kĩ thuật… Con hãnh diện và tự hào về kết quả mà các thầy cô giáo đạt được trong sự nghiệp trồng người như thể chính con cũng là một thành viên của đội ngũ tài năng và tâm huyết ấy.
Và, cô biết không? Tình yêu đặc biệt dành cho Mái ấm Vùng cao trong con như một hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa sang cả những người mà con yêu thương nhất và cũng yêu thương con nhất. Đó là món quà sinh nhật tuổi 30 mà người bạn đời dành cho con - một bức hình thật đẹp: Chiếc xe có dòng chữ Vùng cao Việt Bắc anh chụp được trong chuyến công tác miền Trung, là tiếng gọi với của mẹ chồng từ trên nhà xuống bếp “Con ơi! để đấy lên mà xem chương trình về trường Vùng cao Việt Bắc này!”, là niềm tự hào trong ánh mắt các con của con “Ngày xưa, mẹ tớ học trường Vùng cao Việt Bắc”, là một tháng đôi lần học trò của con giờ đã là sinh viên Đại học Thái Nguyên lại gửi cho con vài tấm hình chụp nơi đây, khi thì một góc giảng đường, khi thì hàng xà cừ mùa thay lá, lúc lại là hình ảnh một nữ sinh Vùng cao Việt Bắc trong sáng và thánh thiện...
Tất cả như cho con sống lại tuổi 17 của mình, sống lại những khoảnh khắc vô lo, vô nghĩ, chỉ biết nhận về mà chưa hề nghĩ đến chuyện cho đi. Chỉ đến hôm nay, khi đã đứng ở vị trí người thầy, con mới thấm thía hết những nhọc nhằn của thầy cô ở trường Vùng cao khi cùng một lúc phải đảm nhiệm hai vai trò: người Thầy, người Mẹ, người Cha. Con thấy mình thật may mắn khi được trưởng thành từ mái ấm ấy. Bạn bè con hôm nay và các thế hệ cha anh đi trước, có những người đã có những vị trí công tác cao trong xã hội, có những người lại có cuộc sống giản dị, khiêm nhường nhưng chắc chắn có một điểm chung: Chúng con hạnh phúc vì là học trò của nhà trường. Và dẫu có ở bất cứ nơi đâu, trong trái tim chúng con vẫn vẹn nguyên một niềm tự hào mang tên Vùng cao Việt Bắc.
Trường Vùng Cao Việt Bắc đã bước sang tuổi 60 - Sáu mươi năm, một hành trình dài đầy gian nan thử thách và cũng tràn ngập yêu thương tình nghĩa. Trên hành trình ấy, có bóng dáng bao thế hệ đã đi qua và đã ở lại, trong đó có cô trò mình!
Cô ơi! Đợi con, con sẽ về, cô nhé!